SHIPPER

Nó về quê và đến nhà bác chơi. Bác trai nhân lúc bác gái nó ra vườn, bèn gọi điện cho một người lạ: “Em à, cái món đồ mà em gửi cho anh hôm qua, có chút nhầm lẫn em ạ. Em có thể đổi cho anh được không?”. “Gọi cho ai mà xưng ngọt ngào thế?” – bác gái nó ném một cái nhìn sắc như dao cau, buông một câu đầy nghi ngờ. Bác trai giật thót tim. Thôi rồi! Lộ hết. Sau hồi giải thích, bác trai nhìn vào gói hàng, thở một cái dài thượt: “Chỉ tại cô síp – bơ!”. Với cái tính tò mò vốn có, nó xà vào xem gói hàng. Một đôi giày mới, bóng loáng, được đặt online, mỗi tội… cả hai chiếc đều là giày trái. Nó cười nghiêng ngả, rớt nước mắt!

Sự cố “shipper” đó làm nó nghĩ đến các tiện ích mà thế giới công nghệ ngày nay mang lại cho con người. Nó nghĩ đến ý nghĩa sâu xa của từ “shipper” – người giao hàng. Có lẽ đây là một thuật ngữ khá lạ đối với các bác nó ở miền quê, nhưng lại không còn là một từ mới mẻ trong ngôn ngữ của các bạn trẻ. Tuy nhiên, khi lật mở các trang Tin mừng, nó bắt gặp hình ảnh một “shipper chính hiệu” – Mẹ Maria. Mẹ đã mang trong cung lòng mình món quà tuyệt vời của Thiên Chúa đến cho nhân loại khi thưa tiếng “Fiat – xin vâng”. Mẹ còn đon đả lên đường đem “món quà tuyệt diệu ấy” tới bà Elisabeth (x. Lc 1,39). Đó không chỉ là một cuộc viếng thăm đơn thuần của một người em với người chị họ, nhưng còn là một “cuộc giao hàng” của niềm vui và hạnh phúc.

Đưa tầm mắt gần hơn với môi trường nó đang sống, nó cũng thấy và cảm phục biết bao “người giao hàng” quanh nó. Những shipper ấy không cần khách hàng lên đơn, không yêu cầu trả phí, nhưng tự nguyện thấy những nhu cầu của người khác và vô tư phục vụ. Đó là một ông cụ nơi giáo xứ bên, đã gần 70 tuổi mà chiều Chúa nhật nào cũng mặc áo thừa tác viên, đạp xe, trên người cung kính mang “kiện hàng” đi khắp làng, đến trao cho những người già yếu. “Kiện hàng quý giá” đó chính là Mình Thánh Chúa. Đó còn là hình ảnh một cô lao công trong nhà hàng, âm thầm đóng gói đồ ăn không dùng hết của khách hàng cách cẩn thận, bữa nào cũng mang đến cho bà già neo đơn nơi góc phố. Đó cũng là một anh giáo dân, mặc dù đang phải chăm mẹ ung thư và đứa con nhỏ, vẫn nhiệt tình xung phong đi truyền giáo, khám bệnh cho các anh chị em vùng dân tộc. Đó còn là hình ảnh của một em bé ngây thơ, chạy đến bên người ăn xin bên vệ đường, trao cho họ nụ cười duyên dáng kèm theo một cái kẹo mút một nghìn đồng…. Quả thực, những “người giao hàng” đó làm nó thật cảm động, vì hành động của họ xuất phát từ một tấm lòng và con tim chân thành. Trong cuộc sống, còn biết bao tấm gương người giao hàng nữa mà thiết nghĩ, chỉ cần thinh lặng, lắng nghe và quan sát thôi, nó cũng tìm thấy được rất nhiều. Những người ấy không làm cho một công ty nào cả nhưng lại có một ông chủ tuyệt vời, đó là Thiên Chúa Tình Yêu. Chính tình yêu thúc đẩy họ hành động mà không cần đền đáp hay thù lao, tình yêu khiến họ trao ban tất cả và hy sinh vô vị lợi.

Nếu hiểu từ “shipper” theo nghĩa rộng, nó thiết nghĩ ai cũng là một khách hàng, đồng thời cũng là một người giao hàng. Bởi vì, có ai nghèo đến độ không có gì để cho đi, và cũng chẳng ai giàu đến mức chẳng thiếu gì để cần phải nhận lãnh. Đã có bao người giao hàng đi qua cuộc đời nó mà chưa một lần nó trả được lệ phí! Nó nợ mẹ một lời ru đầu nôi, nợ thầy cô một dấu chấm câu đặt sai dòng, nợ bạn bè một nụ cười vô tư khi lòng đang bực tức, nợ chị em một lời cám ơn và xin lỗi cứ ấp úng mãi trong cổ họng mà chưa thành lời… Và, còn nhiều lắm những “shipper” vô danh xuất hiện trong cuộc đời, trao cho nó những món quà ân nghĩa.

Những suy nghĩ về ý nghĩa của từ “shipper” chất vấn lương tâm nó: nó đã trở thành “shipper” cho ai đó chưa? Cũng thật dễ mà cũng thật khó để trả lời. Quả vậy, không khó để kể một danh sách những việc tốt mà nó làm, nhưng chưa chắc những việc tốt ấy đã khiến nó trở thành một “shipper chuẩn”. Dễ lắm để tỏ lộ một cái tôi thích khoe khoang, thích khẳng định mình qua những việc ấy. Thiết nghĩ, chỉ khi nó làm một việc tử tế, một việc thiện mà không nghĩ là mình đang làm, vì đơn giản đó là trách nhiệm và bổn phận, và chỉ khi giúp đỡ tha nhân mà chẳng so đo tính toán hay đòi trả công…, thì nó mới là một nhân viên giao hàng đúng nghĩa!

HHQ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org