Bài Học Tin Mừng Theo Thánh Matthêu – Số 6

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A

Chủ đề: NHỮNG CÁM DỖ (Mt 4,1-11)

I. DẪN NHẬP

Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề: MUỐI CHO ĐỜI, ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN (x. 5, 13-16). Tuần này, chúng ta đến với chủ đề: NHỮNG CÁM DỖ (x. Mt 4, 1-11). Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu những điểm sau: Thứ nhất, lý do Chúa Giêsu chịu cám dỗ; thứ hai, các cơn cám dỗ ấy là gì và Chúa Giêsu đã chiến thắng thế nào; và sau cùng, đâu là cơn cám dỗ của chúng ta?

Sau đây là phần nội dung chi tiết bài học.

II. NỘI DUNG

Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để chịu sự cám dỗ của ma quỷ trong bốn mươi ngày và đêm. Theo địa lý, hoang địa nơi Đức Giêsu bị cám dỗ là vùng sa mạc Giuđê. Đây “là một vùng đất hoang nằm trải dài giữa Giêrusalem và Biển Chết với tiết trời về đêm lạnh buốt và trưa nóng hừng hực”. Ngoài ra, theo chứng từ Thánh Kinh, hoang địa là nơi sinh sống của những loài thú dữ và ma quỷ (x. Is 13, 21; 34, 11-15), là nơi cư ngụ của kẻ tội lỗi (x. St 4, 11-16). Do đó, Đức Giêsu được dẫn vào hoang địa khắc nghiệt diễn tả cuộc chiến đấu với thú dữ và Satan. Thánh sử Mátthêu ghi nhận thời gian “bốn mươi ngày đêm” Đức Giêsu ở lại trong hoang địa. Con số bốn mươi là khoảng thời gian dài liên quan đến bốn mươi năm rong ruổi chịu thử thách trong sa mạc của dân Chúa (x. Đnl 8, 2).

Video bài học
Audio Lời Chúa (Mt 4, 1-11)

“Con số bốn mươi ngày và đêm” là thời gian Môsê (người đại diện Lề Luật) ở trên núi lãnh nhận giao ước của Đức Chúa (x. Xh 25, 18; 34, 28) và ngôn sứ Êlia (người đại diện các ngôn sứ) tới núi Khô-rếp (x. 1V 19, 8). Các cơn cám dỗ diễn ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Nếu sau khi chịu phép Rửa, Đức Giêsu đã biết được căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa nhờ lời phán ra từ trời, thì các cơn cám dỗ trong sa mạc là cơ hội để Ngài xác định bản chất của sứ vụ mà Ngài chuẩn bị thực hiện. Như vậy, Đức Giêsu được dẫn vào hoang địa là để chiến đấu thế lực của sự dữ, sống lại kinh nghiệm thử thách dân Ít-ra-en, và xác định bản chất sứ vụ mà Ngài sẽ thực hiện ngay sau đó.

Sau khi nhận ra lý do Đức Giêsu để mình được hướng dẫn vào hoang địa, chúng ta cùng tìm hiểu tâm điểm của đoạn Kinh Thánh này là ba cơn cám dỗ.

  • Cơn cám dỗ thứ nhất: Sau khi ăn chay bốn mươi ngày và đêm, Đức Giêsu thấy đói. Theo bản năng tự nhiên, khi đói, con người sẽ sử dụng mọi cách đi tìm thức ăn để duy trì sự sống và chính khi đói con người dễ dàng chịu sự sai khiến, chỉ đạo của người khác. Lợi dụng cơ hội Đức Giêsu đang cồn cào ruột gan, tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền những hòn đá này hoá bánh đi” (Mt 4, 3b). Tên cám dỗ rất tinh vi khi nói đến tước hiệu Con Thiên Chúa của Đức Giêsu. Vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nên Người có đủ khả năng làm phép lạ hoá đá thành bánh để thỏa mãn nhu cầu chính đáng là cơn đói đang hành hạ Người. Tuy nhiên, Đức Giêsu không làm theo ý riêng mà chọn lựa đối diện với cơn đói nạo vét thân xác để lấy Thánh ý Chúa Cha làm nguồn nuôi dưỡng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Mt 4, 4). Vì vậy, bản chất của cơn cám dỗ thứ nhất không đơn thuần liên quan đến thức ăn mà đề cập đến việc chọn lựa  làm theo thánh ý Thiên Chúa hay làm theo ý riêng của con người.
  • Cơn cám dỗ thứ hai: Quỷ đưa Đức Giêsu đến thành thánh và đặt Người trên nóc đền thờ (x. Mt 4, 5). Đền thờ là nhà Chúa Cha hiện diện, là nơi Người Con luôn được yêu thương, bảo vệ, chở che. Ngay trong chính nhà Cha, quỷ gian xảo nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì gieo mình xuống đi, vì có lời chép ‘Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá’” (x. Mt 4, 5-6). Trước một cơn cám dỗ lôgic của quỷ, Đức Giêsu đáp lại: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (x. Mt 4, 7). Như vậy, cơn cám dỗ thứ hai muốn làm lung lay đức tin của Đức Giêsu là thử thách quyền năng của Chúa Cha. Nhưng, Người đã chiến thắng nhờ việc tin tưởng và phó thác vào Chúa Cha không bao giờ bỏ rơi Người.
  • Cơn cám dỗ thứ ba: Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy (x. Mt 4, 8). Trong Cựu Ước, núi là nơi con người tiếp xúc, cầu nguyện, đàm đạo trực tiếp với Thiên Chúa (x. Xh 19, 1-3). Do đó, quỷ tạo bối cảnh một cuộc cầu nguyện cho Đức Giêsu với Chúa Cha để thực hiện cơn cám dỗ cao nhất mang tính quyết định. Quả thật, với kinh nghiệm cầu nguyện, Đức Giêsu chưa bao giờ được cảm nếm vinh quang trần tục, điều mà thế gian ai cũng mong muốn. Với một đề nghị dễ dàng của Satan “bái lạy nó”, Đức Giêsu sẽ có tất cả thế gian. Tuy nhiên, chính trong lần thứ ba, Đức Giêsu có quyết định mạnh mẽ: “Sa-tan kia, xéo đi! Ngươi phải bái lạy Đức Chúa và chỉ một mình Người mà thôi” (x. Mt 4, 10). Đức Giêsu đã đuổi Satan về vị trí của nó là phải thờ phượng Đức Chúa. Như vậy, bản chất của cơn cám dỗ thứ ba là xúi giục Đức Giêsu chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa mà tôn thờ ngẫu tượng, tôn thờ vinh quang trần tục và sau cùng, là tôn thờ chính tên cám dỗ.

Tóm lại, bản chất của cơn cám dỗ thứ nhất là làm theo Thánh ý Thiên Chúa hay làm theo ý riêng của con người; cám dỗ thứ hai là thử thách Thiên Chúa và quyền năng của Ngài; và cám dỗ thứ ba là chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ vinh quang trần tục. Đáp lại những cơn cám dỗ gian xảo của Sa-tan, Đức Giêsu đã làm theo Thánh ý của Chúa Cha, tin tưởng mà không thử thách Ngài, và xác tín Chúa Cha thật sự là cùng đích đời người.

Kết luận: Đức Giêsu được dẫn vào hoang địa là để chiến đấu thế lực của sự dữ, để sống lại kinh nghiệm thử thách dân Ít-ra-en và xác định bản chất của sứ vụ tương lai của Ngài. Đó cũng chính là hình ảnh Đức Giêsu đã đi vào hoang địa thế gian để chiến đấu và chọn lựa theo thánh ý Thiên Chúa qua việc tin tưởng vào Chúa Cha thay vì thử thách Người. Đồng thời, Đức Giêsu một lòng trung thành với Thiên Chúa Hiện Hữu thay vì đắm chìm trong ngẫu tượng vinh hoa thế gian. Quả thật, Ngài đã đi vào miền u tối như một vị thủ lãnh hướng dẫn dân Chúa đi qua muôn vàn thử thách của ma quỷ, cũng chính là hình ảnh Ngài dẫn Ít-ra-en mới là Giáo Hội vượt qua cám dỗ hướng về Nước Trời.

III. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Đã là con người, ai trong chúng ta đều phải đối diện với cám dỗ cách này hay cách khác. Cám dỗ tự nó không phải là tội. Cách chúng ta đối diện với cám dỗ sẽ khiến chúng ta trở nên thánh nhân hay thành tội nhân. Nếu chúng ta lười biếng không chống lại cám dỗ hay chống lại chúng cách hời hợt, chúng ta sẽ gục ngã và trở thành tội nhân. Nhưng nếu chúng ta kiên quyết chống lại chúng bằng cách bám chặt vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng vẻ vang và trở thành thánh nhân. Hãy bắt chước Chúa Giêsu trong việc chống lại những cám dỗ đang bủa vây chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Hãy lợi dụng những cám dỗ đang bủa vậy chúng ta để biến chúng thành những cơ hội giúp chúng ta gắn bó với Chúa hơn. Từ đó, cám dỗ sẽ không đánh gục chúng ta nhưng giúp chúng ta ngày càng thánh thiện hơn.

IV. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về chủ đề “NHỮNG CÁM DỖ” để khám phá mục đích chịu cám dỗ của Đức Giêsu, bản chất và cách thức giúp Ngài chiến thắng những cám dỗ. Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề SÁM HỐI.

Xin vui lòng đọc trước Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 3, 1-12.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org