Tin Thế giới ngày 05/7/2022: Đức Thánh Cha bác bỏ tin đồn từ chức

Đức Thánh Cha bác bỏ tin đồn từ chức; Một nhân vật tầm cỡ trong Giáo hội hoàn vũ qua đời; Thêm nhiều linh mục Nigeria bị bắt cóc; Kitô hữu Ấn Độ chịu hơn 200 vụ bạo lực trong 5 tháng đầu năm là những nội dung đáng chú ý.

Đức Thánh Cha bác bỏ tin đồn từ chức

Ảnh: CNA

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RT được công bố ngày 04/7, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô cho biết ngài không có kế hoạch từ chức sớm và vết thương đầu gối của ngài đang lành.

Trong quá khứ, ĐTC Phanxicô từng nói rằng ngài sẽ cân nhắc nghỉ hưu vào một ngày nào đó nếu sức khỏe không cho phép. Nhưng đó phải là do “ý Chúa”.

Theo RT, ĐTC Phanxicô nói rằng ngài đang được điều trị tốt và sức khỏe đang dần được cải thiện. ĐTC bày tỏ sự nuối tiếc vì chấn thương đầu gối mà ngài không thể thực hiện chuyến tông du đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, dự kiến diễn ra từ ngày 2-7/7.

ĐTC Phanxicô cũng phủ nhận tin đồn nói rằng ngài bị ung thư vì ngài từng phải thực hiện cuộc phẫu thuật đại tràng. ĐTC vừa cười vừa nói rằng: “Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp”.

ĐTC nói thêm rằng ngài không muốn phẫu thuật đầu gối của mình vì tác dụng phụ không tốt của thuốc gây mê toàn thân.

Một nhân vật tầm cỡ trong Giáo hội hoàn vũ qua đời

Ảnh: CNA

Thứ Hai ngày 4/7, Đức Hồng Y (ĐHY) Cláudio Hummes, Tổng Giám mục danh dự của Tổng Giáo phận São Paulo, Brazil, đã qua đời sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Ngài hưởng thọ 87 tuổi.

ĐHY Cláudio Hummes từng là người giữ vai trò quan trọng trong Thượng hội đồng Amazon 2019. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến sinh nhật lần thứ 88 của ngài. Theo nhà báo người Brazil Mirticeli Medeiros, Đức cố Hồng Y qua đời vì bệnh ung thư phổi.

ĐHY Odilo Pedro Scherer, Tổng Giám mục hiện tại của São Paulo, là người thông báo cáo phó. Ngài cho biết thi hài ĐHY Hummes sẽ được đặt ở nhà thờ chính tòa Metropolitan để mọi người đến viếng và cầu nguyện cho ngài.

ĐHY Hummes là thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn. Ngài từng là chủ tịch của Mạng lưới Giáo hội Toàn Amazon (REPAM) và Hội đồng Giáo hội miền Amazonia (CEAMA).

Đức cố Hồng Y cũng từng đảm nhận vai trò Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ của Vatican từ năm 2006 đến 2010. Ngài được biết đến với những hoạt động xã hội tích cực trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, nghèo đói và bảo vệ người bản địa. Những người quen biết ngài thường gọi ngài với tên gọi thân thương là ‘Dom Cláudio’, một trái tim dành cho người nghèo.

Thêm nhiều linh mục Nigeria bị bắt cóc

Cha Philemon Oboh (trái) và cha Phêrô Udo (phải) của Giáo phận Uromi. Ảnh: Vatican News

Cuối tuần qua, hai linh mục Công giáo thuộc giáo phận Uromi đã bị bắt cóc. Đây là những trường hợp mới nhất của tình trạng bắt cóc các linh mục đang diễn ra nhức nhối tại Nigeria.

Theo ghi nhận, các tay súng đã bắt cha Phêrô Udo của nhà thờ Thánh Patrick và cha Philemon Oboh ở trung tâm tĩnh tâm Thánh Giuse vào ngày 02/7, sau khi tấn công chiếc xe chở các ngài trên đường cao tốc Benin-Ekpoma.

Vụ bắt cóc mới nhất xảy ra sau khi cha Christopher Odia bị bắt cóc và bị sát hại một tuần trước đó. Cảnh sát khu vực cho biết họ đang điều động thêm cảnh sát để giải cứu các linh mục và bắt được những kẻ chủ mưu.

Tại Giáo phận Kafanchan vào rạng sáng ngày 04/7, cha Emmanuel Silas cũng bị bắt cóc. Mọi người phát hiện ra sự việc khi thấy ngài không đến tham dự Thánh lễ ban sáng.

Các Giáo phận Uromi và Kafanchan lần lượt kêu gọi mọi người cầu nguyện để các linh mục bị bắt cóc nhanh chóng được trả tự do.

Kitô hữu Ấn Độ chịu hơn 200 vụ bạo lực trong 5 tháng đầu năm

Ảnh: David Talukdar / NurPhoto / REX / Shutterstock

Trong năm 2022, từ tháng 1 đến tháng 5, 207 vụ bạo lực nhắm đến Kitô hữu được ghi nhận tại Ấn Độ.

Cơ quan đại kết United Christian Forum (UCF) chuyên theo dõi các trường hợp bạo lực cho biết năm nay tại Ấn Độ, bạo lực mỗi ngày một nhiều hơn.

Chủ tịch UCF nhớ lại rằng năm 2021 được mô tả là năm bạo lực nhất đối với các tín hữu theo đạo Kitô giáo. 505 vụ bạo lực xảy ra trên khắp cả nước.

Năm 2022, bang xảy ra nhiều vụ nhất cho đến nay là Uttar Pradesh, với 48 vụ được ghi nhận. Kế đó là bang Chhattisgarh với 44 trường hợp.

Các hành vi bạo lực bao gồm đe dọa, tẩy chay, phá hoại, xúc phạm các địa điểm tôn giáo, gây gián đoạn trong các Thánh lễ và buổi cầu nguyện.

Tại Bastar, một người phụ nữ và con trai bà đã bị đánh đập và đe đọa tẩy chay bởi dân làng khi họ không chịu từ bỏ đức tin của mình. Một trường hợp khác là cả một gia đình theo Kitô giáo đã bị gạt ra bên lề xã hội. Họ không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như điện và nước.

Theo Fides, người Kitô hữu ở Ấn Độ chiếm 2,3% trong tổng số 1,3 tỷ dân. 80% người Ấn Độ theo đạo Hindu.

Khánh Ly – WTGPHN

Facebook

Twitter

Email

Print