Bài 15: Sách Thủ Lãnh || Tổng quan Kinh Thánh

I. DẪN NHẬP

    Trong bài học trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu sách Giô-suê. Sau thời Giô-suê là thời gian định cư trong đất Ca-na-an. Đó cũng chính là nội dung bao quát của sách Thủ lãnh. Sách Thủ lãnh nhằm trả lời hai câu hỏi: Ít-ra-en, khi đã định cư trong Đất Hứa, làm thế nào để điều hành các việc xảy ra trong dân như ý Chúa muốn? và dân Thiên Chúa sẽ được điều hành ra sao khi mà những vị lãnh đạo chủ chốt như Mô-sê và Giô-suê không còn nữa?

    II. BỐ CỤC

      Bố cục của sác Các Thủ lãnh có thể được chia thành 3 phần lớn.

      – Phần I: Chương 1-2 mô tả tình hình Ít-ra-en sau khi Giô-suê mất.

      – Phần II: Chương 3 đến 16 kể câu chuyện 12 vị Thủ lãnh.

      – Phần III: Chương 17 – 21 ghi lại vài truyền thuyết về hai bộ tộc Đan và Ben-gia-min.

      Cả ba phần đều minh hoạ một bài học cho Ít-ra-en là Thiên Chúa sẽ đứng về phía họ khi họ trung thành và biết vâng lời, nhưng sẽ để họ rơi vào thảm hoạ là kết quả tội lỗi của họ, khi họ quay lưng lại với Giao ước và bất phục tùng Thiên Chúa.

      III. NỘI DUNG

      1. Thời Các Thủ Lãnh

        Thời đó Ít-ra-en không có vua, ai muốn làm gì thì làm” (Tl 17,6; 18,1; 19,2; 21:25). Đây là tình trạng mà sách Thủ Lãnh muốn đề cập đến trong thời kỳ từ sau Giô-suê (k. 1200 tCn) đến việc ngôn sứ Sa-mu-en xức dầu tấn phong Sa-un (k. 1020 tCn), vị vua đầu tiên của Ít-ra-en. Thời kỳ này được biết đến như là thời kỳ các Thủ Lãnh. Thời kỳ này, nền tảng xã hội là gia đình, dòng họ và bộ tộc.

        Thời các Thủ Lãnh, Ít-ra-en không có vua, không thủ phủ, không nghị viện, không chính phủ trung ương. Điều nối kết họ là văn hóa Xê-mít và niềm tin tôn giáo. Đức tin của họ vào một Thiên Chúa thật, tên ngài là Đức Chúa (Gs 24,18.21.24). Dấu chỉ bên ngoài và khả giác của sự hiệp nhất tôn giáo là Hòm Bia Giao Ước, dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Ít-ra-en. Chính nơi có Hòm bia Giao ước mà dân qui tụ để làm việc phụng tự. Một dấu chỉ khả giác nữa nói lên sự hiện diện và ơn cứ độ của Thiên Chúa trong thời kỳ này, đặc biệt trong những lúc khó khăn, đó là sự trỗi dậy của các Thủ lãnh để xét xử chuyện riêng từng chi tộc hay chuyện chung của toàn thể Ít-ra-en (Tl 19-20).

        2. Các Thủ Lãnh  Là Ai?

        Từ ngữ Do Thái Šōpĕtı̂m (shophet) có thể dịch ra là ‘người lãnh đạo’. Trong suy nghĩ của Xê-mít cổ, vai trò lãnh đạo bao gồm bảo vệ quyền lợi của dân vừa bằng hành động quân sự vừa bằng việc phán xét các tranh chấp về luật pháp. Từ ngữ “shophet” gần gũi với nghĩa ‘vua’, nhưng lại khác biệt với cơ cấu đó. Như thế, thủ lãnh, trước hết là một chiến sĩ quân sự hay một vị cứu tinh mang tính quân sự tạm thời (Tl 2,16; 3,6.15). Khác biệt với chức vụ của vua là chức vụ được cha truyền con nối, chức thừa kế, ơn gọi của các thủ lãnh dựa trên Thần Khí của Đức Chúa phú cho. Do đó, các Thủ lãnh được gọi là “các thủ lãnh đặc sủng” (x. Tl 4-5 với Đơ-vô-ra; 6-8 với Ghí-tôn; 13-16 với Sam-son).

        Nói tóm lại, nét giống nhau giữa các Thủ lãnh là những người được chọn bởi Thiên Chúa cho một sứ mạng giải thoát (Tl 3,9.15; 4,7; 6,14; 13,5) và đón nhận Thần Khí của Đức Chúa như một sự trao quyền để thực hiện những việc ngoại thường (Tl 3,10; 6,34; 11,29; 13,25; 14,6.19). Trong bối cảnh của Ít-ra-en thời đó, các thủ lãnh cũng được trình bày trong sách Thủ lãnh như những người đối nghịch với việc thờ thần Ba-an và những thần liên hệ, như các nữ thần Át-tô-rét và A-sê-ra (x. Tl 2,11; 6,25).[1] Con cái Ít-ra-en, khi mới bước vào Ca-na-an, phải đối diện và chung sống với các người địa phương, những người thờ thần Ba-an với những nghi thức liên hệ đến cuộc sống nông nghiệp. Do sự ảnh hưởng của dân địa phương và môi trường xã hội, tôn giáo mà con cái Ít-ra-en đã bắt chước nhưng nghi thức đó. Thực hành tôn giáo của con cái Ít-ra-en trong thời kỳ này vẫn còn riêng rẽ. Việc tế tự vẫn còn tự do, chưa được tập trung. Mỗi miền, ngay cả mỗi gia đình đều có thể dựng thánh điện. Gia trưởng chọn tư tế cho gia đình mình (x. Tl 17,5.10). Con cái Ít-ra-en có thể đi hành hương ở các đền thờ hay trung tâm tôn giáo lớn như Si-lô, Beth-El, Ghin-gan và Mít-pa.

        3. Truyền Thống Đệ Nhị Trong Sách Thủ Lãnh

        Đặc trưng của truyền thống Đệ nhị trong sách Thủ lãnh là những ghi nhận mang tính luân lý rất mạnh mẽ, văn phong giảng huấn, nhấn mạnh đến lời Thiên Chúa phán qua các nhà lãnh đạo hay các Thủ lãnh. Bàn tay các soạn giả theo truyền thống Đệ nhị hiện lên rõ ràng hơn trong sách Thủ lãnh. Trong sách này, sứ điệp là Thiên Chúa sẽ ở với Ít-ra-en nếu họ trung thành, nhưng sẽ để họ rơi vào tay quân thù nếu họ phản bội, được nghi lại cẩn thận bằng việc đặt mỗi câu chuyện riêng lẻ vào cùng một khuôn mẫu có dàn ý gồm 5 phần:

        • Dân làm điều gian ác trước mặt Đức Chúa
        • Thiên Chúa nổi giận, giao họ vào tay quân thù
        • Dân kêu cầu Đức Chúa
        • Đức Chúa gửi đến một anh hùng giải thoát họ
        • Đất nước lại được bình an trong suốt thời gian vị Thủ lãnh còn sống.

        5. Nội Dung Sách Thủ Lãnh

        Sách Thủ lãnh tiếp tục câu chuyện Ít-ra-en chinh phục và dần dần chiếm cứ toàn bộ vùng Ca-na-an. Sách kể những câu chuyện về thời kỳ các bộ tộc Ít-ra-en sinh sống trong vùng, kéo dài khoảng 200 năm từ 1250 đến khoảng 1050 tCn.

        Bộ sách theo dấu những chiến công của 12 vị thủ lãnh suốt thời kỳ này. Sáu thủ lãnh chỉ là những cái tên gắn với một sự cố duy nhất và hầu như không được nhớ tới: Sam-ga, Tô-la, Giai-a, Íp-xan, Ê-lôn và Áp-đôn. Kết quả họ thường được gọi là các Thủ lãnh nhỏ. Sáu thủ lãnh khác là những Thủ lãnh lớn: Ót-ni-ên, Ê-hút, Ba-rắc, Ghí-tôn, Gíp-tác và Sam-son. Họ nổi tiếng nhờ những chiến công oai dũng trong các trận đánh và thực sự là những tướng lãnh hơn là các thủ lãnh pháp quyền. Các chỉ huy quân sự này đã nổi lên vào những thời điểm nguy cập và đã đưa các chi tộc đến chiến thắng trong một hay nhiều trận chiến. Vì Thiên Chúa đã ghi lên họ những chỉ dấu đặc biệt, họ đã được tiếp tục tại vị để dẫn dắt các chi tộc trong thời gian khủng hoảng hoặc lâu hơn, nhưng không chuyển giao quyền lực lại cho con cái. Do được công nhận là những lãnh tụ, họ cũng hành xử quyền tài phán khi có tranh tụng hay cãi vã giữa các chi tộc.

        Trong cái nhìn chung của toàn bộ cuốn sách được sắp xếp bởi các nhà biên soạn của truyền thống Đệ nhị, sách Thủ lãnh trình bày rõ ràng một công thức thần học: tội, phạt, hối và cứu. Những biến cố ngoại xâm được xem là hình phạt do tội thờ các thần Ca-na-an; khi con cái Ít-ra-en ăn năn và kêu cứu lên Đức Chúa, Người sai các thủ lãnh đến để giải thoát khỏi tay kẻ thù. Biên tập viên, qua cuốn sách, đã chỉ ra nhiều lần không những sức mạnh cứu độ của Đức Chúa mà thôi, nhưng còn cho thấy ý muốn cứu rỗi của Đức Chúa dành cho Ít-ra-en khi họ kêu cứu Ngài.[2]

        IV. KẾT

        Qua câu chuyện về các thủ lãnh, chúng ta có thể rút ra một số bài học cho  chính mình. Trước hết, con người chúng ta có tự do, nhưng không không phải là tự do muốn làm gì thì làm. Tự do đích thực là tuân giữ những điều Chúa đòi hỏi. Thứ đến, con người dù có tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, trung thành và kiên nhẫn. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi hết lần này đến lần khác sai các vị thủ lãnh giải thoát dân tội lỗi. Sau cùng, vào thời sau hết này Thiên Chúa sai chính Con Một là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế đến để giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi.

        Lm. An-tôn Trần Văn Phú


        [1] Phạm Hữu Quang, Dẫn Nhập Thánh Kinh, tr. 457-460.

        [2] Phạm Hữu Quang, Dẫn Nhập Thánh Kinh, tr. 474-476.

        Nguồn: tonggiaophanhanoi.org