Tin thế giới ngày 08-12-2021: Lễ kỷ niệm nhân dịp 200 năm lịch sử đức tin của Giáo hội Singapore

kỷ niệm nhân dịp 200 năm lịch sử đức tin của Giáo hội Singapore
Ảnh: CNA

Lễ kỷ niệm nhân dịp 200 năm lịch sử đức tin của Giáo hội Singapore; Các Giáo phận Mỹ long trọng rước Đức Mẹ Guadalupe sau nhiều năm gián đoạn; Giáo hội Pakistan hỗ trợ đặc biệt cho giáo lý viên trong công cuộc truyền giáo; Chuyến đi của các nhà lãnh đạo bản địa Canada đến Vatican bị hoãn do biến thể Omicron là những thông tin đáng chú ý.

Lễ kỷ niệm nhân dịp 200 năm lịch sử đức tin của Giáo hội Singapore

Tổng Giáo phận Singapore, lễ kỷ niệm 200 năm, được biết đến với tên Catholic200SG Festival, bắt đầu từ ngày 4/12 và kết thúc với Thánh lễ trên khắp 32 nhà thờ Công giáo ở Singapore vào ngày 11/12.

Trong ngày cuối cùng của lễ kỷ niệm, Đức Tổng Giám mục William Goh của Singapore sẽ cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Chúa Chiên Lành – nhà thờ Công giáo lâu đời nhất ở Singapore. Chuông nhà thờ trên khắp đảo quốc cũng sẽ đồng loạt vang lên để khép lại Năm Thánh.

Giáo hội Singapore đã tổ chức hàng loạt hoạt động tại Quận Truyền giáo, nơi có 3 nhà thờ và trung tâm Công giáo. Các hoạt động được phân thành các mảng như nghệ thuật, cộng đồng…

Giáo hội Singapore bắt đầu Năm Thánh vào ngày 13/12/2020 bằng một Thánh lễ trực tuyến do Đức Tổng Giám mục Goh cử hành. Một trang điện tử, logo  của Năm Thánh được ra mắt và một bộ phim tài liệu về tác động xã hội của Giáo hội Công giáo Singapore được trình chiếu.

Chủ đề của Năm Thánh là “nhóm lửa và chiếu sáng đức tin”, tập trung vào tầm nhìn mục vụ của Tổng Giáo phận Singapore để hình thành một Giáo hội truyền giáo sống động.

Singapore là một quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc với dân số ước tính khoảng 5,6 triệu người. Phần lớn người Hoa theo đạo Phật và đa số người Mã Lai theo đạo Hồi. Kitô giáo chiếm khoảng 15% dân số.

Các Giáo phận Mỹ long trọng rước Đức Mẹ Guadalupe sau nhiều năm gián đoạn

Ảnh: CNA

Chúa nhật ngày 5/12/2021, Tổng Giáo phận Los Angeles đã tổ chức cuộc rước thường niên lần thứ 90 và Thánh lễ ngoài trời tôn vinh Đức Mẹ Guadalupe. Đây là sự kiện tôn giáo lâu đời nhất ở Los Angeles, được cử hành bởi những người Công giáo chạy trốn trong thời kỳ loạn lạc năm 1931.

Đức Tổng Giám mục Los Angeles – José Gomez – bày tỏ niềm vui được đoàn tụ trong năm 2021 để mừng kính Đức Mẹ Guadalupe. Ngày lễ là một phần của Năm Thánh của Tổng Giáo phận để kỷ niệm 250 đức tin Công giáo đến nơi đây.

Năm học sinh trung học khởi đầu cuộc rước bằng một cuộc chạy tiếp sức 9,6km và rước đuốc Guadalupano đến Sân vận động Trường Đại học Đông Los Angeles, nơi Thánh lễ được cử hành.

Cuộc rước và Thánh lễ kỷ niệm 490 năm Đức Mẹ Guadalupe hiện ra, cũng là đỉnh điểm của các cuộc hành hương kéo dài nhiều tháng qua. Hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe là bản sao kỹ thuật số chính xác của linh ảnh tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico City và được ĐTC Gioan Phaolô II ban phép lành.

Năm 2020, chỉ một số người được tham gia cuộc rước bằng ô tô do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đức Tổng Giám mục đã cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt và ngày lễ năm nay được diễn ra. Trong bài giảng, Đức cha Gomez mời gọi các tín hữu tiếp tục bước theo Chúa Giêsu.

