Ảnh hưởng của Công giáo với nền văn hóa Việt Nam

Bài viết của tác giả Đinh Kiều Nga, đăng trên trang mạng của Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Bài viết được đăng lại với mục đích giới thiệu góc nhìn của một người vô thần đánh giá về mức độ ảnh hưởng của Đạo Công Giáo đối với Văn hóa Việt Nam. Từ ngữ và ý tưởng của bài viết, vì thế, không phản ánh quan điểm của Ban Biên Tập trang mạng giáo phận Thanh Hóa. 

Ảnh hưởng của Công giáo với nền văn hóa Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, có cả tôn giáo nội sinh và ngoại lai, việc tiếp nhận các tôn giáo ngoại lai trong đó có Công giáo gắn với hoàn cảnh chính trị – xã hội, về lịch sử tiếp nhận và những yếu tố khác.

Trong mấy thế kỷ Việt Nam tiếp xúc và giao lưu với phương Tây, bên cạnh Công giáo, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã tác động một cách khá sâu rộng vào nhiều lĩnh vực văn hóa vật chất và tinh thần Việt Nam. Tùy từng lúc từng nơi, thái độ của người Việt Nam có thể khác nhau, chấp nhận hay chống đối, nhưng cuối cùng bao giờ cũng là sự thâu hóa linh hoạt, tiếp nhận những gì có ích và biến đổi cho phù hợp với tính cách Việt Nam và nhu cầu Việt Nam. So với Phật giáo và Khổng giáo, Công giáo du nhập vào Việt Nam muộn hơn, mang đậm nét văn hóa phương Tây nhưng cũng đã đóng góp nhiều mặt tích cực tạo nên những nét văn hóa Công giáo rất riêng biệt.

Về thời gian, Việt Nam tiếp xúc với Công giáo và văn hóa Công giáo từ khá lâu. Trong đó tính cách quốc tế của việc truyền giáo ở Việt Nam đã dẫn đến những điều kiện thuận lợi để người Việt Nam tiếp thu văn minh phương Tây và văn hóa Công giáo. Các loại hình văn hóa mới ở Việt Nam tương đối tiêu biểu ở hình loại và những kết quả trong thực tiễn, từ kiến trúc, nghề in, báo chí, văn học, đến sân khấu, kịch, điêu khắc, nghệ thuật… đã xuất hiện mhiều nét mới lạ. Cùng với thời gian dần dần Công giáo đã trở thành mạch sống bên trong bản sắc dân tộc.
1. Công giáo vào Việt Nam
Cũng như các tôn giáo khác, Công giáo xem việc truyền đạo là sứ mạng thiêng liêng và thường trực. Ngay từ rất sớm với lời thúc dục hãy đi khắp trái đất và giảng phúc âm cho mọi người. Bằng các hoạt động truyền giáo, Công giáo từ một tôn giáo địa phương nhanh chóng trở thành tôn giáo của đế chế La Mã, và từ tôn giáo của đế chế La Mã trở thành tôn giáo của châu Âu. Với những phát kiến địa lý thời kỳ cận đại đã mở ra những triển vọng lớn lao cho việc mở rộng nước Chúa đến những miền đất ngoại trong đó có Việt Nam.
