Bài học Tin mừng theo Thánh Matthêu – Số 02

Chủ đề: NGUỒN GỐC CỦA CHÚA GIÊ-SU

(Mt 1-2)

I. Dẫn nhập

Chúa Giê-su là ai? Ai là cha mẹ của Ngài? Ngài đích thực từ đâu đến? Đây là các câu hỏi của những người đương thời với Chúa Giêsu cũng như những người trong cộng đoàn của Thánh Mát-thêu. Đây cũng là những câu hỏi của nhiều người trong chúng ta hôm nay. Chính từ những bận tâm, những thắc mắc và những hoài nghi về nguồn gốc của Chúa Giê-su mà những trang Tin mừng về thời thơ ấu của Chúa Giê-su được hình thành.

Trình thuật thời thơ ấu đã được viết ra dưới ánh sáng của biến cố Phục sinh và cuộc sống của cộng đoàn Ki-tô hữu. Những chương đầu tiên của Tin mừng Mát-thêu nhằm cho ta biết nguồn gốc và căn tính của Chúa Giê-su. Hôm nay, cũng chính dưới ánh sáng Phục sinh, cộng đoàn chúng ta đọc lại Tin mừng theo Thánh Mát-thêu, ngõ hầu mỗi chúng ta có thể gặp gỡ và bước vào mối tương quan cá vị với Chúa Giê-su trong huyền nhiệm của Người.

II. Bố cục

Chương 1 và 2 được xem như là lời tựa của Tin mừng Mátthêu. Lời tựa này có thể được chia thành năm phần dưới đây. 

1. Gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô (1,1-17)

2. Truyền tin cho ông Giu-se (1,18-25)

3. Cuộc viếng thăm của các hiền sĩ (2,1-12)

4. Cuộc chạy trốn sang Ai-cập (2,13-18)

5. Cuộc trở lại Na-da-rét từ Ai-cập (1)

Video bài học
Audio Lời Chúa
Chương 1

Chương 2

III. Nguồn gốc của Chúa Giê-su

Tin mừng Mát-thêu khởi đi với trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giê-su bắt đầu từ bản gia phả, biến cố truyền tin cho ông Giu-se, cuộc viếng thăm của các nhà hiền sĩ, cuộc trốn sang Ai-cập và trở lại Na-da-rét. Phần khởi đầu này được xem như một lời tựa. Lời tựa này lại chứa đựng toàn bộ Tin mừng. Lời tự loan báo trước câu truyện của Chúa Giê-su: con đường của Chúa Giê-su từ thành của Đa-vít tới Ga-li-lê của người ngoại giáo.[1] Qua lời tựa này, Thánh sử Mát-thêu loan báo về về Con Người và về huyền nhiệm Giê-su.  

1. Chúa Giê-su là Con Đa-vít. Khi công bố Đức Giê-su là Con Đa-vít, Thánh sử Mát-thêu muốn chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a đã được loan báo trong Cựu ước. Chúa Giê-su đến từ dân tộc Do-thái. Chính Người là Vị Mục Tử dẫn dắt nhà Is-ra-el. Người đến trong lịch sử cụ thể của một dân tộc, một triều đại. Người là một nhân vất lịch sử. Người sống ở giữa muôn người, và chia sẻ tất cả những đắng cay ngọt bùi của kiếp người, ngoại trừ tội lỗi.

2. Chúa Giê-su là con Ab-ra-ham. Ab-ra-ham là người đầu tiên đón nhận những lời hứa thiên sai cho chính mình và cho con cháu mình. Chúa Giê-su, con của Ab-ra-ham là Đấng làm cho những lời hứa ấy đến viên mãn vẹn toàn.

3. Chúa Giê-su là con của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Đức Ma-ri-a cưu mang Chúa Giê-su là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Chính sự vâng phục của Đức Ma-ri-a đã mở cánh cửa cho Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa, Thần Trí của Người, tạo Em Bé trong Mẹ. Người tạo Em Bé ngang qua cánh cửa vâng phục của Mẹ. Đức Giê-su là A-đam mới, một khởi đầu mới xuất phát từ Đức Trinh Nữ sẵn sàng cho ý muốn của Thiên Chúa. Chính nhờ cách thế đó đã xuất hiện một sáng tạo mới, liên kết với tiếng thưa “Vâng” hoàn toàn tự do của con người Đức Ma-ri-a.[2]

4. Chúa Giê-su là con nuôi của Thánh Giu-se. Điều này được diễn tả qua lời của Thiên sứ nói với Giu-se: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21). Ở đây, Thánh Giu-se được gọi cách rõ ràng là con vua Đa-vít và như thế cũng nói lên trách nhiệm của ngài trong biến cố hướng ý cho ngài: như người nhận lời hứa với vua Đa-vít, Thánh nhân phải xác tín vào sự trung tín của Thiên Chúa. Qua biến cố truyền tin này, Giu-se được đưa vào mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa.[3] Vai trò của thánh Giu-se là một người cha nuôi đối với hài nhi Giê-su được diễn tả một cách cụ thể qua việc đặt tên cho con trẻ. Khi hài nhi được sinh ra, ông đã đặt tên cho con trẻ là Giê-su, nghĩa là Đức Chúa là ơn cứu độ.

5. Chúa Giê-su là Đấng Cứu Tinh, là E-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23). Đối với người Do-thái, chỉ có Thiên Chúa mới ban ơn cứu độ. Thế mà nay, ơn cứu độ ấy lại được ban tặng cho chúng ta qua Chúa Giê-su. Quả thực, sự xuất hiện của Chúa Giê-su kiện toàn tất cả Lề luật và lời các ngôn sứ.

6. Chúa Giê-su là vinh quang của Thiên Chúa và là ánh sáng muôn dân (Mt 2,1-12). Vinh quang của Thiên Chúa được chiếu toả nơi một Hài nhi bé nhỏ. Một bé thơ yếu ớt lại là Đức Vua đã được Thiên Chúa hứa ban cho dân Israel từ lâu. Qua vị Vua mới sinh này, vinh quang của Thiên Chúa được chiếu sáng cho Dân ngoại.

7. Chúa Giê-su là Is-ra-el đích thực và là Người Tôi tớ đau khổ (Mt 2,13-15). Chuyến trốn sang Ai-cập và cuộc tàn sát các hài nhi vô tội tiên bào những chiến đấu trong cuộc đời công khai, những bách hại, đánh đòn của cuộc Khổ nạn. Biến cố này nối kết với cuộc xuất hành của Is-ra-el từ Ai-cập. Qua biến cố này, Tthánh sử Mát-thêu cho ta thấy Chúa Giê-su không chỉ là vua, không chỉ là E-ma-nu-el, mà còn là Người Tôi tớ đau khổ mà cuối cùng Thiên Chúa sẽ cứu thoát khỏi tay quân thù.[4] Như thế, lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ Hô-sê được ứng nghiệm: Từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về (Hs 11,1).

8. Chúa Giê-su là người Na-za-zê-ô (Mt 2,19-23). Sau khi ra khỏi Ai-cập, Giu-se cùng với gia đình tới định cự tại một làng nhỏ có tên là Na-da-rét (Nazareth) thuộc vùng đồi Ga-li-lê. Tuy nhiên, Chúa Giê-su được gọi là Na-za-zê-ô (người Na-da-rét) không đơn thuần vì Người lớn lên ở Na-da-rét (Nazareth). Khi gán danh xưng này cho Chúa Giê-su, Thánh sử Mát-thêu liên tưởng Na-da-rét với một nhánh mọc lên từ gốc tổ Giê-sê (x. Is 11,1-11). Nhánh ấy chính là Chúa Giê-su, Đấng Mê-si-a thuộc vương triều Đa-vít. Được xức dầu với thần khí của Đức Chúa, Chúa Giê-su thiết lập một vương quốc phổ quát liên kết muôn dân trên mặt đất và cứu thoát họ.[5]

Tóm lại: Qua chương 1 và 2, Thánh sử Mát-thêu trình bày cho chúng ta về Con Người và Huyền nhiệm Giê-su, một Giê-su hội nhập vào dân tộc Do-thái, một dân tộc mà Người vừa nối dài lịch sử và đưa lịch sử này tới đích điểm của nó. Bây giờ thì Chúa Giê-su, Mô-sê mới, dẫn đầu dân tộc của mình để mời gọi dân tộc này sánh vai với môn dân muôn nước, cùng với Người, đi vào Vương quốc của Thiên Chúa.

IV. Suy niệm và thực hành

1. Chúa Giê-su là sự viên mãn của Luật Mô-sê và các ngôn sứ. Người đưa lịch sử nhà Is-ra-el, cũng như lịch sử nhân loại tới hoàn tất. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta Chúa Giê-su, nguồn mạch ơn cứa độ của chúng ta.

2. Chúa Giê-su chính là Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, Đấng cúi mình xuống nơi Hài Nhi Giê-su để ở với con người và nâng con người chúng ta lên từ chỗ bụi trần. Người vẫn luôn hiện diện, đồng hành và hỗ trợ chúng ta trong lỗ lực loan báo Tin mừng cho muôn dân.

3. Mỗi Kitô hữu được mời gọi sống trong sự hiện diện và hiệp thông với Thiên Chúa qua việc tham dự Bí tích Thánh Thể. Hằng ngày, chúng ta được mời gọi tôn thờ Chúa nơi Bí tích Thánh Thể với cả con tim cùng với lời tán tụng tôn vinh.  Chúng ta dâng lên Chúa mỗi ngày con người và cuộc sống chúng ta để chúng ta được thánh hoá và được biến đổi.

V. Chủ đề cho tuần tiếp theo: BÌNH MINH CỦA MỘT THỜI ĐẠI MỚI: NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN (Mt 4,12-17)

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh

Tổng Giáo Phận Hà Nội


[1] Ulrich Luz, Thần Học Về Tin Mừng Mátthêu, dịch giả Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, Nxb. Đồng Nai, 2022, tr. 51.

[2] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth: Thời Thơ Ấu Của Đức Giêsu, dịch giả Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Nxb. Tôn Giáo, 2013, tr. 81.

[3] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth: Thời Thơ Ấu Của Đức Giêsu, dịch giả Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Nxb. Tôn Giáo, 2013, tr. 63.

[4][4] Lm. Fx. Vũ Phan Long, Tìm Hiểu Tin Mừng Nhát Lãm, Nxb. Đồng Nai, 2021, tr. 82.

[5] Xem Curtis Mitch and Edward Sri, The Gospel of Matthew, CCSS, Grand Rapids: Baker Academic, 2010, tr. 59.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org