Cho nó giống với con nhà người ta

Cuộc sống xoay vần, khi trầm khi bổng. Cái văn minh nhân loại nó không phát triển đồng đều. Xứ ta thì kém xứ tây. Quê tôi thì kém thành thị. Người ta bảo ngày nay tốc độ tiến triển xứ ta nhanh lắm, chẳng còn kém xứ tây là bao. Mà đôi khi xứ tây còn chẳng bằng xứ này.

Ngày Tết, chúng tôi loanh quanh chém gió hết đề tài này đến đề tài khác. Hết chuyện thiên hạ thì quay về chuyện nhà mình thế này chuyện nhà kia thế khác. Rồi câu chuyện văn minh ngày cưới quê tôi được đem ra mổ xẻ.

Trước đây, chỉ khi nào có ngày lễ trọng thì mấy bà mấy cô quê tôi mới có dịp mặc áo dài. Còn chuyện đánh phấn bôi son thì không dành cho con nhà lành. Nhưng bây giờ cái văn hoá áo dài, đầm xoè đã trở nên phổ biến. Cứ có dịp hội hè là tưng bừng hết cả. Gia đình mà có đám cưới thì từ già đến trẻ chẳng khác gì phố xá. Tôi cũng thấy vui vui bởi cái vùng quê tít tắp cũng đến ngày văn minh như phố.

Lòng đang phơi phới bởi cái viễn cảnh tươi vui nhộn nhịp, tôi bỗng giật mình khi được nghe kể việc các bạn trẻ đua sống theo phố trong chương trình văn nghệ vào tối trước ngày thành hôn của đôi bạn. Chẳng là trong tối hôm trước ngày thành hôn, đám cưới quê tôi thường có lệ: anh em bạn bè tới chúc mừng gia đình, chúc mừng đôi bạn. Câu chuyện rộn ràng, nhâm nhi cốc chè, điếu thuốc, cái kẹo trong không gian trang hoàng với tiếng nhạc trẻ vui vui. Nhưng ngày nay, không khí ấy dường như không đủ để các bạn trẻ “hết mình”. Bây giờ là phải “quẩy” thì mới đã. Mà nhạc là phải khủng cỡ DJ; Ánh sáng phải cực mạnh cỡ laser; Không gian phải chỗ sáng chỗ tối, mờ mờ ảo ảo nhìn không rõ ai mới tự nhiên; Thêm tí rượu tí bia cho nó hứng khởi.

Bàn đến phần này thì chúng tôi chia hai phe: ông thì bảo “Tôi mà thấy con tôi nhẩy lúc đó thì chết với tôi. Cưới con tôi là không có cái màn đấy”; Ông thì thở dài “Ui giời! nhưng mà đến lúc việc nhà mình thì thực sự cũng chẳng cấm được”. Tôi quay qua cái ông thở dài bảo: “Đến cỡ đấy là thác loạn rồi”. Ông liền đáp: “Nhưng mà con nhà người ta thế thì mình cũng phải để cho con nhà mình nó giống con nhà người ta”.

Tôi nghe kiểu nói này quen quen. Con nhà người ta như thế, còn con nhà mình thì vầy đây. Cái kiểu nói “con nhà người ta” theo lẽ thường thì người ta ganh tị bởi “con nhà người ta” hơn “con nhà mình” về cái hay, cái đẹp. Nhưng ở đây, ông bạn tôi nói có cái gì nó cứ ngược ngược ấy. Câu chuyện càng trở nên gay gắt bởi ai cũng bảo vệ “chính kiến” của mình.

Chẳng biết cái học theo phố xá nó như thế nào. Nhưng những câu chuyện thật được kể ra đã chẳng ngoài trí tưởng tượng của tôi: Hôm nọ có đứa cầm dao đâm một đứa trong lúc quẩy đấy; Mà lúc chúng nó quẩy có mùi gì như “mùi cỏ” ông ạ; Chẳng biết chúng nó lôi bia lôi rượu ở đâu ra mà nhiều thế! Chúng nó uống lúc đấy, rồi hất đi cũng nhiều …

Thôi thì, để “cho nó giống con nhà người ta” cho cuộc sống nó yên. Dường như đó không phải là tinh thần của người có trách nhiệm với con cái.

Cây Sậy

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org