Bài 13: Sách Giô-suê || Tổng quan Kinh Thánh

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước, chúng ta đã kết thúc bộ sách Ngũ thư. Hôm nay chúng ta chuyển sang bộ sách Lịch sử. Theo truyền thống Kinh Thánh Công giáo, bộ sách Lịch sử gồm có:

Sách Giô-suê
Sách các Thủ lãnh
Sách Sa-mu-en
Sách các Vua
Sách Rút
Sách Ét-ra
Sách Nơ-khơ-mi-a
Sử biên niên
Sách Ét-te
Sách Giu-đi-tha
Sách Tô-bi-a
Sách Ma-ca-bê

Theo truyền thống Do-thái, cuốn Kinh Thánh Do-thái gồm ba phần: sách Luật, các sách Ngôn sứ và các sách Văn chương. Sáu cuốn sách tiếp ngay sau bộ sách Luật là sách Giô-suê, các Thủ lãnh, 1-2 Sa-mu-en, 1-2 các Vua. Những cuốn sách này được gọi là các sách “Ngôn sứ trước” hay “Tiền Ngôn sứ”. Những cuốn sách này được biên soạn nhằm trình bày dòng lịch sử liên tục của Ít-ra-en trong thời gian 7 thế kỷ từ Mô-sê cho tới cuộc lưu đày tại Ba-by-lon. Những cuốn sách này dựa trên nền tảng tư tưởng thần học của Truyền thống Đệ nhị. Các nhà biên soạn theo Truyền thống Đệ nhị cho thấy rằng lịch sử của con cái nhà Ít-ra-en từ khi định cư tại Ca-na-an cho tới ngày lưu đầy là thời kỳ của bất tuân và dị giáo. Họ cũng muốn cho con cái nhà Ít-ra-en biết rằng Đức Chúa đã nhiều lần cảnh cáo và thanh lọc Ít-ra-en và cuối cùng là cuộc lưu đầy vì sự bất tuân.

Khi nhắc lại lịch sử dân tộc được Chúa tuyển chọn, các thánh sử mời gọi con cái nhà Ít-ra-en nhìn lại những hành động mà Thiên Chúa đã thực hiện trong suốt lịch sử của dân tộc mình và để dân chọn lựa một thái độ tương xứng cho tình trạng hiện tại. Đặc biệt, sách Giô-suê mà chúng ta tìm hiểu hôm nay, là cuốn sách thứ sáu của bộ Kinh Thánh. Sách Giô-suê tiếp tục câu chuyện dài về lịch sử của Ít-ra-en như một dân tộc. Sách Giô-suê kể lại việc Ít-ra-en đã được thiết lập như thế nào trong Đất hứa, Ca-na-an.

II. BỐ CỤC

Sách Giô-suê có một bố cục rất đơn giản. Nó được chia thành 3 phần chính:

– Phần I: Chinh phục đất Ca-na-an (ch. 1-12)

– Phần II: Chia đất Ca-na-an cho 12 chi tộc nhà Ít-ra-en (ch. 13-21)

– Phần III: Lời nhắn nhủ cuối đời của Giô-suê (ch. 22-24).

Trước khi chinh phục đất Ca-an-an, dân Ít-ra-en cần phải thấm nhuần rằng Chúa ban đất đai cho họ như lời Người đã hứa. Tuy nhiên, để có thể chiếm hữu đất Ca-an-an và sống lâu trên mảnh đất đó, Ít-ra-en phải vâng phục thi hành tất cả Lề Luật. Đoàn kết và vâng phục Giô-suê là những điều kiện cần thiết để hoàn thành việc chiếm đất. Sau khi chiếm đất Ca-na-an, đất đai được chia cho 12 chi tộc nhà Ít-ra-en. Sách Giô-suê khép lại với lời nhắn nhủ cuối đời của Giô-suê và hội nghị tại Si-khem (22-24). Nhận thức rằng đời mình sắp kết thúc, Giô-suê đã cho triệu tập con cái Ít-ra-en lại và nhắc nhớ họ về những sự việc đã xảy ra và khuyên bảo họ hãy trung thành với giao ước, tuân theo luật Mô-sê, yêu mến Đức Chúa, ông cũng cảnh báo họ về những hậu quả đắng cay nếu họ không tuân theo Luật Chúa. Giô-suê chỉ cho thấy rằng tương tự như Đức Chúa đã hoàn thành mọi lời hứa thế nào thì Người cũng sẽ hoàn thành các đe dọa như thế; nghĩa là Người sẽ loại trừ Ít-ra-en khỏi đất hứa nếu Ít-ra-en phản bội giao ước.

