Sự ra đi của bạn vẫn in đậm trong tâm trí của tôi. Hình ảnh ấy chỉ lướt qua trong suy nghĩ cũng khiến tôi thấy buồn và thấy cuộc sống thật bấp bênh. Tôi thở dài và nhớ đến một câu Kinh Thánh.
“Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình,
bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.” (Is 38,12)
Rồi, hít thật sâu, tôi tự nhủ mình phải cố gắng lên, phải sống và suy nghĩ tích cực hơn nữa.
Bạn đã đến với tôi do hoàn cảnh đẩy đưa, tôi gọi đó là duyên. Éo le thay, tôi lại gặp bạn không phải lúc bạn đang căng tràn sức sống hay đang yêu đời và vui sống, nhưng là khi bạn đang rất cần đến tài năng của các bác sĩ. Khối u trong não bạn khá lớn, nó gây ra bao đau đớn cho thân xác. Chẳng thế mà lúc gặp, tôi thấy mặt bạn đã tái nhợt cả đi. Không những thế, nó còn mở ra trước mắt bạn một đêm tối của sợ hãi và thất vọng.
Tôi gặp bạn không phải tình cờ, mà qua sự giới thiệu của Phòng Tư vấn Sức khỏe – Caritas Tổng Giáo phận Hà Nội. Trong niềm tin, tôi biết Chúa gửi bạn đến với tôi.
Khi gặp bạn, trái tim tôi cháy lên một khát vọng được cùng bạn chinh phục khó khăn này. Qua chẩn đoán, cùng các bác sĩ khác của bệnh viện hội chẩn, ca phẫu thuật được tiên đoán lành ít dữ nhiều, nhưng vẫn phải thực hiện vì đó là giải pháp cuối cùng. Mọi người lo lắng nhưng cũng đặt nơi đó niềm hy vọng.
Tôi không vào phòng phẫu thuật, nhưng trái tim và tâm trí tôi không thể ở yên. Tôi hướng lời cầu nguyện về phía bạn. Tôi đã hy vọng một phép màu đến nhường nào. Thời gian chờ đợi không bao giờ là dễ dàng, nhất là đợi người thân phẫu thuật. Khi bác sĩ ra khỏi phòng phẫu thuật, người nhà xúm lại hỏi. Đứng xa xa, dù không cần nghe, nhưng tôi cũng đã biết kết quả thế nào khi nhìn vào ánh mắt của đồng nghiệp. Họ cũng đã cố gắng hết sức, nhưng có lẽ, chúng tôi còn quá nhỏ bé để tạo nên một phép màu. Bạn đã ra đi mãi mãi. Cánh cửa tương lai của bạn bỗng đóng sầm lại, nhưng mở ra cho tôi một suy tư không hồi kết. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy khiến tôi phải nhìn lại, tự hỏi và tự trả lời những câu hỏi của chính mình: Tôi là ai? Đâu là đích đến của tôi? Khi nào thì tôi không còn hối tiếc vì chưa làm xong việc? Phận người mong manh, ta đã kịp yêu thương cho đủ? Hôm nay tôi vẫn còn mơ ước, còn nói cười mà không hề biết khi nào Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ mà tôi đang mải mê đan dệt.
Tôi không sợ cái chết trẻ, nhưng tôi sợ nhìn thấy nỗi đau trong giọt nước mắt chảy dài trên gò má của những người thân. Nếu cuộc đời là một chuyến tàu, thì tôi đã đi cùng bạn trên một đoạn đường. Bạn đã cán đích trước, còn tôi vẫn đang hướng về. Thiên Chúa đã dang tay ôm chào đón bạn, tôi cũng mong Người an ủi và sưởi ấm tâm hồn những người thân của bạn, để giúp họ vượt qua quãng thời gian này.
Tôi dặn lòng sẽ cố gắng học nhiều hơn nữa về chuyên môn và nhiệt huyết hơn nữa trong hoạt động. Tôi sẽ cộng tác với văn phòng Tư vấn Sức khỏe Caritas hơn nhiều nữa, để nhiều bệnh nhân nghèo được tiếp cận với y tế sớm hơn. Tôi mong họ sẽ may mắn hơn người bạn kia, ranh giới sự sống và cái chết sẽ xa nhau hơn và sự sống sẽ được hồi sinh từ tình yêu thương và sự cố gắng.
Là một bác sĩ, hằng ngày tôi phải đối diện với sinh – lão – bệnh – tử. Tài năng tôi cần không bao giờ là đủ, để có thể lấp đầy khoảng trống của phận người. Phải học nữa và học mãi. Tôi cần một thứ khác nữa, đó là một trái tim – một trái tim rộng mở, thấu cảm, can đảm, yêu thương và phục vụ. Nhưng cuối cùng, thứ lớn nhất tôi cần đó là một đức tin – một đức tin để hy vọng, để tìm ra ý nghĩa cuối cùng vượt lên mọi bất toàn kiếp nhân sinh.
Tạ ơn Thiên Chúa đã cho con được chạm vào những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn để con có những giây phút được nhìn lại chính mình và thấy rằng bản thân con vẫn còn phải cố gắng nhiều. Con phải đào sâu hơn nữa trong chính nghề bác sĩ để giúp đỡ được cho nhiều người hơn. Nhưng nếu chỉ cậy dựa vào khả năng của bản thân thôi thì chưa đủ, con cũng cần bàn tay của Thiên Chúa nâng đỡ con trong từng giây phút, để con được trở thành cánh tay nối dài của Chúa trong lòng xã hội.
Giu-se NVH
Trích “Nội san Nhà Chung”, Số 8, tháng 9/2023
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: