Lời ngỏ
Kính thưa quý vị độc giả, quý vị chuẩn bị được đọc câu chuyện Chúa dẫn dắt một bạn trẻ đến với Ngài. Tôi đã được nghe em kể cách đây gần một năm. Tôi khuyến khích em viết lại để chia sẻ cho mọi người. Trong hai ngày, em đã hoàn thành bài viết và gửi cho tôi. Tôi nghĩ bài viết tự nó đã quá hay và đầy đủ, nhưng em đề nghị tôi viết vài lời dẫn. Tôi cũng không biết viết gì, chỉ biết thầm cảm tạ Chúa. Ngài quả thực có muôn vàn cách tỏ mình ra cho nhân loại. Ngài đã đến trần gian hơn hai ngàn năm. Và lời mời gọi trở lại làm con cái Chúa vẫn vang vọng trong mỗi tâm hồn con người. Cho dù chúng ta là ai, làm gì hay ở đâu, chỉ cần chúng ta lắng lòng lại, chúng ta sẽ nghe được tiếng Ngài. Ngày 22/12/2024 này là ngày kỷ niệm ba năm em chính thức được làm con cái Chúa. Tôi cầu chúc em những điều tốt đẹp nhất trong năm thứ nhất đại học của mình. Tôi cũng mong em sẽ là cộng tác viên nhiệt thành để viết lên những suy tư trải nghiệm của bản thân và chia sẻ nó cho mọi người. Xin Chúa chúc lành cho em và cho tất cả mọi người trong mùa Giáng sinh và năm mới này.
Thân ái
Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa
CON ĐƯỜNG BÌNH AN
Con đã từng nghe rất nhiều những câu chuyện diệu kỳ, những con người vĩ đại được thấy Chúa, được Chúa dẫn dắt trở về. Ngài quả thực có vô vàn cách bày tỏ tình yêu với nhân loại. Và con cũng là một người mà như cha xứ của con từng nói: “Chúa ưu ái con nhiều lắm đó!”
Câu chuyện con đến với Chúa chẳng quá cao sang, cũng không mỹ miều. Ngài đã mặc khải cho con theo cách thật bình an và đơn sơ…
Từ ngày còn nhỏ, con luôn theo chân mọi người trong xóm nhỏ của mình đến nhà thờ. Tiếng chuông giáo đường vang lên đều đặn, dần trở thành âm thanh quen thuộc trong tuổi thơ của con.
Dẫu khi ấy, con chưa đủ khôn ngoan để hiểu mình đến nhà thờ làm gì, thờ phượng ai. Con chỉ đơn giản cảm thấy thích và đi theo như một cuộc dạo chơi. Trong khu xóm của con, xung quanh mọi người đều có đạo, chỉ duy có gia đình con là không.
Lớn hơn một chút, con mê lắm những buổi dâng hoa lên Đức Mẹ. Con cứ đứng ngẩn ngơ ngắm các chị, các bạn mặc áo dài, cầm những bó hoa rực rỡ đủ màu sắc. Rồi đến một hôm, con đánh bạo xin các bà dạy hoa cho con được tham gia cùng. Có lẽ, họ thấy con còn nhỏ mà lại có lòng mong muốn, các bà đã đồng ý. Lúc đó, con đâu biết Đức Mẹ là ai, nhưng mỗi lần buổi dâng hoa kết thúc, con lại chạy lại ôm lấy tượng Đức Mẹ, như hạnh phúc ôm lấy Mẹ của con.
Sau khi tham gia dâng hoa, con còn được chọn làm những việc khác trong nhà Chúa như học hát, học đàn. Các sơ và các thầy dạy dỗ con rất tận tình. Con chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ biết là con rất thích!
Thế nhưng, dần lớn hơn, con bắt đầu có những suy nghĩ khác. Con tự hỏi: “Mình có phải người Công giáo đâu, sao mình lại tham gia những hoạt động này?”
Con bắt đầu cảm thấy xấu hổ mỗi khi các sơ, các cha hay bất cứ ai hỏi con về tên Thánh, hay hỏi tại sao con chưa rửa tội. Con ghét những câu hỏi đó. Con sợ bị người ta nhìn chằm chằm. Rồi con nghĩ: “Mình đâu phải người Công giáo, cớ gì mình tham gia như một thành viên của họ?”
Cảm giác nợ nần và xấu hổ cứ lớn dần. Con tự tách mình khỏi các hoạt động của nhà thờ. Con vẫn đi lễ nhưng lặng lẽ ngồi ở một góc khuất. Con không tham gia hát lễ, không dâng hoa, không học đàn. Nhưng điều lạ là, con không thể bỏ Thánh lễ. Con yêu Thánh lễ mà không biết vì sao. Lời giảng của cha cứ văng vẳng trong đầu con mỗi lần lễ kết thúc, con suy đi nghĩ lại trong lòng. Dẫu con ngồi im ở góc tối, không ai để ý đến con, nhưng con lại tìm thấy sự bình an ở đó. Bình an ấy con không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Rồi một ngày, bài Tin Mừng về người Samari bị phong cùi vang lên. Đó là người duy nhất trong số mười người được Chúa chữa lành đã quay lại để tạ ơn Ngài. Hôm đó, cha hỏi: “Tất cả chúng ta ở đây đều là người đạo gốc phải không?”
Cả nhà thờ đồng thanh đáp lớn: “Vâng ạ!”
Chỉ có mình con ngồi im lặng. Cảm giác lạc lõng và cô đơn lúc ấy khiến con bối rối. Nhưng rồi, suy ngẫm lại, con tự nhủ: “Mình là người ngoại đạo, nhưng mình có thể giống anh chàng phong cùi Samari kia, quay lại tạ ơn Chúa vì được chữa lành mà!”
