Huyền nhiệm tiếng gọi tình yêu

Có người hỏi, cảm giác sau khi nhận ra ơn gọi của Chúa như thế nào? Nhận ra ơn gọi thật không dễ dàng và cũng không phải chỉ trong vài ngày, vài tháng là có thể dứt khoát. Nên để nói lên cảm xúc đó, không thể chỉ dùng vài lời là có thể diễn đạt được. Quả thực, ơn gọi là một huyền nhiệm và nhận ra ơn gọi lại là một hồng ân vừa mầu nhiệm vừa cao cả. Không phải cứ quyết định dấn thân là nhận ra ơn gọi. Cũng không phải cứ ở lâu trong dòng là ơn gọi sẽ triển nở. Nhận ra ơn gọi là một quá trình tiệm tiến. Có người Chúa gọi âm thầm và đáp trả cách lặng lẽ. Có người Chúa gọi giục giã và đáp trả cách mạnh mẽ. Từ muôn phương, theo muôn ngàn cách khác nhau, Chúa mời gọi từng người theo ý Ngài muốn để dấn thân trong kế hoạch yêu thương.

Tình yêu Chúa thúc bách tôi. Và tình yêu thì phải được đáp lại bằng tình yêu. Không yêu thì làm sao có quyết tâm mạnh mẽ để đáp lại lời mời gọi của Chúa, một lời mời gọi có vẻ như chẳng chắc chắn gì, có vẻ như mơ hồ, vô định và không có căn cứ. Không chắc chắn về tiếng người gọi và cách người đáp trả. Mơ hồ vì không phải như lời mời gọi của những người bình thường. Tôi có thể lắng nghe rõ: “Nam ơi!” hay “Hương ơi!”. Lắng nghe rõ nên tôi có xác định được đối tượng ở gần hay xa tôi, gọi chính đích danh tôi hay không, và gọi với mục đích gì. Còn cách Chúa gọi thì khác hẳn. Có thể Ngài gọi lúc tôi đang mơn mởn tuổi xanh hay lúc tôi đã bước qua nửa chặng đường đời. Có thể Ngài gọi lúc tôi chẳng có gì trong tay hay khi tôi đang ở giữa bao điều thành công, tốt đẹp theo nhãn quan người đời. Đó có thể là lúc công danh của tôi đang trên đà thăng tiến. Có thể là lúc tôi đang mải miết tìm kiếm sự nghiệp. Có thể là lúc tôi đang an nhàn hưởng thụ vinh hoa, quyền lực. Giữa bao xô bồ của cuộc đời, ngài gọi tôi nhẹ nhàng, nỉ non, âm thầm. Giữa bao ồn ào, náo động của thế giới, ngài gọi tôi da diết, mạnh mẽ, giục dã. Làm sao tôi có thể nghe được khi tiếng lòng tôi đang hướng về đối tượng khác. Làm sao tôi từ bỏ những cám dỗ, những ràng buộc để ngoảnh mặt về hướng tiếng gọi đang thôi thúc chứ chưa nói đến việc đáp trả. Mỗi người, Chúa có cách gọi khác nhau. Nhưng chung quy lại, Chúa thường làm theo cách mà từ xa xưa, ngài đã làm cho nhân loại. Chúa hé mở từ từ. Chúa mạc khải từng chút một. Tiếng Chúa nho nhỏ, khe khẽ rồi lớn dần và giục giã, có khi phải gào thét. Tiếng Chúa gọi xa xa, thoang thoảng rồi tới gần và có lúc ngay cạnh bên. Có người nói, thấy anh kia đang làm bác sĩ, tự dưng từ bỏ hết để đi tu. Có người nghe, cô kia yêu một trưởng phòng kinh doanh đẹp trai, gia thế đồ sộ, đùng một cái lại vô dòng làm bà sơ. Cái nghe, cái thấy đó chỉ là vẻ bên ngoài thôi nhưng thực tâm, có lẽ, Chúa đã nài nỉ từ rất lâu rồi. Và có thể, người đó đã phải phân vân, lo lắng, lưỡng lự, thao thức, trăn trở từ rất lâu rồi. Để có thể quyết định như thế, người đó phải chiến đấu nội tâm mãnh liệt biết chừng nào. Để có thể dứt khoát như thế, người đó phải can đảm biết chừng nào. Như một canh bạc thật sự. Nếu tu trọn thì không có vấn đề gì, thậm chí còn được ca ngợi là người dũng cảm từ bỏ. Nhưng lỡ vào dòng chưa được bao lâu mà lại trở về thì bao nhiêu lời ra tiếng vào, bao nhiêu lời chê bai, dè bỉu, bao nhiêu lời mỉa mai, châm biếm, người đó sẽ phải âm thầm chịu đựng. Lời mời gọi thì huyền nhiệm mà đáp trả là một thách đố. Lời mời gọi thì chầm chậm, nhẹ nhàng còn đáp trả là một quá trình tiệm tiến nhưng cũng đầy cam go.

Đáp trả lại đòi hỏi một sự can đảm khác thường nhưng bước đi cho trọn lại đòi hỏi lòng quyết tâm mạnh mẽ phi thường. Không phải cứ đáp trả là nhận ra ơn gọi của mình nhưng cần phải bước đi từng ngày để nhận rõ và hoàn thiện ơn gọi ấy. Nhiều khi động cơ để theo Chúa có vẻ như thật đơn giản. Tôi muốn được đá bóng hằng ngày nên đã vào dòng. Tôi nhìn thấy các sơ thánh thiện quá nên muốn ở cùng các sơ. Tôi thấy việc làm của các sơ, các thầy thật tốt đẹp nên tôi theo vào để có thể giúp họ được điều gì đó bé nhỏ. Nhưng vào dòng rồi mới nhận ra mục đích và ý nghĩa của đời mình không chỉ là những điều như thế. Nếu lấy việc đá bóng, sự thánh thiện, tốt đẹp của các sơ để làm động cơ bước đi thì sớm muộn gì cũng thành “cơ bất động”. Nếu chỉ có động cơ bước đi thôi thì làm sao đủ sức bước đi trên con đường đầy những chông gai. Con đường thánh hiến – tên nghe có vẻ lung linh, cao siêu và đẹp đẽ – nhưng sẽ có những lối rẽ, bước ngoặt đầy trắc trở, có những “ổ gà” bất chợt, không ngờ tới. Con đường khó khăn đến nỗi nhiều khi có quá nhiều sự khó đến nỗi chẳng có khăn mà lau nước mắt cho hết. Những lúc đó, cần phải làm gì và dựa vào ai mới có thể can đảm bước tiếp? Có những lối rẽ mơ hồ khiến ta lạc lối. Có những bước ngoặt trắc trở khiến ta chùn bước. Có những ổ gà bất ngờ khiến ta ngã quỵ. Những lúc ấy, cứ bám víu vào vài động cơ “cũ rích” dễ khiến ta bỏ cuộc. Cứ bám vào những thứ phù vân dễ khiến ta thất vọng. Thế nên, ngoài động lực, việc xác định mục đích, lý tưởng và ý nghĩa đời tu sẽ là những “chiếc gậy” chống đỡ giúp ta vượt qua những thách thức đời tu. Nếu động lực không đúng thì đời ta cứ ì ạch, lê lết. Nếu mục đích sai hướng thì đời ta đi vào ngõ cụt, u tối. Nếu lý tưởng mơ mộng, hão huyền thì đời ta lạc hướng, bơ vơ. Nếu không tìm được ý nghĩa đích thực thì đời ta cứ “cà lơ phất phơ”, cứ “được chăng hay chớ”. Thế nên, có người mới nói rằng tôi vào dòng được 10 năm chứ không dám nói tôi đã tu được 10 năm. Tôi ở trong dòng nhưng chưa chắc tôi đang tu dòng. Thân xác tôi ở dòng nhưng hồn tôi có thể đang tơ tưởng ở một nơi nào đó. Tôi học các kiến thức về đời tu nhưng chưa chắc tôi đang học tu. Có người lại lẫn lộn việc “học để tu” và “tu để học”. Có người sai lầm ngay từ đầu khi xác quyết ơn gọi nhưng khi vào dòng, được tu học nên dần nhận ra và thay đổi. Có người mang trong mình mục đích, lý tưởng cao đẹp ngay từ đầu nhưng dần vứt đi để chọn cho mình những thứ hào nhoáng, phù vân. Có người sớm nhận ra đã can đảm chọn lại nhưng có những người biết mình sai nhưng vẫn cố lê lết đời mình vì hoàn cảnh ép buộc. Đời tu lúc đó trở nên tù túng, khổ đau và khuôn viên nhà dòng trở thành nơi giam hãm và bóp nghẹt tâm hồn đang dần héo úa.Thế nên, nhận ra tiếng Chúa mời gọi đã khó, đáp trả cho đến cùng lại càng khó hơn.

Chúa không gọi một lần rồi thôi nhưng gọi liên lỉ. Mỗi giai đoạn của hành trình đời tu, lúc nào cũng cần sẵn sàng phân định, chọn lựa, quyết định và xác tín một cách mạnh mẽ. Mỗi chặng đường, sau khi phân định, chọn lựa, rất nhiều cảm xúc đan xen. Hăng hái, nhiệt huyết, hạnh phúc, tiếc nuối, sợ hãi, phân vân, lo lắng và có thể là đau khổ. Tôi háo hức được lên đường với trái tim nhiệt huyết, tràn đầy sức sống. Tôi sẽ được loan báo Tin Mừng cho mọi người, được chăm sóc các bệnh nhân, hay giúp đỡ người nghèo. Tôi hạnh phúc khi sẽ được sống trong một môi trường thánh thiện, bình an. Các cha các thầy, các sơ sẽ giúp tôi phát triển, trau dồi các nhân đức, rèn luyện các kỹ năng, thăng tiến về ơn gọi. Nhưng cũng có thể tôi hối tiếc vì phải từ bỏ một điều gì đó quyến luyến: gia đình, bạn bè, sự nghiệp, sở thích, đam mê nào đó. Có thể tôi cũng có chút gì đó lo lắng khi phải chuyển đến một môi trường mới, đối diện, tiếp xúc với những con người mới. Liệu tôi có thích nghi được hay không? Tôi có theo kịp chương trình học của dòng không? Có thể tôi cũng sợ hãi với dư luận, định kiến khi lỡ một ngày nào đó tu không thành. Hàng xóm láng giềng, bạn bè sẽ nói này nọ, hơn nữa, cha mẹ sẽ buồn, thất vọng về tôi. Thế đấy, không một lựa chọn nào mà không phải trả giá. Không có một quyết định nào mà không phải từ bỏ. Vì thế, cho dù bạn chọn con đường nào bạn vẫn có chút lưu luyến với con đường mà bạn không chọn. Vì vậy, trên đời này không hề có chuyện lựa chọn mà không hối tiếc, quyến luyến và phân vân. Nhưng bạn cần tin rằng con đường bạn đã chọn là đáp án chính xác. Và hãy nỗ lực, cố gắng hết mình để biến nó thành câu trả lời đúng. Nhưng con đường thánh hiến, không chỉ cần sự nỗ lực của bản thân nhưng trước hết và trên hết, cần phải có ơn Chúa giúp. Sẽ có lúc lạc lối, vấp ngã, chán nản muốn bỏ cuộc, nhưng chỉ cần tín thác vào Chúa, người sẽ ra tay nâng nỡ bất cứ khi nào bạn cầu đến danh Ngài. Có lúc, Ngài âm thầm dõi theo, Ngài lặng lẽ đi bên cạnh, Ngài đi sau ủng hộ, Ngài đi trước dọn đường, Ngài thúc đẩy từ phía sau, Ngài cầm tay kéo về phía trước. Có lúc, Ngài để ta tự do quyết định nhưng có đôi khi Ngài phải thúc ép ta tiến lên. Có lúc Ngài để cho ta tôi luyện đời mình bằng những thử thách. Nhưng cũng có lúc, Ngài bồng ẵm ta trên tay để vượt qua thung lũng âm u, mù tối. Thử thách cần thiết cho sự trưởng thành trong suy nghĩ, hành động và trong đức tin. Nhưng việc cảm nếm được những ơn thánh ngọt ngào cũng là động lực để ta bước tiếp trên hành trình ơn gọi. Phương cách của của Chúa giúp ta tiến bước mầu nhiệm nên ơn gọi của ta cũng nhiệm mầu. 

Hành trình đời tu, bạn phải trải qua rất nhiều thử thách nhưng sao sánh được với hương vị ngọt ngào về Thiên Chúa mà bạn cảm nếm được. Giá trị đời tu thì thiêng liêng và cao quý nhờ việc đón nhận những thử thách với tinh thần hi sinh, vui vẻ. Hạnh phúc đời tu không cân đo, đong đếm được bởi nó không chỉ là phần thưởng ở đời này nhưng còn là đời sau. Niềm hạnh phúc khi cảm nghiệm được ân sủng Chúa sau mỗi chặng đường là động lực để bước tiếp. Nét mặt vui tươi, hân hoan toát lên nhờ việc luôn giữ được một tâm hồn bình an trong sự kết hợp với Chúa. Lúc đó, bạn sẽ vui sướng thốt lên: “Trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16,11)

Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Ki-tô – MCC

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org