Tin Thế giới ngày 27/6/2022: Tiết lộ thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội Gia đình Thế giới tiếp theo

Tiết lộ thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội Gia đình Thế giới tiếp theo; Các Đức Giám mục khắp nước Mỹ lên tiếng trước phán quyết đảo ngược luật phá thai; Đức Thánh Cha ca ngợi gương nữ tu bị sát hại ở Haiti; Đức Hồng Y của Myanmar: Đừng để lửa hy vọng lụi tàn là những tin đáng chú ý.

Tiết lộ thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội Gia đình Thế giới tiếp theo

Ảnh: CNA

Cuối Thánh lễ kết thúc đại hội vào ngày 26/6, Đức Hồng Y (ĐHY) Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã công bố rằng Cuộc Gặp gỡ Gia đình Thế giới tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2028 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

ĐHY cũng cho biết rằng Năm Thánh tiếp theo của Giáo hội vào năm 2025 là “Năm Thánh của Gia đình”. Song, ĐHY không cho biết thành phố nào sẽ tổ chức Cuộc Gặp gỡ Gia đình Thế giới lần thứ 11 sau 6 năm nữa.

ĐHY Farrell mời gọi tất cả mọi người cầu nguyện từ bây giờ. Đây sẽ là những sự kiện tuyệt vời chạm đến trái tim của hàng nghìn gia đình.

Cuộc Gặp gỡ Gia đình Thế giới đầu tiên được tổ chức tại Roma năm 1994. Sự kiện này quy tụ các gia đình Công giáo từ khắp nơi trên thế giới và thường diễn ra 3 năm một lần tại các thành phố khác nhau.

Đại dịch Covid-19 đã khiến Cuộc Gặp gỡ dự kiến vào năm 2021 đã phải tạm hoãn. Các sự kiện tập trung từ ngày 22-26/6 vừa qua cũng chỉ có khoảng 2.000 gia đình tham dự vì đại dịch.

Các Đức Giám mục khắp nước Mỹ lên tiếng trước phán quyết đảo ngược luật phá thai

Ảnh: CNA

Tối ngày 24/6, Tòa án Tối cao Mỹ đã bãi bỏ phán quyết cấm các bang ra luật cấm phá thai, chấm dứt gần nửa thế kỷ việc phá thai được hợp pháp hóa trên toàn nước Mỹ.

Quyết định này đang được các Đức Giám mục trên toàn quốc hoan nghênh. Đức Giám mục Thomas Olmsted – Giám quản Tông tòa và Đức Giám mục Eduardo Nevares – Đức cha Phụ tá, vui mừng khi thấy nước Mỹ bắt đầu sửa chữa thiệt hại do phán quyết hàng thập kỷ trước gây ra. Những quyết định đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 triệu thai nhi, gây rối loạn trong luật pháp và xã hội.

Đức Giám mục Robert McElroy của San Diego nói rằng quyết định hiện tại là đỉnh điểm của sự cầu nguyện và nhiều thập kỷ hành động. Và công việc chỉ mới bắt đầu. Đức cha đặt ra mục tiêu hỗ trợ các gia đình, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà ở giá rẻ, trao cơ hội việc làm cho những người khó khăn.

Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington cũng bày tỏ niềm vui mừng về những thay đổi trong hành trình đấu tranh cho sự sống. Song, ngài nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao phẩm giá sự sống con người, đảm bảo các vấn đề được giải quyết thỏa đáng.

Đức Thánh Cha ca ngợi gương nữ tu bị sát hại ở Haiti

Ảnh: CNA

Chúa nhật, ngày 26/6, cuối buổi Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn với gia đình sơ Luisa Dell’Orto và cộng đoàn dòng tu khi sơ bị sát hại tại Haiti trong cùng ngày.

Một năm trước, Sơ Luisa đã viết một lá thư viết về quyết định tiếp tục ở lại Haiti để phục vụ. Sơ viết rằng: “Chúng ta không thể giữ im lặng về những gì chúng ta đã thấy và đã nghe”.

Ngày 25/6/2022, Sơ Luisa bị thương nặng trong một cuộc tấn công vũ trang trên đường phố thủ đô Haiti. Sơ được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Sơ Luisa được Chúa gọi về trước sinh nhật lần thứ 65 đúng hai ngày.

Sơ Luisa là thành viên dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu do Thánh Charles de Foucauld sáng lập. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của hội dòng là phục vụ trẻ em lang thang cơ nhỡ.

ĐTC Phanxicô đã ca ngợi tấm gương Sơ Luisa và cầu nguyện cho người dân Haiti, đặc biệt là những người bé mọn, có một tương lai bình yên, không đau khổ và bạo lực.

Đức Hồng Y của Myanmar: Đừng để lửa hy vọng lụi tàn

Ảnh: AFP.

Đức Hồng y Charles Bo của Myanmar, chủ tịch HĐGM châu Á, nói rằng mặc dù sẽ có nhiều gian nan và thử thách nhưng điều quan trọng là giữ lấy hy vọng. Đó là điều mà ĐHY Bo phát biểu tại hội nghị trực tuyến về Mạng lưới Xây dựng Hòa Bình, Công giáo.

ĐHY Bo cho biết ngọn lửa hy vọng đòi hỏi đối thoại, xây dựng hòa bình, giải quyết xung đột và hòa giải, theo đuổi công lý, trách nhiệm giải trình và sự thật, cũng như cung cấp hỗ trợ nhân đạo như thực phẩm, nơi ở, thuốc men và giáo dục.

Đức cha Bo, người đồng thời là Chủ tịch HĐGM Myanmar, cho biết quốc gia của ngài đã trải qua 3 đợt Covid-19, những xung đột đảng phái và thảm họa về nhân quyền, nhân đạo, kinh tế, chính trị.

“Hòa bình, đối thoại, hòa giải chỉ có thể đạt được khi những sai trái được thừa nhận, sự thật được tôn trọng, những người gây ra tội ác khủng phải chịu trách nhiệm và công lý được thực thi”, Đức Hồng y Bo nói.

Khánh Ly – WTGPHN

Facebook

Twitter

Email

Print

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]