Tình yêu cúi xuống

Trong cuộc sống, ai cũng đã từng có kinh nghiệm nâng một vật nặng lên. Để nâng một vật lên, người ta phải cúi mình xuống, vật càng nặng thì ta càng phải cúi sâu, có khi phải quỳ xuống mới nâng lên được, và muốn đưa vật ấy lên cao thì cũng cần một lực nhất định, tuỳ vào sức nặng của vật ấy. Ta cũng ít nhiều từng có kinh nghiệm được người khác nâng lên, như khi còn bé, ta được cha mẹ, những người thân yêu ẵm, bế, cõng, kiệu trên vai. Hay những lần ta được nâng dậy khi bị té ngã, ngất xỉu, hay bị tai nạn. Mỗi hành động ấy đều chất chứa một tình thương mà những người thân yêu dành cho ta.

Trong kinh nghiệm thiêng liêng, cũng có lần ta dành tặng cho tha nhân hay được đón nhận những ánh mắt cảm thông, chia sẻ, sự tha thứ bao dung của người khác dành cho ta khi ta lầm lỗi thiếu xót. Khi tha thứ, người ta phải vượt qua cái tôi của mình để sẵn sàng mở lòng trước tha nhân, bỏ qua những thiếu xót lầm lỡ của tha nhân để cho họ một cơ hội, đó có thể coi là hành động cúi xuống trước phận người cần được ghé mắt thứ tha. Và khi đón nhận sự tha thứ của người khác, đương sự cũng cần cúi mình vượt qua sự kiêu hãnh của bản thân, nhìn nhận lầm lỗi của mình để đón nhận sự tha thứ của người khác. Nhưng trong kinh nghiệm thiêng liêng thì đó có thể là điều khó khăn không dễ dàng, vì đôi khi tha nhân không phải là những người ruột thịt thân yêu, để làm được điều này cần có một tình yêu. Mà mẫu gương của tình yêu đó là chính Chúa Giêsu, Ngài không ngừng mời gọi ta nhìn lên Ngài là mẫu gương tuyệt vời, sống động và xác thực về tình yêu bao dung hiến mình vì người khác trong sự khiêm hạ.

Để nâng nhân loại tội lụy lên, Đức Giêsu đã tự nguyện cúi mình xuống, cúi đến tận cùng của sự “Cúi Xuống”, từ bỏ địa vị và mọi vinh quang của Trời cao mặc lấy thân nô lệ… Người đã hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết ô nhục trên cây thập tự, như lời mô tả trong thư Philip:“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(Pl 2, 6 – 8 ).

Đoạn thư trên đã miêu tả sự tự hủy của Đức Gêsu trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Ngài đã đến, đã khai thông con đường về trời khi chính Người với tư cách một Ađam mới mang lấy thân phận nô lệ mà Ađam cũ là nguyên tổ gây nên. Từ đây, mọi thực tại trần gian đều được thánh hóa trong công nghiệp mà Đức Giêsu thực hiện theo ý Chúa Cha. Phẩm giá con người không còn bị nhấn chìm trong mặc cảm tội lỗi nhưng được nâng dậy bởi chính Con Thiên Chúa. Từ Trời cao, Ngài đã Cúi Mình xuống trên nhân loại không vì bất cứ lý do nào khác, nhưng chỉ bởi hai chữ  “Tình Yêu”, tự nguyện chấp nhận hủy mình ra không, bẻ chính mình ra vì Yêu nhân loại để cho nhân loại được sống.

Thánh Gioan đã nói “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và đặc tính của Ngài là yêu thương, Ngài làm tất cả vì Yêu. Cũng chính vì yêu thương, Ngài đã ban chính Con Một Ngài đến để đền tội cho nhân loại bằng cái chết. Và Con Một Ngài đã diễn tả tình yêu ấy một cách trọn vẹn nơi thập giá, một tình yêu chờ đợi, bao dung, tha thứ và Cứu Độ. Ngài Cúi Xuống chết cho nhân loại để nhân loại được sống và sống dồi dào. Chúa Giêsu đã đến đem lại sự sống cho nhân loại, Ngài Cứu Độ nhân loại không bằng sức mạnh từ Trời cao hay phán một lời để cho nhân loại được sống, nhưng bằng con đường Nhập Thể cứu đời. Vâng! Ngài nhập cuộc chứ không đứng ngoài, vì thế Ngài chung chia phận người trong mọi nỗi khổ đau và chết vì tội người khác. Cái chết của Ngài đã xóa đi khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa do tội nguyên tổ gây nên. Nhà thần học Karl Rahner viết : “Thiên Chúa làm người để cho con người trở nên Thiên Chúa”.

Thiên Chúa đã yêu nhân loại và Ngài vẫn không ngừng chết cho nhân loại tội lụy, Ngài vẫn không ngừng “Cúi Xuống” trên từng nỗi đau của con người không phân biệt màu da, chủng tộc, thứ bậc trong xã hội. Ngài đã yêu cho đến tận cùng của sự yêu thương trong tình yêu khiêm hạ hủy mình. Và con đường yêu thương ấy được quảng diễn trong suốt hành trình dương thế của Chúa Giêsu mà đỉnh cao là nơi cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu được diễn tả trong Tam Nhật Vượt Qua.

Sống Tam Nhật Thánh năm nay, một lần nữa ta lại được chiêm ngắm tình yêu hiến mình của Đức Giêsu dành cho nhân loại. Ta được sống lại Di Ngôn của Chúa Giêsu nơi phòng Tiệc Ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15, 12) và tình yêu của Thầy chính là tình yêu “Yêu cho đến cùng” không loại trừ. Cho dù biết người cầm miếng bánh chấm chung đĩa với mình sẽ nộp mình.

Sống Tam Nhật Thánh, ta được sống lại giây phút hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá để nghe thập giá nói những lời yêu thương với ta: Ngài nói với ta về tình yêu Tha Thứ, tình yêu Cứu Độ, tình yêu Tín Thác, và tình yêu Vinh Thắng.

Và cuối cùng, sống Tam Nhật Thánh là ta được cùng Mẹ sống những giây phút cuối với Chúa dưới chân thập giá, để ghi trong lòng những sự thương khó mà Mẹ đã đón nhận khi cộng tác vào chương trình Cứu Độ của con Mẹ. Và cùng Mẹ ta chiêm ngắm sự hoàn tất thánh ý Chúa Cha của Chúa Giêsu, và xin ơn đổi mới mong ngày được Phục Sinh nhờ cái chết cứu độ của Ngài.

Khác với Tam Nhật Thánh của những năm trước, Tam Nhật Thánh năm nay thật đặc biệt, đặc biệt vì diễn ra trong bối cảnh toàn nhân loại đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh. Do đó, các nghi thức Tam Nhật Thánh đã được Giáo hội giản lược và giáo dân cũng không được đến nhà thờ tham dự như những năm trước. Nhưng không vì thế mà Tam Nhật Thánh mất, hay giảm đi ý nghĩa cũng như ơn ích thiêng liêng. Trái lại, Đức Kitô vẫn hiện diện cách tròn đầy trong những cử hành của Giáo hội khi các tín hữu quây quần tham dự các nghi thức và Thánh lễ với nhau qua trực tuyến trong bầu khí ấm áp của tình gia đình. Ngài luôn hiện diện và đang mời gọi nhân loại bước cùng Ngài, chung chia cùng Ngài những đau khổ trên đường thánh giá trong những nỗi đau, mất mát và những vết thương mà dịch Covid 19 mang đến cho nhân loại.

Nhưng cũng trong chính đại dịch Covid này mà có lẽ nhân loại sẽ được đổi mới, một nhân loại kiêu căng, tự mãn, yêu mình, đang dần loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống của mình, loại bỏ Chúa ra khỏi gia đình mà chạy theo những giá trị vật chất, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, sống vội, và sống hưởng thụ.

Đại dịch đến như một đại hoạ nhưng cũng mang đến những cơ may cho thế giới để nhân loại biết được giới hạn của mình mà bớt ảo tưởng về mình, cho mình là toàn năng có thể thay Chúa làm tất cả, quyết định tất cả.

Đại dịch đến là cơ hội nhân loại biết sám hối quay về giao hoà cùng Thiên Chúa, giao hòa cùng tha nhân và thân nhân. Biết sống chậm lại để nhìn mình, nhìn tha nhân và tôn nhận quyền năng của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, thấy được sự hiện diện của thân nhân trong chính căn nhà của mình, những người mà trước đó ta đã vô cảm, thờ ơ, thấy họ như không thấy, hiện diện như không hiện diện.

Trên hết trong cơn đại dịch, Chúa cho ta thấy những tấm gương của những môn đệ Thầy đã sống Di Ngôn của Thầy: Yêu cho đến cùng của các Bác sĩ nơi tuyến đầu đã phục vụ bệnh nhân cho đến kiệt sức rồi chết cho các bệnh nhân. Đó không phải là tình yêu cúi xuống như Thầy mình hay sao? Quên đi chính sự an toàn của mình, cúi xuống trên những phận người đau khổ, hết lòng chữa trị cho họ.

Trong cơn đại dịch, Chúa cho ta thấy những tấm gương Mục Tử không bỏ đàn chiên trong lúc nguy khó, mà ở lại an ủi nâng đỡ tinh thần cho đàn chiên và cuối cùng cũng đón nhận cái chết như đàn chiên, các ngài đã thực sự mang lấy mùi chiên.

Trong cơn đại dịch, Chúa cho ta thấy biết bao tấm lòng quảng đại hy sinh của những nhân viên y tế, của những thiện nguyện viên, những nhà lãnh đạo quốc gia đang căng mình chung tay góp sức mong có thể đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người.

Đặc biệt trong cơn đại dịch, Chúa củng cố Đức Tin cho các gia đình công giáo biết tìm lại ý nghĩa và giá trị đích thực của Thánh lễ trong đời sống Đức tin của mình mà trước đó đã không ít lần ta đã phí phạm coi nhẹ Thánh lễ, tham dự một cách qua loa, xáo rỗng. Giờ đây, chính lúc khi không còn được đến nhà thờ tham dự Thánh lễ vì dịch bệnh ta biết quý trọng hơn, biết thay đổi cung cách sống Đức tin của mình một cách ý thức, sâu sắc hơn. Vì khi không có ta sẽ cảm thấy khao khát và trân quý những gì còn lại.

Và đối với những người công giáo cũng như không công giáo thì đại dịch đến, những người con, người chồng, người vợ biết trở về nhà và ở nhà trong những bữa cơm, trong những sinh hoạt gia đình mà không cần tốn cuộc điên thoại gọi về, hay một sự chờ đợi nào, mọi người ở nhà quây quần bên nhau là cơ hội hâm nóng tình yêu gia đình.

Trong cuộc sống, không ai mong chờ điều rủi ro hay không may mắn đến với mình, vì thường ít nhiều nó làm đảo lộn cuộc sống của ta và để lại những đau thương, mất mát. Nhưng khi biến cố đến rồi, ta không có chọn lựa nào khác hơn là thái độ chấp nhận và đọc ra sứ điệp Chúa muốn nói ngang qua biến cố, đồng thời tìm ra bài học quý cho chính mình để có thái độ sống tích cực và đổi mới hơn. Cũng thế, không ai mong chờ đại dịch đến nhưng nó vẫn đến và mang theo cả những hệ lụy mà nhân loại đang phải gánh chịu. Tuy nhiên, thái độ của ta, những người có niềm tin là cần nhận ra dấu chỉ, những thông điệp mà Chúa muốn nói với nhân loại và cách riêng với từng cá nhân để có những thay đổi trong cung cách sống sao cho tích cực, ý nghĩa và tròn đầy hơn.

Sống Tam Nhật Thánh không gì khác hơn là làm hiện tại hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu ngay chính trong cuộc đời ta, vì mọi biến cố lơn nhỏ xảy đến trong cuộc đời; vui, buồn, sướng khổ Chúa vẫn luôn mời gọi ta tiếp tục hoàn tất công trình Cứu Độ Ngài dành cho ta một cách cá vị bằng những nỗ lực riêng mình. Thánh Augustino đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Ngài cần có phần của con trong những nỗ lực vượt qua những thách đố khó khăn trong đời sống. Ngài cần con vượt qua cái tôi ích kỷ bản năng của mình, hủy mình để sống cho tha nhân và vì lợi ích tha nhân. Ngài cần con chết đi cho con người yếu đuối, tội lỗi, bất toàn để sống cho những giá trị Tin Mừng giữa thời đại có nhiều thách đố và cạm bẫy hôm nay. Mầu Nhiệm Vượt Qua cử hành năm xưa và trong Thánh lễ mỗi ngày không tách rời Mầu Nhiệm Vượt Qua được cử hành trong đời sống hằng ngày, vì mỗi giây phút ta sống, mỗi việc ta làm đều làm vì Chúa để tưởng nhớ đến Chúa thì ta đang làm cho Chúa Sống Lại trong tâm hồn ta, và chính lúc ấy ta đã nối kết hiện tại với vĩnh cửu. 

Lạy Chúa! trong cuộc sống có nhiều lúc con đã lo lắng, hoang mang, sợ hãi và đã có lúc con thất vọng buông xuôi trước những đau khổ thử thách. Nhưng Chúa đã không bỏ rơi con, bất chấp con thế nào, tội lỗi, vấp ngã, quên Chúa, phản bội Chúa nhưng Chúa vẫn mãi trung tín yêu thương con, Ngài đã đưa tay kéo con lên, đã cứu con khỏi chốn vong thân, đã Cứu Độ con bằng máu của Ngài. Ngài đã Cúi Xuống trên cuộc đời con, đã nâng con dậy, cho con sức sống của Ngài, đã ẵm con trên vai để con bước đi bằng đôi chân của Chúa. Lạy Chúa, xin tiếp tục đồng hành cùng con, để con được sống trong sự sống Phục Sinh của Chúa. Đó là một cuộc đời đổi mới.

Lạy Chúa! xin Ngài cũng nhìn đến nhân loại đau thương đang lao đao trước cơn đại dịch, xin Ngài ra tay cứu giúp nhân loại chúng con trong cảnh đau thương này, xin thứ tha tội lỗi cho chúng con vì đã xúc phạm đến Ngài, xin Ngài một lần nữa “Cúi Xuống” trên nhân loại tội lụy để cứu vớt chúng con khỏi dịch bệnh đang ngày đêm hoành hành nhân loại chúng con. Chúng con tin vào quyền năng của Chúa, tin vào tình yêu thương mà Chúa đã, đang và sẽ dành cho nhân loại chúng con. Chúng con tin rằng Chúa sẽ cứu nhân loại chúng con vào ngày chúng con không ngờ, vào giờ chúng con không biết.

Xin quyền năng của Chúa Phục Sinh ban cho nhân loại chúng con sự bình an của Chúa, như xưa Ngài đã ban sự bình an của Ngài cho các môn đệ sau khi Ngài Phục Sinh đánh bại thần chết, giải thoát con người khỏi ách thống trị tội lỗi và cái chết. Nhờ sự Phục Sinh của Ngài mà kinh hoàng sợ hãi cùng sự chết từ nay đã bị khử trừ, bình an và sự sống mới được trao ban lại cho con người. Xin cho nhân loại chúng con hôm nay cũng được nghe lại lời Chúa năm xưa: “Bình an cho anh em, Thầy đây mà”(Lc 24, 36, 39). Để chúng con được tiếp thêm sức mạnh tiếp tục bước đi trên chặng đường đầy thử thách và biến động này.

Xin Chúa biến đổi thế giới, biến đổi lòng người để mỗi ngày sống chúng con biết noi gương Chúa, dám sống hy sinh từ bỏ, sẵn sàng quên mình vì tha nhân, chạnh lòng thương với hết mọi người và sẵn sàng “cúi xuống” trước những nỗi đau và vết thương của tha nhân, nhất là trong bối cảnh nhân loại hôm nay đang phải đối đầu với đại dịch Covid đầy nguy hiểm này.

Ghi nhớ Tam Nhật Vượt Qua 2020.

Sương Mai

(Nguồn: Tonggiaophanhanoi.org)