Kể chuyện ông bà

Cho đến hôm nay, trên bàn thờ tổ tiên nhà tôi đã có đủ “quan viên hai họ” – theo như cách nói vui của bà cụ hàng xóm mỗi lần thấy tôi đứng lầm rầm đọc kinh ở đó. Khi tôi sinh ra thì đã không được gặp hai ông, chỉ còn bà nội và bà ngoại. Chỉ nghe kể hai ông là bạn của nhau, thân quen với nhau lắm. Ông nội thì làm quản giáo, rồi làm ông từ ở nhà thờ, ông ngoại thì ở Ban hát của giáo xứ. Cho nên, cái chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” là có thật ở nhà tôi đó. Hai ông đã “ngoặc với nhau” để quyết trở thành thông gia. Và bố mẹ tôi chính là kết quả của cái quyết tâm se duyên đó. Nhưng tôi thì không được gặp hai ông để hỏi rõ thêm về mối duyên nợ này.

Năm tôi lên lớp 9, thì bà nội sau hơn 6 năm nằm liệt giường vì một cơn đột quỵ qua đời. Vậy là chỉ con bà ngoại, nhưng bà ngoại cũng chỉ ở với con cháu thêm ba cái tết rồi cũng nhớ ông ngoại, nhớ ông bà thông gia để vĩnh biệt con cháu sau một trận ốm nặng (trước đó, bà ngoại chẳng có bệnh nền gì và minh mẫn lắm, chỉ là tuổi già thôi).

Vậy là “quan viên hai họ” đã về sum họp với Chúa cả, để lại nỗi trống vắng cho nhà tôi là hết cả chỗ đi lại, thăm nom. Con dâu thì không được phụng dưỡng mẹ chồng nữa mà con rể chẳng còn được xuống bố vợ để uống rượu và mượn rượu càm ràm con gái bố lẫn các cháu của bố.

Cách riêng phận cháu như tôi, khi mới lớn mà đã “vắng ông, vắng bà” nhìn sang các bạn bè đồng trang lứa là thấy mình chạnh lòng vì thiệt thòi nhiều lắm!

Chúng ta chắc ai cũng quen với mấy câu hát trong bài “CHO CON” của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu: “Ba mẹ là lá chắn/Che chở suốt đời con/Vì con là con ba/Con của ba rất ngoan/Vì con là con mẹ/Con của mẹ rất hiền”. Khi còn nhỏ, tôi hay suy diễn với các bạn tôi lúc nghe hát mấy câu này: Khi bạn ngoan, bạn hiền thì chắc là cũng không cần lá chắn đâu nhỉ, nhưng khi bạn hư, bạn làm biếng, bạn trốn đi chơi thì bố mẹ không phải là lá chắn đâu mà là tên lửa đạn đạo được trang bị các vũ khí từ thô sơ đến hạng nặng.

Nhưng cho đến lúc này, chúng ta vẫn có một lá chắn phi thường khác: Ông bà – tức là bố mẹ của bố và bố mẹ của mẹ.

Nếu chỉ là trận đòn nhẹ như cơm bữa, khi mẹ vừa cầm đũa cả vừa tìm cái chân hay cái mông mà vụt thì tôi sẽ chạy lên bà nội. Còn nếu biết là mình đang có tội tày đình, “tội không đáng được gọi là con tao nữa” và bố tôi đang đi lùng sục quanh hàng xóm thì tôi sẽ trốn biệt ở “vùng trú ẩn an toàn” – nhà bà ngoại, rồi ăn cơm và ngủ luôn ở đó. Chờ động tĩnh đến tận sáng hôm sau. Mà nếu nhỡ có bị tìm thấy sớm hơn dự kiến thì theo kinh nghiệm là cứ lùi về phía sau lưng bà ngoại thì mọi giông bão sẽ không chạm tới được.

Thế nên khi ông bà đã không còn thì thằng tôi cũng chẳng còn chỗ nào mà trú ẩn dù nay đã lớn không cần phải trốn chạy gì bố mẹ. Nhưng mỗi lần về quê, đi lên nhà trên, vẫn thấy trống cả một gian nhà chỗ giường bà nội vẫn nằm mà nay chú đã kê cái sập mới; chạy xe xuống dưới làng, tạt vào cậu út, chỉ còn thấy hàng cau cao vút với bụi trầu xanh mướt mà chẳng thấy bà ngoại tóm tém bên hiên nhai trầu nữa.

Nếu phải so sánh tài hát ru hay kể chuyện hấp dẫn, lẽ dĩ nhiên chúng ta nhớ đến ông bà chúng ta nhiều hơn bố mẹ, vì các mẹ cũng sẽ hát ru nhưng sẽ thuộc ít bài hơn các bà. Các bố cũng thích kể chuyện nhưng nếu kể dài hơi và ly kỳ thì chắc chắn sẽ không thể bằng các ông, khi mà các bố vừa kể vừa tóm tắt, còn các ông mà kể thì phải diễn tả phải thêm thắt phải bình luận kèm những tràng cười khoái trá.

Luôn luôn, ông bà dạy cho chúng ta sự cần mẫn và kiên trì trong đời sống bằng tất cả kinh nghiệm của cuộc đời. Có lắm khi, chúng ta thấy ông bà lẩm cẩm thu vén cái này cái khác, cái lọ cái vỏ chai cái túi bóng… Nhiều lúc tức mắt muốn dọn dẹp cái hòm, cái gầm giường cho bà mà bà lại không muốn con cháu động vào, vì với bà, trong cái lộn xộn đó vẫn có một quy luật gọn gàng riêng của bà. Và chẳng phải bất ngờ, là cứ mỗi lần chúng ta thiếu cái gì nho nhỏ, khó kiếm thì ông bà lại mang đến đúng thứ cần tìm y như một phép màu. Cái gia tài lộn xộn đó của ông bà đối với những đứa cháu đích thực là một kho báu vô tận, bao la.

Khi trước, chúng ta còn thấy phổ biến những gia đình “tam đại đồng đường” hay cả “tứ đại đồng đường” (Mô hình gia đình ba hay bốn thế hệ theo huyết thống của người Việt cùng chung sống dưới một mái nhà). Nhưng nay với nhịp sống công nghiệp hoá, các gia đình trẻ “sớm tự lập”, cứ vừa mới cưới xong là đã tính chuyện ăn riêng, thế nên bổn phận trông nom bố mẹ già thường dành lại cho bác cả hoặc cậu út.

Thậm chí, vì công việc làm ăn xa quê, ông bà lo toan cho con cháu phương trưởng cả, có gia đình nhỏ, có sự nghiệp riêng, rồi “bà lại chăm ông như thuở còn son”, ông bà neo mình ở lại quê nhà mà ngóng trông con cháu ngày lễ ngày tết ngày nghỉ mới về quê thăm bố thăm mẹ ít ngày, khi đi lại chất đầy cốp ôtô nào “hạt gạo làng ta”, buồng chuối, bì gạo của bà, thêm can rượu trắng với cặp gà của ông.

Nhà nào lại có cô con gái, con dâu sinh em bé thì các bà đúng là “thêm một lần làm mẹ”. Cháu mới đỏ hỏn thì các bà đã được con trai, con rể rước bà lên bằng được để ở với các con và tiện chăm cháu. Các bà thế là lại đi miết hàng tháng trời, bỏ các ông ở nhà một mình quanh ra quanh vào, ngôi nhà chợt thiếu ánh lửa bếp mà thừa hơi lửa cái điếu bát.

Nhưng thế vẫn chưa là gì, khi mẹ các cháu hết hạn kỳ nghỉ sinh phải trở lại với công việc thì hai bà nội bà ngoại cứ là thay nhau lên trông cháu nhỏ rồi lại cơm nước cho các con.

Trông thấy cái cảnh, các bà nội bà ngoại tay xách nách mang ở những bến xe, bắt vội chuyến xe ôm còn mặc cả mấy lần để về được đến căn chung cư tít trên cao của con mình đến là vất vả. Cả cuộc đời lặn lội thân cò chốn nước mặn đồng chua vì cha vì chồng, nay lại vì thương con lớn tội cháu thơ mà phải bỏ đó mảnh vườn quê, tạm biệt bà hàng xóm để rồi ngơ ngơ ngác ngác, quẩn quanh giữa ngôi nhà tầng chốn thị thành chẳng quen thân được với ai.

Thực thế, bên cạnh bố mẹ, chúng ta cũng đang được hưởng những sự trân quý, bảo bọc và dạy dỗ rất lớn lao từ chính những người ông người bà. Nếu bố mẹ cho ta tất cả và chẳng ngại hy sinh cho ta, thì ông bà cũng sẵn sàng cho đi hết, cho đi công bằng với tất cả các cháu trai gái nội ngoại. Ông bà cũng chẳng nề hà gì mà không lo lắng, quan tâm đến từng đứa cháu. Đứa lớn các ông lo kiểu lớn, còn đứa bé bà chăm kiểu bé. Ông bà cũng gửi gắm nơi các cháu của mình những ước mơ còn dang dở.

Vậy nên, con cháu gần gũi với ông bà chính là gần gũi với nguồn cội của chính mình. Nếu các cháu là niềm kỳ vọng của ông bà thì ông bà cũng chính là ký ức sống động, là hiện thân của những bài học xương máu mà ông đã dạy cho các cháu.

Chúng ta – những người cháu, đừng bao giờ chê ông bà mình già cả, chậm chạp, lạc hậu. Hãy ngước nhìn ông bà như những chứng nhân phi thường của thời gian và rồi, một tương lai không xa, chính chúng ta cũng mang lấy tuổi già như ông bà. Có chăng đến lúc ấy, chúng ta mới thấu hết nỗi niềm của người ông, người bà.

Jos. Thanh Tùng

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]