Tình hình Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII có nhiều xáo trộn và diễn biến phức tạp. Nội bộ giai cấp thống trị lục đục vì sự tranh chấp quyền lực dẫn đến sự chia cắt đất nước kéo dài từ năm 1645 đến năm 1692, sau đó là cuộc nội chiến giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn và sự phục hồi của nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Những điều đó đã làm cho kinh tế trì trệ và gián đoạn, chính trị thì hỗn độn, đời sống của nhân dân thì đói khổ lầm than, nhân tâm thì giao động ly tán, tạo thuận lợi cho việc thâm nhập truyền bá Công giáo cũng như việc dòm ngó chinh phục của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Từ những thập niên đầu của thế kỷ XVI ở Việt Nam đã có các giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng: Năm Nguyên hòa đời vua Lê Trang Tông (1533 – Tây lịch) có một thương nhân là Inikhu đi đường biển vào giảng đạo Gia-tô ở Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Công giáo lấy năm 1533 là thời mốc đánh dấu việc truyền Công giáo vào Việt Nam. Tiếp theo đó, năm 1550, linh mục Gaspar da Santa Cruz đến giảng đạo tại Hà Tiên; năm 1558, các linh mục khác như Luis de Fonseca, Gregoire de la Motte truyền giáo ở miền Trung; năm 1583, các linh mục Diego Doropesa, Pedro Ortiz đến truyền giáo ở vùng ven biển Quảng Ninh,… Thời kỳ 1533 đến năm 1614 chủ yếu là các giáo sĩ dòng Phan-xi-cô thuộc dòng Bồ Đào Nha và dòng Đa Minh thuộc Tây Ban Nha đi theo những thuyền buôn vào nước ta, nhưng do không quen thông thổ, chưa thạo ngôn ngữ nên việc truyền giáo không mấy kết quả. Từ năm 1615 đến năm 1665 các giáo sĩ dòng Tên thuộc Bồ Đào Nha từ Ma Cao (Trung Quốc) vào Việt Nam hoạt động ở cả Đàng Trong (nam sông Gianh), Đàng Ngoài (bắc sông Gianh). Những giáo sĩ dòng Tên tỏ ra thông thạo tiếng Việt lại hoạt động khôn khéo nên mặc dù gặp khó khăn phức tạp nhưnghọ đã thu hút được nhiều người theo đạo. Theo tài liệu của giáo hội, sau 37 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài với 25 linh mục, 5 trợ sĩ và 50 năm truyền giáo ở Đàng Trong với 39 linh mục, các giáo sĩ dòng Tên đã phát triển được 100 ngàn tín đồ. Khi đạo phát triển, các giáo sĩ dòng Tên nghĩ đến việc cần có các giám mục phụ trách để thúc đẩy công cuộc truyền giáo ở bước cao hơn. Năm 1659, Giáo hoàng Alec-xăng-đrơ VII đã thành lập 2 Giáo phái đầu tiên ở Việt Nam và phong 2 người Pháp là Francois Pallu và Lambert de la Motte làm giám mục phụ trách truyền đạo ở Đông Dương. Như vậy, thế kỷ XVI, XVII là thời kỳ truyền giáo của các giáo sĩ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Càng về sau vai trò của các giáo sĩ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha càng lu mờ, trong khi các giáo sĩ Pháp ngày càng mạnh, nhất là sau khi Hội Thừa sai Paris ra đời.
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nước ta thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX tiếp tục có nhiều biến động phức tạp càng tạo điều kiện cho sự bành trướng của Hội Thừa sai Paris. Thời kỳ này các giáo sĩ Pallu, Lefèbvere, Puginnier, Retord, Pigneau de Béhaine, … hoạt động rất ráo riết, đóng góp tích cực vào việc truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam.
Thời kỳ này thực dân Pháp âm mưu xâm lược Việt Nam, đe dọa nền độc lập dân tộc. Đây là lý do chính trị chủ yếu và trực tiếp, bên cạnh các lý do tư tưởng, tôn giáo và văn hóa để dẫn đến việc các vua chúa phong kiến Việt Nam nghi ngại cấm đạo, bức đạo quyết liệt. Chỉ tính riêng ba đời vua của triều Nguyễn là Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức có tất cả 14 sắc chỉ cấm Công giáo. Đặc biệt vào thời điểm trước và sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (đời vua Tự Đức) việc cấm đạo càng trở nên gay gắt quyết liệt.
Bên cạnh các hoạt động cấm đạo của triều đình, còn có phong trào Bình tây sát tả chủ yếu ở miền Trung do các văn thân sĩ phu lãnh đạo chống lại đạo Công Giáo chủ yếu từ góc độ tư tưởng, văn hóa, bắt đầu từ 1862, khi triều đình nhà Nguyễn cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, kéo dài đến tận năm 1888.
Sau khi chiếm được Việt Nam, nhất là từ khi thiết lập được chế độ thống trị, gần như là để đền đáp công lao Hội Thừa sai Paris, Pháp ban cho các giáo sĩ Thừa sai nhiều đặc quyền đặc lợi. Uy thế của Giáo hội được đề cao, các giáo sĩ trở thành những người có thế lực lớn trong xã hội lúc bấy giờ. Nhờ những điều kiện thuận lợi về mặt vật chất và tinh thần do chính quyền Pháp đưa lại hàng ngàn cơ sở tôn giáo được triển khai xây dựng, số tín đồ ngày càng tăng nhanh.
Sau bốn thế kỷ truyền giáo, tới nay đạo Công giáo ở Việt Nam đã có hơn 6 triệu tín đồ. Thâm nhập vào Việt Nam giữa lúc chế độ phong kiến đang khủng hoảng trầm trọng, nạn đói kém tràn lan, đạo Công giáo đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho người dân đang cần niềm an ủi. Với truyền thống bao dung, người Việt Nam dễ dàng chấp nhận mọi tôn giáo ngoại lai miễn là nó phù hợp và đến với thiện chí hòa bình. Thêm vào đó, Công giáo là một tôn giáo mang đậm tính cách cứng rắn của truyền thống văn hóa phương Tây, do vậy mà trong một thời gian dài mới hòa đồng với văn hóa Việt Nam.
2. Sự hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa Việt Nam
Nền văn hoá của một dân tộc được ví như những tấm vải muôn màu mà những sợi dọc là những cốt lõi văn hoá của chính dân tộc đó, trong khi những sợi ngang là những đón nhận qua nhiều thế hệ. Như vậy, tam giáo đã dệt nên những sợi ngang muôn màu trong một quá trình phát triển của văn hoá Việt Nam. Khi đạo Công giáo hiện diện ở Việt Nam thì đã có một yếu tố mới làm giàu cho văn hoá Việt Nam. Trong một bài viết, giáo sư sử học Phạm Cao Dương, một học giả không Công giáo, đã viết: “Ngày nay người ta không thể nói tới văn hoá của dân tộc Việt Nam hay cuộc sống của người Việt Nam trong bất cứ phạm vi nào mà không nói tới sự hiện diện, vai trò và sự đóng góp của đạo Công giáo, dù đó là cuộc sống ở trong nước hay cuộc sống ở nước ngoài”.
Công giáo là tôn giáo giúp cho con người cảm nhận thực tại thần thiêng một cách rõ ràng và hữu lý nhất. Vì thực tại thần thiêng trong Công giáo không là những giáo thuyết cao siêu, những chân lý trừu tượng, hay những bí nhiệm từ trời cao, nhưng là một ngôi vị cụ thể, một Thiên Chúa siêu việt nhưng làm người ở giữa nhân loại, trở nên một con người hữu hình trong lịch sử, trong thời gian. Linh đạo Công giáo không chỉ dành cho những con người uyên thâm, tài năng, những nhà tu đức đạo hạnh, hay những học giả tư tưởng thời danh, mà còn là con đường đến thánh của người nghèo, của tầng lớp lao động chân chất, của thế giới bình dân đông đảo mà xã hội nào cũng có. Công giáo có khả năng đồng hành với mọi nỗi niềm của con người, cho dù họ là học giả cao siêu hay kẻ cùng đinh trong xã hội.
Người ta cho rằng đức tin luôn luôn xuất hiện trong một bộ áo văn hoá và nhờ đó người đón nhận có cơ may và tự do dựa theo bản sắc dân tộc mình mà tự khám phá ra những phương cách thích hợp cho việc thâu nhập đức tin. Nếu Ngôi Lời đã trở thành nhục thể trong Ðức Giêsu thì việc hội nhập văn hoá là điều tất yếu. Trong ý hướng ấy nhiều học giả cho rằng phải đưa tinh thần và biểu hiệu chính yếu Công giáo vào trong văn chương, tư tưởng, nghệ thuật Việt Nam, nghĩa là được tư duy và diễn tả bằng các phạm trù và các biểu hiện Việt Nam, trước hết là Công giáo hữu Việt Nam, thí dụ như việc cổ vũ thiết lập bàn thờ gia tiên, áp dụng những phần tinh túy của hôn lễ, tang lễ và lễ giỗ theo truyền thống.
