Đức Giê-su bị giải đến tổng trấn Phi-la-tô
Mc 15,1; Lc 23,1; Ga 18,28
1 * Trời vừa sáng, tất cả các thượng tế và kỳ mục trong dân cùng nhau bàn kế hại Đức Giê-su, để xử tử Người. 2 Sau đó, họ cho trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô.
Giu-đa đi thắt cổ
Cv 1,18-19
3 * Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục 4 mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” Nhưng họ đáp: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh !” 5 Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ. 6 Các thượng tế lượm lấy số bạc ấy mà nói: “Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu.” 7 Sau khi bàn định với nhau, họ dùng tiền đó tậu “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm” để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều. 8 Vì vậy mà thửa ruộng ấy gọi là “Ruộng Máu” cho đến ngày nay. 9 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ít-ra-en đã đặt khi đánh giá Người. 10 Và họ lấy số bạc đó mà mua ‘Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm’, theo những điều Đức Chúa đã truyền cho tôi.”
Đức Giê-su ra trước toà tổng trấn Phi-la-tô
Mc 15,2-15; Lc 23,3-5.13-25; Ga 18,33–19,16
11 Đức Giê-su bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao ?” Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó.” 12 Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. 13 Bấy giờ ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao ?” 14 Nhưng Đức Giê-su không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.
15 Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý họ muốn. 16 Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Ba-ra-ba. 17 * Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Phi-la-tô nói với họ: “Các người muốn ta phóng thích ai cho các người đây? Ba-ra-ba hay Giê-su, cũng gọi là Ki-tô ?” 18 Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.
19 Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy.”
20 Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Ba-ra-ba mà giết Đức Giê-su. 21 Tổng trấn hỏi họ: “Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người ?” Họ thưa: “Ba-ra-ba! “ 22 Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây ?” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá !” 23 Tổng trấn lại nói: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác ?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá !” 24 * Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy !” 25 Toàn dân đáp lại: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi !” 26 Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.
Đức Giê-su phải đội vòng gai
Mc 15,16-20; Ga 19,1-3
27 * Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. 28 Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, 29 rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế đức vua dân Do-thái !” 30 Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. 31 Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.
Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá
Mc 15,21-28; Lc 23,26.33-34.36-38; Ga 19,17-24
32 Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. 33 Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, 34 chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. 35 Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. 36 Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.
37 Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái.” 38 Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.
Đức Giê-su bị nhục mạ
Mc 15,29-32; Lc 23,35
39 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu 40 vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào !” 41 Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: 42 “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! 43 Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa !” 44 Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.
Đức Giê-su trút linh hồn
Mc 15,33-41; Lc 23,44-49; Ga 19,28-30
45 Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. 46 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” 47 Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Hắn ta gọi ông Ê-li-a !” 48 Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. 49 Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không !” 50 Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.
51 * Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. 52 Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. 53 Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. 54 Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.”
55 Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người. 56 Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.
Mai táng Đức Giê-su
Mc 15,42-47; Lc 23,50-55; Ga 19,38-42
57 Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su. 58 Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. 59 Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, 60 và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. 61 Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.
Lính canh mồ
62 Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kéo nhau đến ông Phi-la-tô, 63 và nói: “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: ‘Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy.’ 64 Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước.” 65 Ông Phi-la-tô bảo họ: “Thì có sẵn lính đó, các người hãy đi mà canh giữ theo cách các người biết !” 66 Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ.
*27,1 Tại sao Chúa bị giải ra trước Thượng Hội Đồng lần thứ hai? Các bài trình thuật khó cho thấy sự nhất trí ở điểm này. Dường như lúc ban đêm thì Chúa bị giải ra trước mặt ông Khan-na là cựu thượng tế, mà kế nhiệm ông là năm người con trai của ông và người rể là Cai-pha. Thật sự ông còn có uy tín đối với các đại gia thuộc hàng tư tế. Nhưng đêm đó không có mặt tất cả các thành viên Thượng Hội Đồng vì đang đêm thì không thể nhóm họp cách hợp pháp, và nếu có hết 71 thành viên thì nhà ông Cai-pha không đủ chỗ chứa. Vậy Thượng Hội Đồng nhóm họp vào buổi sáng. Nhưng đối với các địch thủ của Chúa Giê-su thì cuộc hỏi cung tại tư gia đó lại là quan trọng hơn hết, nên Mt và Mc đặt vào đó tất cả những gì các ông biết về phiên toà xử Chúa Giê-su (Mt 26,57-64).
*27,3 Ngay sau khi phản bội Chúa Giê-su, Giu-đa biến đi luôn và chết. Thật ra không biết chắc được ông đã chết cách nào: so sánh với Cv 1,18.
*27,17 Theo những bản rất cổ chép Mt, kẻ phiến loạn này tên là Giê-su, biệt danh là Ba-ra-ba. Nếu truyền thuyết này là đúng thì tổng trấn Phi-la-tô đã đề xuất cho dân được chọn giữa ông Giê-su biệt danh là Ba-ra-ba và ông Giê-su gọi là Đấng Ki-tô. Khi đề nghị như thế, quan Phi-la-tô ngầm hy vọng dân sẽ cho thả Chúa Giê-su đi, điều mà ông không có can đảm áp đặt cho giới chức trách Do-thái giáo.
*27,24 Tổng trấn Phi-la-tô lấy nước rửa tay. Đối với người Do-thái, cử chỉ này nói lên rằng bản thân ông từ chối lên án Chúa Giê-su (x. Đnl 21,6; Tv 26,6).
*27,27 Trong dinh, hoặc sân trong, bọn lính nhạo báng Chúa Giê-su trước mặt quan tổng trấn và đám sai nha.
Chúng đặt vương miện lên đầu Người (c. 29). Vương miện có thể làm bằng cây sậy đan xen với những gai dài, kết lại thành hình mũ đội đầu.
Bọn lính chơi cờ phế đế. Nhiều nền văn hoá xem vua là một vị thần, nhưng cũng là nạn nhân bị thiên hạ trút lên đầu trách nhiệm về mọi tai hoạ. Vì thế có rất nhiều loại cờ về việc truất phế vua chúa. Tại Giê-ru-sa-lem, đã tìm ra một phiến đá có khắc hình một bàn cờ bọn lính chơi. Trên đó có thể thấy lộ trình thử thách mà vua phải đi qua, kết thúc bằng cuộc hành hình.
Bọn lính ở đây bày trò diễn chơi một thực tại mà không ngờ mình đang sống sự thật đến mức nào. Đám rước Chúa giữa một rừng lá phất đưa đến vụ nộp bắt Người, nhưng chính khi bị hạ nhục là Người được chuẩn bị để trở thành Đức Vua và Đấng Cứu Độ của anh em Người, như chuyện kể về cuộc đời ông Giu-se (St 37–44), hoặc như ngôn sứ I-sai-a đã phác hoạ còn mạnh mẽ hơn nữa (53).
Chúa Giê-su là cứu tinh vì Người đã từng là nạn nhân. Người bẻ gãy guồng máy bạo lực bởi vì đã từng chịu đựng những đòn cực kỳ tàn nhẫn mà không trở thành tàn bạo. Trong khổ nhục, Người tỏ cho thấy sự cao cả và sức mạnh của Thiên Chúa. Chúa gánh chịu vào thân tất cả các tủi nhục của những người không ai bênh vực, đã hết đường hy vọng, là những nạn nhân hứng chịu những bạo tàn mù quáng cứ dồn dập trút xuống trên hết dân tộc này đến dân tộc khác cùng với các lãnh tụ của họ. Chúa gánh lấy tội lỗi thế gian như ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo. Từ nay trở đi, không ai có thể nhìn lên Người mà không khám phá sự hư hỏng đồi bại của chính mình và khóc than Đấng (mình) đã đâm thâu (Dcr 12,10). Từ cuộc gặp gỡ này với một Thiên Chúa đã từng bị thù ghét và giết chết, khác xa vị Thiên Chúa được tôn thờ chốn cao xanh vời vợi, một dòng suối sẽ vọt ra để tẩy trừ tội lỗi và ô uế của loài người (Dcr 13,1).
Chúng cho Người uống rượu pha mật đắng (c. 34). Theo Mc, người ta cho Người một thứ rượu chua ngọt, loại dành cho lính, trộn với một dược để giảm đau. Thức uống này có lẽ đã được các phụ nữ từ thiện Giê-ru-sa-lem chuẩn bị sẵn, theo tập tục, những phụ nữ mà Lc nhắc tới ở 23,28. Nhưng Mt lại nói về thứ rượu pha mật đắng (một thức uống gớm ghiếc), để cho ta đoán biết Chúa đã chịu cay đắng đến mức nào vì chúng ta, và cũng để nhắc lại Tv 69,22.
Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp (c. 38). Có lẽ cũng như Ba-ra-ba, họ là những tên khủng bố bênh vực độc lập quốc gia, là kẻ thù của người Rô-ma. Trong trường hợp này, cuộc hành quyết họ làm nổi bật ân xá mà Ba-ra-ba được hưởng. Nhưng cũng có thể họ là những tên ác ôn thường tấn công và cướp bóc khách hành hương giữa các miền đồi núi bọc quanh Giê-ru-sa-lem.
Người này là vua dân Do-thái (c. 37). Đối với Phi-la-tô và dân chúng nói chung, cụm từ này chỉ một lãnh tụ bênh vực độc lập quốc gia. Nhưng dân Do-thái là dân Thiên Chúa, và Chúa Cha đã quyết định họ sẽ thông phần một cách hết sức đặc biệt vào ơn cứu độ của Chúa Ki-tô. Trong thực tế, sau biến cố này, họ đã chịu nhiều thử thách và bách hại. Bao nhiêu người Do-thái vô tội đã phải đau khổ như Chúa Giê-su; họ không tin vào Người, nhưng trông cậy vào lời hứa của Thiên Chúa và Vương Quốc công bằng của Người. Chúa Giê-su thật sự là vua của họ.
Bốn chữ I.N.R.I., mà chúng ta thấy ghi trên các cây thánh giá, là các mẫu tự đứng đầu bốn chữ La-tinh, có nghĩa là “Giê-su Na-da-rét, vua (dân) Do-thái”.
*27,51 Theo thể văn khải huyền, đoạn này muốn nói lên rằng cái chết của Chúa đánh dấu thời khắc ơn cứu độ chung cục đã tới: trận động đất ở đây thật ra chỉ về sự can thiệp vĩ đại của Thiên Chúa trong lịch sử.
Sự xuất hiện của vong nhân là dấu chỉ cho biết các lời sấm trong Đn 12,2 (về Ngày cứu độ) đã được ứng nghiệm. Nó cũng gợi ý rằng trước khi sống lại, Chúa Giê-su đã “xuống cõi âm ty”. Lối nói cổ xưa này, mà bản kinh Tin Kính (công đồng Ni-xê-a) Việt ngữ đọc là “xuống ngục tổ tông”, có nghĩa là sau khi chết, Chúa Giê-su đã đi gặp, một cách nhiệm mầu nhưng thực thụ, những triệu triệu người đã chết trong lịch sử và tiền sử, đang mong đợi Người đến đón họ cùng đi với Người vào cõi hằng sống của Thiên Chúa.
(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)
TIN LIÊN QUAN: