Chuyện bà cố Nghĩa

Con thuyền đi qua để lại sóng
Đoàn tàu đi qua để lại tiếng
Đoàn người đi qua để lại bóng
Tôi không đi qua tôi để lại gì? (Không đề – Văn Cao)

Những lời trên của nhạc sĩ Văn Cao nhắc tôi về kiếp người. Có những người sinh ra trên đời rồi ra đi và hoàn toàn chìm vào quên lãng. Có những người ra đi để lại cho cuộc đời bao nuối tiếc xót xa. Phải chăng chỉ những người đã vượt qua được chính bản thân mình thì mới có cái gì đó để lại cho đời?

Sáng thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024, Giáo xứ An Phú mất đi một người giáo dân nhỏ bé. Đó là bà cố Ma-ri-a Bùi Thị Màn mà tôi vẫn thường hay gọi bằng tên của chồng là bà cố Nghĩa. Khi được tin bà qua đời, tôi thực sự bàng hoàng. Tôi hiểu rằng bà cố ra đi không chỉ là nỗi mất mát của con cái cháu chắt trong gia đình, mà cộng đoàn giáo xứ cũng mất đi một tâm hồn đạo đức thánh thiện, một cái gì đó rất lớn lao nhưng trong những điều bình dị tầm thường.

Buổi tối hôm trước ngày an táng bà cố, sơ Lanh – người con thứ tám của bà cố gọi điện cho tôi để bàn về Thánh lễ hôm sau. Tôi có hỏi sơ Lanh về điều mà bà cố thường dạy các con. Sơ Lanh nói với tôi rằng mẹ chúng con chỉ dạy chúng con hai điều là Mến Chúa và Yêu người. Câu nói của Sơ làm tôi giật mình. Có lẽ tôi cũng giống như nhiều người vì học hành nhiều quá nên đôi khi lại quên đi điều cốt yếu. Đạo của chúng ta đã được chính Chúa tóm tắt thành có bốn chữ để bất cứ ai, dù không học cao hiểu rộng cũng có thể thuộc lòng. Điều quan trọng là thực hành những điều đó như thế nào. Bà cố đã thực hành hai điều răn này thật tuyệt vời.

Tôi có thể khẳng định rằng không có một ai trong cộng đoàn Giáo xứ An Phú đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện nhiều hơn bà cố. Buổi sáng thức dậy, bà cố tới nhà thờ tham dự Thánh lễ. Sau Thánh lễ bà cố trở về nhà ăn bữa sáng. Khoảng 8h-9h, bà cố đến nhà thờ đọc kinh lần hạt mân côi với nhóm cầu nguyện ở hang đá Đức Mẹ. Sau bữa trưa, 12h00, bà cố lại đến nhà thờ viếng Mình Thánh Chúa với các em thiếu nhi và đọc kinh với hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. 15h00, bà cố tới nhà thờ để làm giờ lòng Chúa thương xót. Buổi tối, nếu có lễ thì bà tiếp tục có mặt ở nhà thờ để tham dự Thánh lễ. Một ngày sống của bà cố luôn luôn là như vậy. Ngày nào cũng như ngày nào. Bà bước đi một cách nhẹ nhàng với một chiếc túi xách nhỏ. Trong chiếc túi nhỏ ấy có cuốn sách kinh, sách làm giờ lòng thương xót Chúa và tràng chuỗi mân côi. Nhà bà cố ở bên kia đường quốc lộ 1A nên nếu muốn đến nhà thờ thì bà cố phải băng qua đường. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi có nhiều ô tô chạy trên quốc lộ. Có lần anh Mười, cũng là người con thứ mười của bà cố nói với tôi rằng con nghĩ mẹ con trước sau gì cũng sẽ chết vì tai nạn. Thực sự nỗi lo của anh không phải không có lý. Cách đây hơn chục năm bà cố cũng đã từng bị ngã xe khi đi tham dự Thánh lễ ở một giáo họ trong khu vực, may có các sơ Dòng Mến Thánh Giá phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bà cố mới còn sống đến hôm nay. Tôi nghĩ con cái thì lo lắng cho bà cố chứ chính bản thân bà cố không có lo lắng gì. Bà chỉ có một tình yêu Chúa nồng nàn. Bà dành trọn thời gian cho Chúa. Với bà cố, tới nhà thờ tham dự Thánh lễ hay đọc kinh không phải là một bổn phận mà như một nhu cầu. Nó giống như ăn uống và thở vậy. Chính vì thế mà buổi sáng thứ Bảy, ngày 27 tháng 07, bà cố không tới được nhà thờ thì cũng là ngày cuối cùng bà sống trên cõi đời này.

Còn điều thứ hai là yêu người thì sao? Tôi thấy bà cố cũng có những chọn lựa thật khôn ngoan. Bà cố sinh được mười một người con: Nữ Quang Trinh Bích Thủy Hưng Long Lanh Động Mười Nụ. Mười một người con gồm 5 trai và 6 gái. Cô gái thứ tám dâng mình cho Chúa làm nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội. Còn mười người 5 trai 5 gái, tất cả đều đã yên bề gia thất. Có nhiều ông bà bây giờ bận rộn lo việc trông cháu hay đón cháu đi nhà trẻ. Có vẻ như họ còn bận rộn hơn cả thời trai trẻ nên cũng ít có thời giờ đến nhà thờ cầu nguyện. Bà cố thì không bận tâm tới chuyện này. Tôi nghĩ đó là chọn lựa rất hợp lý, bởi làm sao bà cố có thể lo được chuyện ấy cho ngần ấy người con? Nếu làm được cho con này thì sao tránh khỏi so bì của những người con khác. Vì thế mà cách bà cố yêu các con cháu là cầu nguyện cho các con. Dành dụm được đồng tiền nào con cháu cho, bà cố luôn xin lễ và xin các cháu thiếu nhi cũng như các hội đoàn cầu nguyện cho các con cháu mình. Ngoài ra, bà cố luôn mua hoa tươi để dâng thánh Giu-se, Đức Mẹ và thánh Mi-ca-e. Ngoài mười một người con đẻ, bà cố còn có gần chục người con nuôi. Mỗi khi gặp tôi, bà cố chỉ nói với tôi một câu, xin cha cầu nguyện cho cháu này cháu nọ được ơn yêu mến Chúa. Có vẻ như bà cố chỉ có một nỗi ưu tư là đời sống thiêng liêng, đời sống linh hồn của các con cháu mình.

Tôi đã đón ba cái tết ở Giáo xứ An Phú. Tết đầu tiên năm 2022, ngày mồng một tết, tôi thấy bà cố dẫn theo một đàn con cháu đông đảo vào nhà xứ chúc tết tôi. Tết năm 2023, bà cố cũng làm như vậy. Tết 2024, tôi chủ động đến với gia đình bà cố và ăn bữa trưa ngày mồng một tết với đại gia đình. Tôi cảm nhận một bầu khí yêu thương của gia đình. Không một người con nào vắng mặt trong ngày sum họp đầu năm. Sau bữa trưa, bà cố và mọi người vẫn muốn vào chúc tết tôi nhưng tôi bảo gặp nhau ở đây là đủ rồi. Thế nhưng, bà cố và các con vẫn không quên lì xì cho tôi. Tôi cũng không ngờ rằng đó là cái tết cuối cùng bà cố hiện diện trên trần gian.

Xin cảm ơn bà cố Ma-ri-a thật nhiều. Chưa bao giờ tôi thấy Đạo của chúng ta đơn giản đến thế. Bà cố đã yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Bà cố cũng yêu con cái và mọi người bằng tình yêu chân thành nhất. Bà cố không cãi nhau với ai bao giờ. Gặp ai thì nụ cười là thứ vẫn thường trực trên môi. Bà cố đã sống một cuộc đời khiến cho mọi người chỉ có thể yêu chứ không thể ghét.

Để kết thúc bài viết này, tôi ghi lại mấy dòng trong câu chuyện không có thời giờ mà tôi đã chia sẻ trong Thánh lễ an táng bà cố. Hy vọng tôi cũng như bạn sẽ noi gương bà cố, dành nhiều thời giờ hơn cho Chúa để tên của chúng ta có trong sách sự sống.

Trong bài thơ “Sách sự sống” một thi sĩ khuyết danh đã viết:

“Tôi quỳ cầu nguyện, nhưng chẳng được lâu: tôi có nhiều việc phải làm. Tôi phải cấp tốc đi làm vì hóa đơn đòi tiền chồng chất. Vì vậy, tôi quỳ gối đọc vội một vài kinh và nhảy đứng dậy. Việc bổn phận Ki-tô hữu của tôi đã làm xong và tâm hồn tôi thanh thản, bình an. Suốt ngày, tôi không có thời giờ để buông một lời chào hỏi vui vẻ hoặc nói về Chúa Ki-tô với bạn bè vì sợ họ nhạo cười tôi. Tôi luôn miệng la lớn: Không có thời giờ, không có thời giờ vì nhiều chuyện phải làm quá! Không có thời giờ để lo cho phần rỗi linh hồn, nhưng cuối cùng giờ chết đã đến. Tôi trình diện trước mặt Đức Chúa. Tôi đứng với đôi mắt cúi xuống, vì Đức Chúa đang cầm trong tay một quyển sách, sách sự sống. Đức Chúa nhìn vào trong sách và nói:

“Cha không tìm thấy tên con, vì có lần Cha dự tính viết xuống, nhưng chẳng lúc nào Cha có thời giờ.”

Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org