I. DẪN NHẬP
Trong bài học trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu hai sách các Vua. Trong bài học này, chúng ta đến với hai cuốn sách Sử biên niên. Trong bộ Thánh Kinh Ki-tô giáo, hai cuốn này được sắp xếp ngay sau sách các Vua. Phần lớn những chi tiết trong hai sách Sử biên niên lặp lại những chi tiết trong sách Sa-mu-en và sách các Vua. Nếu đọc tất cả những cuốn sách này với nhau, chúng ta khó có thể hiểu được bối cảnh lịch sử cũng như mục đích và ý nghĩa mà tác giả sách Sử biên niên muốn trình bày.
Trên thực tế, sách Sa-mu-en và các Vua, được biên soạn theo truyền thống Đệ nhị luật, tập trung vào lời sấm. Còn hai sách Sử biên niên, được biên soạn theo truyền thống Tư tế, tập trung vào việc thờ phượng. Do đó, trong bộ Thánh Kinh Do-thái, hai cuốn sách Sử biên niên không được đặt ngay sau sách các Vua. Chúng được liệt kê vào các sách Văn chương và là hai cuốn sách cuối cùng của bộ Thánh Kinh. Theo cách sắp xếp này của người Do-thái, chúng ta có thể có cái nhìn sâu sắc hơn về bối cảnh lịch sử cũng như mục đích và thông điệp nền tảng mà tác giả của hai cuốn sách Sử biên niên muốn trình bày cho chúng ta.
II. BỐ CỤC
Hai sách Sử biên niên có thể được chia thành bốn phần chính:
Phần I: Danh sách các gia phả từ A-đam cho đến Giu-đa hậu lưu đày (1 Sbn 1-9)
Phần II: Lịch sử triều đại Đa-vít (1 Sbn 10-29)
Phần III: Lịch sử triều đại Sa-lô-môn ( 2 Sbn 1-9)
Phần IV: Các vua Giu-đa cho đến hết thời kỳ lưu đày (2 Sbn 10-36)
III. NỘI DUNG
1. Bối cảnh lịch sử hình thành hai cuốn sách Sử biên niên
Hai cuốn sách Sử biên niên cho chúng ta hiểu biết tốt nhất về cuộc sống của Ít-ra-en hậu lưu đày. Trước hết, do thế giới của Ít-ra-en đã thay đổi sau cuộc lưu đày, các nhà lãnh đạo hàng Tư tế cảm thấy có nhu cầu phải cập nhật lịch sử Ít-ra-en, phải giải thích lại đúng đắn vai trò của các vua trong lịch sử của Ít-ra-en và phải nhấn mạnh vai trò đền thờ Giê-ru-sa-lem như địa điểm chủ yếu của việc thờ phượng. Thêm vào đó, thời hậu lưu đày, có vẻ như dân Ít-ra-en đã mất đi cảm quan mình là dân tộc của Giao ước, dần rơi vào các cuộc hôn nhân với người ngoại giáo dẫn đến mất đức tin. Do vậy, cần thiết phải có những đổi mới triệt để. Những đổi mới này được trình bày trong hai cuốn sách Sử biên niên.[1]
Như vậy, hai cuốn sách được viết cho những người Ít-ra-en hậu lưu đày, những người không biết đến đền thờ Giê-ru-sa-lem, chưa bao giờ nhìn thấy Giê-ru-sa-lem nguy nga tráng lệ được xây dựng bởi những vị vua vĩ đại của họ. Tuy nhiên, sách Sử biên niên không phải một tác phẩm lịch sử thuần tuý, mà là “biên niên toàn bộ Lịch sử thánh”. Đây là một tác phẩm thần học lịch sử. Tác giả ghi lại từ thời tạo dựng cho tới khoảng năm 400 TCN để cho thấy những điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện trong mọi khoảnh khắc của lịch sử.
2. Mục đích của tác giả
Hai sách Sử biên niên được viết ra để nhắc nhớ con cái Ít-ra-en hậu lưu đày về 3 điểm: Nguồn gốc, phẩm giá và căn tính tôn giáo của họ. Trước hết, về nguồn gốc, tác giả nói cho con cái Ít-ra-en hậu lưu đày biết họ là ai và họ đến từ đâu. Thứ đến, tác giả nhắc nhớ con cái Ít-ra-en hậu lưu đày rằng họ thuộc về hàng vương giả. Cuối cùng, tác giả nhắc nhớ họ rằng họ là Dân của Thiên Chúa. Cha ông họ đã thờ phượng Thiên Chúa nơi Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Sau khi đền thờ bị phá huỷ, các ngôn sứ đã tái thiết đền thờ và nền phụng tự. Bởi vậy, căn tính của dân Ít-ra-en chính là “tán tụng Thiên Chúa”.
3. Sứ điệp chính của Sử biên niên[2]
Như đã nói ở phần Dẫn nhập, hai sách Sử biên niên trong nhiều chương thường lấy lại từng dòng từng chữ trong các sách Sa-mu-en và sách các Vua. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể nhìn ra một sứ điệp riêng biệt khi so sánh thấy được nhiều đoạn bỏ qua những vấn đề trong sách các Vua hoặc thêm vào những dữ liệu mới.
Trước hết, tác giả sách Sử biên niên bỏ qua tất cả những khuyết điểm, tội lỗi của Đa-vít, chẳng hạn như tội ngoại tình, hay tội tự động kiểm tra dân số. Vậy, tại sao những sự việc này không được trình bày trong sách Sử biên niên? Với cái nhìn của tác giả Sử biên niên, Đa-vít là một thánh vương, một nhà lãnh đạo thánh thiện và luôn trung thành thờ kính Đức Chúa. Tất cả các tội của vua đều được gạt sang một bên hay giảm nhẹ. Thay vào đó, tác giả Sử biên niên ca tụng vua nhiều hơn cả sách các Vua. Tác giả nhấn mạnh vừa là người soạn các Thánh vịnh, thành lập các hội Lê-vi để giúp việc trong đền thờ. Đa-vít không đích thân xây dựng đền thờ, nhưng trong Sử biên niên, vua được mô tả là đã chuẩn bị mọi thứ ngay cả những sơ đồ kiến trúc, đến độ Sa-lô-môn chỉ còn việc thực hiện.
Thứ đến, sách Sử biên niên còn mô tả Đa-vít là con người cầu nguyện. Hình ảnh Đa-vít như người sáng lập một cộng đoàn tập trung xung quanh đền thờ trở thành tiêu chuẩn dựa vào đó Sử biên niên phán xét lịch sử Ít-ra-en. Chẳng hạn, tác giả giải thích cuộc lưu đày và sự diệt vong của cả dân tộc là kết quả việc dân chúng không thờ phượng Thiên Chúa đúng cách. Cả những thất bại trong quá khứ cũng như gương thực tế đức tin của Đa-vít được nêu ra với mục đích làm bài học cho thấy nhu cầu bức thiết phải trả lại cho phụng vụ đền thờ những nghi thức đúng đắn và cũng có thể là phải tìm ra được một vị vua như Đa-vít, không chỉ đi tìm vinh quang chính trị nhưng lấy việc thờ phượng Thiên Chúa làm vinh quang đời mình.
Sau cùng, do những nhầm lẫn về vai trò của tư tế và các thầy Lê-vi trong phụng tự từ những truyền thống trước đây, tác giả Sử biên niên làm rõ mối tương quan giữa tư tế và các thầy Lê-vi. Ông giới hạn chức tư tế cho những người thuộc chi tộc A-ha-ron, nhưng bảo đảm cho các thầy Lê-vi một chỗ đứng quan trọng và thường xuyên trong phụng tự đền thờ qua việc giải thích chính Đa-vít đã thiết lập vai trò của họ là ca viên, nhạc cộng, giữ cửa, giúp lễ và canh giữ đền thờ cùng với các tư tế (1 Sbn 23-26).
Tóm lại, tất cả những gì được tác giả Sử biên niên ghi ra là để hoàn thành mục tiêu đem lại hy vọng cho Giê-ru-sa-lem vào thời kỳ dân chúng chán nản ê chề. Tác giả tán dương mọi công trình của Thiên Chúa trong lịch sử, truy lại nguồn gốc tất cả mọi lề luật trong đời sống và phụng tự từ thời các vĩ nhân của lịch sử Ít-ra-en: Ab-ra-ham, Mô-sê và Đa-vít. Tác giả đặc biệt muốn truy tìm nguồn gốc của sứ vụ tư tế và thầy Lê-vi trong những công trình quan trọng của Mô-sê và Đa-vít. Tuy nhiên, sách Sử biên niên nhấn mạnh đến vai trò của cầu nguyện, thờ phượng và các nghi lễ thanh tẩy như một lối sống.
III. KẾT
Biên niên toàn bộ Lịch sử thánh được kiện toàn nơi Đức Ki-tô, con Đa-vít, con Ab-ra-ham (x. Mc 1,1). Đức Ki-tô là Đấng kiện toàn triều đại Đa-vít. Người đến không phải để đi tìm vinh quang chính trị nhưng lấy việc thờ phượng Thiên Chúa làm vinh quang đời mình. Qua hy tế Thập giá và cuộc Phục sinh vinh hiển, Đức Ki-tô mặc khải cho chúng ta Người là Vua, là Đền thờ và là trung tâm của thờ phượng.
Như thế, trong Đức Ki-tô, chúng ta được liệt vào cội nguồn của Ít-ra-en, thuộc về gia phả của Ít-ra-en; chúng ta là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người (x. 1 Pr 2,9-10). Trong Đức Ki-tô, chúng ta trở nên đền thờ của Thiên Chúa (x. 1 Cor 3,16-17).
Hôm nay, chúng ta vẫn tiếp tục viết nên những trang sử thánh trong khi chúng ta còn đang lữ hành, còn đang chiến đấu với xu thế thời đại cho tới ngày Đức Ki-tô quang lâm. Vậy, chúng ta hãy viết những trang sử hào hùng bằng chính đời sống chứng tá của mình theo lời khuyên của Thánh Phao-lô: “Anh em thân mến, anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn. Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (1 Pr 2,11-12).
Lm. An-tôn Trần Văn Phú
[1] X. Lawrence Boadt, Dẫn Vào Cựu Ước, tr. 553.
[2] X. Lawrence Boadt, Dẫn Vào Cựu Ước, tr. 553-556.
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: