Chương 10 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

2. BÀI GIẢNG VỀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO

Đức Giêsu sai mười hai Tông Đồ đi giảng

Mc 3,13-19; 6,7-13; Lc 6,12-16; 9,1-6

* Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; 3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; 4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5 * Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. 9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. 10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

11 “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. 12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. 13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. 14 Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. 15 Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó. 16 Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.

Đức Giê-su tiên báo những cuộc bách hại

Mc 13,9-13; Lc 21,12-19

17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19 * Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

23 * “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.

24 “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. 25 Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.

Hãy nói giữa ban ngày, đừng có sợ

Lc 12,2-9

26 “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. 27 Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

28 * “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. 29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. 30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. 31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

32 * “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

Đức Giê-su đến để gây chia rẽ

Lc 12,51-53

34 * “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. 35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. 36 Kẻ thù của mình chính là người nhà.

Từ bỏ mình để theo Đức Giê-su

Lc 14,26-27

37 “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. 38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. 39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy

Mc 9,41

40 “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”


*10,1 Cho đến lúc này, Chúa Giê-su giảng dạy trong các hội đường chung quanh Ca-phác-na-um. Giờ đây người ta đã biết tiếng Người, Người đã có môn đệ và bắt đầu thu hút dân chúng. Chính đây là lúc Người lập “Nhóm Mười Hai”. Người cần có các ông để tổ chức các buổi gặp mặt với Người, truyền đạt giáo lý của Người và nhân lên những dấu lạ mà Người thực hiện giữa đám người bệnh hoạn yếu đau.

Chúa đã nghĩ đến Hội Thánh của Người và muốn cho Hội Thánh có người lãnh đạo: đó sẽ là nhóm các Tông Đồ. Các ông sẽ là chứng nhân của Chúa, và để chuẩn bị các ông, Người dạy cho họ có một nếp sống, và sống cộng đoàn, làm kiểu mẫu sau này cho cộng đoàn Giáo Hội.Sách Mc thì viết: Người gọi đến với Người những kẻ Người muốn (Mc 3,13). Đến phiên các ông, các ông sẽ gọi những kẻ khác nữa. Trong Giáo Hội, ai cũng có thể “ làm việc tông đồ”, nhưng không ai tự làm cho mình trở thành “người tông đồ”, nghĩa là chứng nhân chính thức của Chúa Ki-tô: phải được gọi để lãnh nhận trọng trách này.

Về Nhóm Mười Hai, x. phần bình giải Mc 3,13.

*10,5 Ngay từ 9,35, Mt đã chuẩn bị “diễn từ” thứ ba này của Chúa Giê-su (x. Dẫn Nhập). Chúa Giê-su đã khởi đầu sứ vụ, Người huấn luyện và sai phái các vị thừa sai. Tông đồ (có lẽ nên nói là “sứ đồ”) có nghĩa là được sai đi; và nhà truyền giáo cũng là những người thừa sai, nghĩa là thừa hành lệnh sai đi.

Chúa Cha đã sai Con Một Người đến thế gian, và tới phiên Người Con cũng sai các Tông Đồ của mình. Chúa Cha sai những sứ giả mang Lời Người đi, nhưng cũng sai Thần Khí của Người là Thánh Thần, đến cảm hoá tâm hồn và trí tuệ của những ai nghe Lời Người. Nhờ Thánh Thần, họ sẽ nhận ra lời Thiên Chúa trong những lời nói vụng về của những sứ giả không có học thức cao cho lắm ấy. Thánh Thần sẽ ban những dấu lạ: những vụ chữa bệnh và những ơn lạ lùng củng cố chứng từ của các sứ giả.Các vị kế thừa các Tông Đồ cũng sẽ là sứ giả truyền đạo như các ông. Các vị ấy trước hết không phải là những người điều hành một Giáo Hội cơ cấu, nhưng là những người sống như người nghèo giữa những người nghèo, và nhờ đó sẽ gầy dựng nên những Giáo Hội mới trẻ (x. 1 Cr 3,10; 12,28).Vậy ch. 10 này nói về sứ mạng truyền giáo, là ưu tư hàng đầu của cộng đoàn Ki-tô hữu. Trong phần thứ nhất (cc. 5-16), Chúa Giê-su nói với các nhà truyền giáo tiên khởi được sai đến Ga-li-lê. Trong phần thứ hai (cc. 17-42), tác giả Mt thu gom những lời mà Chúa Giê-su đã nói trong những trường hợp rất khác nhau, nhưng cải biên lại cho phù hợp với độc giả của mình, vì lúc ấy Giáo Hội đã bắt đầu bị ngược đãi trong đế quốc Rô-ma.X. phần bình giải Mc 6,7 và Lc 10,1.Anh em đừng đi về phía các dân ngoại (c. 5). Chúa Giê-su làm theo kế hoạch cứu độ của Chúa Cha như đã được tiên báo trong Kinh Thánh. Đấng Cứu Thế phải quy tụ trước hết các chiên lạc nhà Ít-ra-en, và sau đó dẫn đưa tất cả các dân ngoại đến hưởng ơn cứu độ: Is 49,6; 60,1-10; Dcr 14,16; Mt 15,24.Ai đón tiếp anh em (c. 40). Không đón tiếp các sứ giả có nghĩa là không màng đến lời kêu gọi của Chúa Cha và cũng là đánh mất cơ may lớn nhất đời mình vậy.CÁC CHỨNG NHÂN

Ở đây là những chỉ thị mà Chúa Giê-su đã đưa ra cho các chứng nhân của Người, về cách đương đầu với những cuộc bách hại. Suốt mấy tuần liền, Chúa Giê-su đã gần như sống lén lút, và các vị truyền giáo đầu tiên của Người cũng đã nếm mùi những đe doạ tương tự. Khi thuật lại các lời nói này, Mt có lẽ đã cải biên phần nào cho phù hợp với hoàn cảnh của người Ki-tô hữu đương thời với ông, chứ không phải bịa đặt ra.Chúng ta nói chứng nhân, mà từ gốc Hy-lạp cũng có thể hiểu là tử đạo. Một số vị đã được tôn vinh rất sớm, đa số thì không ai biết đến danh tánh. Các ngài thường hay bị vu khống (5,11; Lc 21,17), thế là bị cô lập hoá, ngay cả đối với cộng đoàn Ki-tô hữu, để rồi bị loại trừ.

Trong một vài trường hợp, có những cộng đoàn bị tàn sát toàn bộ, như vào thời đế quốc Rô-ma, hoặc gần với chúng ta hơn, cộng đoàn người Ác-mê-ni. Và điều này hiện còn tiếp tục tại nhiều nước tuy báo chí không nói đến. Trong những trường hợp khác, giữa lúc tình hình phức tạp, các chứng nhân giữ một lập trường nguy hiểm đến tính mạng, và họ đã phải chết. Khi ông Tê-pha-nô bị hạ sát (Cv 7), các Tông Đồ không bị truy nã, và nhiều kẻ có thể tưởng rằng ông ấy là một người cuồng tín. Vào thời các thiếu nữ thành phố Rô-ma bị bách hại vì quyết giữ trọn trinh tiết, nhiều người đã nói: Sao các cô lại coi khinh bổn phận gia đình như thế? Khi người Ki-tô hữu Anh Quốc, Pháp hoặc Trung Quốc từ chối lập những Giáo Hội quốc gia tự trị, tách rời khỏi Hội Thánh Công Giáo Rô-ma, chẳng phải họ kháng cự lại luật Nhà Nước của họ đó sao ?Có lẽ phải thừa nhận rằng làm chứng nhân tử đạo là một ơn, một ơn mà không phải ai cũng được ban cho. Nhiều người sẵn sàng hy sinh tính mạng mình cho Chúa Ki-tô, nhưng khi đứng trước những tình hình bạo lực và tham nhũng, họ lại không thấy cần phải làm mạnh, nên đã nhượng bộ để tránh cái tệ hơn. Người khác thì trái lại, hiểu rằng Thiên Chúa đòi hỏi họ phải làm chứng (c. 18) cho Tin Mừng mà họ đã tin tưởng, đang đối chọi với điều người ta áp đặt: làm như vậy, họ đưa lưng sẵn sàng nhận lãnh các biện pháp đàn áp mà xã hội thường dùng để tự vệ.

Chúa Giê-su dạy không nên đi tìm cái chết (c. 23), nhưng đàng khác, Người khẳng định rằng những vụ ngược đãi và phiên toà xử tội các chứng nhân của Người sẽ đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng (c. 18), và thánh Phao-lô cũng xác tín như thế (Cv 27,24; Ep 6,19). Sách Kh còn đi xa hơn nữa, khẳng định rằng việc sát hại các chứng nhân làm tiến triển lịch sử thánh.Em sẽ nộp anh cho người ta giết. Anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Đó là lẽ thường trong một bầu khí khủng bố. Nhưng dù không bi đát đến như vậy, các chứng nhân Chúa Ki-tô cũng có thể bị mọi người hoặc hầu hết mọi người trong Giáo Hội hiểu lầm, trong khi kẻ bách hại họ có thể được khen ngợi (Lc 6,16). Với thời gian, Thánh Thần sẽ làm sáng tỏ chân lý, nhưng phần đông những người thấp cổ bé miệng, thường là những người chịu nhiều đau khổ và sáng giá nhất, lại cứ bị lãng quên, cho tới ngày Chúa Giê-su đích thân tuyên bố nhận họ trước mặt Chúa Cha.

Thật ra, Chúa Giê-su không chỉ nói về những người bị sát hại. Gần chúng ta hơn và đông đảo hơn, còn là những người đã phải vượt lên trên nỗi sợ hãi (cc. 26.28.31) để làm chứng cho Chúa ngoài đường phố, nơi trường học và nơi giải trí trên cõi đời xấu xa và sa đoạ này (Gl 1,4; Pl 2,15).

*10,19 Anh em đừng lo. Làm chứng cho Chúa không phải để mưu ích cho chính mình, và khi bị ngược đãi và tống ngục thì sẽ thấy mình được đồng hoá với Chúa sâu đậm hơn. Lúc ấy không nên nghi ngờ có Thánh Thần trợ giúp. Lo lắng tìm cách đối phó và tự vệ chỉ cản trở sự tự do của Thánh Thần và mất bình an trong lòng thôi.

*10,23 Anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en. Có thể câu này nằm đúng chỗ hơn nếu đặt vào phần đầu bài giảng, khi Chúa sai các Tông Đồ ra đi. Nhưng Mt đặt ở đây, cho nó một ý nghĩa khác: dù có bị trục xuất từ khắp nơi, các vị truyền giáo tương lai vẫn không thiếu việc làm, cho tới khi Chúa Ki-tô lại đến.

*10,28 Chúng ta là những kẻ hèn nhát, và Chúa biết rõ như vậy. Người đã nói: “Anh em đừng sợ” rồi, khi dạy chúng ta không nên cậy vào tiền bạc. Giờ đây, nói về nỗi lo sợ bị đàn áp, Người thêm: “Nếu không thoát nổi sợ hãi thì hãy nhìn lại xem đâu là đe doạ lớn nhất: từ Thiên Chúa hay từ người phàm ?”

Đây là chỗ duy nhất Chúa Giê-su đề cập đến “sợ Thiên Chúa”. Theo Cựu Ước nói chung, kính sợ Thiên Chúa có nghĩa là tôn kính, tôn thờ. Mà tôn thờ khác xa sợ hãi. Thiên Chúa đâu phải doạ “tống” chúng ta xuống hoả ngục, mà chỉ nhắc nhở chúng ta rằng mất Thiên Chúa là coi như mất mạng rồi.

*10,32 Phàm ai tuyên bố nhận Thầy. Sau khi nhấn mạnh quyền năng tối thượng của Cha Người, Chúa Giê-su khẳng định Người cũng đồng quyền với Cha như vậy: chính Người sẽ định đoạt số phận đời đời của chúng ta. Không phải Chúa chỉ nói về việc nhận Người, nghĩa là đừng chối đức tin của mình trước mặt thiên hạ mà thôi, chúng ta còn phải tuân theo lời Người trong đời sống thường nhật. Chúng ta không nên hổ thẹn mà hành động và ăn nói với tư cách là người có đức tin; khi cần còn phải tuyên bố những xác tín của chúng ta cách công khai nữa.

*10,34 Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất. Người có đức tin được bình an do bởi họ biết chắc chắn Thiên Chúa yêu thương họ; đó là điều đã được các thiên thần nói lên tại Bê-lem: Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (Lc 2,14). Chúa Giê-su không đến đem bình an cho trái đất, vì cái yên ổn trên trái đất là sản phẩm của những trạng huống hồ đồ, những chân lý nửa vời, của cán cân thăng bằng không lành mạnh giữa lòng tham và tính nhát đảm. Cái bình an trên cõi đời, trong gia đình hay ngoài xã hội, thường che giấu một trật tự bất công do kẻ mạnh áp đặt, hoặc một mức độ đạo đức yếu kém mà mọi người đành chấp nhận. Tin Mừng thì luôn đánh thức óc phê bình, và sự có mặt của chỉ một người Ki-tô hữu đang sống trong chân lý thôi có khi cũng đủ để gây áy náy cho nhiều người: Ga 3,20; 15,18.

Tin Mừng thôi thúc chúng ta tự do hơn khi quyết định, không sợ bị người chung quanh phê phán, khi nắm chắc rằng những người này không thể hiểu các giá trị Tin Mừng đã hướng dẫn những lựa chọn của chúng ta. Ví dụ một cô gái lỡ mang thai phải tranh đấu như thế nào để kháng cự những lời lẽ của cha mẹ vẫn khuyên cô đi phá thai. Tại nhiều nước, người Ki-tô hữu đã bị bách hại vì họ dạy rằng luật Thiên Chúa cao trọng hơn quyền cha mẹ được coi như tối thượng. Đó là trường hợp đã gặp thấy tại Rô-ma thời thượng cổ, và tại nhiều cộng đồng hiện nay.Đàng khác, còn có ma quỷ âm mưu bách hại tất cả những ai muốn hoán cải trở về chính đạo để làm họ phải khiếp sợ mà tháo lui.Không xứng với Thầy (c. 37). Chúa Giê-su không chỉ ngỏ lời với những nhà truyền giáo hay những vị được giao một sứ mạng phi thường mà thôi. Chúng ta tất cả phải thoát ly với những vương vấn làm cho ta quá lệ thuộc vào gia đình và cản trở sự phát triển nhân bản và thiêng liêng của mình. Ai yêu mến Chúa Ki-tô sẽ đủ sức mạnh để thoát ra khỏi những ràng buộc cầm giữ các thành viên trong gia đình ở một mức sống đạo an phận thủ thường.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)