Nhưng con không đủ can đảm. Con tiếp tục ngồi ở góc khuất của mình. Thay vì thấy mình được Chúa chữa lành, con lại chỉ thấy mình lạc lõng, không thuộc về nơi ấy.
Càng lớn, con càng có nhiều ước mơ lớn hơn, con nghe người ta nói rằng, nếu có đạo thì sẽ khó khăn cho việc muốn theo đuổi chuyên ngành Ngoại giao mà con đang ấp ủ. Con cũng nghe về những người theo đạo nhưng phải chối chỉ vì muốn giữ công việc. Những lời đó gieo vào lòng con một nỗi sợ. Con tự nghĩ: “Thôi, mình đi lễ là đủ rồi, cần gì phải rửa tội làm gì?”
Con được nhiều người khuyên rửa tội, trong đó có chú Mạnh Phan – ông trùm giáo họ – một người luôn tươi cười và đón chào con đến với nhà Chúa cách nồng nhiệt nhất – luôn khuyên con nên chính thức gia nhập đạo Công giáo. Nhưng khi ấy, con chẳng mấy bận tâm. Ngay cả khi các cha hỏi thăm, khuyến khích con, con cũng chỉ cười cho qua.
Rồi con mải mê tìm kiếm thành tích. Kỳ thi chuyển cấp đến gần, con không còn đến nhà thờ nữa. Hơn một năm trời, con không tham dự Thánh lễ, không nghe tiếng chuông. Con nghĩ mình đã quên mất tất cả.Thế nhưng, Chúa không quên con. Ngài không ngừng mời gọi con về với Ngài, và lần này Ngài chọn cách thật dịu dàng.
Một hôm, sau kỳ thi học sinh giỏi, con làm bài không tốt, mệt mỏi, buồn rầu, chỉ biết khóc thút thít. Đúng lúc ấy, tiếng chuông nhà thờ vang lên. Con bỗng nhớ đến những ngày mình ngồi trong Thánh lễ, nhớ đến cảm giác bình an xưa cũ. Thế là con đứng dậy, vội chạy đến nhà thờ. Lần này, con không ngồi góc khuất nữa mà ngồi ngay hàng ghế đầu. Hôm đó, con còn nhớ bài giảng vang lên: “Thầy để lại bình an cho anh em. Bình an của Thầy không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi.”
Câu nói ấy khắc sâu vào lòng con. Lần đầu tiên, con nhận ra rằng: “Mình có mọi thứ, nhưng lại không có sự bình an.”
Chúa ơi, bao năm con đã cố gắng học hành, đạt thành tích, nhưng có được bao nhiêu điều đó cũng chẳng bằng sự bình an mà con đang cảm nhận. Con đã hiểu rằng, tất cả những nỗ lực ấy sẽ trở nên vô nghĩa nếu tâm hồn con chẳng được an vui.
Thánh lễ hôm ấy kết thúc, con không về vội. Con đứng nhìn mọi người cùng nhau đọc kinh trước hang đá. Con thấy lũ trẻ quây quanh cha, cười đùa vui vẻ. Không khí ấy ấm áp lạ thường. Con thầm nghĩ: “Tại sao mình lại tự tách rời khỏi nơi này? Đâu ai kỳ thị hay xa lánh mình. Tất cả chỉ là do mình tự tách ra thôi!” Lời Chúa vang vọng trong tim con: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có ích gì?” Có phải con đã cố gắng có tất cả nhưng lại để mất đi bình an của chính mình không?
Con lặng lẽ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con muốn thực sự trở thành con gái của Ngài.”
Người đầu tiên con chia sẻ về ý định này là chú Mạnh Phan, chú vui mừng lắm và nói sẽ giúp con mọi thủ tục. Con nói ra suy nghĩ này với bố mẹ, và họ đều vui vẻ đồng ý. Bố con có nói rằng: “cuộc sống này là của con, con lớn rồi, do con quyết định và chịu trách nhiệm nhé! Con muốn gì bố cũng ủng hộ con.” Quả thực, tạ ơn Chúa, Ngài không chỉ ưu ái con, mà còn cho con một gia đình luôn ủng hộ mình.
Thế là con được học giáo lý, được cha ban bí tích Rửa Tội và Thêm Sức trong Mùa Vọng năm ấy. Đêm Giáng sinh đầu tiên, con rước Chúa vào lòng. Cảm giác hồi hộp, xúc động không thể tả. Đó là khoảnh khắc con nhận ra mình đã thực sự thuộc về Chúa.
Hành trình đến với Chúa của con không quá nhiều chông gai. Mọi thứ diễn ra thật nhẹ nhàng, bình an. Nếu có chông gai nào, thì đó là những suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ của chính con. Chúa không ưu ái con bằng những phép lạ lớn lao, mà Ngài nhẹ nhàng dẫn dắt con bằng tiếng chuông nhà thờ, bằng ánh mắt, nụ cười, sự ủng hộ của những người thân thương, gần gũi, không vội vã, không ồn ào, mà dẫn dắt con từng bước trên “con đường bình an”.
Đôi khi, chỉ cần một tiếng chuông nhà thờ cũng đủ để đánh thức con người ta khỏi những bộn bề của thế gian. Tiếng chuông ấy không ồn ào, nhưng lại vang vọng đến tận tâm hồn. Có lẽ, Chúa không gọi con bằng tiếng sét hay những phép lạ lẫy lừng, mà bằng sự dịu dàng, âm thầm và bền bỉ.
Đó là sự bình an Chúa ban cho con – bình an không theo kiểu thế gian.
Con đường con đến với Chúa là con đường của bình an. Bình an trong Chúa, bình an khi làm con gái của Ngài.
Tác giả: Hạt Bình An
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: