Xóm nhỏ ngoại biên

“Tôi mơ ước một cái gì thật đơn sơ, không đông người, giống như các cộng đoàn sống rất giản tiện thời Giáo Hội sơ khai, sống đời Na-da-rét trong sự cần lao và việc chiêm ngưỡng Chúa Giê-su.” (Cha thánh Charles de Foucauld)

Tôi nghe biết Dòng Tiểu muội Chúa Giê-su qua vài người bạn giới thiệu và tôi đã đến với cộng đoàn tại Hà Nội. Cộng đoàn này hiện diện ở Tổng Giáo phận từ năm 1997. Tôi thực sự thấy ngỡ ngàng khi biết cơ sở của cộng đoàn lại nằm trong một xóm nhỏ nghèo. Căn nhà các chị cũng không giống một cộng đoàn tu trì. Lúc đó trong tôi có nhiều thắc mắc, khó hiểu nhưng sâu thẳm cõi lòng lại luôn vang vọng một lời mời gọi “hãy đến mà xem”.  Tôi đã đến xem và ở lại cho đến hôm nay.

Ngày ngày tôi gặp gỡ rất nhiều người và mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau, tưởng chừng chỉ có ở trong những câu chuyện xa xưa. Có những cô, những chị đến từ những miền quê nghèo. Cuộc sống của họ thật đơn giản, ban ngày đi buôn thúng bán bưng, mua ve chai… tối đến thuê một chỗ đủ trải chiếc chiếu ngủ qua đêm. Với chiếc xe đạp tàng tàng hay đôi quang gánh…họ đi qua từng con phố, ngõ hẻm để mưu sinh. Ngày nọ, vào mùa đông có cô mua ve chai đi ngang qua, chúng tôi mời cô vào uống cốc nước, cô cầm cốc nước mà nghẹn ngào nói: đã lâu lắm rồi cô không được uống cốc nước ấm thế này!!! Vào buổi sáng nọ, có cô đứng trước cửa chỉ kịp nói: “Dì ơi, con mệt quá!” Chúng tôi mời cô cốc nước trà đường… một lát sau cô tươi tỉnh và tiếp tục với đôi quang gánh.

Tại khu xóm những người lao động nghèo, tôi cảm nhận một bầu khí thật gẫn gũi, thân thương, đầy tình người. Khi cô A thiếu quả chanh, củ tỏi liền chạy sang cộng đoàn chúng tôi hỏi. Ngược lại, cũng có lúc chúng tôi thiếu củ hành, quả cà chua lại chạy qua hàng xóm xin. Mọi người sẵn sàng chia sẻ cho nhau mà không hề cần so đo tính toán.

Những con người nơi đây mỗi người một hoàn cảnh, nhưng ngay trong những khó khăn đau khổ tưởng chừng không còn gì để mất, tôi lại thấy họ có cái nhìn lạc quan, đầy hy vọng và một đức tin vững mạnh. Có bà bị tai biến đã nhiều năm, phải tập đi trong nhà và cần có người trợ giúp trong việc sinh hoạt, nhưng bà luôn tạ ơn Chúa vì bà cảm nhận Chúa rất thương bà. Bà nói: cuộc sống của bà rất bận, ngày ngày bà tập đi và tập một số động tác cơ bản kết hợp với việc lần chuỗi để cầu nguyện cho các nước còn chiến tranh, nghèo đói, bà thường đọc câu nguyện tắt: “Giê-su Ma-ri-a Giu-se xin cứu rỗi các linh hồn”. Tôi cũng được đánh động về cuộc đời của các bà, các cô, các chị nơi đây, dẫu đầy nước mắt và đau khổ nhưng họ chỉ xin Chúa giúp sức để sống đúng vai trò là người vợ người mẹ trong gia đình. Một số người khác thì chia sẻ: có lúc họ thấy cuộc sống không còn gì và cảm nhận thánh giá của mình là thánh giá bùn không thể vác, nên  chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa.

Vâng, chính trong môi trường này Thiên Chúa đã dạy và huấn luyện tôi rất nhiều điều. Xóm nhỏ ngoại biên tuy nghèo nhưng giàu tình người. Những người chưa cùng niềm tin tôn giáo nhưng tâm hồn luôn đong đầy sự thiện.

Càng sống nơi đây tôi càng cảm nhận điều Cha thánh Charles de Foucauld mơ ước về những cộng đoàn nhỏ giống như Na-da-rét xưa. Ngày ngày chúng tôi chia sẻ công việc và thân phận của những người lao động nghèo và trao vào tay Chúa mọi vất vả, buồn vui, cũng như ước mơ nho nhỏ của những người chúng tôi gặp gỡ.

Chúng tôi xác tín Chúa Giê-su, Người nghe, hiểu cuộc  sống và hoàn cảnh của mỗi người trong xóm nhỏ này, bởi chính Người đã từng sống như thế suốt 30 năm tại Na-da-rét. Nguyện xin Chúa Giê-su, người thợ Na-da-rét tiếp tục hướng dẫn và gìn giữ chúng tôi trong ơn gọi là em nhỏ của Người.

Chị em Tiểu muội Chúa Giê-su

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org