Tin Thế giới ngày 05/8/2022: Một mùa hè sôi nổi của Giáo hội Trung Quốc

Bản tin hôm nay gồm có: Một mùa hè sôi nổi của Giáo hội Trung Quốc; Li Băng tưởng niệm vụ nổ Beirut; Dòng Tên Ấn Độ đưa ra sáng kiến chăm sóc người di cư; Giáo hội Bangladesh nhìn nhận ông bà là người bạn đồng hành quý giá trong gia đình.

Một mùa hè sôi nổi của Giáo hội Trung Quốc

Ảnh: Fides

Các biện pháp hạn chế đối với Covid-19 ở Trung Quốc vẫn còn hiệu lực nhưng đã được nới lỏng hơn so với trước đây, nhờ vào tình hình sức khỏe được cải thiện.

Vì thế, cộng đồng người Công giáo trên khắp Trung Quốc đang có một mùa hè đầy sống động trong đời sống thiêng liêng và các cam kết mục vụ. Cánh cửa của các nhà thờ cuối cùng cũng được mở lại.

Tại một giáo xứ thuộc Giáo phận Chiêu Thông, Thánh lễ Truyền chức Linh mục cho hai phó tế người dân tộc Tây Tạng đã được cử hành vào giữa tháng 7. Cả hai vị Tân linh mục sẽ ra đi phục vụ cho các nhóm dân tộc thiểu số trong khu vực.

Hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, nhà thờ chính tòa ở Bắc Kinh và các giáo xứ đã cử hành Ngày Ông bà và Người cao tuổi vào Chúa nhật ngày 24/7. Truyền thống tôn trọng người cao tuổi để thể hiện lòng hiếu thảo là một nét văn hóa của Trung Quốc.

Đại chủng viện Tổng Giáo phận Bắc Kinh cũng đã cử hành Thánh lễ cầu cho các chủng sinh đã hoàn thành chương trình học và sẽ được sai đi đến các giáo xứ để trải nghiệm thực tế.

Đối với chương trình dành cho giới trẻ, các khóa giáo lý mới bắt đầu được mở trở lại và nhận đăng ký. Ngoài ra, tại giáo xứ Cửu Giang thuộc tỉnh Giang Tây, các bạn nam còn được tham gia khóa học giúp lễ.

Li Băng tưởng niệm vụ nổ Beirut

Ảnh: Vatican News

Thứ Năm, ngày 04/8, là ngày đánh dấu 2 năm kể từ vụ nổ lớn xé toạc thủ đô Beirut của Li Băng. Hàng tấn Amoni nitrat đã khiến cảng Beirut phút chốc thành đống hoang tàn. Vụ nổ lớn đến nỗi cách đó 100km vẫn có thể nghe được âm thanh tiếng nổ.

Ngay cả trước khi vụ nổ xảy ra, Li Băng vốn đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng về kinh tế và chật vật đối phó với Covid-19. Quốc gia này ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và tốc độ tăng trưởng ảm đạm.

Trong những ngày tới, một số lễ tưởng niệm cho sự kiện này sẽ tiếp tục diễn ra. Người dân cũng sẽ tham gia biểu tình kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn từ chính phủ.

Dòng Tên Ấn Độ đưa ra sáng kiến chăm sóc người di cư

Ảnh: Fides

Các linh mục, tu sĩ và giáo dân của bang Jharkhand, Ấn Độ cam kết thúc đẩy nhân quyền, làm công tác xã hội và mục vụ để chăm sóc người di cư. Đó là những cam kết trong mạng lưới thông tin và trợ giúp người di cư (MAIN) cho Dòng tên Ấn Độ phát động.

Sơ Manjula Bara cho biết vấn đề di cư và nạn buôn người ở Ấn Độ là một thách thức luôn hiện hữu và đặc biệt khó khăn hơn trong thời kỳ đại dịch. Với phương châm tôn trọng phẩm giá con người, các thành viên của mạng lưới luôn tích cực phối hợp với tập thể để tiếp cận với những người di cư và chăm sóc cho họ.

Theo Fides, công việc này đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực trong việc hỗ trợ và phát triển cho người di cư. Các thành viên hy MAIN sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư, đem lại hạnh phúc cho họ.

Ấn Độ là nơi ghi nhận nhiều người nhập cư trong nhiều thế kỷ. Gần 4,9 triệu người nhập cư vào năm 2020. Họ chủ yếu đến từ các quốc gia láng giềng như Bangladesh, Nepal, Sri Lanka…

Giáo hội Bangladesh nhìn nhận ông bà là người bạn đồng hành quý giá trong gia đình

Ảnh: Fides

Sự hiện diện của ông bà và người cao tuổi là điều quý giá đối với các gia đình Bangladesh. Đặc biệt ở nông thôn, người cao tuổi sẽ được sống quây quần bên con cháu. Nhưng quá trình đô thị hóa khiến nhiều gia đình chuyển nơi sinh sống mà không có ông bà ở bên. Mặt khác nhiều người cao niên không thể thích nghi với môi trường sống đô thị, nên nhiều trường hợp người cao tuổi phải sống cô đơn trong những năm cuối đời.

Trong bối cảnh đó, người Công giáo Bangladesh đã tổ chức Ngày Ông bà và Người cao tuổi với mục đích truyền dạy tình cảm yêu thương đối với ông bà.

Một vị cao niên tên Gomes cho bộc bạch nỗi niềm rằng người cao tuổi luôn muốn ở bên gia đình của mình. Họ muốn được trò chuyện với con cháu mỗi ngày. Nhưng nhiều người trẻ hiện nay dường như không mấy quan tâm đến việc đi thăm ông bà.

Theo số liệu năm 2019, hơn 13 triệu người sống ở Bangladesh trên 60 tuổi, chiếm 8% tổng dân số là khoảng 160 triệu người. Hầu hết họ sống ở nông thôn, nơi thiếu các dịch vụ y tế và xã hội.

Khánh Ly – WTGPHN

Facebook

Twitter

Email

Print