Tình Yêu và Tha Thứ trong bức tranh “Sự trở về của người con hoang đàng” của Rembrandt

Dụ ngôn “Người con hoang đàng” hay “Người cha nhân hậu” trong Tin mừng theo thánh Luca (Lc 15, 11-32) được nhiều họa sỹ phác họa lại. Trong số đó, bức tranh “Sự trở về của Người con hoang đàng – The Return of the Prodigal Son” của họa sỹ Rembrandt Harmenszoon van Rijn người Hà Lan được nhiều người biết đến hơn. Đặt bức tranh vào trong khung bố cục với quy tắc vàng 1/3, chúng ta có thể nhận ra ý tưởng của tác giả về Tình Yêu và Tha Thứ nổi lên rõ nét qua cách bố trí các nhân vật trong tranh.

Nếu như người cha và người con là 2 nhân vật chính trong tranh, thì bên cạnh họ có 4 nhân vật phụ. Hai nhân vật chính diễn tả tất cả những cung bậc của tình cảm trong câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu. Bốn nhân vật phụ diễn tả nội tâm của mỗi người khi đứng trước câu chuyện ấy.

Bốn nhân vật phụ được đặt vào những vị trị cân đối và ngay ngắn theo đúng tỷ lệ chuẩn. Mỗi nhân vật được đặt vào những vị trí chuẩn mực khác nhau trong khung hình của mình. 3 khuôn mặt của 3 nhân vật nằm giữa 3 khung hình của 1/3 trên cùng. Từ trái qua, nhân vật 1 đứng vào giữa khung hình và có khuôn mặt nằm ở 1/3 trên; nhân vật 2 đứng vào giữa khung hình và có khuôn mặt nằm ở 1/3 dưới; nhân vật 3 đứng vào giữa khung hình và có khuôn mặt nằm ở 1/3 giữa. Nhân vật thứ 4 được đặt chính giữa đường 1/3 bên phải của toàn bộ bức tranh. Cả 4 nhân vật có chung một tỷ lệ.

Dựa theo bố cục đó thì 2 nhân vật chính sẽ được bố trí như sau: Người cha sẽ đặt nằm trên đường 1/3 bên trái và khuôn mặt sẽ đặt vào chính điểm giao các đường 1/3 phía trên góc trái. Một bố cục chặt và cân đối cho người con sẽ là vị trí đường 1/3 bên phải. Như vậy người con sẽ đi vào khung hình từ góc dưới bên phải. Như vậy, điểm tập trung của 2 nhân vật chính sẽ hướng vào trung tâm của bức tranh. Cử chỉ ôm ấp của người cha và cái gục đầu của người con sẽ nằm ở giữa khung tranh. Nhưng ông Rembrandt đã không làm thế.

Rembrandt đã để người con đi vào từ góc dưới bên trái bức tranh. Người con còn thiếu một chút nữa là tiến tới đúng đường 1/3 bên trái. Người cha đứng lệch khỏi đường tiêu chuẩn 1/3 và khuôn mặt rời khỏi điểm giao cắt các đường 1/3. Kích thước từ đỉnh đầu tới đầu ngón tay của người cha đúng bằng kích thước 1/3 bức tranh. Tác giả đã không để người cha nằm lọt vào phần 1/3 giữa, nhưng để người cha ở vị trí cao hơn và đang trong tư thế tiến về bố cục hoàn chỉnh.

Tại sao Rembrandt lại vẽ như vậy? Câu hỏi này chỉ có Rembrandt mới trả lời chính xác. Nhưng tôi mạo muội đưa ra câu trả lời: Đó là vì tình yêu và lòng tha thứ luôn vượt xa mọi khuôn sáo ở đời.

Chính cái lệch khung hình của 2 nhân vật chính diễn tả sự trở về của người con và sự nóng lòng của người cha chờ đón con mình. Người con đã trở về từ đàng trái và anh đã được gặp cha mình ngay khi “còn ở đàng xa”. Người cha đã không ở yên trong vị thế quyền lực của mình, nhưng ông đã tiến ra khỏi khuôn khổ để được ôm đứa con của mình sớm hơn. Dáng người  con lao vào lòng cha và dáng của người cha cúi xuống ôm lấy con mình, cả hai thể hiện sự năng động, một chuyển động mãnh liệt của tình yêu và lòng tha thứ.

Trái ngược với 2 nhân vật chính, 4 nhân vật phụ đều hiện diện trong vị trí ổn định của mình. Dáng người của mỗi nhân vật đều thể hiện sự tĩnh lặng, không chuyển động: khoanh tay, chống gậy, tựa cột, nép mình. Tất cả 4 nhân vật đều cố thủ trong khuôn sáo đã được ấn định.

Tình yêu là thế. Nó không phải là thứ lăng nhăng, không khuôn phép, bừa bãi. Nhưng tình yêu vượt lên trên những khuôn phép, những rào cản, những định chế cố hữu. Công bằng ở đời là thứ cần phải có, nhưng tình yêu vượt lên trên lẽ công bằng ấy. Tình yêu là thứ cho đi, ra khỏi sự ích kỷ bản thân để trao ban cho người mình yêu.

Bởi thế tình yêu và lòng tha thứ gắn kết nên một. Chẳng thể có lòng tha thứ nếu không có tình yêu. Sự công bằng và cố chấp không phải là đất sống của lòng tha thứ.

Chỉ có một người cha giàu lòng thương xót mới sẵn sàng rời bỏ vị thế của mình, bỏ qua mọi lầm lỗi của đứa con. Chỉ có một người con chấp nhận chính mình, tha thứ cho chính mình, tin tưởng vào tình thương của cha mới có thể vượt lên mọi nghi kỵ để trở về với cha.

Tình yêu và lòng tha thứ trong tâm hồn đã kéo các nhân vật chính trong tranh ra khỏi sự chật hẹp, ích kỷ của bối cảnh phía sau. Cuộc đời sẽ trở nên thi vị và thanh thản khi tôi mang trong mình tình thương và lòng tha thứ. Sự bon chen náo nhiệt của cuộc sống vẫn còn đó, nhưng trái tim yêu vẫn thênh thang thõng bước giữa chợ đời.

15394 1 nguoi con hoang dang 2* Bức tranh “Sự trở về của Người con hoang đàng – The Return of the Prodigal Son” của họa sỹ Rembrant được vẽ xong năm 1669 bằng kỹ thuật sơn dầu. Tranh có kích thước 206 x 262 cm hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Hermitage, thành phố Saint Petersburg, Liên Xô.

 

Lm. Giuse Lê Danh Tường

 

* Dụ ngôn “Người con hoang đàng” (Lc 15, 11-32)

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)