Tôi gặp chị trong một ngày hè oi ả, khi chị đưa con đi đăng ký học giáo lý. Một người mẹ dẫn theo ba đứa nhỏ. Ấn tượng của tôi khi đó về họ, là cả bốn mẹ con đều cao, trắng trẻo và hiền. Nghe chị kể qua về thành tích học tập của mấy đứa trẻ, tôi chỉ biết nể phục. Khi đó, qua quan sát và trò chuyện, tôi nghĩ họ thuộc gia đình giàu có, trí thức và ngoan đạo.
Năm năm sau, bỗng chị nhờ tôi nói chuyện với một trong ba đứa trẻ ấy, chị nói tình hình đã vượt tầm kiểm soát của chị. Đứa nhỏ đang rơi vào tình trạng thu mình, khép kín, thậm chí có dấu hiệu trầm cảm và xuất hiện ảo tưởng.
Ba đứa nhỏ mỗi Chúa nhật vẫn đi lễ và học giáo lý, dưới sự đồng hành và chỉ dạy cặn kẽ của người mẹ. Năm năm nay, tôi vẫn thấy họ như vậy trước mắt mình, như ấn tượng ngày đầu gặp gỡ. Thế nhưng, điều mà họ đã và đang phải trải qua thì tôi không thể nào hình dung nổi.
Chị xuất thân trong một gia đình miền Nam rất đạo đức, gia giáo và giàu có. Sau khi yêu và quyết tâm lấy chồng miền Bắc, một công chức ngoại giáo, chị ra Hà Nội sống. Thế nhưng, tình yêu của họ đã không đủ lớn để lấp đầy sự khác biệt về văn hóa, đặc biệt về đức tin và trong đường lối giáo dục con cái. Hai người ly thân. Anh chồng có người khác, có con khác, nhưng nhất quyết không ly hôn để giữ sự kiểm soát trên vợ cũ và ba đứa con. Vòng kiềm tỏa anh chồng tạo ra đã bóp nghẹt gia đình vốn chẳng còn có thể coi là gia đình ấy. Người vợ âm thầm chịu đựng. Một mình lo kinh tế cho gia đình. Một mình đi sinh con, chăm sóc và nuôi dạy. Mỗi khi về Nam, chị và mấy đứa nhỏ cố tạo cho mình một vẻ ngoài “rất ổn” để không ai phải lo lắng. Nhưng thực tế thì không phải vậy, đặc biệt là ba đứa trẻ.
Chị cố gắng dạy dỗ các con theo các chuẩn mực giá trị Công Giáo, nhưng chẳng thể nào bù lại được cách dạy con để chúng trở nên khôn ngoan kiểu “thế gian” của người chồng. Có lẽ, chính sự đối lập trong giáo dục và cách sống giữa cha và mẹ, dẫn tới hệ quả là những đứa con phải đứng trước sự lựa chọn về giá trị và chuẩn mực sống, thứ vốn quá khó ở lứa tuổi của mình, nên tương quan giữa các con trở nên đối nghịch. Mâu thuẫn giữa hai trong ba đứa trẻ lên cao tới mức chúng không nhìn mặt nhau, thậm chí bạo lực, loại trừ và độc chiếm tình yêu thương của người mẹ. Chị đứng giữa, bất lực nhìn các con mâu thuẫn, không có giải pháp nào hữu hiệu cho việc dung hòa trong ứng xử giữa chị với chúng. Đứa lớn, khi nghĩ mẹ bỏ mình thương em, thậm chí đã có hành vi bạo lực với chính mẹ mình. Cuộc chiến giữa hai đứa nhỏ trở thành cuộc chiến chiếm hữu tình yêu của người mẹ, trong khi người cha trở thành người cổ suý.
Tôi thấy chị vẫn đang chiến đấu, vẫn đang vật lộn với cảnh huống trớ trêu ấy trong gia đình mình, với một sức mạnh vô cùng mãnh liệt. Tôi biết sức mạnh ấy từ đâu, đó chính là từ “trái tim” người mẹ. Chị tìm mọi cách, dồn mọi sức lực mình có, để giành lại tài sản quý nhất đời mình, là những đứa con sẽ được chăm sóc, dạy dỗ và yêu thương để lớn lên thành “con Chúa”, chứ không phải là “con thế gian”.
Chị là một trong hàng triệu người mẹ trên thế gian. Biết bao bà mẹ đang chịu những điều tương tự như chị. Những bất toàn của chồng, của con, và của chính phận người của mình nữa, chúng vẫn luôn có đó, vẫn luôn gây ra biết bao nhiêu đổ vỡ, đau khổ và thất vọng. Trong những hoàn cảnh đau khổ cùng cực ấy, tôi lại nhìn thấy những trái tim người mẹ vẫn luôn rực cháy. Tôi không cố tìm nguyên nhân gây ra hoàn cảnh ấy, cũng không cố quy lỗi thuộc về ai, càng không có tham vọng tìm ra giải pháp. Tôi chỉ dừng lại một chút, nhân Tháng Đức Mẹ, để suy ngẫm, để hiểu một chút về trái tim người mẹ trần gian, từ đó phần nào hiểu phần nào người mẹ trần gian của tôi, phần nào hiểu Trái Tim Mẹ Ma-ri-a, Thân Mẫu Chúa Giê-su, Mẹ Giáo hội và là Mẹ của tôi. Thật, Trái Tim Rất Thánh Đức Mẹ luôn rất đáng mến vô cùng! Xin cầu cho chúng con.
Jamor
Trích “Nội san Nhà Chung” – Số 18, tháng 8/2024
TIN LIÊN QUAN: