Thế giới ngày 28-6-2021: Giáo hội Singapore cổ võ đối thoại liên tôn giới trẻ

Dàn nhạc Vương quốc Anh thực hiện video giúp người tị nạn Myanmar; Giáo hội Singapore cổ võ đối thoại liên tôn giới trẻ; Tuyên bố của HĐGM Mỹ về việc rước lễ của các chính trị gia và tình hình thiếu nguồn cung vắc-xin Covid-19 tại các nước nghèo là những thông tin chính đáng chú ý.

Dàn nhạc Vương quốc Anh giúp đỡ người tị nạn Myanmar
Ảnh chụp màn hình từ video “Những bức thư từ Miến Điện”

Dàn nhạc giao hưởng London Mozart Players (LMP) ra mắt video mới của tác phẩm “Letters from Burma” (tạm dịch: Những bức thư từ Miến Điện) để gây quỹ cho tổ chức từ thiện Advance Myanmar.

Dàn nhạc LMP và nghệ sĩ kèn ô-boa Olivier Stankiewicz đã hợp tác với nhà soạn nhạc Roxanna Panufnik để phát hành video mới về nhạc phẩm “Những bức thư từ Miến Điện”. Tác phẩm của nhạc sĩ Panufnik được sáng tác năm 2004, lấy cảm hứng từ tập thư kể về cuộc sống tại Myanmar của người đạt giải Nobel Hòa Bình – Aung San Suu Kyi.

Video xúc động của LMP dệt nên những giai điệu đầy sức gợi cảm, kết hợp các yếu tố của âm nhạc truyền thống Myanmar, với các cảnh quay gần đây của đất nước này và phần lồng tiếng của những người lần đầu trải qua tình hình bạo lực.

Tất cả số tiền quyên góp được từ video sẽ được chuyển cho tổ chức từ thiện dành cho người tị nạn Advance Myanmar. Tổ chức này hiện đang cung cấp viện trợ khẩn cấp cho hàng nghìn người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột giao tranh.

Đoạn video được quay bởi các sinh viên từ Đại học Surrey và phát hành trong Tuần lễ Người tị nạn từ ngày 14/6 – 20/6. Video được ghi lại tại Nhà thờ Thánh Martin-in-the-Fields ở Quảng trường Trafalgar, nơi nổi tiếng về âm nhạc và quỹ từ thiện hỗ trợ những người dễ bị tổn thương. (Theo UCAnews)

Giáo hội Singapore cổ võ đối thoại liên tôn giữa những người trẻ trong tinh thần của thông điệp “Fratelli Tutti”
Ảnh: Agenzia Fides

Đây là một sáng kiến của Giáo hội Singapore trong năm 2021 kỷ niệm 200 năm đức tin Ki-tô giáo đến với quốc gia này.

Hội đồng Đối thoại Liên tôn của Tổng Giáo phận Singapore đã phối hợp với Trung tâm Wee Kim Wee của Đại học Quản lý Singapore, Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam và Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore để tổ chức một diễn đàn liên tôn trực tuyến đặc biệt dành cho giới trẻ.

Sự kiện có sự tham dự của 160 thanh niên thuộc các tôn giáo khác nhau trên khắp đất nước như: Hindu giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo… Cuộc gặp gỡ kéo dài 4 giờ đồng hồ nhằm đào sâu hơn thông điệp “Fratelli Tutti” về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội.

Các tham dự viên chia sẻ rằng từ các chương của thông điệp, các chủ đề khác nhau đã được đưa ra như: tầm quan trọng của đối thoại xã hội; kết nối đích thực trong thời đại số; hướng tới sự văn minh trong tình yêu; khám phá cơ hội hành động chung giữa các tôn giáo và mối tương quan của tôn giáo trong một thế giới tục hóa.

Tất cả các bạn trẻ tham gia đều đồng ý rằng: “Chúng ta phải bắt đầu bằng những hành động nhỏ và thông điệp yêu thương lẫn nhau”. (Theo Agenzia Fides)

HĐGM Mỹ đưa ra tuyên bố về việc rước lễ của các chính trị gia
Ảnh: Vatican Media

Trong đại hội mùa xuân, Hội đồng Giám mục Mỹ (USCCB) cho biết các Đức cha đang soạn thảo “Văn kiện về Ý nghĩa của Bí tích Thánh thể trong Đời sống Giáo hội”.

Cuộc bỏ phiếu nhằm đưa ra quyết định soạn thảo văn kiện về Bí tích Thánh thể đã thu hút nhiều sự chú ý. Tuyên bố của các Đức Giám mục khẳng định vấn đề từ chối bất kỳ cá nhân hoặc nhóm nào rước lễ là không có trong nội dung bỏ phiếu.

Các Đức Giám mục cũng đặc biệt chỉ ra rằng không có tranh luận nào để bỏ phiếu cho việc cấm các chính trị gia rước Mình Thánh Chúa, cũng như không có ý định ban hành chính sách quốc gia về việc cấm các chính trị gia rước lễ dù họ có giữ chức vụ công hay không.

Tuyên bố giải thích rằng tài liệu đang được soạn thảo không có tính chất kỷ luật, cũng như không nhắm vào bất kỳ cá nhân hay nhóm nào. Tài liệu này sẽ bao gồm một phần giáo huấn của Giáo hội về trách nhiệm của mọi người, kể cả các Đức Giám mục, để việc sống theo chân, thiện, mỹ của Bí tích Thánh thể mà chúng ta cử hành. (Theo Vatican News)

WHO cảnh báo thiếu nguồn cung vắc-xin Covid-19 cho các nước nghèo
Ảnh: Vatican News

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng hơn một nửa số quốc gia nghèo thiếu nguồn cung cấp vắc-xin nhận được thông qua chương trình chia sẻ Covax. Tình trạng thiếu hụt xảy ra khi nhiều quốc gia ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh đang ghi nhận ​​sự gia tăng lây nhiễm Covid-19.

Trong một cuộc họp báo, cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết, hơn một nửa số quốc gia nghèo không có đủ nguồn cung cấp vắc-xin để duy trì các chương trình tiêm chủng và nhiều nước trong số đó đã hoàn toàn cạn kiệt vắc-xin.

Tình trạng thiếu vắc-xin hiện nay một phần là do sự chậm trễ trong sản xuất và cũng do gián đoạn nguồn cung từ Ấn Độ là quốc gia sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới nhưng chính nước này đang phải vật lộn với sự gia tăng chóng mặt của số ca nhiễm Covid-19. Các số liệu cho thấy chưa đến 2% tổng số vắc xin Covid-19 phân phối trên thế giới tiếp cận đến các quốc gia có thu nhập thấp.

Với áp lực về nguồn cung vắc-xin tăng cao, một số quốc gia giàu có đã nỗ lực tăng cường tài trợ thông qua chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu Covax.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin đề các quốc gia trên thế giới có thể tự sản xuất và phân phối vắc-xin Covid-19. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án “vi-rút chủ nghĩa cá nhân” khiến con người thờ ơ trước sự đau khổ của người khác và cho rằng “chủ nghĩa dân tộc khép kín” chỉ lo cho người dân nước mình là một biến thể của “vi-rút” này. (Theo Vatican News)

Khánh Ly