Trong Mùa Vọng, mỗi cộng đoàn trong Tỉnh Dòng Việt Nam chúng tôi có một kế hoạch cần thực hiện. Điều này nhằm mục đích chia sẻ những gì chúng tôi có với những người nghèo. Đối tượng mà cộng đoàn của tôi hướng tới là những người khiếm thị. Thứ Bảy tuần qua là một ngày đặc biệt với cộng đoàn của chúng tôi. Chúng tôi đã đón tiếp những người khiếm thị đã từng ở mái ấm Huynh Đệ với các chị em trước đây. Đó thực sự là một ngày vui vẻ và ý nghĩa với tất cả mọi người.
Đúng 8h30 chuông cổng cộng đoàn chúng tôi vang lên “King Koong! Kinh Koong”. Vị khách đầu tiên đã đến với chúng tôi. Tôi mở cửa cho chú. Gọi bằng chú vì nhìn chú cũng chừng tuổi bố tôi. Lúc đó trong lòng tôi cảm thấy rất vui. Một cảm giác lạ lùng đến với tôi vì nó làm tôi nhớ lại khoảng thời gian trước đây khi tôi sống với các em khiếm thị ở cộng đoàn Bình Chánh. Tôi chào đón chú đến với cộng đoàn của tôi bằng một nụ cười và nói: “Rất vui được đón tiếp chú!”. Chú ấy cũng rất vui. Chú rời nhà từ rất sớm vì ở tỉnh khác. Nơi đó cách thành phố Sài Gòn chừng 60-70 km. Tôi ngưỡng mộ và cảm phục chú rất nhiều. Chú không nhìn thấy nhưng tự đi một mình đến với buổi họp mặt hôm nay mà không cần có người nào dẫn.
Sau đó, những cô chú khiếm thị khác cũng đến. Tất cả khoảng hơn 30 người bao gồm cả vợ/chồng và con cái của họ. Những đứa trẻ may mắn là chúng không bị khiếm thị. Chúng rất đẹp và dễ thương. Khoảng 9h15, hầu hết mọi người đều có mặt trong cộng đoàn của tôi. Họ đã hát, đã kể và chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống kể từ khi hoàn thành chương trình học và rời “Mái ấm”. Mỗi người gặp những khó khăn khác nhau. Ba người trong số họ may mắn hơn. Họ là những giáo viên. Một số thì bán vé số. Đôi khi, họ không bán được vé nào. Tôi hỏi họ, “khi di chuyển đến nơi khác, mọi người đi bằng phương tiện gì?” Một người trả lời “đi bằng xe buýt”. Tôi tiếp tục “Anh có được vé miễn phí không?”. “Có, đôi khi tôi gặp một người lái xe tốt bụng, nhưng đa phần là người ta lấy tiền” anh ta trả lời.
Một vài người khác có năng khiếu thì chơi guitar và nhạc cụ truyền thống là đàn bầu cho một nhóm nhỏ, nhưng nó không thường xuyên, vì thời nay đâu có mấy người chuộng loại đàn ca tài tử. Hoàn cảnh gia đình anh cũng rất đáng thương. Cha mẹ anh qua đời khi anh còn nhỏ. Anh có hai chị gái và một em trai. Một trong số họ vẫn ổn, hai người còn lại không bình thường.
Có lẽ vì lâu lắm rồi họ mới có cơ hội được gặp lại nhau và chia sẻ cuộc đời cho nhau, đặc biệt họ rất yêu ca hát, nên trong khi chuyện trò, đàn vẫn vang lên, người vẫn hát một cách say sưa và thích thú. Với kinh nghiệm của tôi trong việc chăm sóc cho các em khiếm thị, tôi thấy họ rất tài năng về âm nhạc. Điều này cũng dễ hiểu thôi, âm nhạc là âm thanh và để cảm thụ được nó thì cần có đôi tai và con tim. Họ đã thiếu một phần mà mỗi người sáng mắt như chúng ta có là đôi mắt, họ cảm nhận mọi thứ bằng đôi tai qua những gì họ nghe được. Tôi rất tiếc vì sau đó tôi phải ra ngoài nên không thể nghe những câu chuyện khác của họ.
Vào buổi trưa, tôi trở lại cộng đoàn và ăn trưa với họ. Họ đã học cách tự phục vụ chính mình, nhưng ở một nơi hoàn toàn lạ lẫm với họ thì sự giúp đỡ vẫn là cần thiết. Vì vậy, tất cả các chị em và một số em tình nguyện viên đã giúp họ ăn trưa trước, sau đó chúng tôi mới ăn. Sau khi đã no bụng, họ tiếp tục ca hát, chia sẻ. Một chị đã “phỏng vấn” vợ của người khiếm thị, chị ấy sáng mắt: “Chị có thể chia sẻ với mọi người ở đây bất cứ điều gì đã giúp chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống khi chị quyết định cùng anh xây dựng mái ấm gia đình không?” Chị chia sẻ nhiều điều, trong đó chị nói rằng:
Con rất cảm phục những anh chị ở đây, họ đầy nghị lực để vượt qua khó khăn trong cuộc sống …..
Nhờ chồng con mà con đã thay đổi cuộc đời mình. Con cũng là một giáo viên. Trước đây con là một người khó tính. Con luôn muốn học sinh làm mọi thứ theo ý kiến của mình, và con thường khó chịu với chúng. Chồng con đã khuyên là: Hãy coi chúng như con của mình, em sẽ có cách dạy dỗ chúng tốt hơn. Con đã làm và con đã thành công. Bây giờ không chỉ học sinh yêu con rất nhiều, mà cả bố mẹ của chúng cũng rất quý mến con. Tất nhiên, con cũng rất vui.”
Thế đó, người khiếm khuyết đã chỉ cho người lành lặn cách cử xử trong cuộc sống, đã làm thay đổi cuộc đời trở nên tốt hơn. Tôi thiết nghĩ có những người bình thường như chúng ta đôi khi không có được suy nghĩ như vậy, vì chúng ta thường cho mọi thứ ta đang sở hữu là đương nhiên, và không biết trân quý nó. Điều này cũng tác động lên những cách cư xử trong tương quan của chúng ta với mọi người xung quanh. Ngược lại, tuy nghèo và khiếm thị nhưng họ luôn vui vẻ và hài lòng với cuộc sống của mình. Họ thực sự cho tôi nhiều bài học quý giá. Đó là nghị lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh để sống và làm người có ích cho xã hội, đó là tấm lòng bao dung, cảm thông với người khác….
Cuối cùng, chị em chúng tôi cũng hát một bài tặng cho họ. Ca từ của bài hát rất ý nghĩa. Nó mô tả những người khuyết tật như những bông hoa. “Trong trái tim họ là tình yêu vĩnh cửu và đầy mộng mơ. Khó khăn nào cũng không thể ngăn cản họ mà ngược lại càng khiến họ yêu đời hơn. Họ sống như những bông hoa để tỏa hương cho đời. Họ có hy vọng và họ sẽ viết nên câu chuyện cuộc đời của riêng họ.”
Sau bữa trưa, họ trở về nhà và mọi người đều nhận được một món quà nhỏ từ cộng đoàn của chúng tôi. Điều đọng lại trong tôi là tình yêu. Tôi yêu và thương họ rất nhiều và tiếp tục cầu nguyện cho họ. Xin Chúa chúc lành và gìn giữ họ luôn. Bạn có bao giờ nghĩ: “Ước mơ của họ là gì chưa?” Là “chỉ cần một lần được thấy ánh sáng thôi cũng đủ rồi”. Ước mơ này được thốt ra từ miệng của các em khiếm thị mà tôi đã từng sống cùng, chúng mơ ước một lần được thấy sắc màu của cuộc sống, của anh mặt trời. Có lẽ nó cũng là ước mơ của tất cả những ai khiếm thị. Hãy cầu nguyện cho họ và tạ ơn Chúa vì những gì mình đang có bạn nhé.
Hoabanmai, fmm
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: