Di chúc

Cách đây vài năm, tôi đi dâng lễ giỗ đầu cho một bà cụ trong giáo xứ. Lễ xong, gia đình mời tôi tới nhà dùng bữa. Quan sát khách dự tiệc, tôi thấy thiếu vắng người con trai cả của bà cụ. Hỏi thăm một người trong họ hàng của gia đình, tôi biết được nguyên nhân vắng mặt của anh. Lý do sâu xa vẫn là chuyện chia chác đất đai trong gia đình.

Bà cụ sinh được hai người con trai. Chồng bà mất sớm nên bà ở vậy nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Khi người con cả lập gia đình, bà cho con cả năm mét mặt đường để xây nhà. Sau đó, bà cho thêm hai mét rưỡi nữa để mở rộng. Số đất còn lại cũng vào khoảng mười sáu hay mười bảy mét gì đó tôi không chắc. Vì bà ở với con út nên số đất đó thuộc quyền sở hữu của con út. Câu chuyện đã căng thẳng ngay khi bà còn sống nhưng vì là phận nữ nên bà cũng không giải quyết được. Cuối cùng khi bà nằm xuống thì sự mâu thuẫn của hai anh em lớn đến mức gần như không có thuốc giải.

Tôi được biết thêm là người con cả chỉ yêu cầu mẹ cho thêm hai mét rưỡi nữa cho đủ mười mét mặt đường để anh có đủ hai suất. Nhưng yêu cầu của anh đã không được đáp ứng. Trong bữa cơm hôm đó, tôi có ngỏ lời với người con út rằng anh nên nhường lại cho anh cả theo như anh ấy yêu cầu để gia đình được yên ấm. Tuy nhiên, yêu cầu của tôi có vẻ hơi khó thực hiện đối với anh. Anh im lặng và không nói gì. Tôi nhớ tới câu chuyện về người thanh niên giàu có trong Tin Mừng. Khi Chúa Giê-su yêu cầu anh về bán hết tài sản để chia cho người nghèo, anh đã buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Tuy vật chất chỉ là vật bên ngoài nhưng nó lại có sức lôi kéo chúng ta, khiến chúng ta không sao bay lên được.

Câu chuyện chia chác đất đai trong các gia đình dường như là câu chuyện muôn thuở. Việc phân chia tài sản đòi hỏi phải có sự công bằng. Nhưng để phân chia công bằng một trăm phần trăm thì là điều không thể. Chẳng có cách nào làm vừa lòng mọi người. Chắc chắn phải có người chịu đôi chút thiệt thòi để gia đình được thuận hòa êm ấm. Nếu ai cũng đòi cho mình phần nhiều thì mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.

Điều này đặt ra vấn đề giáo dục gia đình. Cha mẹ phải giáo dục con cái để con cái ý thức được vai trò và chỗ đứng của mình. Tài sản là của cha mẹ. Cha mẹ cho ai và cho bao nhiêu là quyền của cha mẹ. Con cái không có quyền đòi hỏi hay cãi lại những quyết định của cha mẹ.

Tôi nhớ một cha giáo đại chủng viện từng kể về câu chuyện, một gia đình nọ, có năm anh em trai. Vì cha mẹ mất sớm nên người anh cả phải lo chăm sóc cho các em. Anh lo dựng vợ gả chồng và xây nhà cho các em. Căn nhà đầu tiên được xây là dành cho em út. Rồi lần lượt đến các em kế tiếp. Và anh cả là người xây nhà sau cùng. Hầu như tất cả những gì anh em làm được đều để làm của chung. Chứng kiến câu chuyện của năm anh em, cha giáo đã hỏi người anh cả rằng: Khi cha mẹ các anh mất, chắc các ngài cũng để lại một số tài sản cho các anh chứ? Câu trả lời của người anh cả là không. Cha mẹ chúng con không để lại tài sản gì cho chúng con cả. Cha mẹ chỉ để lại cho chúng con tình yêu thương. Chính tình yêu thương đã làm nên điều kỳ diệu trong gia đình chúng con. Nhờ tình thương mà anh em đoàn kết để cùng giúp nhau làm kinh tế, cùng giúp nhau xây dựng gia đình. Thật là một câu chuyện na ná như chuyện cổ tích phải không các bạn?

Năm 2020, tôi nhận được một cú điện thoại của bố tôi. Bố bảo tôi thu xếp trong tuần này về nhà có chút việc. Tôi hỏi lại bố có chuyện gì thì ông bảo con về để ký vào giấy tờ đất đai. Bố đã làm bản di chúc để lại cho các con xong rồi. Bố mẹ tôi sinh được năm anh em, ba trai và hai gái. Ông cụ chia đều tài sản cho các con, cả trai và gái đều có phần. Tất cả anh chị em tôi đều đồng thuận với cách phân chia của bố. Tôi thấy ông cụ là một người minh triết. Ông bảo với tôi, bây giờ bố còn khỏe, còn minh mẫn thì phải làm công việc này cho xong. Nếu khi bố yếu đi, không còn minh mẫn nữa thì khó mà làm được. Khi chúng tôi ký kết các giấy tờ xong, ông nhờ chính quyền xã xác nhận và phân chia rõ ràng cho các con. Ông kể lại với tôi rằng, hôm ký kết giấy tờ xong, ông đã ngủ một giấc an lành tới sáng, quên cả giờ đi dự Thánh lễ ban sáng. Tôi nghĩ đó là giấc ngủ của sự an bình. Khi tâm trí không còn vướng bận gì thì con người sẽ như thế. Quả đúng như lời thánh vịnh: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ” (Tv 4,9).

Chia sẻ lại câu chuyện từ gia đình của tôi, tôi muốn ngỏ lời với những người cha trong gia đình. Các ông là những người đứng đầu điều khiển gia đình. Những gì các ông làm ra chắc chắn sẽ chẳng mang được sang bên kia thế giới. Vì thế mà việc chia tài sản cho các con là công việc mà các ông không thể không làm. Vấn đề là các ông sẽ làm như thế nào. Tôi thiết tưởng các ông hãy làm theo lý trí chứ đừng theo cảm xúc. Hãy phân chia một cách công bằng cho con cái. Đừng để tình trạng con yêu con ghét xảy ra. Nếu các ông không giữ được sự trung dung trong vấn đề chia chác thì nguy cơ xảy ra mâu thuẫn trong gia đình là rất lớn.

Nhân đây, tôi cũng muốn ngỏ lời với các người con trong gia đình. Các bạn là những người đã được cha mẹ ban tặng cho hình hài và nuôi nấng khôn lớn thành người. Cha mẹ đã cho các bạn tất cả rồi. Hãy luôn ghi nhớ và biết ơn về điều đó. Hãy dùng chính sức lực và tài năng của mình mà làm ra của cải để nuôi sống bản thân và gia đình riêng của các bạn. Đừng mong cầu tài sản từ cha mẹ. Nếu Chúa cho cha mẹ có của ăn của để và chia cho các bạn thì hãy coi đó như một quà tặng. Cha mẹ cho bao nhiêu thì tuỳ ý các ngài. Đừng bắt các ngài theo ý mình. Như thế thì cha mẹ dù còn sống hay khi đã qua đời, các bạn sẽ giữ được hòa khí và tình anh em trong gia đình. Đó mới là điều quan trọng. Tiền bạc vật chất rồi cũng qua đi. Hãy để cha mẹ được mỉm cười khi sang bên kia thế giới vì thấy con cái đoàn kết và chân thành yêu thương nhau.

Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa

Trích “Nội san Nhà Chung”, Số 16, tháng 5/2024

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org