Bài 25 – Sách Ngôn sứ I-sai-a

I. DẪN NHẬP

Tiếp tục tìm hiểu các sách ngôn sứ, hôm nay chúng ta đến với sách Ngôn sứ I-sai-a. Sách I-sai-a là bộ sách ngôn sứ lớn nhất trong Thánh Kinh và được xem là cuốn sách quan trọng nhất trong số các sách ngôn sứ. Lời giảng dạy của I-sai-a là sự pha trộn giữa cái nhìn sâu sắc về luân lý đạo đức, những cảnh báo rất thực tế trước những tai họa và niềm hy vọng tầm xa. Tất cả những điểm này đã biến I-sai-a thành vị ngôn sứ có tầm nhìn sâu sắc nhất trong Cựu ước. Những lời giảng của I-sai-a không đi vào quên lãng nhưng đã trở thành nguồn mạch suy tư và chiêm nghiệm của Ít-ra-en sau này. Những sấm ngôn của ông tạo cơ sở cho niềm hy vọng của các ngôn sứ đến sau ông trong thời kỳ lưu đày. Chúng cũng khởi xướng niềm mong đợi Đấng Cứu thế nơi các ngôn sứ hậu lưu đày. Đặc biệt, các Ki-tô hữu thời sơ khai thường trích dẫn I-sai-a hơn bất cứ sách nào khác trong Cựu ước để giải thích ý nghĩa việc Đức Giê-su, Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

II. BỐ CỤC SÁCH I-SAI-A

Như đã nói ở trên, sách I-sai-a là một tác phẩm dài nhất trong các sách ngôn sứ bao gồm 66 chương. Theo truyền thống, toàn bộ 66 chương này được gán cho I-sai-a là tác giả. Ngày nay khi nói đến sách I-sai-a, nhiều học giả, dựa trên nền tảng văn chương và lịch sử, cho rằng cuốn sách này được chia ra thành ba phần ứng với ba giai đoạn lịch sử khác nhau và được soạn thảo bởi các tác giả khác nhau.

  • I-sai-a Đệ Nhất (ch. 1-39), ứng với giai đoạn trước lưu đày, bao gồm:
    – Các lời sấm về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem (ch. 1-12)
    Các lời sấm chống dân ngoại (13-23)
    Những lời tiên báo về thời cánh chung (24-27)
    Bộ sưu tập những bài ca về Ít-ra-en và Giu-đa (28-35)
    – Và Phụ chương lịch sử (ch. 36-39)
  • I-sai-a Đệ Nhị (ch. 40-55), ứng với giai đoạn trong khi lưu đầy bên Ba-by-lon, loan báo:
    – Sự khởi đầu của kỷ nguyên mới
    Vương quyền Đức Chúa trong vinh quang
    – Và 4 bài ca về “Người Tôi Trung”
  • I-sai-a Đệ Tam: Sách vinh thắng (ch. 56-66), ứng với giai đoạn phục hưng, trình bày cho chúng ta:
    – Ơn cứu độ phổ quát (ch. 56-57)
    Giữ chay tịnh và ngày Sa-bát (58-59)
    Vinh quang của Giê-ru-sa-lem mới (60-62)
    – Cuộc đại chiến cuối cùng (63-64)
    – Và “Trời mới, đất mới” (65-66)

III. NỘI DUNG

1. I-sai-a là ai?

Danh xưng “I-sai-a” (y’sha’yah) trong nguyên ngữ Do-thái có nghĩa là “Đức Chúa là Đấng Cứu Độ”. I-sai-a con của A-mốt, là người mộ mến các truyền thống của Giê-ru-sa-lem, là người có học và khôn ngoan. I-sai-a được gọi làm ngôn sứ của Chúa “vào năm vua Út-di-gia-hu băng hà” (6,1), tức là năm 742 TCN. Ông kết hôn với một nữ ngôn sứ (8,3) và có hai người con.

2. I-sai-a đệ nhất (1-39)

Phần thứ nhất của I-sai-a, hay còn được gọi là sách Đe dọa. Ngôn sứ I-sai-a làm sứ giả của Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem vào thời nước Át-sua chiếm ưu thế (cuối thể kỷ VIII tCN). Ông là người vô địch, bất khuất trong việc bảo vệ niềm tin vào Thiên Chúa thánh thiện và tối cao. Đối với I-sai-a, Thiên Chúa là Đấng Thánh của Ít-ra-en. Lời tuyên xưng ba lần: “Thánh, Thánh, chí Thánh” (Is 6,3) không gì khác hơn là tuyên xưng sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa Ít-ra-en.

I-sai-a nhiều lần tiên báo về Đấng Mê-si-a. Dưới nhãn quan của I-sai-a, Đấng Mê-si-a được mong đợi như là một vị vua đến từ nhà Đa-vít. Khi nhà Giu-đa không còn vua, niềm hy vọng của những người Do-thái vào vị vua theo dòng tộc Đa-vít đã bị ngắt quãng và niềm hy vọng đó được chuyển qua cho Đấng Mê-si-a, Đấng mà dân Do-thái tin là sẽ tiếp tục vương quyền Đa-vít (Is 7,14). Đấng Mê-si-a xuất hiện để giải thoát dân Người (x. Is 9,1-6).

Ông cũng kêu mời nhà vua và dân thành Giê-ru-sa-lem phải tin cậy vào Thiên Chúa và phục tùng Người trong mọi hoàn cảnh. Sự cần thiết của đức tin, sự phó thác vào Thiên Chúa và lòng trung thành vào đức chính trực của Đức Chúa là một điểm khác được tìm thấy trong toàn bộ sách I-sai-a. I-sai-a hiểu đức tin không phải bằng ý niệm triết lý trừu tượng, nhưng là một sự trả lời xứng hợp cho Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối đáng tin cậy, một Thiên Chúa cụ thể dấn thân vào lịch sử của các dân tộc.

3. I-sai-a Đệ nhị: sách An ủi (40-55)

Phần thứ hai của I-sai-a (40-55) đôi khi được gọi là sách “An ủi” dân Ít-ra-en. Phần này nói đến những người Ít-ra-en bị lưu đầy ở Ba-by-lon. Trong bối cảnh lưu đầy, tác giả loan báo rằng vị cứu tinh đang đến, Người sắp giải phóng dân Người ngay trong hoang địa. Người sẽ vạch ra con đường dẫn đến Đất hứa. Tác giả cũng công bố rằng: Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất của hết mọi dân tộc sẽ đến với ánh sáng huy hoàng.

Những sứ điệp I-sai-a mang đến lại đụng chạm đến những người cầu an, ngại khó, đang thịnh vượng ngay trong cảnh lưu vong, và làm mất lòng những người Ít-ra-en đang nuôi chí căm hơn đối với ngoại bang. Trong hoàn cảnh như vậy, ngôn sứ đã ca lên bài thi ca của người tôi trung của Đức Chúa. Thiên Chúa dùng người tôi trung làm Giao ước, làm ánh sáng soi cho muôn dân, Bị ngược đãi, bị tra tấn, bị đánh đập, người tôi tớ cam chịu và vui lòng lãnh lấy án tử để giải phong dân chúng khỏi ách tội luỵ và để hoàn thành công trình cứu chuộc (x. Is 42,1-9; 49,1-13; 50,4-11; 53,3-11).

4. I-sai-a đệ tam: sách Vinh thắng (56-66)

Phần thứ ba của I-sai-a còn được gọi là Sách Vinh thắng. Những sấm ngôn của I-sai-a đệ tam được loan báo trong bối cảnh lịch sử sau lưu đày. Tác giả tiên báo Thiên Chúa sắp thực hiện một cuộc sáng tạo “trời mới đất mới”.

Giê-ru-sa-lem trở thành hình ảnh ưa chuộng để diễn tả sự can thiệp rõ ràng của Thiên Chúa, mà người ta vẫn hy vọng. Niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

Tuân giữ ngày Sa-bát là điều luật cho tất cả những ai coi mình là thành phần của cộng đoàn Do-thái. Việc tuân thủ ngày Sa-bát được trình bày như một tuân thủ mang tính sống còn.Dưới nhãn quan của I-sai-a đệ tam, dân ngoại cũng được chấp nhận trong cộng đoàn của Ít-ra-en. Dân ngoại sẽ đến thờ phượng tại Xi-on, và ngay cả một số sẽ được chấp nhận để phục vụ như tư tế và Lê-vi. Đền thờ trở thành nhà cầu nguyện cho muôn dân. Như thế, I-sai-a đệ tam trình trình bày cho chúng ta thấy tính phổ quát của ơn cứu độ: tất cả các dân cùng với Ít-ra-en làm nên một cộng đồng phụng vụ vĩ đại.

IV. KẾT

Sau khi tìm hiểu tổng quan sách Ngôn sứ I-sai-a, chúng ta có thể nhận thấy rằng tất cả những gì I-sai-a loan báo được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su.

  • Trước hết, việc I-sai-a loan báo cho vua A-khát về người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en, được thánh sử Mát-thêu lấy lại để loan báo việc một trinh nữ, Đức Maria, sẽ sinh hạ một con trai và Giu-se đặt tên cho con trẻ là Giê-su để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã loan báo.
  • Thứ đến, các tác giả Tin mừng trình bày cho ta thấy rằng Đấng Mê-si-a mà Ít-ra-en mong đợi chính là Đức Giê-su. Người là con Đa-vít, là Thủ Lãnh hòa bình. Triều đại của Người tồn tại đến muôn đời.
  • Thêm vào đó, các tác giả Tân ước còn nhìn thấy Người Tôi Trung là Đức Giê-su, được Thiên Chúa yêu mến và tấn phong (Mt 3,16-17; (Is 42,1), diệu hiền và khiêm nhường (Mt 12,17-21; Is 42,1-4), mang lấy những yếu hèn của ta (Mt 8,17; Is 53,4), để phục vụ và thí mạng (Mt 20,28; Is 53,11-12), chết và sống lại thành ánh sáng muôn dân (Cv 13,47; Is 49,6).

Sau cùng, tính phổ quát của ơn cứu độ mà ngôn sứ I-sai-a nói đến (Is 56,7) sẽ được tỏa chiếu lên từ thập giá: từ thập giá, mọi dân tộc sẽ nhận ra Thiên Chúa Chí Thánh. Trong Người Con, muôn dân sẽ nhận ra Thiên Chúa Cha, là Thiên Chúa duy nhất, Đấng tự mạc khải trong bụi gai bừng cháy. Với cuộc Phục Sinh của Người, việc tôn thờ Thiên Chúa bắt đầu với một dạng thức mới, không còn ở trên núi nay hay núi nọ nữa, nhưng trong “Thần Khí và Chân Lý” (Ga 4,24).

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Phú

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org