Bài 15: Các sách Sa-mu-en || Tổng quan Kinh Thánh

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu sác Thủ lãnh, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu các sách Sa-mu-en. Các sách Sa-mu-en thuật lại những ngày cuối thời kỳ các thủ lãnh và những ngày đầu của thời quân chủ ở Ít-ra-en. Đây là thời điểm của một thay đổi đầy kịch tính. Thời vận Ít-ra-en bị đảo ngược vì sự thay đổi này. Khuôn mặt nổi bật của giai đoạn chuyển tiếp này là Sa-mu-en, một thủ lãnh tôn giáo có khả năng ngôn sứ và cùng đồng thời là tiếng nói chính trị quan trọng nhất cuối thế kỷ XI tCn. Thời kỳ của Sa-mu-en, vị thủ lãnh cuối cùng và của Sa-un vị vua đầu tiên, đánh dấu những giây phút hiểm nguy tuyệt vọng nhất mà Ít-ra-en từng trải qua. Nhưng tiếp đó thời Đa-vít và Sa-lô-môn trị vì lại là khoảng thời gian hưng thịnh nhất trong lịch sử dài của dân tộc này. Do đó, thời đại các vua vừa là một lời chúc phúc lẫn chúc dữ đối với Ít-ra-en, một dân tộc hằng tự hào về việc liên minh giữa những bộ tộc luôn duy trì được tự do và bình đẳng với nhau. Do nhiều trong số những quyền này bắt nguồn từ Giao ước giữa Đức Chúa và dân chúng, ý nghĩa tôn giáo của vương quyền phải bảo đảm niềm tin cơ bản rằng Ít-ra-en là một dân tộc chỉ quy phục vị Vua duy nhất là Đức Chúa.[1]

    II. BỐ CỤC CÁC SÁCH SA-MU-EN

    – 1 Sm 1-3: Thời thơ ấu và ơn gọi của Sa-mu-en

    – 1 Sm 4-6: Hòm bia Giao ước ra trận

    – 1 Sm 7-12: Sa-mu-en và dân Ít-ra-en quyết định lập vua

    – 1 Sm 13-31: Sa-un thất bại và Đavít vươn tới quyền lực

    – 2 Sm 1-8: Đa-vít trị vì toàn bộ đất nước Ít-ra-en

    – 2 Sm 9-20: Trình thuật kế vị của con Đa-vít

    – 2 Sm 21-24: Phụ lục các truyền thống khác từ thời Đa-vít

    III. NỘI DUNG

    Trong phần này chúng ta cùng tìm hiểu: Vương quyền tại Ít-ra-en, nhân vật Sa-mu-en, Sa-un và Đa-vít.

    1. Vương quyền tại Ít-ra-en

    Trước thời quân chủ, những chứng cứ có được trên vùng đất Ít-ra-en cổ đều khẳng định Đức Chúa là Vua Ít-ra-en. Điều này được ghi rất rõ trong bài thơ Xuất hành 15 (x. Xh 15,8), và trong nhiều Thánh vịnh (x. Tv 18), và hiện diện trong Giao ước đầu tiên, như một thoả ước giữa Thiên Chúa là Vị Vua cao cả và Ít-ra-en là thần dân của Ngài.

    Sự hình thành chế độ quân chủ ngoài nguyên do muốn được giống như các dân tộc khác và còn do sự chèn ép và tấn công của dân Phi-li-tinh kẻ thù số một của Ít-ra-en. Thời quân chủ thống nhất bắt đầu với Sa-un (k. 1020-1000 tCn), được tiếp tục với Đa-vít (1000 – 961 tCn), và được thừa kế bởi Sa-lô-môn (961-921 tCn). Thời kỳ này được đánh dấu bởi các thành công về quân sự và chính trị, đặc biệt đưới thời Đa-vít và Sa-lô-môn. Thời kỳ quân chủ bao gồm cả thời kỳ hiệp nhất Nam-Bắc và thời kỳ phân chia Nam-Bắc cho đến khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ.[2]

    Sách 2 Sm 7 là bản văn căn bản cho mọi lời hứa về vương quyền dành cho nhà Đa-vít, một cách nào đó đây có thể là nguồn gốc việc mong chờ Đấng Thiên sai. Sấm ngôn thần linh hứa ban cho vua một triều đại gắn với ước muốn của nhà vua xây dựng cho thần một đền thờ đã có từ thế kỷ XV tCn. Tuy nhiên, ý thức về vương quyền ở Ít-ra-en luôn rất cẩn trọng đặt nhà vua dưới quyền Đức Chúa. Vua không bao giờ tuyên bố mình là thần linh, nhưng luôn coi mình là đại diện đặc biệt của Đức Chúa, được Đức Chúa chúc phúc.

    2. Sa-mu-en

    Khi nói đến nền quân chủ tại Ít-ra-en, chúng ta không thể không đề cập đến một nhân vật đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập nền quân chủ tại Ít-ra-en, đó chính là Sa-mu-en. Bà Hanna, sau nhiều năm son sẻ, được Thiên Chúa ban cho một đứa con trai với cái tên là Sa-mu-en. Bà đã đến dâng con để phục vụ Thiên Chúa dưới quyền tư tế Hê-li tại đền thờ Si-lô. Nơi đây, Sa-mu-en đã được Thiên Chúa kêu gọi cách đặc biệt để trở thành tư tế và thầy thị kiến. Sau khi Hê-li qua đời Sa-mu-en trở thành nhân vật quan trọng trong lãnh vực tôn giáo cũng như chính trị.