III. NỘI DUNG

1. Bối cảnh miền đất Ca-na-an

Thời điểm mà dân Ít-ra-en tiến lên chinh phục miền đất mà họ tin rằng Thiên Chúa đã hứa ban cho họ thời tổ phụ thì dân Ca-na-an đang cư ngụ và làm chủ miền đất đó. Dân Ca-na-an cũng là một trong những nhóm dân Xê-mít. Họ thường sống tập trung trong những thành phố được bao vây bởi các bức tường chắc chắn tại các thung lũng và các vung ven biển, nơi mà lượng nước khá nhiều và địa lý tiện lợi cho đời sống nông nghiệp. Họ không có chính quyền trung ương. Mỗi vương quốc đô thị hầu như là một vương quốc nhỏ với những cơ cấu riêng biệt bao gồm: nhóm người điều hành, hàng quí tộc, cơ sở quân sự, doanh nghiệp thương mại, cơ cấu tôn giáo, và thành phần nông nô hay nô lệ. Nền văn hoá phong kiến này đã hiện diện từ lâu trược khi dân Ít-ra-en xâm chiếm miền đất này. Hai điểm mạnh của dân Ca-na-an thường được Thánh Kinh Cựu Ước nhắc đến là sức mạnh quân sự và việc thờ thần Ba-an. Đó cũng là hai thách đố lớn mà dân Ít-ra-en đã từng được nhắc nhở nhiều lần trước khi bước vào miền đất này và sẽ phải đối diện với chúng trong suốt lịch sử của mình.[1]

2. Giô-suê

Ai là người lãnh đạo Ít-ra-en chinh phục đất Ca-na-an? Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Giô-suê tiếp tục sứ mạng của Mô-sê dẫn đưa dân vào đất Ca-na-an. Giô-suê con ông Nun, thuộc chi tộc Éph-ra-im (Ds 13,8; Gs 24,30; 1Sb 7,27), có tên là Hô-sê-a; nhưng được đổi thành Giô-suê (Ds 13,16), có nghĩa là “Đức Chúa giải cứu” (tương tự như danh xưng “Giê-su” trong tiếng A-ram). Giô-suê là tôi tớ của Chúa (24,29) và là một thủ lĩnh vĩ đại của Ít-ra-en (Gs 1,1-9). Ông qua đời ở tuổi 110 và được chôn cất ở miền đất ông đã chiếm hữu (Gs 19,49-50; 24,29-31).

3. Ý nghĩa vùng đất đối với Ít-ra-en

Đất Ca-na-an quan trọng thế nào đối với Ít-ra-en? Ít-ra-en luôn xem đất đai như món quà của Đức Chúa. Trước cuộc chinh phục Ca-na-an, các tổ phụ trong sách Sáng thế luôn được mô tả là những người không có đất đai: Ab-ra-ham phải sống xa quê hương, còn Gia-cóp và gia đình tuy được Pha-ra-ô ưu ái, nhưng phải tạm trú ở Ai-cập. Các trình thuật về các tổ phụ đều nhấn mạnh đến niềm hy vọng sẽ có được đất đai như lời Đức Chúa hứa (x. St 15). Do đó, khi Thiên Chúa dẫn đưa dân về miền Đất hứa sau cuộc xuất hành, các điều kiện tự nhiên để lời hứa được thực hiện đã được chỉ ra. Dân sẽ phải chọn giữa ở lại làm nô lệ ở Ai-cập hay lang thang trong hoang địa (x. Xh 16-18; Ds 11-20).[2]

Sau đó, khi dân còn đang phân vân trên biên giới vùng đất mới, sách Đệ nhị luật đã nhấn mạnh rằng họ phải quyết định hướng đi cho thật đúng đắn. Vùng đất là món quà của Chúa. Có được đất đồng nghĩa với việc có một đời sống được chúc phúc và đầy lợi lộc, nhưng cũng sẽ là nguồn cám dỗ dân chúng quên mất Chúa để chạy theo Ba-an và các thần ngoại khác khi sẽ phồn vinh ở đây. Có được đất đai cũng sẽ kéo theo trách nhiệm thánh thiêng là quản lý nó dưới quyền của Đức Chúa. Đó là đất theo Giao ước, việc có được đất đai và vâng phục lề luật Giao ước của Đức Chúa phải đi cùng nhau. Luật nghỉ ngày Sa-bát, sự quan tâm đến những người cùng khổ, bảo vệ các goá phụ và khách ngoại kiều cùng tuân giữ toàn bộ lề luật ghi trong sách Đệ nhị luật sẽ đi kèm với quyền được có đất đai.[3] Nhưng kể từ lúc Ít-ra-en vào được Đất hứa, lịch sử thực tế được xem như câu chuyện dân luôn tham lam và dần dần phản bội lại Đức Chúa là vị chủ sở hữu đất và là Người ban món quà đó.

IV. KẾT

Sau khi lược qua sách Giô-suê, chúng ta có thể tóm lại vài điểm chính sau đây:

– Trước hết, chủ đề chính của sách Giô-suê là “chinh phục Đất hứa”. Đất là một trong các lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ của họ là Ab-ra-ham, I-sa-ac và Gia-cóp. Do đó, việc chiếm đất Ca-na-an là mục tiêu của dân Ít-ra-en, cho dù họ đang lang thang hay đã mất đất. Dĩ nhiên, con cái Ít-ra-en không thể một mình thực hiện việc chiếm đất; nhưng do Thiên Chúa chiến đấu cho họ và với họ.

– Thứ đến, Thiên Chúa là Đấng giữ lời hứa và giao ước. Thiên Chúa ở cùng với Giô-suê và ban cho Ít-ra-en được nghỉ ngơi. Còn Ít-ra-en thì được mời gọi sống trong sự vâng phục: vâng phục Lề luật và vâng theo những huấn lện của Chúa. Ngoai việc vâng phục Luật, con cái nhà Ít-ra-en con tuân theo những chỉ dẫn của Giô-suê, tuân giữ giao ước, và giữ mình khỏi bị ô uê.

– Sau cùng, đối với chúng ta sách Giô-suê mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Toàn bộ cuốn sách Giô-suê như một lời tiên báo về Đấng Cứu Thế. Lời tiên báo này được kiện toàn nơi Đức Giê-su. Điều này được diễn tả cách cụ thể qua người tôi tớ Giô-suê. Giô-suê là tiên trưng của Đức Giê-su. Giô-suê đã gánh vác một trách nhiệm cực kỳ quan trọng trong lịch sử cứu độ. Nhờ bàn tay trợ lực của Đức Chúa, Giô-suê đã dẫn Ít-ra-en vào Đất hứa và cứu dân khỏi tay kẻ thù. Như thế, Giô-suê tiên báo Đức Giê-su, Đấng mà Thiên Chúa sai đến để đem ơn cứu thoát thực sự cho dân Người khỏi nô lệ tội lỗi và dẫn họ qua nước thanh tẩy vào Nước của Thiên Chúa, vào miền Đât hứa vĩnh cửu là Thiên Đàng. Vậy, để tiến vào nơi an nghỉ của Thiên Chúa, vào Thiên Đàng, mỗi ngày chúng ta hãy biết lắng nghe và thực hành những lệnh truyền của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Lm. An-tôn Trần Văn Phú


[1] Phạm Hữu Quang, Dẫn Nhập Thánh Kinh, tr. 426.

[2] Lawrence Boadt, Dẫn Vào Cựu Ước, tr. 256-257.

[3] Lawrence Boadt, Dẫn Vào Cựu Ước, tr. 257.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org