Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, khởi đi từ những bước chân thừa sai của các nhà truyền giáo. Sách Khâm Định Việt Sử ghi lại sự đặt chân của giáo sĩ Inikhu vào năm 1533 trên đất Việt, làng Ninh Cường và Trà Lũ. Tiếp theo là Gaspar da Cruz, Alexandre de Rhodes, Pedro Marques v.v. với dòng thời gian, hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt đã âm thầm mọc lên và sinh hoa kết trái. Năm 1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai Địa phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rồi đến năm 1960, thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam.
Ba trăm năm loan báo Tin Mừng, một trang sử truyền giáo hào hùng, nhưng cũng đầy đau thương và đẫm nước mắt. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc! Tuy nhiên, một trang sử mới đã mở ra nhờ sự hy sinh tuyệt vời của các thừa sai, cũng như hàng hàng lớp lớp người tử vì Đạo đã nằm xuống với muôn cực hình cay đắng, khốn khổ. Dòng máu của các ngài đã đổ ra, tuôn trào, tưới gội Hội Thánh Việt Nam, từ các tỉnh phía Bắc đến tận miền sáu tỉnh phía Nam, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX làm cho Hội Thánh lớn lên và phát triển, không ngừng sinh hoa kết quả tươi tốt, đúng như lời Tertullien đã viết: “Máu tử đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu”.
Đúng, máu các thánh Tử đạo đã đổ chan hòa mặt đất. Những dòng máu thuộc đủ thành phần xã hội: từ người làm nông đến chài lưới, từ thương lái đến lương y; từ học sinh đến thầy đồ; từ lý trưởng, cai tổng, binh lính đến quan văn, quan võ; từ giáo dân, ông trùm, ông quản đến chủng sinh, linh mục, giám mục; từ người ngoại quốc đến người bản địa… Tất cả đều mang trong mình một niềm tin son sắt, một tình yêu nồng cháy, một tinh thần can đảm quật cường, sẵn sàng chịu muôn ngàn thử thách vì danh thánh Chúa Ki-tô. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt, các ngài vẫn một lòng trung thành với Đạo Chúa. Dù bị tra tấn, hành hình man rợ, các ngài vẫn một lòng yêu mến Chúa. Các ngài đã yêu đến cùng, yêu đến thí mạng, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã bách hại mình.
Cơ mật viện khoáng đại ngày 22 tháng 6 năm 1987 mở ra lúc 12 giờ trưa với sự chủ toạ của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tại Vatican. Có 28 Hồng Y, 70 Tổng Giám mục và Giám mục tham dự để tuyên thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Kết thúc Cơ Mật Viện, Đức Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh, đã gửi điện tín cho Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn đang là Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam lúc đó để thông báo cho biết Đức Thánh Cha đã nghị quyết phong thánh cho Các Chân Phước Tử Đạo Việt Nam.
Theo lời Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, cáo thỉnh viên án tuyên thánh này thì: Theo thông lệ, khi xin nhật kì phong thánh, bao giờ cũng phải dự tính sẵn 3 ngày, để đề phòng trường hợp Tòa Thánh đã có chương trình xếp đặt nào khác thì mình cũng phải thay đổi theo. Lễ Phong Thánh Việt Nam đã xin vào ngày 29 tháng 6 năm 1988, lễ hai Thánh Phê-rô và Phao-lô, nhưng người ta khuyến cáo không nên, vì sẽ bị hai Thánh Quan Thầy quá lừng danh của Thủ đô Rôma lấn át mất. Đã có dự tính chuyển sang Chúa Nhật 26 tháng 6, nhưng cũng không ổn, vì hôm đó Đức Thánh Cha đi công du bên Áo quốc. Chỉ còn Chúa Nhật 19 tháng 6, nghĩa là xếp trước cuộc công du của Đức Thánh Cha một tuần lễ, vì trước sau ngày đó không còn cách nào khác. Đây là lí do duy nhất và dễ hiểu, chứ không hề có chuyện nghĩ tới, hay là mảy may muốn kỉ niệm Ngày Quân Lực VNCH như người ta đã cố tình gán ghép.
Toàn thể Giáo Hội Việt Nam vui mừng khi nghe tin Đức Thánh Cha nghị quyết phong Hiển thánh cho Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam.
Hà Nội khi đó nhận định, việc tuyên thánh này sẽ làm cho mối liên lạc giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican thêm căng thẳng. Đài tiếng nói Việt Nam đọc lệnh của chính phủ, cấm người Công giáo cử hành lễ tuyên thánh này. Các Giám mục lẫn giáo dân Việt Nam cũng không được chính quyền cho phép sang Vatican dự lễ. Trong khi đó, 8.250 giáo dân VN từ 27 nước trên 4 lục địa Á châu, Âu châu, Mĩ châu và Úc châu….Từng đoàn người tuốn về các ga xe lửa và sân bay Ý Đại Lợi. Thêm vào đó, 560 linh mục, tu sĩ nam nữ tới Rôma, cùng với nhiều người từ Pháp, Tây Ban Nha đã đến Vatican để dự lễ vì trong số người được tuyên thánh có đồng hương và đồng bào của họ.
Khởi đi từ Chúa nhật ngày 19 tháng 6 năm 1988, ngày Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nâng 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh. Giáo Hội đã chọn ngày 24 tháng 11 để cả hoàn vũ cùng mừng kính Các Ngài đến nay tròn 35 năm.
Con dân Việt Nam muôn phương hân hoan vui sướng và hãnh diện tri ân Các Ngài đồng thời hô vang: “Vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo anh hùng”.
Làm sao kể lại cho hết tất cả là 117 vị Tử Đạo hiển thánh và 1 vị Á thánh, trong đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo dân, trong số đó một phụ nữ là Thánh A-nê Lê Thị Thành mẹ của sáu người con.
Ngày 05 tháng 3 năm 2000, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã tôn phong thầy giảng An-rê Phú Yên lên bậc Chân Phước.
Hiện nay, hơn 10 ngàn hồ sơ tuyên thánh của các tín hữu Công giáo Việt Nam đang được lưu giữ trong văn phòng của Thánh Bộ Tuyên Thánh ở Rôma.
Chúa nhật ngày 29 tháng 10 năm 2023, tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, phiên khai mạc cuộc điều tra án phong chân phước và phong thánh cho Tôi tớ Chúa, Đức cha François Pallu đã diễn ra.
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin giúp chúng con trung thành với Đức tin đã lãnh nhận, yêu mến Chúa, và Giáo hội bằng tinh thần cộng tác, hiệp thông và đồng trách nhiệm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: