Trút mọi âu lo cho Chúa

Tết năm nay, tôi không lên chúc Tết Bề trên Giáo phận bởi tôi thấy người không được khỏe. Tôi được cha xứ Nam Xá cầm về bao lì xì của Bề trên. Trong bao lì xì dĩ nhiên là có tiền và một câu Lời Chúa. Câu Lời Chúa tôi nhận được là: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,1). Đó quả là món quà đặc biệt tôi nhận được trong năm nay. Dường như Chúa muốn bảo với tôi đừng lo lắng chi cả mà hãy trút cả cho Chúa. Thế nhưng đã làm người, làm sao tránh khỏi lo âu?

Những ngày trước Tết, dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ai cũng lo sợ bị nhiễm bệnh. Tôi đã thấy những người buôn bán nhỏ lẻ đầy âu lo. Tết đã cận kề mà vẫn không bán được hàng. Ngày 28 Tết trời mưa tầm tã. Sự âu lo càng lớn hơn. Làm sao bán hết được số hàng đã lấy về? Không bán được thì làm sao có tiền lo cho cái Tết? Thế nhưng chỉ hai ngày cuối, hàng họ hết sạch. Tôi thấy cái thở phào nhẹ nhõm của họ. Có người khoe với tôi, “con không những bán hết mà còn phải lấy thêm hàng”.

Dịp Tết, bên cạnh những câu chuyện vui, tôi cũng chứng kiến những câu chuyện buồn. Có hai mẹ con của một gia đình ở giáo xứ khác đến chúc Tết tôi. Người mẹ mếu máo kể cho tôi về nỗi cơ cực của bà. Chồng bà lao vào con đường lô đề cờ bạc, nợ lên đến tiền tỉ. Số nợ quá lớn mà khả năng kiếm tiền của cả gia đình thì khiêm tốn. Làm sao trả được hết số nợ? Tôi đã thấy nỗi lo âu hằn trên khuôn mặt của bà. Bà nói với tôi rằng Tết gần kề mà nhà chẳng có gì. Bà có nuôi được một con bò thì cũng bị bắt nợ. Còn chồng bà từ khi vỡ nợ, ông dường như trầm cảm. Ông cứ sáng đi tối về, không nói với ai câu nào. Không khí gia đình ngày Tết mà cứ như đám tang vậy.

Câu chuyện của bà chỉ là một trong vô vàn câu chuyện tôi được nghe. Một ngày sau lễ Giáng Sinh, tôi nhận được một cú điện thoại. Đầu giây bên kia là tiếng của một người đàn ông vừa nói vừa khóc với tôi “con mất sạch rồi, một tỉ rưỡi đã ra đi”. Một người phụ nữ nọ thì đã quyết định ly dị chồng bởi không thể chịu đựng nổi cảnh tra tấn của những người đến đòi nợ. Một cặp vợ chồng kia cũng mất hết tài sản sau nhiều năm gầy dựng chỉ vì vài phút bồng bột của người chồng trong canh bạc đỏ đen. Và mới mấy ngày nay, tôi nhận được tin nhắn chia sẻ của một người phụ nữ. Chị nói rằng chồng chị lại chơi và mới khai ra đã mất 150 triệu. Có vẻ như những câu chuyện tương tự xảy ra ở khắp mọi nơi. Nếu như Covid-19 người ta đã tìm ra vacxin để ngăn ngừa thì Covid lô đề liệu có tìm được thuốc chữa?. Lắng nghe những tâm sự của những người phải gánh chịu hậu quả, tôi thấy lòng buồn thật buồn. Tôi muốn ngỏ lời với những người vẫn đang ngụp lặn trong lô đề cờ bạc rằng: Hãy thức tỉnh. Hãy dừng lại cuộc chơi. Các bạn hãy tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Đừng bắt người khác phải chịu thay hay chịu chung.

Ngày 30 Tết, ngay trước thời điểm giao thừa, tôi nhận được tin nhắn của một chị báo cho biết rằng con rể của chị bị tai nạn đang hôn mê. Sáng mồng một Tết, một tin nhắn khác của người vợ báo tin rằng chồng con chắc không qua khỏi. Cũng may đến hôm sau tình hình của anh khá hơn nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật. Mười lăm ngày đã trôi qua, Anh vẫn chưa tỉnh lại. Tết là thời điểm sum họp gia đình. Năm nay gia đình họ được sum họp trong bệnh viện. Tôi thấy những người thân không chỉ có nỗi lo về tiền mà còn nỗi lo mất đi người thân yêu. Không biết bao giờ người thân tỉnh lại và khi tỉnh lại rồi thì có làm ăn được gì không. Cuộc sống quả có muôn vàn nỗi lo.

Tôi có thể kể ra đây những câu chuyện âu lo của cuộc sống giống như truyện nghìn lẻ một đêm vậy. Người trẻ lo chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện nghề nghiệp, chuyện hôn nhân gia đình. Người già lo âu về bệnh tật và cái chết đến. Tác giả Thánh vịnh 90 diễn tả thật hay thân phận con người rằng: “Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài. Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó. Cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,9-10).

Còn bạn, bạn đang có nỗi lo âu nào? Tôi muốn mời bạn cùng lắng nghe lại lời của vị tông đồ trưởng ở trên: Mọi âu lo hãy trút cả cho Chúa vì Người chăm sóc anh em. Quả thực, tôi và bạn dù có khôn ngoan đến mấy cũng không thể khôn hơn Trời, khôn hơn Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta chẳng có gì phải quá lo âu. Có những thứ khiến chúng ta cảm thấy như trời sập. Thế nhưng khi những biến cố đó qua đi rồi, chúng ta lại thấy rất bình thường. Thế nên, hãy tập sống phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Chúa. Ngày mồng một Tết, chúng ta đã nghe Lời Chúa nhắc nhở: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai. Ngày mai hãy để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34)

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org