I. GIÁNG SINH VÀ THỜI THƠ ẤU CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Gia phả Đức Giê-su Ki-tô
1 * Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; 3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-rôn; Khét-rôn sinh A-ram; 4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; 5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; 6 Gie-sê sinh Đa-vít.
Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; 7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; 8 A-xa sinh Giô-sa-phát; Giô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; 9 Út-di-gia sinh Giô-tham; Giô-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; 10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; 11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; 13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khim; A-khim sinh Ê-li-hút; 15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
Truyền tin cho ông Giu-se
18 * Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
*1,1 Nhiều tác giả Kinh Thánh cẩn thận cho thấy rằng những biến cố và nhân vật mà sách họ đề cập đến đều có nguồn gốc trong lịch sử đã qua, bởi vì điểm mạnh của Kinh Thánh nằm ở tính liên tục không hề gián đoạn của lịch sử, và ở lòng chung thuỷ của một Thiên Chúa luôn giữ lời hứa của mình. Đó là ý nghĩa của gia phả này. Còn ngôn ngữ của Mt, như ngôn ngữ chung của Kinh Thánh, thì thích gọi gia phả là “sách cội nguồn” hơn.
Danh sách này gồm 42 tên người được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm 14 tên, mà 14 là một con số có tính tượng trưng đối với người Do-thái. Dĩ nhiên đây không phải là một danh sách đầy đủ.Chúa Giê-su là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, tổ phụ của những người tin; Thiên Chúa đã hứa với ông rằng tất cả mọi dân tộc sẽ tề tựu quanh dòng dõi ông. Chúa Giê-su cũng là con cháu vua Đa-vít, và mọi người đều biết rằng Đấng Cứu Độ sẽ là hậu duệ của vua Đa-vít.
Các tên thuộc nhóm thứ nhất được ghi trong R 4,18-22. Các tên của nhóm thứ hai là tên các vua thuộc dòng dõi Đa-vít, được ghi trong sách các Vua. Kinh Thánh không nói gì về hậu duệ Dơ-rúp-ba-ven (Er 3–4).Danh sách ghi đến tên ông Giu-se là cha nuôi của Đức Giê-su. Trong xã hội Do-thái, tương quan nghĩa phụ nghĩa tử cũng đủ để cho Chúa Giê-su được thừa nhận là con cháu vua Đa-vít, y như ông Giu-se.Bốn tên trong danh sách là của những phụ nữ được Kinh Thánh nói đến: Ta-ma, người đã làm hết cách để giành lại lời chúc lành của Thiên Chúa (St 38), Ra-kháp, một gái điếm ngoại bang (Gs 2), Rút, một gái ngoại bang khác, đức hạnh mẫu mực, và vợ của U-ri-gia là Bát Se-va, người đàn bà diễm lệ đã cùng phạm tội với vua Đa-vít.
Toàn bộ hậu cảnh này tiên báo một cách kín đáo Đấng sẽ đến cứu độ người tội lỗi, và rộng đón muôn dân muôn nước vào vương quốc Ít-ra-en. Đấng Cứu Độ là hoa quả của trái đất chúng ta cũng như của dân tộc được Thiên Chúa chọn (Is 45,8). Về mặt nhân bản cũng như thiêng liêng, Thiên Chúa đã đưa dân Do-thái đến mức độ chín muồi này, để cuộc xuất hiện và lời rao giảng của Chúa Giê-su mang đầy đủ ý nghĩa.Chúa Giê-su xuất hiện ở cuối con đường dài của một lịch sử mang dấu ấn khổ đau và tội lỗi, nhưng cũng rạng lên ánh sáng hy vọng và ân sủng. Chúng ta cũng vậy, chúng ta liên đới với Chúa Giê-su trong tình đồng loại trước khi liên đới với Người trong đức tin. Lịch sử hiện đại của chúng ta, lịch sử gia đình chúng ta, dọn đường cho cuộc giáng lâm lần thứ hai của Người.Ở Lc 3,23, chúng ta có một gia phả khác của Chúa Giê-su làm nổi bật mối dây liên đới của Người với toàn thể nhân loại.
*1,18 Chúng ta đã lưu ý cái bước ngoặt ở c. 16: Chúa Giê-su không phải là con ông Giu-se. Đoạn văn bắt đầu ở đây muốn nhắc nhở rằng Chúa Giê-su là hậu duệ hợp pháp của vua Đa-vít, đồng thời cũng là Con Thiên Chúa đầu thai làm con một người trinh nữ bởi quyền năng Thánh Thần.
Những câu văn ngắn ngủi gần như có phần rụt rè này chỉ là những nét chấm phá về mầu nhiệm của Đức Ma-ri-a, người trinh nữ đã dâng lên Thiên Chúa cuộc đời trần thế của mình làm hiến lễ tôn thờ. Một sứ giả vụt xuất hiện trong bóng tối: một cuộc đối thoại trầm lặng, và thế giới mở cửa ra đón mừng sự hiện diện đầy năng động của Thiên Chúa. Về sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a, x. Lc 1,26. Bà Ma-ri-a đã thành hôn với ông Giu-se. Trong xã hội Do-thái thời bấy giờ, lễ đính hôn đã trao cho đôi bên tất cả mọi quyền lợi vợ chồng; mặc dù vậy, bên nữ vẫn tiếp tục ở nhà cha mẹ và dưới sự bảo hộ của cha mẹ, không hưởng quyền lợi cụ thể nào cũng như không có tự do chi cả. Như ở nhiều nơi, phụ nữ Do-thái phải giữ luật tam tòng (tất yếu thuộc quyền một người đàn ông: cha, chồng, con trai trưởng nếu chồng chết). Vậy Đức Ma-ri-a đã là vợ ông Giu-se, nhưng chỉ thuộc quyền ông khi được ông đón về nhà (cc. 20 và 24).
Sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a đi ngược lại não trạng người Do-thái, bởi họ xem việc sinh con là cao trọng hơn cả. Tuy nhiên, ông Giu-se mà chấp nhận hoàn cảnh này cũng không phải là điều không thể tưởng được. Thật vậy, vào thời ấy, đã có nhóm người phái Ê-xen sống độc thân như đan sĩ. Ông Giu-se định tâm bỏ bà cách kín đáo. Tin Mừng không nói rõ Đức Ma-ri-a có báo cho ông Giu-se biết hay không, nhưng dù sao, khó tưởng tượng rằng ông Giu-se nghi ngờ lòng chung thuỷ của Đức Ma-ri-a. Không ai trong đôi bạn có thể phản bội người kia, ông biết như vậy.
Theo Tin Mừng, sứ thần Chúa không đến can thiệp để trấn an ông, nhưng là để thông tin cho ông biết vai trò của ông trong kế hoạch của Thiên Chúa: Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su và sẽ nhận nó làm con của ông. Ông là hậu duệ vua Đa-vít, và như vậy, trẻ Giê-su, nghĩa tử của ông, sẽ là hậu duệ hợp pháp của Đa-vít. Rất có thể Đức Ma-ri-a không thuộc chi tộc Giu-đa, là chi tộc của dòng họ Đa-vít, mà thuộc dòng dõi một tư tế trong chi tộc Lê-vi, giống như người chị họ là bà Ê-li-sa-bét.Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su. “Giê-su” là một dạng của từ “Giê-su-a” (có nghĩa là Đức Chúa cứu), một tên Do-thái rất gần với “Giô-suê”. Và cái tên này nói lên con trẻ sẽ làm gì mai sau.
Tác giả Mt dẫn một lời sấm của I-sai-a (Is 7,14) loan báo mầu nhiệm của Chúa Giê-su: Người là dòng dõi vua Đa-vít và hiện thân của Thiên Chúa trên trần gian. Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Đây là một cách nhắc nhớ mầu nhiệm bản thân Người. Đức Giê-su, con bà Ma-ri-a trong lịch sử, là Con Một Thiên Chúa Cha sinh ra từ trước muôn đời, và Người không thể nào có hai cha được. Phải hiểu ý nghĩa vai trò làm nghĩa phụ của thánh Giu-se như thế đó: nó có liên hệ tới và bảo vệ cả một mầu nhiệm.
(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)
TIN LIÊN QUAN: