Sáng thứ Năm, ngày 26/9/2024, chưa đầy hai tuần sau chuyến tông du nước ngoài thứ 45 đến Châu Á và châu Đại Dương, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phan-xi-cô đã bắt đầu chuyến tông du thứ 46 đến Luxembourg và Vương quốc Bỉ. Chuyến thăm kéo dài 4 ngày từ 26-29/9/2024.
7h30 sáng ngày 26/9, ĐTC Phan-xi-cô gặp gỡ một nhóm người vô gia cư sau đó khởi hành ra sân bay Fiumicino cách Vatican 29 km. Sau một tiếng rưỡi, máy bay đã đáp xuống Sân bay Quốc tế Luxembourg-Findel lúc gần 10h sáng.
Sau phần chào đón chính thức, ĐTC có cuộc gặp với Đại công tước Luxembourg Enrico, Thủ tướng, các cơ quan dân sự và ngoại giao. Trong cuộc gặp, ĐTC tập trung vào việc: Thay thế chống đối bằng sự hợp tác; Kiên nhẫn xây dựng các thể chế và luật pháp khôn ngoan; Phát triển xác thực và toàn diện bao gồm cả chăm sóc thụ tạo và tình huynh đệ; Tin Mừng là nguồn sống và là sức mạnh luôn tươi mới của sự đổi mới cá nhân và xã hội.
Đến chiều cùng ngày, ĐTC đến Nhà thờ Đức Bà để gặp gỡ cộng đoàn Công giáo địa phương. Trong diễn văn, ĐTC nhấn mạnh sự cao đẹp của sứ mạng an ủi và phục vụ mà Chúa giao phó cho các tín hữu. Ngài khích lệ họ hãy trung thành với di sản hiếu khách, tiếp tục biến Luxembourg thành một ngôi nhà thân thiện cho bất cứ ai gõ cửa để xin giúp đỡ và sự đón tiếp.
Kết thúc cuộc gặp, ĐTC Phan-xi-cô cùng đoàn tuỳ tùng khởi hành đến thăm Vương quốc Bỉ.
Sáng thứ Sáu, ngày 27/9/2024, sau khi dâng Thánh lễ riêng và dùng điểm tâm, vào lúc 9h, ĐTC đến Lâu đài Laeken, cách Toà Sứ thần khoảng 11 km, để thăm hữu nghị Vua Bỉ Philippe Léopold Louis Marie.
Cuộc thăm hữu nghị Vua Bỉ diễn ra trong bầu khí ấm cúng,long trọng của hoàng gia, với các hoạt động: chụp hình, trao đổi quà, ký sổ lưu niệm và cuối cùng là gặp gỡ riêng tư.
Đến 10h, cũng tại Lâu đài Laeken, ĐTC Phan-xi-cô gặp đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Trong bài diễn văn , trước hết, ĐTC bày tỏ niềm vui và cảm ơn vì sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho ngài.
Ngài nói: “Khi nghĩ đến đất nước này, điều hiện lên trong tâm trí tôi là một điều gì đó nhỏ bé nhưng to lớn, một đất nước ở phía tây nhưng đồng thời cũng là trung tâm, như thể Bỉ là trái tim đang đập của một sinh vật khổng lồ”.
Bên cạnh đó, ĐTC nhắc nhớ rằng châu Âu cần Bỉ để nhớ về lịch sử châu lục gồm các dân tộc, nền văn hóa, nhà thờ và trường học, đồng thời lịch sử Bỉ kêu gọi châu Âu mở lòng đón nhận sự sống và hy vọng. Vì hoà hợp và hoà bình là một nhiệm vụ cần vun trồng một cách kiên nhẫn.
Chiều ngày 27/9/2024, ĐTC đã có cuộc gặp gỡ với các giáo sư, tại Đại học Công giáo Leuven – Đại học Công giáo lâu đời nhất thế giới. Ngôi trường được thành lập vào năm 1425 với sắc chỉ của Đức Giáo hoàng Martino V. Hiện nay Đại học Công giáo Leuven có hơn 60.000 sinh viên và là một trong những tổ chức nghiên cứu hàng đầu của châu Âu trong nhiều lĩnh vực.
Trong bài diễn văn, ĐTC mời gọi họ mở rộng các biên giới kiến thức và biến đại học trở thành không gian rộng mở cho con người và xã hội. Đồng thời, ngài mời gọi các giáo sư biến nền giáo dục hàn lâm và văn hóa thành một không gian sống động, nơi hiểu và nói về sự sống, mang lại những đóng góp quyết định như men, muối của Tin Mừng.
Sang sáng thứ Bảy, ngày 28/9, sau khi dâng Thánh lễ riêng và gặp một số lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), ĐTC đến Vương cung Thánh đường Thánh Tâm Koekelberg, cách Toà Sứ thần khoảng 10 km. Ngài gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bỉ.
Vương cung Thánh đường Thánh Tâm là ngôi thánh đường lớn thứ năm trong số các nhà thờ lớn nhất thế giới. Tại đây, ĐTC có diễn văn xoay quanh ba cụm từ: Loan báo Tin Mừng, niềm vui và lòng thương xót.
Chiều ngày 28/9/2024, ĐTC đã có cuộc gặp gỡ với các sinh viên đại học tại Đại học Công giáo Louvain, một Đại học Công giáo thuộc khối nói tiếng Pháp của Bỉ, có 19 phân khoa với khoảng 30.000 sinh viên. Ngài nhắc lại tầm quan trọng của phụ nữ, yêu cầu đừng rơi vào những “tuyên bố” khiến đàn ông và phụ nữ chống lại nhau, tố cáo sự tàn bạo của chiến tranh cũng như tội ác tham nhũng và bóc lột và kêu gọi nghiên cứu vì lợi ích chung, tìm kiếm “sự thật giải phóng con người”.
Tiếp tục truyền thống trong các chuyến Tông du, ĐTC Phan-xi-cô cũng có gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên đang phục vụ tại Brussels để có khoảnh khắc trò chuyện riêng tư trong tình huynh đệ. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Cao đẳng Saint Michel ở Brussels vào tối ngày 28/9.
Chưa kết thúc ở đó, ĐTC bất ngờ đến thăm sự kiện dành cho giới trẻ mang tên “Hope Happening”. Sự kiện quy tụ khoảng 6.000 bạn trẻ tụ họp tại thủ đô Brussels của Bỉ, mang tinh thần của Đại hội Giới trẻ Thế giới. Trong buổi gặp gỡ bất ngờ này, ĐTC đã khích lệ những người trẻ giữ vững đức tin và mời gọi họ để Chúa hướng dẫn họ trong tình yêu.
Vào Chúa Nhật ngày 29/9, ĐTC kết thúc chuyến Tông du nước ngoài lần thứ 46 bằng việc cử hành Thánh lễ cho các tín hữu tại Sân vận động King Baudouin ở thủ đô của Bỉ.
Trong Thánh lễ này, ngài kêu gọi mọi thành viên của Giáo hội không bao giờ che đậy hành vi lạm dụng mà hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần nói trong những người đang đau khổ.
ĐTC Phan-xi-cô cũng đã tuyên chân phước cho nữ tu Anna Chúa Giê-su người Tây Ban Nha thế kỷ 17. Ngài đã mang cuộc cải cách Dòng Cát Minh của Thánh Tê-rê-sa thành Avila đến Bỉ và các nơi khác ở Châu Âu. Ngài ca ngợi Chân phước Anna Chúa Giê-su vì đã làm chứng cho đức tin Ki-tô giáo qua sự nghèo khó, cầu nguyện và bác ái, đặc biệt là vào thời điểm “có nhiều vụ bê bối đau thương”.
Sau Thánh lễ, ĐTC đọc Kinh Truyền Tin vào buổi trưa với các tín hữu trước khi trở về Roma.
Chuyến bay của hãng hàng không Brussels Airlines chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng rời Bỉ lúc 1h20 theo giờ địa phương và hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Fiumicino của Roma vào khoảng 3h chiều.
Ngay khi trở về Vatican, ĐTC Phan-xi-cô ghé qua Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để tạ ơn Đức Mẹ. Ngài dừng lại cầu nguyện một lát dưới chân bức tượng cổ Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân thành Roma. Sau đó, ĐTC đặt một bó hoa trên bàn thờ ở Nhà nguyện Gregorian, tạ ơn Mẹ chở che trong suốt chuyến tông du.
Khánh Ly tổng hợp.
Nguồn: Vatican News
TIN LIÊN QUAN: