Trong truyền thống Công giáo, tháng 5 và tháng 10 được Giáo hội dành riêng cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta. Nhưng tại sao người Công giáo lại có sự tôn sùng mạnh mẽ và tha thiết đối với Mẹ như vậy?
Chúng ta cùng nhau đọc lại lời khẳng định của Đức Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI trong Tông huấn Marialis Cultus (Lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a) để có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi trên. “Sự gia tăng lòng tôn sùng (devozione) đối với Đức Trinh nữ Ma-ri-a, như chúng tôi hằng mong muốn, được gắn với trung tâm phụng tự duy nhất của Ki-tô giáo – vì nó bắt nguồn và mang lại hiệu quả từ Đức Ki-tô, được hoàn thiện nơi Đức Ki-tô và dẫn đến Chúa Cha nhờ Đức Ki-tô trong Chúa Thánh Thần”. Lòng tôn sùng này là một trong những yếu tố làm nổi bật tinh thần đạo đức của Giáo hội. Thật thế, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Mẹ có vị trí đặc biệt và vì vậy trong các cử hành phụng tự cũng cần có sự tôn sùng xứng đáng dành cho Mẹ. Trong mọi sự phát triển đích thực của phụng tự Ki-tô giáo cũng cần kèm theo sự gia tăng xứng hợp về lòng tôn kính đối với người Mẹ của Chúa. Ngoài ra, lịch sử của lòng đạo đức bình dân cho thấy cách thức phát triển “những hình thức khác nhau của việc tôn sùng đối với Mẹ Thiên Chúa được Giáo hội chuẩn nhận trong những giới hạn của tín lý lành mạnh và chính thống” một cách phụ thuộc hòa hợp với việc tôn thờ Chúa Ki-tô và đã hướng về việc tôn thờ này như điểm quy chiếu tự nhiên và cần thiết của nó”. Giờ đây chúng ta cùng trình bày thêm về thuật ngữ “lòng tôn sùng”.
Giáo hội sử dụng hai thuật ngữ La-tinh để phân biệt lòng tôn sùng dành cho Đức Ma-ri-a và dành cho Thiên Chúa. Hai thuật ngữ này là “dulia” và “latria”. “Latria” hiểu theo sát nghĩa là sự thờ lạy. Theo truyền thống Công giáo, thuật ngữ này được sử dụng trong việc thờ phượng Thiên Chúa và chỉ mình Ngài mà thôi. Khi thờ lạy Chúa, chúng ta nhìn nhận Ngài là Đấng Thánh, Đấng không phải là thụ tạo và Ngài nắm giữ mọi điều thiện hảo. Chúng ta buộc phải dành cho Ngài sự tôn thờ này. “Dulia” mang một nghĩa khác. Về căn bản, “dulia’ muốn nói đến tình yêu và sự tôn kính, nghĩa là lời ca tụng dành cho một con người thụ tạo. Chúng ta thể hiện điều này mỗi ngày, ví dụ như khi chúng ta nhìn nhận một số người có khả năng vượt trội trong các hoạt động đời thường như thể thao, âm nhạc hay nghiên cứu khoa học. Nhưng chắc chắn chúng ta không bao giờ nghĩ rằng việc ca tụng một vận động viên lại là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa hay làm giảm sự tôn thờ của chúng ta dành riêng cho Ngài. Giờ đây, nếu là cần thiết để ca tụng những người tài trong thế giới này, thì đối với người Công giáo, càng cần thiết hơn trong việc ca tụng, tôn kính những người nổi bật về đức tin, đức ái cũng như sự kiên trì trong đau khổ. Bởi lý do này, chúng ta tôn kính các thánh về sự thánh thiện vượt trội trong cuộc sống hằng ngày của các ngài. Tôn kính những vị này đương nhiên không làm giảm đi sự tôn sùng dành cho Thiên Chúa. Trái lại, khi chúng ta tôn kính các thánh đồng thời chúng ta đang tôn thờ Thiên Chúa, là nguồn mạnh duy nhất của sự thánh thiện, bởi vì chỉ có nhờ tình yêu và ân sủng của Ngài, những con người thụ tạo mới có thể trở thành những vị thánh.
Như thế, nếu là một điều tốt và đúng đắn để tôn kính những con người nổi bật về đời sống tâm linh, chẳng lẽ lại không cần thiết để tôn kính người phụ nữ đã đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo trong đời sống trần thế của ngài; chính Thiên Chúa đã chọn người nữ ấy trở thành Mẹ của Con Ngài. Và trong lĩnh vực ngôn ngữ, thuật ngữ “iperdulia” (biệt kính) được dùng để diễn tả sự tôn kính đặc biệt dành cho Đức Ma-ri-a về sự thánh thiện tuyệt vời của Mẹ, một sự tôn kính cao cả nhất dành cho một con người. Tuy nhiên sự tôn kính dành cho Đức Trinh Nữ, không thể sánh ngang với sự tôn sùng dành cho Thiên Chúa, thậm chí còn kém hơn rất nhiều. Tôn thờ Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài và vì Đức Ma-ri-a không là Thiên Chúa nên chúng ta không tôn thờ ngài. Giáo hội Công Giáo cấm một cách nghiêm khắc và rõ ràng với những ai tôn thờ Đức Mẹ giống như một Thiên Chúa. Tuy nhiên, nghĩ về tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, những ơn riêng của Mẹ và những sự cộng tác đặc biệt của ngài trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thì Đức Ma-ri-a xứng đáng được tôn kính vượt trội trên bất kỳ thụ tạo nào, dù là con người hay thiên thần. Vì lý do này, Giáo hội đã sử dụng thuật ngữ “iperdulia” để diễn tả sự tôn kính đặc biệt trên dành cho Mẹ. Chúng ta có thể liệt kê ra ba lý do để giải thích cho sự tôn sùng đặc biệt này:
Thứ nhất, Mẹ là người được Thiên Chúa ban cho đầy ơn phúc. Ngay từ khi thụ thai, Đức Ma-ri-a đã lãnh nhận được ân huệ đặc biệt, là được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ. Giáo hội không thừa nhận cho bất kỳ con người nào, kể cả các vị thánh lớn, có được đặc ân trên giống như Đức Mẹ. Tất cả chúng ta, khác với Mẹ, được sinh ra trong thế giới con người đã bị ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ và những hậu quả của nó.
Thứ hai, chỉ Đức Ma-ri-a mới có diễm phúc là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là người duy nhất đã sinh ra Đức Giê-su trong thân xác con người để cứu độ nhân loại. Mẹ đã cưu mang Chúa và trong suốt thời thơ ấu, Mẹ đã gìn giữ, trông nom để Ngài “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Chỉ có Đức Ma-ri-a mới có một mối liên hệ mật thiết, thân tình với Con Mẹ mà không người nào khác có được, kể cả thánh Giu-se.
Cuối cùng, Đức Ma-ri-a xứng đáng được tôn kính hơn tất cả các vị thánh về sự vâng phục của Mẹ. Lời đáp của Đức Trinh Nữ với sứ thần Gáp-ri-en, “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), không chỉ đơn giản là một câu trả lời lịch sự. Mẹ lặp lại lời này nơi trái tim sâu thẳm trong mọi ngày của hành trình dương thế, và Mẹ luôn thực hành lời xin vâng cách trọn vẹn đối với Thiên Chúa Cha. Được củng cố và bổ dưỡng bởi ân sủng, Đức Ma-ri-a đã trở thành mẫu gương tuyệt hảo cho tất cả những người tin ở mọi nơi và mọi lúc.
Với những lí do trên, Đức Trinh nữ Ma-ri-a xứng đáng được tôn kính và ca tụng cách đặc biệt trên hết các loại thụ tạo. Sự biệt kính dành cho Mẹ cần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta hôm nay.
fr. Alfred White, O.P.
Nguyên ngữ: Il culto della Beata Vergine Maria
Chuyển ngữ: Lm. Gio-an Trần Văn Viện
Trích “Nội san Nhà Chung”, Số 4, tháng 5/2023
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: