Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Miền Bắc: Những dấu chỉ và cơ hội

Để đáp ứng phần nào nhu cầu và những thao thức của người trẻ, Giáo hội đã có sáng kiến tổ chức Đại hội giới trẻ ở các tầm mức từ thế giới cho tới địa phương. Nhờ đó, mỗi kì Đại hội Giới trẻ là dịp để các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ nhau, gặp gỡ Giáo hội và nhất là gặp được Thầy Giê-su, được Ngài dạy dỗ, biến đổi và sai đi. Trong chiều hướng đó, mỗi kì đại hội giới trẻ của Giáo tỉnh miền Bắc cũng nhắm mục đích để Giáo hội, qua các vị chủ chăn và những người có trách nhiệm lắng nghe được tiếng Chúa qua chính những thao thức của người trẻ, xen lẫn những vui mừng, niềm tự hào và cả những lo âu. Để rồi từ đó tiếp tục hy vọng, khiêm tốn để Chúa Thánh Thần hoạt động và thánh hóa tâm hồn người trẻ. Nhờ đó, người trẻ có nhiều hơn cơ hội để đối thoại và được lắng nghe tiếng Chúa, để những khát vọng của họ được chính ánh sáng của Tin Mừng làm cho nên tròn đầy, giúp họ nên những chứng nhân đích thực và can trường của Chúa giữa lòng thế giới. Hơn nữa để những kì đại hội không chỉ dừng lại ở mặt hình thức, nhưng sẽ đi vào chiều sâu để giúp người trẻ nhận ra những dấu chỉ và những cơ hội để thăng tiến đời sống đức tin.

1. Đại hội giới trẻ – Một dấu chỉ

Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện các dấu chỉ của thời đại trên con người và trong thế giới, nhất là trên Giáo hội và nơi người trẻ, những người là dấu chỉ hữu hình và hiện tại nhất của Nước Trời. Đại hội giới trẻ có lẽ là một trong những cách để Thiên Chúa tiếp tục thực hiện dấu chỉ ấy. Qua đó con người, nhất là người trẻ, chúng ta nhận ra một Thiên Chúa sống động giữa lòng Giáo hội và trên thế giới, một Thiên Chúa mà chỉ có Ngài có thể làm thỏa mãn mọi khát vọng của con người.

a. Dấu chỉ của phép lạ

Những phép lạ vẫn xảy ra hằng ngày với những người có lòng tin. Dưới lăng kính đức tin, Đại hội giới trẻ cũng chính là một phép lạ tuyệt vời mà Thiên Chúa, qua Giáo hội đang thực hiện trên các bạn trẻ, trước sự chứng kiến của bao người dù có lòng tin hay không. Những phép lạ mà  chỉ Thiên Chúa mới có thể thực hiện. Thật vậy, nhìn vào các kì đại hội, ai nếu không phải chính Thiên Chúa mới có thể quy tụ các bạn trẻ quanh Đức Ki-tô. Chẳng một chủ thuyết hay một hệ tư tưởng nào, dù hay và hấp dẫn đến mấy, có thể quy tụ nhiều bạn trẻ đến với Chúa như vậy. Những kì đại hội với sự tổ chức công phu từ số lượng cho tới chất lượng, từ hình thức cho tới chiều sâu xoay quanh một bạn trẻ mang tên Giê-su đã khiến nhiều người chỉ còn biết thốt lên “amazing” – thật là một phép lạ giữa thế giới hôm nay…

b. Dấu chỉ sự hiệp hành

Nếu hiệp hành (Synod) là cùng đi trên một con đường, thì có lẽ Đại hội giới trẻ là một trong những dấu chỉ rõ nhất về việc hiệp hành của Giáo hội, cách riêng của người trẻ. Nơi đó, hàng vạn bạn trẻ đã đi cùng nhau trên một con đường mang tên Giê-su, để cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những sợ hãi, những thách đố và cả những ước mơ của mình cho Chúa và cho nhau.

Cũng chính nơi đây, từng bạn trẻ có cơ hội thi hành cách tích cực ba chiều kích của hiệp hành: họ sẽ cùng nhau tham gia cách tích cực vào mọi hoạt động của đại hội, từ các giờ chơi, các bài hát, cử điệu, sinh hoạt, các cuộc nói chuyện, chia sẻ, gặp gỡ cho tới đỉnh cao là Thánh lễ, nơi tất cả được tham dự vào bàn tiệc thánh; các bạn sẽ cùng hiệp thông với nhau trong từng bài ca, trong giờ Chầu Thánh Thể linh thiêng, nơi Bí tích Giao hòa, và nhất là trong Thánh lễ, nơi họ được hiệp thông trọn vẹn với Đức Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể; cũng nơi đây họ sẽ thể hiện sự hiệp hành khi thực hiện sứ vụ của mình là cùng lắng nghe, cùng chia sẻ đức tin và làm chứng về đức tin của mình…

Làm sao có một kì đại hội thành công nếu không có sự hiệp hành của mọi thành phần, từ các vị chủ chăn, ban tổ chức cho tới những nhân vật chính là các bạn trẻ, khi họ cùng chung tay trong từng nhiệm vụ và vai trò riêng của mình để làm nên một ngày hội, nơi hình ảnh Chúa Ki-tô và Giáo hội được tỏa sáng. Nhờ đó, kì Đại hội nổi lên trước mắt con người ngày nay một hình ảnh Giáo hội hiệp hành trong tình yêu và sự hiệp nhất một cách cụ thể, sống động nơi mọi thành phần trong Giáo hội.

c. Dấu chỉ tình yêu

Đại hội giới trẻ, nơi sự hiệp hành được cụ thể hóa, cũng là nơi các bạn trẻ thể hiện tình yêu của mình dành cho Đức Ki-tô và Giáo hội. Nếu không có tình yêu, thì có lẽ việc phải hy sinh thời gian, sức khỏe và cả những dự án riêng tư, để đến và hiệp hành với nhau trong đại hội có lẽ là điều không tưởng, nhất là với những người đang ở độ tuổi chỉ muốn làm những điều mình thích và không muốn phụ thuộc vào bất cứ ai về cả không gian hay thời gian. Nhưng chính tình yêu Đức Ki tô đã thúc bách, biến đổi và lôi kéo người trẻ đến với Ngài. Nhờ tình yêu ấy, tất cả các kì đại hội đã cho thấy động lực chính để mọi người quy tụ nơi đây là vì tình yêu Đức Ki-tô và với Giáo hội, cũng như để thể hiện nỗi thao thức và tình yêu của các bạn trẻ với những nỗi thao thức và tình yêu với những con người cụ thể, mà Giáo hội đang muốn hướng các bạn trẻ tới để phục vụ và cho đi, nhất là trong một thế giới kĩ nghệ và đang “ảo hóa” giới trẻ, khiến giới trẻ quên mất những thực tại hữu hình và có thể đụng chạm cách sống động nhất xung quanh mình…

2. Đại hội giới trẻ – Những cơ hội

Cuộc đời được dệt lên bởi những cơ hội và chính cuộc đời là một cơ hội để sống, để yêu và được yêu, để cho đi, để tha thứ, để bao dung… và nhất là để… làm và là người. Có những cơ hội chỉ đến một lần, nhưng cũng có những cơ hội đến rồi đi, nhưng rồi lại đến, mà nếu chúng ta không biết tận dụng, những cơ hội sẽ trôi qua mãi mãi trong tiếc nuối. Những cơ hội luôn đến với chúng ta mỗi ngày nơi chính mình, nơi người khác, trong vũ trụ thiên nhiên, nhất là nơi Thiên Chúa, Đấng làm chủ và luôn trao ban cơ hội vì Tình Yêu. Vì thế, nếu cuộc đời không còn những cơ hội và con người không còn tạo ra những cơ hội, chắc chắn mọi sự sẽ biến tan.[1] Trong chiều hướng đó, Đại hội giới trẻ mở ra vô số cơ hội cho người trẻ để được lớn lên và trổ sinh hoa trái dưới ánh sáng Tin Mừng.

a. Cơ hội cho những mục tử và người hữu trách

Sứ mạng của các mục tử và những người hữu trách trong việc đào tạo và hướng dẫn giới trẻ vẫn luôn là một trong những sứ mạng hàng đầu của Giáo hội, nhưng cũng là một sứ mạng mang nơi đó đầy thách thức và khó khăn về nhiều phương diện. Dẫu vậy, chính nơi các Đại hội giới trẻ, những cơ hội được mở ra cho cuộc đối thoại thân tình giữa mọi thành phần, nhất là giữa các chủ chăn và người trẻ. Nhờ đó, những chủ chăn và người có trách nhiệm có thể làm mới lại chính mình cách nào đó sống lại cái tuổi mà mình đã trải qua, để một lần nữa học cách sống như người trẻ, ăn như người trẻ, nghe như người trẻ, nói như và với người trẻ bằng ngôn ngữ của người trẻ, cũng như lắng nghe những thao thức của người trẻ. Để nhờ đó, Giáo hội biết người trẻ đang cần gì, đang sợ gì và đang khao khát điều gì để có thể đáp ứng và giải quyết theo tinh thần của Chúa và Giáo hội. Đây cũng là cơ hội để Giáo là biết khiêm tốn nhìn nhận những dấu chỉ của thời đại, để dám cúi xuống và đi cùng người trẻ, lắng nghe họ và đồng cảm với họ. Từ đó, luôn xây cho họ những bể bơi, thay vì xây những đầm lầy[2], xây những cây cầu thay vì dựng những bức tường, vì chỉ người trẻ mới có thể viết tiếp và hoàn tất những ước mơ chưa tròn của các thế hệ đã qua…

b. Gặp gỡ

Con người là một sinh vật gặp gỡ và luôn có nhu cầu gặp gỡ: Gặp gỡ Chúa, gặp gỡ Giáo hội và gặp gỡ nhau. Đại hội giới trẻ chắc chắn là một dịp mở ra cho con người nhất là người trẻ những cơ hội, những cơ hội mà chỉ Thiên Chúa mới có thể mang lại và lấp đầy trái tim thao thức của người trẻ. Nơi đây các bạn trẻ được gặp gỡ Thiên Chúa, nhất là gặp gỡ bạn trẻ Giê-su, Đấng mà các bạn đã yêu, tôn thờ và muốn bước theo. Cũng nơi đó, họ gặp Giáo hội, nơi họ thuộc về, để có thể lắng nghe, đụng chạm vào Thân Mình của Đức Ki-tô. Nhờ đó, người trẻ thấu hiểu tình yêu và nỗi thao thức, niềm tin và hy vọng mà Giáo hội dành cho mình, để hun đúc tình yêu của họ với Giáo hội nơi Đức Ki-tô, những thực tại mà đôi khi hay nhiều lúc các bạn đã lãng quên. Cũng nơi đó, các bạn trẻ được gặp gỡ nhau, những con người sống động và cụ thể, cùng đức tin, cùng phép rửa, và cùng một niềm tin vào Đức Ki-tô và Giáo hội… Và cũng nơi đây, họ gặp gỡ chính mình để nhìn nhận mình, bởi nhiều khi sự xô bồ khiến họ mất ý thức về sự hiện hữu của chính mình. Nhờ đó, người trẻ có cơ hội để làm mới lại niềm tin, mới lại các mối tương quan mà cách nọ hay cách kia đã bị rạn nứt, nhưng nay được chữa lành và sinh hoa trái…

c. Hun đúc đức tin

Cuộc sống nhất là phong trào thế tục, đôi khi làm đức tin của các bạn trẻ bị lung lay chao đảo, mất định hướng, nhất là khi không có một nền tảng vững chắc. Nơi đây, qua đại hội, nhờ gặp gỡ, chia sẻ, nhờ lắng nghe, và được lắng nghe, đức tin của họ phần nào được hun đúc và củng cố theo đúng tinh thần của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội. Nhờ đó, đức tin của người trẻ được củng cố, để có những hành trang và sức mạnh cần thiết, đủ sức chống lại những trào lưu của thế giới cùng vòng xoáy của cuộc đời, nhất là trong một thời đại mà Đức cố Giáo hoàng Biển Đức gọi là khủng hoảng đức tin, thời đại mà “tin” như là một lựa chọn khó khăn trong thế giới hôm nay[3].

c. Lắng đọng để lắng nghe

Cuộc sống vội vã và quá nhiều những tạp âm của cuộc đời, nhất là trong thời đại kĩ nghệ, khiến người trẻ bị phân tán và mất định hướng hay bị lệch tâm. Đại hội giới trẻ, nhất là Thánh lễ là cơ hội thuận tiện và quý giá để lắng đọng tâm hồn, thoát ra khỏi những ồn ào của thế giới và con người. Nhờ đó, chính nơi đây, người trẻ có cơ hội để lắng nghe được tiếng Chúa, âm thanh dịu dàng và trong trẻo có sức biến đổi, mà đôi khi hay nhiều lúc các bạn lãng quên và rơi vào trạng tháng mông lung, lạc lõng giữa đời. Đây cũng là nơi để bạn được lắng nghe và gặp gỡ thân tình chính Chúa qua các buổi chia sẻ, các giờ chầu, các giờ cầu nguyện riêng tư trước Chúa Giê-su Thánh Thể, và nhất là nơi Thánh Lễ, để phân định và tìm ra ý Chúa nơi cuộc đời mình và sẵn sàng dấn bược. Cũng chính nơi đây, các bạn trẻ cũng có cơ hội được lắng nghe khi chia sẻ những thao thức nơi các buổi hội thảo hay cuộc gặp gỡ các chủ chăn, hay chính các bạn lắng nghe và được lắng nghe nhau. Nhờ đó, thế giới nơi các bạn trẻ được mở ra để can đảm đi vào thế giới như những sứ giả mang tình yêu và hòa bình thấm đẫm giá trị Tin Mừng vào chính bậc sống và môi trường mà mỗi người trẻ đã, đang và sẽ trở nên…

d. Ra khỏi vùng an toàn

Khi thế giới và con người ngày càng đạt tới những đỉnh cao của sự phát triển, thế giới con người tưởng như sẽ trở nên an toàn và bình an hơn. Thế nhưng, thực trạng thế giới và con người ngày nay thật đáng buồn khi vẫn còn đầy dẫy nhưng bất an, nhất là khi con người tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi, đau khổ và chết chóc cho nhau: chiến tranh, hận thù, bạo lực, xung đột, chia rẽ… Tất cả những điều đó tác động trực tiếp đến con người, nhất là những người trẻ, khi tương lai của họ vẫn còn phía trước. Những bất an đó khiến người trẻ đôi khi xây dựng cho mình những pháo đài để rồi đóng kín bản thân và con người mình trong những vỏ sò của các vùng an toàn, để rồi nơi đó họ trở nên ích kỉ và không biết đến thế giới và người khác, nhất là trên thế giới ảo nơi mạng xã hội. Dẫu biết không ai không sợ cái gì và cũng chẳng ai cái gì cũng sợ[4], nhưng nhiều bạn trẻ không sợ những điều đáng sợ, nhưng lại sợ những thứ chẳng đáng sợ và không nên sợ, để rồi họ co cụm và không dám bước ra khỏi chính mình và đi vào thế giới. Đại hội Giới trẻ cũng như các phong trào của Giáo hội luôn là lời của chính Chúa kêu mời các bạn “đừng sợ”“sự sợ hãi tước đi trong chúng ta ước muốn và khả năng gặp gỡ người khác”[5]. Trái lại, hãy bước ra khỏi thế giới co cụm và ảo của mình, để đi vào thế giới thật, xây dựng những tương quan thật và làm cho Lời Chúa được thấm nhiễm và nảy sinh giữa con người về thế giới hôm nay bằng chính những phương tiện và thành tựu của con người, mà trong đó có sự đóng góp tài năng của chính các bạn… Đây cũng là dịp để các bạn trẻ có cơ hội tập sống chậm lại, và can đảm để buông bỏ những gì là dính líu và không cần thiết cho sứ vụ và đức tin của mình…