    Trong bối cảnh Ít-ra-en phải đương đầu với kẻ thù hùng mạnh và nguy cơ thất trận trước người Phi-li-tinh đã lớn đến độ các chi tộc nhận ra họ sẽ không có bất cứ cơ hội chiến thắng nào, trừ khi mọi lực lượng của họ được đặt dưới quyền một vị tổng chỉ huy quân sự duy nhất. Họ thiếu những vũ khí bằng sắt của người Phi-li-tinh và phải chiến đấu với những vũ khí bằng đồng kém hiệu quả (1 Sm 13, 19-22). Họ kêu nài Sa-mu-en lập cho họ một vị vua, “như các dân tộc khác có vua” (1 Sm 8,5). Sa-mu-en đã cảnh báo họ về những nguy hiểm khi giao quá nhiều quyền lực vào tay một người, nhưng họ vẫn nài nỉ. Sa-mu-en do dự không muốn đặt lên một vị vua, nhưng đã chấp nhận yêu cầu của dân chúng khi Thiên Chúa tỏ rõ ý muốn chọn Sa-un.

    3. Sa-un

    Sa-un (k. 1020-1000 tCn), có nghĩa là “kẻ được yêu cầu”. Sa-un con của Kít thuộc dòng tộc Ben-gia-min, được cho là “đẹp trai, cao lớn nhất trong số con cái Ít-ra-en” (1 Sm 9,2). Sa-un chứng tỏ mình là một chiến binh can đảm, cứu được người Ít-ra-en khỏi tay quân Am-mon, chiến thắng quân Phi-li-tinh nhiều trận. Nhưng ông chưa bao giờ giành được chiến thắng cần thiết cuối cùng để có thể thống nhất được Ít-ra-en. Trong khi đó, tính khí thất thường đã làm ông mất uy tín. Thói ngạo mạn của ông đã khiến Sa-mu-en phật lòng. Sa-un chết trong trận giao chiến với người Phi-li-tinh tại Ghi-bô-a vào khoảng năm 1000 tCn.

    3. Đa-vít

    Sau khi Sa-un bị từ rẫy vì tội của chính ông, Sa-mu-en đã chuyển lời chúc phúc từ Sa-un sang Đa-vít, xức dầu phong vương cho ông.

    Theo cái nhìn của người Do-thái, Đa-vít là một vị vua lý tưởng vì ông đã hành động tốt hơn bất cứ vị vua nào ở Ít-ra-en. Đa-vít đã tạo nên một vương quốc hiệp nhất. Các thành công quân sự của ông thể hiện qua việc cất đi những nguy hiểm do ngoại bang đem lại. Và ông đã thành công trong việc làm cho đất nước thịnh vượng về kinh tế và hoà bình để dân có một cuộc sống an cư lạc nghiệp.[3]

    Sứ điệp rõ ràng trong cuộc đời của Đa-vít đó là Đức Chúa là nhân vật chính của lịch sử và sự tín thác của Đa-vít vào Chúa đứng đàng sau sự việc ông lên làm vua; và giao ước của Đức Chúa với Đa-vít không bị phá bỏ bởi những lỗi lầm của Đa-vít. Đa-vít luôn được trình bày như là tổ phụ của vương quốc Giu-đa, và là kẻ đón nhận lời hứa từ Thiên Chúa cho một vương quốc trường tồn và hoàn vũ. Ông được coi như gương mẫu cho các vị vua tốt, từ đó Đấng Mê-si-a sẽ xuất hiện.[4]

    IV. Kết

    Thưa cộng đoàn,

      Các sách Sa-mu-en loan báo những điều kiện và những khó khăn của một nước Thiên Chúa ở trần gian. Lý tưởng chỉ đạt được dưới triều Đa-vít. Các tác giả Tân ước, đặc biệt là thánh Mát-thêu làm nổi bật Đức Giê-su chính là con Đa-vít, nghĩa là người thực hiện lời Thiên Chúa hứa cho dòng tộc Đa-vít, và kiện toàn lòng mong chờ của Ít-ra-en. Đức Giê-su chính là mục tử và là vua dẫn dắt con cái nhà Ít-ra-en. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa đã tỏ tình thương không chỉ với Ít-ra-en, mà còn đối với toàn thể nhân loại.

      Kính thưa cộng đoàn chúng ta vừa điểm qua một số điểm chính về nền quân chủ tại Ít-ra-en và một nhân vật chính trong các sách Sa-mu-en. Trong bài học tiếp theo, chúng ta tìm hiểu vua Sa-lô-môn và sự huy hoàng cũng như sự chia rẽ của vương quốc Ít-ra-en.

      Lm. An-tôn Trần Văn Phú


      [1] Lawrence Boadt, Dẫn Vào Cựu Ước, tr. 278.

      [2] Phạm Hữu Quang, Dẫn Nhập Thánh Kinh, tr. 477.

      [3] Phạm Hữu Quang, Dẫn Nhập Thánh Kinh, tr. 500.

      [4] Phạm Hữu Quang, Dẫn Nhập Thánh Kinh, tr. 500-501.

      Nguồn: tonggiaophanhanoi.org