Niềm tin Công giáo có thể tháp nhập được vào trong nền văn hóa Việt Nam. Vì cảm thức “cái thiêng” của người dân Việt phù hợp với bản chất “dung dị” của Tin mừng. Cái thiêng ở đây rất cụ thể trong cuộc sống thường ngày của người dân Việt. Có gì cụ thể hơn cây đa, bến nước, bờ tre, mảnh vườn; có gì thân thương hơn tình làng nghĩa nước, và thắm thiết hơn tương quan máu mủ, ruột thịt trong văn hóa Việt Nam. Cũng vậy, có gì rõ ràng hơn, thiết thực hơn hình ảnh một cánh huệ ngoài đồng, dáng chim sẻ đang bay, một mẻ cá lớn, những hạt giống gieo vãi trên đường mòn, giữa bụi gai, trên đá sỏi, mưa đổ, sông tràn, gió thổi… trong lời rao giảng của Ðức Giêsu. Và có gì thắm thiết hơn một tình yêu cho đi cả mạng sống mình của Ðức Giêsu. Nếu trong đạo Công giáo, bí tích Rửa tội là cửa ngõ đầu tiên của người tín hữu gia nhập vào cộng đoàn dân Chúa, thì nghi lễ Cáo gia tiên trong văn hoá Việt Nam là cửa ngõ cho những thành viên mới gia nhập vào cộng đồng gia tộc, làng nước. Nếu trong đạo Công giáo, một chút bánh, chút rượu và lời truyền phép của vị linh mục làm nên thực tại Thiên Chúa hiện diện nơi bí tích Thánh Thể, thì trong phong tục cúng bái Việt Nam, một nén hương, đĩa xôi, chút rượu trước hương án ông bà tổ tiên thiết lập được tương quan linh thiêng giữa cõi dương và âm. Qua bí tích Hôn nhân Công giáo, đôi nam nữ được chính thức công nhận là vợ chồng trước mặt Giáo hội và Thiên Chúa, thì qua những tục lệ cưới hỏi Việt Nam, họ cũng được gia tộc, xã hội, làng nước công nhận là đôi vợ chồng. Có thể nói, chính nhờ cảm thức về “cái thiêng” mà văn hoá Việt Nam có những sự tương đồng rất gần gũi với những thực tại Công giáo.
Trong việc hội nhập Công giáo vào nền văn hóa Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng và nền tảng của nền văn hóa này đó là đạo hiếu, hay tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Tại sao? Vì người Việt cũng như các dân tộc vùng Á Đông này luôn luôn đặt nặng tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Từ nguồn cội, đạo hiếu luôn luôn là một nền tảng căn bản cho đạo làm người của người Việt, và nằm trong bản chất văn hóa của người Việt. Vì thế, việc hội nhập văn hóa Công giáo vào Việt Nam nên khởi đầu từ đạo hiếu, và lấy đạo hiếu làm nền tảng. Ta thấy có sự phù hợp giữa sứ điệp Công giáo và văn hóa Việt Nam trong chủ trương thảo hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Thật vậy, đạo hiếu trong Công giáo thật rõ ràng và được coi là quan trọng.
– Trước hết, đạo hiếu nằm ngay trong thập giới, là căn bản của luật luân lý Công giáo. Thập giới của Công giáo được chia làm hai nhóm: 3 giới đầu liên quan đến Thiên Chúa, 7 giới sau liên quan đến tha nhân. Giới thứ 4, “thảo kính cha mẹ”, là giới đứng đầu nhóm sau. Ðiều đó có nghĩa: “thảo kính cha mẹ” là giới luật quan trọng nhất trong các giới liên quan đến tha nhân.
– Thứ hai là trong các bản văn Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, có biết bao nhiêu câu hay đoạn văn khuyến khích lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, nhất là trong sách Châm Ngôn và Huấn Ca.
