Xứ đạo thời Covid – Chú xứ “nói dối’ và chị cắm hoa chăm chỉ

Hết làn sóng này lại đến làn sóng khác, chúng ta vẫn đang loay hoay chưa tìm được lối vào bờ trước cơn đại dịch toàn cầu của thế kỷ 21. Covid – nhùng nhằng kéo dài, dập yên được ngoài Bắc thì lại bùng lên ở trong Nam.

Ở giữa cuộc chiến dai dẳng ấy, Giáo Hội và các con chiên vẫn kiên cường đứng vững với một niềm phó thác cậy trông son sắt. Và ở giữa cái éo le của nhà thờ nhà xứ phải xa vắng, thì người giáo dân vẫn tràn đầy hy vọng và khao khát được tận tay, tận mắt, tận tai cảm nếm bầu khí, không gian, hình ảnh, tiếng ca thánh thiêng của Thánh lễ nơi Thánh đường giáo xứ. Dẫu có là ông cụ cọc cạch chống gậy đứng vịn cánh cổng sắt ngước vào, hay chị cắm hoa vẫn được đặc cách để năng lui tới đổi đôi bình hoa trước bàn thờ để nhà thờ của Chúa vẫn ấm áp sắc hương.

 

– Chú xứ ơi, mấy giờ thì cha dâng lễ đấy?

– Dạ không có lễ đâu ông ạ!

– Chú đừng có nói dối. Tôi thấy người ta nói vẫn có lễ mà, Cha xứ có dâng lễ mà phải không chú?

Ông cụ vừa nghẹn ngào khẩn thiết, vừa ấm ức để phải nói ra câu ấy với chú xứ.

– Các Thánh lễ tập trung đều đang tạm dừng hết ông ạ, dịch bệnh gần nhà thờ, gần xã mình lắm rồi nên không có lễ được đâu ông! Thôi ông cứ ở nhà đọc kinh cầu nguyện, tham dự lễ trực tuyến là được ạ!

– Ngày nào tôi chẳng xem lễ đó, sáng thì lễ Sài Gòn, chiều thì lễ Hà Nội. Ngày Chúa Nhật tôi đi tận 5 lễ, nhưng tôi thấy không đủ sốt sắng được như ngồi ở nhà thờ mình dự lễ cha xứ, buồn lắm chú ạ! Tôi muốn đến nhà thờ, đọc kinh, tham dự thánh lễ quá.

– Thôi ông gắng cầu nguyện cho hết dịch bệnh là lại được đi lễ, lại được đến nhà thờ. Chiều chiều, ông cứ đến, con mở cửa cho ông viếng Chúa ạ!

 

Covid làm con người xa cách nhau, xa bạn bè, xa gia đình, xa người thân, xa nhà thờ,… Nhưng họ lại được gần Chúa hơn. Khi phải ở nhà, hạn chế đi lại, chúng ta mới trân trọng những khoảng tĩnh lặng cuộc sống, nhìn lại con người của chúng ta, con người yếu đuối mỏng giòn, nếu không có Chúa thì thực sự không thể là gì được. Khi ý thức được như thế, chúng ta cảm thấy muốn gần Chúa hơn, muốn bên Chúa nhiều hơn. Vì “Tựa nép bên lòng Chúa, con xin ngỏ hết tâm tư…”.

Nhận thấy rằng, chúng ta cần phải tin tưởng phó thác và chuyên cần cầu nguyện với Chúa nhiều hơn. Mong rằng, thời gian này chính là thời gian làm cho con người thức tỉnh lại bản thân, biết đặt mục đích và ý hướng của mình vào Chúa, tin tưởng vào Chúa nhiều hơn.

Xin Chúa thương ban dủ lòng thương xót tha thứ tội lỗi của chúng con và cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt trên toàn thế giới.

Lạy Thánh Cả Giuse – bằng trái tim của người cha, xin Ngài cầu bầu che chở và gìn giữ chúng con trong năm Thánh này.

Giảng Võ – ngôi nhà thờ xứ nhỏ bé, khiếm tốn nằm trên một con đê mà nay đê đã thành một con phố sầm uất giữa nội đô (nhưng người ta vẫn không thể gọi khác đi một con đê: Đê La Thành). Ngôi nhà thờ cổ kính xinh xinh đã đón nhận hồng ân lên hàng giáo xứ cách đây không lâu. Giáo dân vui mừng đón Cha xứ mới. Tiếng chuông vang lên mỗi ngày thu hút được đông đảo con chiên đến tham dự những Thánh lễ đều đặn, cả những giáo dân xa quê cùng đến sinh hoạt với giáo xứ.

Tôi cũng là một con chiên xa quê có duyên với giáo xứ và đã phục vụ giáo xứ từ khi nơi đây vẫn còn là giáo họ. Ở đây, tôi được giáo xứ giao phụ trách cắm hoa, trang trí nhà thờ, đến nay thấm thoát cũng đã hai năm. Đi qua năm tháng, tôi chứng kiến giáo xứ thay đổi ngày một khác. Tôi vui mừng vì dù là một giáo xứ nhỏ bé nhưng nhiều giáo dân vẫn luôn hăng say phục vụ hết mình, để cùng với cha xứ phát triển và thăng tiến giáo xứ.

Và rồi… Đại dịch ập tới! Một con virus vô hình nào đó đã làm xáo trộn tất cả.

Chúng tôi không còn được đến nhà thờ để đi lễ nữa. Tiếng chuông mỗi buổi chiều cũng tắt lịm không còn được vang lên như thường lệ. Ngôi nhà thờ ẩn mình trở nên vắng bóng người giữa phố thị cũng thưa thớt người xe qua lại.

Riêng tôi may mắn hơn, vì bổn phận của mình nên mỗi tuần hai lần, tôi vẫn được đặc quyền lui tới nhà thờ để thay hoa, dọn dẹp qua chút để ngôi thánh đường được sạch sẽ và trang nghiêm.

Nhưng lần dịch này thì kéo dài quá, đã hơn hai tháng ròng, lớp bụi trên những hàng ghế mỗi ngày một nhiều, tiếng đàn organ im lặng, hàng cây xanh quanh nhà thờ cũng ít rung rinh, lá cây rơi đầy từng lớp, gió lại dồn vào từng góc, vắng tiếng chổi của các bà các chị.

Trước đây, mỗi buổi chiều là tiếng chuông, là giọng hát thánh thót của ca đoàn, vậy mà giờ đây, trong không gian tĩnh lặng chỉ còn lác đác vài tiếng chim hót, tiếng gió nhè nhẹ lướt qua những tán cây.

Con virus kia đáng sợ thế sao? Không! Dù nó có đáng sợ như thế nào thì Thiên Chúa của chúng ta sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài.

Mỗi buổi lần ghé đến cắm hoa dọn dẹp, tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì vẫn còn được đến bên Ngài, cầu nguyện cùng Ngài, kể cho Ngài nghe những vui buồn, những nỗi khổ tâm của mình. Vậy mà bao nhiêu người muốn đến cầu nguyện với Ngài mà không thể!

Xin Chúa luôn đồng hành cùng với những người đang phải gồng mình chống chọi với cơn đại dịch. Xin Thiên Chúa và Mẹ Maria thương đến thế giới hôm nay, thương đến đoàn con cái nơi trần thế. Xin hãy ban sức mạnh cho mỗi chúng con để chúng con có thể tìm thấy nguồn hạnh phúc đích thực bên Ngài.

2. Thêm mấy lời

Trong cuộc chiến đấu với đại dịch, lúc đầu thì âu lo hoang mang khi mới nghe thấy nó xuất hiện ở đẩu ở đâu trên chuyến bay này, siêu thị kia…thế là cả nước “ở yên trong nhà”. Nhưng giậm chân tại chỗ lấy gì mà sống, dù có “sống chậm lại, nghĩ khác đi” thì vẫn phải ăn, mà không làm thì đừng có ăn cho nên phải mở cửa ra, bất chấp con virus có bay lơ lưng đâu đó. Thế là cả nước hăng say, chung tay oằn mình chống dịch và ghìm chân được nó ít ngày. Việt Nam vì thế bỗng dưng trở thành hình mẫu cho cả thế giới và cả đám covid ngước nhìn.

Nhưng rồi trạng thái âu lo, hăng hái dần chuyển qua chế độ uể oải và đi đến cài đặt tâm lý chai lỳ theo đúng tinh thần mà Vũ Trọng Phụng đúc kết: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Giờ dịch lại ập đến, những hình ảnh về Ấn Độ, về Indonêsia cũng chẳng làm nao núng chúng ta nữa, dù mấy mươi tỉnh thành miền Nam trong đó cả Sài Gòn – đầu não kinh tế đã giới nghiêm cả chục ngày nay.

Những con số thống kê vẫn phá kỷ lục hàng ngày nhưng nó không còn đem lại cảm giác là một cái bóng đè đáng sợ trên người dân được nữa. Và lạ thay! Khi mà Chính quyền muốn người dân ở yên tại chỗ, thì dân ta lại tranh thủ kéo nhau đi tập thể dục bất chấp 03h00 sáng.

Cơn đại dịch này quả thực là một điều quá buồn. Đại dịch vô tình lấy đi của chúng ta bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu dự định. Chúng ta đang đo đếm thời gian hai năm qua không phải bằng quý – tháng – tuần nhưng bằng những làn sóng dịch lần thứ nhất, lần thứ hai rồi lần thứ…. Nhưng khi covid dám lấy đi nhiều thứ thì cũng đồng thời để lại một cơ hội đau đớn mà thật lớn lao để chúng ta, để cả nhân loại này kịp chỉnh lại mình.

Nếu trước kia ta đang sống như thể sẽ chẳng chết thì nay nguy cơ cái chết đến bất thình lình, không biểu hiện, không triệu chứng. Nếu trước kia ta còn chưa nhớ mình là ai, là cái nhỏ bé hữu hạn thì nay phải nhớ rằng chúng ta là thụ tạo yếu đuối bệnh hoạn và bất toàn.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org