Giáo phận San Diego cũng đã mừng kính Đức Mẹ Guadalupe bằng một cuộc rước và Thánh lễ vào Chúa Nhật. Đức Giám mục Phụ tá Ramón Bejarano tham gia cuộc rước và cử hành Thánh lễ song ngữ.

Giáo hội Pakistan hỗ trợ đặc biệt cho giáo lý viên trong công cuộc truyền giáo

Ảnh: Agenzia Fides

Đức Giám mục Indrias Rehmat của Giáo phận Faisalabad, Punjab, Pakistan, nói rằng giáo lý viên đóng vai trò quan trọng trong sứ mạng truyền rao Tin Mừng. Trong Giáo phận, nhiều giáo lý viên phải đi quãng đường dài đến thăm các cộng đồng nhỏ vùng sâu vùng xa. Ngài kêu gọi các linh mục, tu sĩ và giáo dân ủng hộ sứ mạng to lớn của các giáo lý viên trong công việc mục vụ và truyền giáo quan trọng.

Công việc mục vụ của các giáo lý viên là điều cần thiết để duy trì đức tin Công giáo cho các tín hữu và để họ cảm nhận được sự gần gũi của Giáo hội. Đức cha cho biết Giáo hội cố gắng hết sức để hỗ trợ 112 giáo lý viên phục vụ trong Giáo phận.

Giáo phận đã trợ cấp tiền mặt, lương thực và thậm chí là gia súc để chăn nuôi cho 30 giáo lý viên đã nghỉ hưu và gia đình của họ. Đức cha Rehmat đánh giá cao và bày tỏ lòng biết ơn đối với các giáo lý viên sau khi Đức Thánh Cha thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên qua tông thư “Antiquum ministerium”.

Trong đợt đại dịch bùng phát, Giáo hội địa phương cũng đã kích hoạt các chính sách bảo hiểm y tế cho 112 giáo lý viên đang phục vụ để giúp họ trang trải chi phí y tế nếu họ bị ốm hoặc tổn hại sức khỏe do Covid-19. Giáo phận Faisalabad bắt đầu dự án sử dụng 30 lô đất để làm nhà ở cho các giáo lý viên lớn tuổi hoặc đã về hưu.

Vì những lẽ đó, Đức Giám mục công bố Năm 2022 là “Năm Giáo lý viên” của Giáo phận Faisalabad. Năm đặc biệt này sẽ bắt đầu bằng việc nghiên cứu sâu tông thư Antiquum Minsterium của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chuyến đi của các nhà lãnh đạo bản địa Canada đến Vatican bị hoãn do biến thể Omicron

Ảnh: Shutterstock

Trong thông báo chung ngày 7/12, Hội đồng Giám mục Canada đã thông báo cuộc họp dự kiến của Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô với phái đoàn từ Canada sẽ bị trì hoãn sang năm 2022.

HĐGM Canada, Hội đồng Quốc gia Metis và tổ chức phi chính phủ Inuit Tapiriit Kanatami cùng quyết đình dời cuộc gặp tháng 12 vào một ngày sớm nhất có thể trong năm sau.

Thông báo cho biết sau khi đánh giá cẩn thận về những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, họ đã đưa ra thông báo hoãn chuyến đi. Điều cần nhấn mạnh là chuyến đi không bị hủy bỏ. Tòa Thánh cũng khuyên rằng điều quan trọng là sự an toàn của phái đoàn.

Phái đoàn đến Vatican bao gồm những người dân tộc bản địa, người Inuit và Metis cùng các Đức Giám mục Canada dự kiến gặp ĐTC Phanxicô từ ngày 17 đến ngày 20/12/2021. Theo CNA, khi phái đoàn đến Vatican, họ dự định mong ĐTC Phanxicô lên tiếng xin lỗi về vấn đề trường nội trú cho dân tộc bản địa do Giáo hội điều hành.

Biến thể chính thức được WHO đặt tên là Omicron vào cuối tháng 11 và được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa chắc chắn về khả năng lây nhiễm và gây tử vong của biến thể mới này. Mặc dù kế hoạch bị trì hoãn, tuyên bố cho biết vẫn duy trì mạnh mẽ cam kết chung để tiến tới hàn gắn và hòa giải.

Đọc thêm: Giáo hội Canada cầu nguyện cho sự hòa giải và hàn gắn với người bản địa

Khánh Ly – WTGPHN