Một giờ thức với Chúa

Trời đã quá khuya, vậy mà bên ngoài tiếng xe cộ, tiếng nhạc, tiếng hát vẫn cứ ầm ĩ không ngừng. Quỳ thinh lặng trước Thánh Thể Chúa, tôi phải cố gắng lắm mới không để cho những thứ đó làm cho ra chia trí. Tôi nhớ vườn Giêtsêmani năm xưa, cũng vào một đêm khuya như đêm nay, không gian như tĩnh lặng, vạn vật dường như đã chìm sâu trong giấc ngủ đến nỗi cây cối cũng không còn nói chuyện với nhau nữa. Vậy mà, giữa không gian tĩnh mịch ấy có một CON NGƯỜI vẫn đang thổn thức thưa với CHA của mình…

Tôi cố tìm cho mình một chỗ nào đó không ai thấy ở trong vườn để quan sát cuộc nói chuyện. Tôi thấy, Chúa Giêsu, Người đang quỳ, hai tay đan chặt lại đặt trên một phiến đá phía trước, khuôn mặt như đang lo sợ một điều gì đó ghê gớm lắm đến nỗi mồ hôi vã ra như những giọt máu nhỏ xuống đất, mắt hướng lên trời cao mà thống thiết kêu xin: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con.” Tôi nghĩ, nếu các môn đệ được chứng kiến cảnh tượng này chắc có lẽ các ông đã không ham ngủ đến vậy. Bởi cứ như thường thì giờ này tôi cũng đã chìm sâu vào giấc ngủ từ lúc nào rồi, nhưng sao hôm nay tôi không thấy buồn ngủ chút nào.

Thấy Chúa Giêsu thổn thức kêu lên với Chúa Cha như khẩn thiết lắm, tôi nghĩ: Người sợ chết sao? Có thể lắm chứ!–  Tôi tự trả lời. Bởi Chúa Giêsu đã xuống thế làm người như chúng ta, mà đã là con người, khi đứng trước cái chết ai lại chẳng sợ. Cứ nhìn những giọt mồ hôi pha máu từ mặt người rơi xuống, ta sẽ nhận thấy rằng, đây phải là một nỗi lo sợ đến tột cùng. Các nhà khoa học ngày nay đã chứng minh rằng, khi một người lo sợ đến mức đỉnh điểm thì các mạch máu cũng sẽ có thể bị vỡ ra. Và có lẽ Chúa Giêsu đã ở trong tình trạng đó. Một cuộc chiến đấu nội tâm quá lớn khiến Ngài trở nên như kiệt sức.

Tự nhiên, tôi thấy Chúa đứng dậy tiến về phía các môn đệ đang ngủ và nói: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Đứng dậy, ta đi nào! Kẻ nộp Thầy đã tới.” Rồi một toán quân tiến lại bắt Chúa Giêsu. Họ mang gậy gộc, gươm giáo trông ai cũng rất dữ tợn. Tôi liền hoảng sợ mà lùi lại phía xa hơn. Tôi phải làm gì đây? Người ta đang bắt người vô tội – Tôi trở nên luống cuống hơn. Đang trong lúc bối rối không biết phải làm gì thì bỗng có tiếng rao bán bánh bao ở đâu vọng lại. Tôi chợt giật mình nhận ra là mình đã chìm trong suy tưởng. Hiện tại, tôi vẫn đang ngồi trước Thánh Thể Chúa trong nhà nguyện, không có quân lính, không có gươm giáo gì cả.

Thế nhưng, không hiểu sao cảnh tượng quân dữ đến bắt Chúa Giêsu và đem đi khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Tôi đã tự hỏi: Tại sao? Một con người đã làm quá nhiều điều tốt: Cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người què đi được, người chết sống lại,… vậy mà người ta lại đối xử tàn nhẫn đến vậy; phải chịu những đau khổ nhục nhã; thậm chí còn bị bắt đem đi như một kẻ tội nhân. Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?

Nếu biết sống chậm lại và quan sát, chúng ta cũng sẽ thấy, cuộc sống ngày nay cũng có rất nhiều những người giống với Chúa Giêsu năm xưa. Họ luôn sống ăn ngay ở lành, không làm hại ai bao giờ, thậm chí còn hay giúp đỡ người khác nữa. Vậy mà họ lại cứ gặp hết nỗi đau khổ này đến nỗi đau khổ khác, hết tại họa này đến tai họa kia. Tục ngữ lại chẳng có câu: Ở hiền gặp lành đó sao! Vậy nhân – quả ở đây là gì?

Bạn mến, tôi cũng giống như bạn, có những lúc chúng ta không sao hiểu nổi giá trị của cuộc sống nên cứ hay than thân trách phận. Nhưng chúng ta sẽ được an ủi hơn rất nhiều khi nghe Cha Thornton lí giải. Ngài đã đưa ra một lập luận để giải thích lý do tại sao những người ăn ngay, ở lành lại gặp tai họa như sau: Thiên Chúa đã định hướng cho mỗi người một hướng đi thích hợp theo kiểu mẫu của một bức thêu toàn mỹ. Vì những đòi hỏi của bức họa, sẽ có một số ‘đời chỉ’ phải bị xoắn lại, bị thắt nút hoặc bị cắt ngắn. Một số ‘đời chỉ’ khác được kéo thẳng hơn, dài hơn. Không phải vì nó xứng đáng hơn nhưng vì nó cần thiết để hình thành bức họa tuyệt hảo. Nếu nhìn mặt trái cuộc đời, những đau khổ mà chúng ta gặp có vẻ cũng khó hiểu, vô lý và lung tung rối rắm. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào mặt phải của bức thêu, chúng ta sẽ thấy rằng, mỗi một vết cắt, mỗi một nút thắt đau khổ đều góp phần tạo nên một bức tranh đẹp.

Hay trong bài giảng lễ Suy tôn Thánh Giá, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã giải thích: Những đau khổ, thánh giá chúng ta gặp trong cuộc sống này cũng giống như Sen trong bùn vậy. Sen không thể nói: “Tôi không muốn sống dưới bùn hôi tanh này, tôi muốn sống trên đất cho sạch sẽ”. Thế nhưng, Sen không biết rằng, mình sẽ không còn mùi hương của Sen nữa nếu chỉ muốn sống trên đất. Chính cái mùi hôi tanh của bùn sẽ tạo ra một thứ chất nuôi dưỡng và làm cho Sen có được một mùi hương thơm ngát như vậy. Thật thế, đau khổ trong cuộc sống chúng ta cũng giống như vậy đó, nó sẽ là một thứ chất không thể thiếu giúp cho cuộc sống của mỗi người có thêm hương vị.

Bạn biết không! Giáo Hội cử hành Tam Nhật Vượt Qua không phải để họa lại những đau khổ tang thương nhưng là muốn diễn tả Đức Kitô đã đi từ cái chết đến cuộc chiến thắng trong ngày Phục Sinh, nghĩa là qua đau khổ mới đến vinh quang. Và Giáo hội mời gọi mỗi người kitô hữu chúng ta cũng hãy biết vượt qua những hy sinh, đau khổ trong cuộc sống hằng ngày bằng việc mặc cho nó một ý nghĩa mới để nhờ đó chúng ta cũng được tái sinh thành con người mới trong mạch nước Phục Sinh của Người.

Thế giới hôm nay cũng giống như màn đêm tăm tối, nhiều người sống trong tình trạng không có đức tin, không yêu thương, không hy vọng bởi họ không thể vượt lên trên được những đau khổ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho mỗi người có được một cảm quan đức tin để trước những thử thách trong cuộc sống, chúng ta vẫn một niềm hy vọng: Chúa luôn đồng hành như khi xưa Người đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus. Ước mong rằng, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh sẽ soi dẫn chúng ta.

Têrêxa nhỏ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org