Đồng thời dân tộc Việt Nam không chỉ đặt nặng đạo hiếu đối với cha mẹ hay ông bà tổ tiên ở dưới đất này mà con người còn có cha mẹ ở một cấp cao hơn, đó là cha mẹ ở trên trời, hay là cha mẹ sinh ra vũ trụ vạn vật, mà con người cũng có bổn phận phải thảo hiếu. Niềm tin có Trời là Ðấng tạo dựng vũ trụ rất phù hợp với niềm tin chung của dân tộc. Ðây là một điểm nổi bật khác của nền văn hóa Á Ðông, rất thuận lợi cho việc hội nhập văn hóa Công giáo, đó là người ta tin rằng trên đầu mình còn có một Ðấng thiêng liêng, tạo dựng nên vũ trụ. Tuy nhiên, ý niệm về Ðấng thiêng liêng này còn rất mơ hồ, chưa rõ rệt, và Công giáo có thể đưa ra một ý niệm rõ rệt hơn. Công giáo đặt rất nặng việc thảo hiếu với Ðấng thiêng liêng này, cũng là cha mẹ của chúng ta, nhưng ở cấp độ cao và rộng hơn cha mẹ ở dưới đất này.
 Công giáo chú trọng về đạo hiếu và coi đạo hiếu như nền tảng của mình, nên Công giáo phù hợp với tinh thần hiếu thảo của dân tộc ta. Nhưng đạo Công giáo còn cho thấy một chiều kích rộng lớn hơn của đạo hiếu, giúp quan niệm về đạo hiếu của dân tộc trở nên rộng rãi và hoàn chỉnh hơn. Vì đạo Công giáo quan niệm vũ trụ như một đại gia đình, trong đại gia đình đó, Thiên Chúa là cha mẹ sinh ra tất cả, và tất cả mọi tạo vật là anh em.
Như vậy, khi đưa quan niệm về đạo hiếu của mình vào nền văn hóa dân tộc, thì người Công giáo đã hoàn chỉnh quan niệm thảo hiếu đối với cha mẹ vốn sẵn có trong nền văn hóa Việt Nam, làm cho quan niệm về đạo hiếu của dân tộc trở nên rộng rãi và đầy đủ hơn.
Tiếp nhận văn hóa Công giáo, văn hóa Việt Nam cũng được làm giàu thêm bởi những yếu tố văn hóa phương Tây, và đặc biệt thành công trong vấn đề chữ viết. Khi truyền đạo cho người Việt Nam, khó khăn đầu tiên mà các giáo sĩ vấp phải là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn tự; các giáo sĩ có thể học tiếng Việt được, nhưng học chữ Nôm thì quá khó. Bởi vậy họ đã dùng bộ chữ cái Latinh quen thuộc có bổ sung thêm các dấu phụ (mà một số ngôn ngữ phương Tây như chữ Bồ Đào Nha đã từng làm) để ghi âm tiếng Việt – thứ chữ này về sau được gọi là chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ là thành quả công sức tập thể của các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp… và những người Việt Nam đã từng giúp họ học tiếng Việt.
Năm 1632 Gaspar d’Amaral đã soạn cuốn từ điển Bồ – Việt. Song công lao lớn nhất trong việc củng cố và phát triển thứ chữ này thuộc về linh mục Alexandre de Rhodes, người đã dày công sưu tập, bổ sung biên soạn và năm 1651 đã cho xuất bản ở Rôma cuốn từ điển Việt – Bồ – La tinh với ngữ pháp tiếng An Nam.Tuy mục đích ban đầu của việc soạn chữ Quốc ngữ chỉ là giúp các giáo sĩ truyền đạo, rồi sau được chính quyền Pháp sử dụng phục vụ cho việc cai trị, nhưng nếu so với chữ Hán và chữ Nôm nó có ưu điểm lớn là rất dễ học.
Như vậy là từ khi truyền vào Việt Nam, đạo Công giáo đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn hóa Việt Nam. Hội nhập Công giáo vào Việt Nam đã làm cho nền văn hóa ấy trở nên phong phú, đa dạng. Cũng giống như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo đã làm trước kia. Trong sự hội nhập này không có gì mất đi, trái lại cả văn hóa Việt Nam lẫn các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo đều có thêm những nét độc đáo của riêng mình.
3. Bản địa hóa văn hóa Công giáo
Trong cuộc giao lưu và tiếp xúc với Công giáo, văn hóa Việt Nam không chỉ giành được quyền tôn trọng, mà trong một số trường hợp nó còn khiến cho đạo Công giáo khi vào Việt Nam đã được bản địa hóa, tiếp nhận những dấu ấn của văn hóa Việt Nam.
Việc thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống ăn sâu trong tâm thức tôn giáo của người Việt. Đạo Công Giáo trước công đồng Vatican II loại bỏ tín ngưỡng này đã để lại không ít những trằn trọc day dứt cho những tín hữu theo đạo. Nhưng nay tín hữu Công giáo đã thực hiện được những nghi lễ tưởng niệm tổ tiên ngày càng phong phú và đa dạng. Ngày nay các gia đình Công giáo đều đặt bàn thờ tổ tiên ngay cạnh (thấp hơn một chút) bàn thờ Chúa, cũng đặt để bát hương và hai chân nến hai bên. Vào những ngày giỗ trong gia đình, người Công giáo cũng tổ chức theo phong tục địa phương như thắp hương kính nhớ tổ tiên, dâng hoa quả để tỏ lòng thành…
Đền thờ Đức mẹ Maria tại La Vang
Với truyền thống trọng nữ, truyền thống thờ Mẫu của người dân Việt, thì hình tượng đức Mẹ Maria trong đạo công giáo thật gần gũi với người Việt Nam. Bà trở thành nhân vật được nhắc đến rất nhiều trong đạo Công giáo Việt Nam, tên Bà được đặt cho rất nhiều thánh đường. Thậm chí đã hình thành cả một truyền thuyết về đức Mẹ Maria Việt Nam, Đức Mẹ La Vang.Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nơi đâu, hay bất cứ gia đình nào cũng đặt để tượng Đức Mẹ để Mẹ ban ơn phù giúp. Đặc biệt vào tháng hoa kính Đức Mẹ, người Công giáo Việt Nam tổ chức dâng hoa tỏ lòng sùng kính Đức Maria, nó trở thành một tập tục, một truyền thống tốt đẹp và thiêng liêng. Một buổi dâng hoa mang đậm nét văn hóa Việt Nam thể hiện qua cung nhạc, cử điệu, đội hình di chuyển…. Ở những vùng quê miền Bắc, những buổi dâng hoa lại càng phù hợp với tâm thức người Việt trong việc thích lễ hội, thích màu sắc và nhộn nhịp, giáo dân ở các khu trong họ đạo lo đi hái hoa, kết hoa, thật là một nét đẹp văn hóa mà có lẽ ta chỉ cảm nhận ý nghĩa của nó chứ khó mà diễn đạt bằng lời.
Bên cạnh đó còn có những hình ảnh khác cũng độc đáo không kém, tạo nên những nét đc trưng cho Công giáo Việt Nam: những tiếng chuông nhà thờ hai buổi sớm chiều đã tạo nên những nguồn cảm hứng cho thơ ca và âm nhạc, rồi từ những lời kinh phụng vụ được dịch sang tiếng Việt theo một thể thơ vần Việt Nam rất tài tình mà mỗi khi đọc lên ta đều có một rung cảm hồn Việt. Có lẽ, không một người Công giáo nào lại không thuộc lấy một kinh quen thuộc như Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng hoặc Kinh sáng danh…lối cầu nguyện bằng kinh dường như trở thành máu thịt trong đời sống đức tin của người Việt, tuy bây giờ những vị phụ trách giáo lý không còn chủ trương dạy học kinh một cách máy móc như trước đây, nhưng không ai phủ nhận những giá trị tích cực của nó.
Nhất là trong xã hội phần lớn dân trí còn chưa cao. Đặc biệt, các nhà tri thức Công giáo đã phát huy cùng với cái hay của Nho gia và Phật tử, nên họ cũng soạn ra những tác phẩm diễn ca để truyền bá giáo lý gia đình, nổi bật nhất là cuốn “Ca Vè Cụ Sáu” của Linh mục Trần Lục, nguyên là cha xứ giáo xứ Phát Diệm. Linh mục đã viết những câu vè theo thể thơ song thất lục bát, hoặc lục bát, một thể thơ bình dân rất quen thuộc với làng quê Việt Nam như :
Phần hồn thì Chúa sinh ra.
Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành
Phụ tình mẫu huyết đúc hình
Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người
Đạo Công giáo vào Việt Nam mang theo cả kiến trúc phương Tây theo vào. Các tòa nhà kiểu phương Tây dần mọc lên, song điều đáng chú ý là phần lớn các công trình này đều không rập khuôn theo lối kiến trúc phương Tây thích hợp cho xứ lạnh, mà đã biến đổi rất linh hoạt phù hợp với môi trường khí hậu và thời tiết Việt Nam, do vậy mà dấu ấn Việt Nam hóa đã để lại rất rõ. Các tòa nhà không làm cao như nhà phương Tây mà chiều cao tối đa thường chỉ giới hạn ở hai tầng để ngôi nhà hòa mình vào thiên nhiên. Các phòng ốc trong nhà thì không thấp và kín để giữ hơi ấm như phòng phương Tây mà ngược lại đều cao ráo và thoáng mát. Cửa sổ được mở nhiều theo lối Việt Nam, các mái hiên, mái che cửa sổ được làm rộng đưa ra xa để tránh nắng chiếu và mưa hắt. Các kiến trúc sư còn chú ý sử dụng hệ thống mái ngói, bố cục kiểu tam quan, lầu hình bát giác,v.v. để làm nổi bật tính dân tộc…
Các nhà thờ Công giáo vốn nổi tiếng khắp nơi về sự rập khuôn cứng nhắc theo lối kiến trúc gô-tích cao vút có đỉnh tháp nhọn hoắt, thì ở Việt Nam, từ thế kỷ XIX cũng đã có những ngôi nhà thờ được xây dựng với lối kiến trúc và trang trí hoàn toàn độc đáo theo kiểu Việt Nam, nhìn thoáng qua chẳng khác gì những ngôi chùa, mà nhà thờ Phát Diệm là một điển hình với tháp thấp trải rộng có mái cong. Ngoài cây thánh giá để phân biệt giữa ngôi chùa và ngôi thánh đường, ta cũng phải nhìn nhận đến những nét hoa văn, những bức phù điêu hay những pho tượng… tất cả đều hài hòa, tạo nên một nét rất riêng biệt trong sự thánh thiện trang nghiêm của đạo Công giáo.
Nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam và đồng thời cũng là một trong những nhà thờ Công giáo vào loại cổ nhất ở Đông Nam Á. Đây là một quần thể kiến trúc gồm một nhà thờ lớn ở chính giữa và năm nhà thờ nhỏ bao quanh trên một khu đất rộng hơn hai hecta. Khác hẳn với hình ảnh phổ biến của nhà thờ theo kiểu châu Âu, nhà thờ lớn Phát Diệm mang dáng dấp của một ngôi chùa với kiến trúc thấp trải rộng, mái cong mang tính dân tộc rõ nét.
Đến với Phát Diệm, ta gặp lại cách bố trí quen thuộc của các ngôi thánh đường Công giáo. Vẫn tháp chuông, rồi nhà thờ với lối vào chính theo chiều dọc, giếng rửa tội, toà giảng, gian cung thánh, thế nhưng tất cả đều đã được biến đổi. Kiến trúc truyền thống Việt Nam đã được sắp đặt lại cho phù hợp với các lễ nghi Công giáo, và kiến trúc các ngôi nhà thờ Châu Âu đã được khoác cho một tấm áo Việt Nam.
Vẫn tháp chuông đó, nhưng không cao vút lên như ta thường gặp. Tháp chuông ở đây bề thế uy nghi với mái cong cổ kính. Ngay cả cái tên cũng đã được thích nghi: Phương Đình, chứ không phải tháp chuông. Còn tên chính thức ghi trên toà nhà này là “Thánh Cung Bảo Toà”, là “Capella in Coena Domini”, tức là “Nhà Nguyện Bữa Tiệc Ly của Chúa”. Cụ Sáu như muốn nói với mọi người rằng: Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đã ngồi ăn bữa tiệc sau hết trong ngôi nhà này, trên chiếc sập đá trong toà nhà này theo phong cách rất Việt Nam. Và cả tiếng chuông nữa, tiếng chuông không lảnh lót, nhưng chầm chậm, trầm hùng giữa cõi thinh không. Hiền hoà trong nét trầm mặc của các tôn giáo Phương Đông mà diễn tả được Đức Tin nhập thế của Công giáo.
Như vậy, phần lớn trong mọi lĩnh vực sinh hoạt, Công giáo đã có đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng tạo cho mình nét văn hóa đặc thù, ăn sâu vào mọi phạm vi của đời sống.
Công giáo tại Việt Nam, nơi chịu ảnh hưởng của ba tôn giáo lớn (Phật, Khổng, Lão), thường bị phê phán là ngoại lai với dân tộc, vì ảnh hưởng của Công giáo đối với văn hóa Việt Nam còn rất hạn chế, nhưng cùng với thời gian đạo Công giáo đã có những ảnh hưởng và đóng góp nhất định vào nên văn hóa Việt Nam. Đạo Công giáo đến Việt Nam giai đoạn đầu cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Gặp được Công giáo và nghe những lời giảng của các linh mục trong hội truyền giáo, đông đảo những nông dân nghèo đã hồ hởi tiếp đón Tin Mừng, vì Tin Mừng làm sáng tỏ và nổi bật lên những yếu tố vốn tiềm tàng trong tâm thức tín ngưỡng dân gian, là chất liệu sống của thôn làng cả ngàn năm. Họ đã tin theo và trở thành những tín hữu nhiệt thành đến mức phải chịu nhưng sự khủng bố, bắt đạo ngặt nghèo của vua quan. Một thời gian dài đạo Công giáo đã không phát triển mạnh, không hội nhập được vào văn hóa Việt Nam do những tín điều đi ngược lại tập quán, đạo lý của dân tộc. Những người theo đạo Chúa bị coi là Tả đạo vì không cho phép thờ cúng ông bà tổ tiên, không gắn bó với tổ tiên làng mạc. Bất cứ người Việt Nam nào đều không thể chấp nhận được một người theo đạo lại không chịu thắp nén nhang trước bàn thờ gia tiên. Đến ngày nay những tín điều đó đã không còn trong đời sống của đồng bào theo đạo Công giáo ở Việt Nam, mà thay vào đó là hình ảnh bàn thờ gia tiên được đặt ngay dưới bàn thờ chúa trong nhà của mỗi giáo dân hay nói cách khác văn hóa Công giáo đã dung hòa với phong tục tập quán tín ngưỡng người Việt, đã được bản địa hóa.
Các bạn trẻ đón Giáng sinh tại Tp. Hồ Chí Minh
Ngày nay, lễ Noel, Valentin không còn dành riêng cho người Công giáo mà nó đã thành ngày hội cho nhiều người nhất là giới trẻ. Ở Việt Nam, đặc biệt ở thành phố gần đến ngày lễ có rất nhiều các cửa hàng bán đồ lưu niệm Giáng sinh và lễ hội tình yêu làm náo nhiệt khắp phố phường và đã lan tỏa xuống cả các làng quê…
Nơi bày bán đồ lưu niệm mừng Giáng sinh
Do vậy, ta không thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của đạo Công giáo đối với nền văn hóa dân tộc. Việc ra đời chữ quốc ngữ đã giúp cho người Việt dễ dàng hơn trong việc học tập, giao tiếp và bảo tồn những dữ liệu dưới dạng văn bản. Đồng thời khi đạo Công giáo vào Việt Nam cũng đã mang theo nhiều yếu tố văn hóa phương Tây du nhập vào, làm cho văn hóa Việt Nam trở nên phong phú hơn, phát triển thêm nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật mới.  Cho đến nay đạo Công giáo đã có được một nền móng tương đối vững chắc nhờ từng bước hội nhập vào trong văn hoá Việt Nam theo đánh giá của các nhà khoa học về tôn giáo này./.
Đinh Kiều Nga
_________________________________
Tài liệu tham khảo
1) Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP Hồ Chí Minh
2) Nguyễn Thanh Xuân, Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2005
3) Trần Văn Việt, Cái thiêng và hội nhập văn hóa Việt Nam.
4) Kim Ân, Nhà thờ Phát Diệm nơi niềm tin Kitô giáo gặp gỡ văn hóa Việt Nam.

(Nguồn: http://btgcp.gov.vn)