e. Trực tiếp chứ không trực tuyến

Sự phát triển công nghệ dường như cách nào đó ảnh hưởng và đe dọa đến sự tiếp xúc trực tiếp của con người với con người, nhất là giới trẻ, những người thích ứng rất nhanh, nhưng đôi khi quá vội vã với công nghệ và thế giới ảo. Để rồi, với chiếc smartphone, đôi khi họ quên tất cả những thực tại xung quanh mình, kể cả cha mẹ hay những người thân yêu nhất, nhất là bị não trạng và làn sóng vô cảm dửng dưng nhấn chìm trong thế giới ảo. Đại hội giới trẻ, nơi các bạn được gặp gỡ cách trực tiếp chứ không còn là trực tuyến với con người. Nhờ đó, các bạn có cơ hội bước ra khỏi thế giới ảo và rời bỏ chiếc smartphone cũng như gác lại bao dự định hay những đam mê để được gặp gỡ Chúa, gặp gỡ nhau. Từ đó, họ cảm nhận được tình yêu thật mà các bậc cha mẹ và những người hữu trách dành cho họ và muốn họ cũng trao ban tình yêu thật ấy cách trực tiếp trong cuộc sống chứ không phải trên mạng hay trực tuyến, những nươi dễ dàng đánh lừa và làm mất đi sự nhạy bén và cảm xúc thật của con người…

Và còn nhiều hơn nữa những cơ hội mà chính Đức Ki-tô qua Giáo hội vẫn mở ra, đặc biệt nơi các Đại hội giới trẻ, để kêu mời các bạn trẻ, hãy tận dụng để nên muối men và ánh sáng của Chúa trong thế giới hôm nay…

Tắt một lời, chắc chắn những di sản, những giá trị, và những hoa trái cụ thể trổ sinh, cùng với những dấu chỉ và cơ hội mà mỗi kì Đại hội mang lại luôn cao hơn và không bao giờ làm cho những công khó, những giọt mồ hôi, nước mắt của mọi người nên vô ích. Bởi với niềm xác tín vào một Đức Ki-tô đang sống, Giáo hội luôn tin Thiên Chúa luôn có cách làm cho những tâm hồn trẻ được nuôi dưỡng, được chữa lành, được biến đổi, và nhất là làm đầy, làm thỏa mãn những khát vọng khôn nguôi mà thế giới và con người không thể lấp đầy… Dù thế giới đổi thay nhưng chắc chắn giới trẻ luôn là trái tim giữa lòng thế giới, và của Giáo hội. Để rồi Thiên Chúa qua Giáo hội tiếp tục thao thức cũng như gieo hy vọng nơi những tâm hồn trẻ, và dành cho họ một chỗ đứng quan trọng nhất trong trái tim của mình…

Thất Nguyễn


[1] Cf. https://gpbuichu.org/news/bai-chia-se/nhung-co-hoi-trong-cuoc-doi-14439.htmlđầm lầy

[2] Cf. https://giaoxuxambo.org/nghich-ly-tuoi-truong-thanh/

[3] Cf. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Dẫn nhập đức tin Ki-tô giáo, Nxb. Tôn Giáo, tr. 71

[4] Cf. https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/con-nguoi-va-virus-so-hai-14471.html

[5] Cf. Denis Kulandaisamy, ÓM và Yesu Karrunanidhi, Đức Maria, hình ảnh của Giáo hội hiệp hành, Nxb Tôn Giáo, Tr. 61

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org