Bản tin hôm nay có những sự kiện đáng chú ý sau: Kỷ lục 2,4 triệu người hành hương Đức Mẹ Zapopan ở Mexico; Cuộc rước Thánh Thể trên đường phố New York; Các cuộc hành hương đến với Đức Mẹ nở rộ khắp Indonesia; và Đức Hồng Y Charles Bo trong Thánh lễ khai mạc Đại hội Liên HĐGM châu Á.
Kỷ lục 2,4 triệu người hành hương Đức Mẹ Zapopan ở Mexico
Sau 2 năm tạm hoãn vì đại dịch, cuộc hành hương Đức Mẹ Zapopan ở Jalisco của Mexico đã thu hút 2,4 triệu tín hữu. Thống đốc bang đã xác nhận con số này trong một bài đăng trên Twitter: “Trong truyền thống 288 năm qua, kỷ lục số người hành hương đã bị phá vỡ”.
Cuộc hành hương Đức Mẹ Zapopan đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2018.
Đỉnh cao của cuộc hành hương là Thánh lễ vào ngày 12/10 tại Vương cung thánh đường Zapopan. Đức Hồng Y Francisco Robles Ortega, TGM TGP Guadalajara, khuyến khích tín hữu Mexico vượt qua những chia rẽ vì tất cả đều là anh em một Cha trên trời.
Cuộc rước Thánh Thể trên đường phố New York
Để kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II, một cuộc rước Thánh Thể đã được cử hành vào ngày 11/10 tại Manhattan, New York, Mỹ.
Sau Thánh lễ tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu do cha Roger Landry chủ tế, các linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân đã cung nghinh Thánh Thể trên một đoạn đường dài qua Midtown Manhattan. Cuộc rước kết thúc tại nhà thờ Thánh Patrick, nơi Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của TGP New York cử hành giờ Chầu Thánh Thể.
Các sáng kiến tôn kính Thánh Thể được đề xuất trong bối cảnh nước Mỹ đang thực hiện một cuộc Phục hưng Thánh Thể kéo dài 3 năm. Cuộc Phục hưng nhằm thúc đẩy sự hiểu biết, đức tin, tình yêu, sự sống và sứ mạng về Thánh Thể, giúp các tín hữu hiểu hơn về Thánh lễ và củng cố niềm tin của người Công giáo về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Các cuộc hành hương đến với Đức Mẹ nở rộ khắp Indonesia
Đền thờ Đức Mẹ “Graha Maria Annai Velangkanni” ở thành phố Medan của Indonesia, phía bắc đảo Sumatra, nhìn từ bên ngoài giống như một ngôi đền Phật giáo. Nhưng đây là một trong những ngôi đền Đức Mẹ nổi tiếng ở quốc gia này.
Người Công giáo Indonesia có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ. Điều này thể hiện rõ trong tháng 5 và tháng 10. Các đền thờ Đức Mẹ ở 36 Giáo phận của Indonesia đã một lần nữa trở thành điểm đến của nhiều người hành hương, kể từ khi các hạn chế đại dịch được dỡ bỏ.
Các giáo xứ, cộng đoàn và nhóm Công giáo tổ chức các cuộc hành hương đến các trung tâm quan trọng nhất của lòng sùng kính Đức Mẹ, trong đó Kinh Mân Côi cũng là một trọng tâm đặc biệt. Các tín hữu tìm đến các đền Đức Mẹ trong nước, cùng nhau đọc Kinh Mân Côi và cầu nguyện với Mẹ.
Đức Hồng Y Charles Bo trong Thánh lễ khai mạc Đại hội Liên HĐGM châu Á
Trong Thánh lễ khai mạc Đại hội Liên HĐGM châu Á kéo dài hai tuần, Đức Hồng Y Charles Bo nhắc đến những đóng góp mà Giáo hội châu Á mang đến cho đời sống Giáo hội.
Chủ đề chính trong bài giảng của ĐHY Bo là sự phong phú về truyền thống tinh thần tại châu Á. Ngài nói rằng phương Đông có một sức hút lớn với phương Tây.
Liên HĐGM châu Á (FABC) chịu trách nhiệm về các cộng đồng Công giáo từ Mông Cổ đến Indonesia, từ Uzbekistan đến Nhật Bản. ĐHY Bo nói rằng đây cũng có thể là một vấn đề. Ngài cho rằng một trong những trở ngại lớn nhất của Kitô hữu ở châu Á là thiếu sự hiệp nhất. Ngài chỉ ra rằng sự đa dạng nơi Giáo hội châu Á là sức mạnh to lớn, các nghi thức khác nhau là món quà của đức tin và sự hiệp nhất không có nghĩa là phải đồng nhất.
ĐHY Bo cũng gửi lời cảm ơn FABC vì những thành công trong 50 năm qua. Ngài ghi nhận những đóng góp của Giáo hội trong việc xây dựng đất nước ở nhiều quốc gia. Ngài nhấn mạnh rằng kỷ niệm 50 năm thành lập FABC cũng là dịp để đổi mới và thúc giục các Đức Giám mục chấp nhận thách thức của thể kỷ mới.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: