Truyền giáo: Đạo yêu thương

Một câu chuyện kể rằng: Có một đệ tử tu với một vị Thầy ở trên núi. Đệ tử này sau một thời gian tu tập, cảm thấy mình đã đủ công lực để đi truyền Đạo nên xin thầy cho xuống núi. Thầy hỏi đệ tử: Con định đi đâu? Người đệ tử trả lời muốn đi đến một vùng đất mà dân cư ở đó rất dữ tợn để truyền đạo cho họ. Thầy cảm thấy lo cho đệ tử. Ông nói với đệ tử rằng thầy có ba câu hỏi, nếu con trả lời được thì thầy sẽ để con đi, bằng không thì con nên ở lại. Câu hỏi thứ nhất là nếu con đi đến vùng đất đó mà người dân ở đó không đón tiếp con, họ nhục mạ và nói xấu con, con sẽ làm gì? Đệ tử trả lời: Con sẽ yêu thương họ vì họ vẫn nhân từ với con, họ chưa đánh con. Vậy nếu họ đánh con thì sao? Câu hỏi thứ hai của Thầy. Đệ tử đáp: Con vẫn yêu thương họ vì họ vẫn nhân từ với con. Họ mới chỉ đánh con chứ họ chưa giết con. Câu hỏi cuối cùng của thầy là: Vậy nếu họ giết con, con sẽ làm gì? Con vẫn sẽ yêu thương họ vì họ vẫn rất nhân từ với con. Họ giết con ngay khi trái tim con tràn đầy tình yêu thương. Ai rồi cũng phải chết, nếu con được chết khi đang tràn ngập tình yêu thương trong tâm hồn thì còn gì hơn nữa? Đệ tử trả lời thầy một cách dứt khoát. Thầy đưa mắt nhân từ nhìn đệ tử và nói: Với tất cả phúc lành của Thầy, con hãy đi bất cứ đâu đem cái Đạo yêu thương chia sẻ cho mọi người.

Tôi đã đọc được câu chuyện này khá lâu rồi và tôi không sao quên được. Đó là một câu chuyện đẹp để gợi ý cho ta suy tư về việc truyền giáo. Truyền giáo đơn giản là truyền Đạo. Giáo là Đạo. Mà Đạo của chúng ta chính là Đạo yêu thương. Đạo của chúng ta do chính Chúa Giêsu sáng lập. Chúa Giêsu chính là hiện thân tình yêu Thiên Chúa giữa cuộc đời. Ngài đã đến để rao giảng tình thương của Thiên Chúa cho hết mọi người. Nếu như trong câu chuyện trên vẫn chỉ là cuộc trao đổi của thầy và trò chứ chưa diễn ra trong thực tế, thì câu chuyện của Thầy Giêsu thực sự đã xảy ra trong lịch sử. Ngài đã bị nhục mạ, bị vu khống, bị kết án cách bất công nhưng Ngài vẫn yêu thương họ. Khi bị người ta đánh đòn, bắt Ngài chịu đội mão gai và vác thập giá, Ngài vẫn yêu thương họ. Và khi họ đóng đinh Ngài vào thập giá để giết Ngài, Ngài cũng vẫn yêu thương họ. Bằng chứng là lời cầu nguyện của Ngài trên Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc chúng làm”. (Lc 23,34) Những kẻ đóng đinh Ngài đã thất bại. Họ muốn ép Chúa Giêsu phải phản ứng chống lại họ. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài chỉ rao giảng về tình yêu và sự tha thứ. Yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ bách hại mình. Ai vả má bên này thì hãy đưa má bên kia cho họ. Ai kiện đoạt áo trong thì cho nó cả áo ngoài. Ai bắt đi một dặm thì đi với người đó hai dặm. Sứ điệp đó đã được chứng nghiệm trong cuộc thương khó của Chúa. Vì thế mà những lời của Ngài có một sức nặng. Nó không phải là lý thuyết suông mà là kinh nghiệm sống.

Ngày hôm nay, chúng ta, những đệ tử của Thầy Giêsu, chúng ta chỉ có thể truyền được Đạo yêu thương ấy khi chính chúng ta sống cái Đạo ấy trong chính cuộc đời mình. Không ai có thể cho cái mình không có. Đó là quy luật của muôn đời. Nhìn vào thực tế của Giáo hội, chúng ta thấy khoảng cách giữa các đệ tử và thầy Giêsu vẫn còn quá xa. Có khi chúng ta chỉ mới bị nói xấu và lên án, chúng ta đã không chịu được rồi. Còn bị đánh đòn hay giết chết thì làm sao chúng ta thực hiện được như Thầy Giêsu? Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện của hai bà hội viên hội Mân côi ở một xứ Đạo nọ. Bà Hội trưởng đi gọi người đến đọc kinh và đưa tiễn một thành viên mới qua đời. Bà gặp một hội viên trên đường và bảo người ấy: chiều nay thu xếp thời gian đi đưa đám tang nhé. Bà kia trả lời tôi bận lắm không đi được đâu. Bà Hội trưởng làm một câu: lúc nào cũng bận thì đến khi chết có chó nó đưa. Bà kia nổi cơn tam bành cầm lấy một hòn gạch và nói: Bà bảo ai là chó? Hai người lao vào ẩu đả và kết quả là những thương tích cả thể xác lẫn tâm hồn. Những câu chuyện đại loại như thế không thiếu trong các cộng đoàn giáo xứ. Những Hội đoàn rước sách linh đình nhưng chất lượng sống của từng thành viên thì sao? Rất nhiều xứ Đạo lao vào xây dựng những công trình tốn kém tiền của nhưng công năng sử dụng chẳng được bao nhiêu. Đơn giản vì những công trình ấy chỉ nhằm mục đích cho xứ đạo mình oai hơn xứ khác. Như thế thì Đạo làm sao phát triển được?

Nhân ngày Khánh nhật truyền giáo, tôi viết ra đây vài suy tư. Tôi không có ý chỉ trích hay nói xấu ai nhưng chỉ để chúng ta ý thức lại cái cốt lõi của Đạo là gì. Tôi nhớ không nhầm thì Mahatma Ghandhi đã từng nói: “Tôi sẵn sàng làm Kitô hữu nếu tôi tìm thấy những Kitô hữu thực thi Bài giảng trên núi”. Câu nói này muốn diễn ta một điều rằng chúng ta chỉ có thể đem Đạo Chúa chia sẻ cho người khác nếu chính Đạo ấy đã được chúng ta sống. Chính Đạo ấy đã chuyển hóa cuộc đời chúng ta. Chính Đạo ấy đã thực sự là lẽ sống của chúng ta. Cầu chúc tất cả mọi người thực thi được lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu bắt đầu từ chính bản thân mình.

Thế À