Chương 23 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình

Mc 12,38-40; Lc 11,43.46; 20,45-47

* Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2 * “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Đức Giê-su khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu

Mc 12,40; Lc 11,39-48; 20,47

13 * “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. [ 14 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn].

15 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.

16 “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: ‘Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 17 Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? 18 Các người còn nói: ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 19 Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? 20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.

23 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. 24 Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.

25 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. 26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.

27 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. 28 Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác !

29 * “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. 30 Các người nói: ‘Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.’ 31 Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. 32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi !

Tội ác và hình phạt

Lc 11,49-51

33 “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục? 34 Vì thế, này tôi sai ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các người: các người sẽ giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác. 35 Như vậy, máu của tất cả những người công chính đã đổ xuống đất, thì cũng đổ xuống đầu các người, từ máu ông A-ben, người công chính, đến máu ông Da-ca-ri-a, con ông Be-réc-gia, mà các người đã giết giữa đền thánh và bàn thờ. 36 Tôi bảo thật các người: tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này.

Đức Giê-su thương tiếc thành Giê-ru-sa-lem

Lc 13,34-35

37 * “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. 38 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi. 39 Thật vậy, Ta nói cho các ngươi hay, từ nay các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến khi các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !”


 *23,1 Bài diễn từ thứ năm trong Mt bắt đầu từ đây. Chỉ còn ít ngày nữa là Chúa Giê-su sẽ rời khỏi thế gian, và Mt đặt vào thời điểm này những lời nói và dụ ngôn của Chúa khả dĩ soi sáng các môn đệ phải có thái độ nào trước những gì các ông sẽ chứng kiến.

Vừa mới khai sinh, Hội Thánh sẽ phải đương đầu với sự chống đối mãnh liệt của các quyền lực Do-thái giáo, đặc biệt của phái Pha-ri-sêu. Vậy Hội Thánh phải đi trọn con đường của mình và chia tay với các cộng đoàn Do-thái giáo. Đó là ý chính của ch. 23. Ch. 24 tuyên bố Thiên Chúa sẽ xác nhận cuộc chia tay này qua biến cố Ít-ra-en mất nước.

Bấy giờ Hội Thánh sẽ phải hướng về tương lai và chờ đợi Chúa Ki-tô trở lại. Không phải mất giờ ngồi đó chờ ngày tận thế, nhưng có thái độ sẵn sàng là tỉnh thức một cách tích cực.

QUYỀN BÍNH TRONG ĐẠO

 *23,2 Chúa Giê-su không thuộc chi tộc Lê-vi như các tư tế. Người cũng không thuộc một đảng phái tôn giáo nào, như phái Pha-ri-sêu chẳng hạn. Người thuộc hàng ngũ nhân dân và nhìn xem cung cách hành động của các nhà lãnh đạo dân Chúa cũng như thành phần ưu tú có tổ chức bên đạo.

Rõ ràng là tác giả sách Mt muốn cho lời nói của Chúa Giê-su nhằm trúng các nhân vật quan trọng trong các cộng đoàn sẽ là độc giả tác phẩm của ông: vào thời đó, Chúa đã xét đoán trước như thế các vị nắm quyền trong Giáo Hội của Người, và hiểu theo nghĩa rộng, bất cứ nhóm người nào tự cho mình là tốt đẹp nhất, có ý thức nhất, hữu hiệu nhất. Nhóm Pha-ri-sêu tự cho là mình có những đức tính ấy, mà nói vậy là đúng, theo một nghĩa nào đó.

Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Cách nói hơi mỉa mai này muốn cho hiểu rằng những người có tham vọng chia nhau những vị thế ngon lành trong dân Thiên Chúa, và Thiên Chúa chịu đựng họ trong mức độ nào đó.

Ở đây, Mt nhắc nhở chúng ta về sự bình đẳng căn bản giữa các tín hữu trong Giáo Hội. Đối tượng lãnh nhận Chúa Thánh Thần là cộng đoàn, và các người có trách nhiệm hoặc các ráp-bi không có quyền hành gì nếu họ không phải là thành phần tích cực trong đời sống cộng đoàn. Thánh Phao-lô sẽ dùng hình ảnh “đầu với thân thể” để nói về Chúa Giê-su với Hội Thánh (Ep 5,25). Trong Giáo Hội cũng thế, quyền bính của giám mục đi đôi với lòng trung thành của ngài đối với Giáo Hội mà ngài cai quản; ngài đã nhận Giáo Hội trong thực chất của nó, và không tìm cách áp đặt cho Giáo Hội những dự định của riêng mình.

Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm. Gương xấu từ những người có chức quyền không làm mất uy tín của lời Chúa và cũng không huỷ được bổn phận vâng phục. Nếu Chúa Giê-su đã bảo phải nghe lời các người kế vị ông Mô-sê, thì chúng ta càng phải nghe lời các người kế vị các Tông Đồ hơn nữa. Các ông đâu có thể khước từ quyền bính của mình với cái cớ phải phục vụ trong khiêm tốn và chỉ còn là những người thừa hành những cái được đa số quyết định !

Chúa Giê-su nói về hình thức quyền hành. Đừng để ai gọi mình là “ráp-bi” hay là cha. Đừng gọi là “ráp-bi”, tức là người có hiểu biết thường làm cho người ta câm miệng; cũng đừng gọi là cha, người làm cho ai nấy tôn kính và học theo, đến nỗi sẽ quên nhìn lên Đấng duy nhất tốt lành. Trong Giáo Hội, không ai được che khuất hình bóng của Cha trên trời, Đấng chỉ có một.

Dĩ nhiên, mọi người sẽ nói rằng tiếng “Cha” chỉ nói lên một lòng yêu kính mà thôi, nhưng lời Chúa nói khẳng định rằng tên gọi này có những hậu quả rất xấu. Đức tin tinh tuyền, cái làm cho người ta chỉ phục tùng một mình Thiên Chúa, luôn bị tổn thương bởi việc tôn sùng cá nhân. Giáo Hội phải là một cộng đoàn những người tự do, thành thật với nhau trong lời ăn tiếng nói.

 *23,13 Các người khoá cửa Nước Trời. Nhiều người thầy trong dân Chúa là một chướng ngại vật trên con đường thật sự hiểu biết Thiên Chúa Cha; ngay trong những làng mạc xa xôi nhất, người Do-thái cũng có những thầy dạy Luật, nhưng thật ra, dân chúng đến với Chúa Giê-su để hỏi Chúa những gì mà các thầy ấy không truyền đạt được.

Làm sao quên được rằng ngay trong Giáo Hội, việc giáo dục đời sống thiêng liêng thường bị giới hạn trong những việc đạo đức và giữ các điều răn. Nếu được tập lắng nghe và suy gẫm lời Chúa thì người ta sẽ nhạy bén với những kỳ vọng cao đẹp biết bao, để tìm gặp Thiên Chúa và có óc sáng tạo trong việc tông đồ.

Các người bảo: “Ai chỉ Đền Thờ mà thề” (cc. 16-22). Chúa Giê-su nói về những lạm dụng xảy ra vào thời ấy. Một số người trong bậc thầy tìm những chứng cứ để khỏi phải giữ tất cả các lời thề. Sau này người ta gọi đó là khoa thần học giải nghi.

NHỮNG NGƯỜI BẢO VỆ ĐỨC TIN

Làm sao Chúa Giê-su đã có thể gọi là giả hình những người gắn bó với đức tin như thế ?

Trong ngôn ngữ Chúa dùng, từ giả hình cũng chỉ về kẻ hờ hững, kẻ coi thường những gì liên quan đến Thiên Chúa. Những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu đâu phải là giả hình hết, dĩ nhiên, nhưng Chúa tố giác cái méo mó thường xảy ra nơi các thành phần ưu tú nhất trong đạo. Chúa kêu gọi nên cảnh giác đối với những cơ cấu do hạng người có của có văn hoá khởi xướng để rồi sau đó tưởng mình có quyền điều khiển người khác –và Giáo Hội nữa– mà chưa có thì giờ học với người nghèo đức khiêm tốn đích thực.

Mầu nhiệm Thiên Chúa sâu thẳm đến nỗi không ai có thể tự nói mình có độc quyền làm kẻ phát ngôn của Người. Người Pha-ri-sêu giữ đạo, dạy dỗ người ta và có thêm nhiều tân tòng, nhưng họ không bị thiệt thòi gì khi ăn chay, bố thí. Lòng kiêu hãnh và ham tiền của họ đã có lợi trong đó rồi.

CÁC NGÔN SỨ

 *23,29 Một bên, chúng ta có các ngôn sứ, một bên, những kẻ giết các ngôn sứ. Kinh Thánh cho thấy các ngôn sứ có rất nhiều địch thủ trong dân Chúa, đặc biệt trong số các người lãnh đạo dân.

Có một dân Thiên Chúa, mà có dân thì tất có những tổ chức, những cơ cấu để giúp dân sống trung thành với sứ mạng của nó. Nhưng dân này lại chiều theo những phản xạ và thành kiến trong xã hội, và bất cứ cơ cấu nào, dù là phát sinh bởi Thần Khí, cũng dễ trở thành nặng nề và xơ cứng với thời gian. Các ngôn sứ dễ bị lên án khi các ngài đặt lại vấn đề về việc toàn dân bằng lòng với một lối sống tầm thường, thậm chí bất trung với lời Thiên Chúa.

Bị các nước láng giềng luôn luôn kích động, dân Do-thái siết chặt hàng ngũ quanh Đền Thờ, quanh nhóm Pha-ri-sêu và những việc đạo đức. Do sức ép của sợ hãi, họ làm cái mà xã hội nào cũng làm khi cảm thấy mình bị đe doạ: họ trở thành bảo thủ đến mức cực đoan và bám lấy làm điểm tựa an toàn những cơ cấu mà Chúa đã ban cho họ trong dĩ vãng. Hiện nay chúng ta cũng thấy có hiện tượng như vậy. Thế hệ chúng ta đột nhiên thấy mình phải đương đầu với những khủng hoảng và đe doạ trong đủ mọi lãnh vực và có chiều kích toàn cầu, mà không được chuẩn bị gì hết. Tất cả những gì mình nắm chắc trước đây phải được duyệt lại, do đó trong mọi tôn giáo đều thấy xuất hiện những nhóm theo thuyết cơ bản, đưa ra một cái nhìn tự tạo an toàn bằng cách xây cho mình những pháo đài tri thức –hoặc phi tri thức– kế thừa từ trong quá khứ.

Các người bảo vệ cộng đoàn Do-thái giáo đã không sẵn sàng lắng nghe vị ngôn sứ mới của họ. Trân trọng các ngôn sứ của quá khứ và bảo tồn các Sách Thánh là một chuyện, chấp nhận lời phê bình Thiên Chúa truyền đạt tới họ, không phải từ các Sách Thánh mà từ miệng người thợ có tên là Giê-su, lại là chuyện khác.

Thế là các kỳ mục trong dân đã bỏ qua cơ hội Thiên Chúa đến viếng thăm họ, và lún sâu vào con đường chắc chắn đưa dân nước họ tới chỗ diệt vong.

Cộng đoàn chúng ta, trước một cơn khủng hoảng lớn, sẽ biết xây dựng một Giáo Hội khó nghèo hơn, đòi hỏi hơn không? Chúng ta sẽ còn quan tâm đến Tin Mừng phải mang đến cho thế giới, hơn là lo lắng cho sự sống còn của bản thân hay không ?

 *23,37 Các ngôn sứ đã tiên báo Giê-ru-sa-lem sẽ bị tiêu diệt năm 587 như là hình phạt vì tội bất trung của Thành. Chúa Giê-su mượn lại ngôn ngữ của các ông, nhưng cảnh hoang tàn mà Người tiên báo sẽ có một ý nghĩa rộng lớn hơn vô cùng, tương xứng với sứ mạng của Người, ở vị trí trung tâm và thượng đỉnh của toàn bộ lịch sử nhân loại. Vận mệnh Chúa Giê-su tóm lược cả lịch sử: máu các ngôn sứ, máu của bản thân Người, máu các Ki-tô hữu tiên khởi (34).Nhà các ngươi (38). Đây nói về Đền Thờ, nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa; thời ấy Đền Thờ là trái tim của cả nước và là nơi phụng tự. Nhưng Thiên Chúa lại lìa bỏ nó một lần nữa (Ed 8) để đồng hành với những ai đã đón nhận Chúa Giê-su và tìm gặp nơi Người Đền Thờ đích thực (Ga 2,21).