Tin Thế giới ngày 26/5/2022: Đức Thánh Cha: “Trái tim tôi tan nát” vì vụ xả súng ở Mỹ

Đức Thánh Cha: “Trái tim tôi tan nát” vì vụ xả súng ở Mỹ; Katholikentag – Ngày lễ đức tin độc đáo ở Đức; Ngày Châu phi 2022 và cuộc khủng hoảng lương thực là những nội dung đáng chú ý.

Đức Thánh Cha: “Trái tim tôi tan nát” vì vụ xả súng ở Mỹ

Trong bức điện gửi Đức Tổng Giám mục Gustavo Garcia-Siller của Giáo phận San Antonio, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phaxicô dâng lời cầu nguyện và bày tỏ sự gần gũi thiêng liêng với nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bởi vụ xả súng thảm khốc tại trường tiểu học Uvalde.

ĐTC bày tỏ sự đau buồn sâu sắc khi biết tin về vụ việc xảy ra tại trường học của các em nhỏ. Ngài cũng cầu nguyện cho những người bị cám dỗ bởi bạo lực sẽ chọn được con đường của tình liên đới và yêu thương.

Ngày 25/5, cuối buổi tiếp kiến chung, ĐTC Phanxicô đã nói trước đám đông rằng: “Trái tim tôi tan nát vì vụ thảm sát tại trường tiểu học ở Texas. Tôi đang cầu nguyện cho những đứa trẻ, những người lớn bị sát hại và gia đình của họ”.

Ngài nhấn mạnh rằng đây là lúc để chú ý đến nạn buôn vũ khí bừa bãi. Ngài kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động để những bi kịch như vậy không xảy ra một lần nữa.

Vụ xả súng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 19 trẻ em và 2 người lớn tại trường tiểu học thuộc bang Texas, Mỹ.

Katholikentag – Ngày lễ đức tin độc đáo ở Đức

Ảnh: Vatican News

Ngày Công giáo Katholikentag lần thứ 102 khai mạc vào thứ Tư tại thành phố Stuttgart của Đức, mở màn cho lễ kỷ niệm kéo dài 5 ngày tại Đức. Đây là một truyền thống độc đáo ở Đức. Hơn thế nữa, Katholikentag mang lại tác động tích cực cho xã hội.

Ngày Công giáo Katholikentag thường được tổ chức 2 năm một lần tại các thành phố khác nhau của nước Đức. Đây là một trong những sự kiện xã hội lớn và quan trọng bậc nhất ở Đức cũng như toàn châu Âu. Không khí lễ hội tại Katholikentag có thể được so sánh với Đại hội Giới trẻ Thế giới.

Katholikentag có lịch sử hơn 170 năm. Đây là dịp thể hiện trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội Công giáo ở Đức. Katholikentag bắt nguồn từ “Đại hội đồng các hiệp hội Công giáo Đức”, diễn ra tại Mainz vào năm 1848. Cùng năm đó, quốc hội Đức đã nhóm họp lần đầu tiên tại Nhà thờ Thánh Phaolô ở Frankfurt. Theo một khía cạnh nào đó, sự ra đời của Ngày Công giáo gắn liền với sự khởi đầu của nền dân chủ ở Đức.

Ngày nay, Katholikentags là một lễ hội của đức tin, một nơi để trao đổi ý tưởng, kết nối và là một diễn đàn cho các cuộc tranh luận có ảnh hưởng đến xã hội Đức. Các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo từ Đức và nước ngoài thường xuyên tham dự sự kiện kéo dài 5 ngày. Đức Giáo hoàng thường gửi thông điệp chúc mừng khai mạc sự kiện. Katholikentag kết thúc vào Chúa Nhật với một Thánh lễ trọng thể.

Ở Stuttgart, chủ đề của Katholikentag 2022 là “chia sẻ cuộc sống”. Ban tổ chức dự kiến ​​có khoảng 20.000 người tham gia.

Ngày Châu phi 2022 và cuộc khủng hoảng lương thực

Ảnh: ANSA

Lục địa Châu phi kỷ niệm Ngày Châu phi 2022 dưới bóng đen của giá lương thực tăng cao, biến đổi khí hậu và cuộc xung đột Ukraine. Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu phi (AU) cho biết đây là một thách thức mà lục địa này phải đối mặt.

Trong ngày lễ kỷ niệm này, Chủ tịch AU Moussa Faki Mahamat thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng an ninh lương thực của châu Phi đã trở nên tồi tệ hơn do cuộc xung đột ở Ukraine.

Khi cân bằng địa chính trị và địa chiến lược bị đảo lộn, cấu trúc mong manh trong các nền kinh tế cũng bị vạch trần. Dấu hiệu đầu tiên của sự yếu kém chính là cuộc khủng hoảng lương thực, theo sau là biến đổi khí hậu và khủng hoảng sức khỏe vì dịch bệnh.

Các quốc gia ở Đông, Tây, Trung và Nam Phi, bao gồm Angola, Cameroon, Kenya và Nigeria, đã phải vật lộn với giá lương thực tăng vọt do các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt như lũ lụt, lở đất và hạn hán. Đại dịch Covid-19 cũng làm gián đoạn các nỗ lực sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Liên minh châu Phi tin tưởng rằng các nước châu Phi có thể vượt qua khủng hoảng bằng cách hợp tác cùng nhau. AU muốn các quốc gia châu Phi nhanh chóng tập hợp các nguồn lực lại với nhau để hình thành một châu Phi mới.

Khánh Ly – WTGPHN

Facebook

Twitter

Email

Print