Trước khi bắt đầu bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung sáng 11/11, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: Có người nói với tôi: “Cha nói quá nhiều về cầu nguyện. Nó không cần thiết”. Nhưng ngài khẳng định: Cần. Nó cần thiết. Vì nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không có sức mạnh để tiến lên trong cuộc sống. Cầu nguyện giống như dưỡng khí của sự sống. Cầu nguyện là để Chúa Thánh Thần hiện diện trên chúng ta, Đấng luôn đưa chúng ta tiến bước. Đó là lý do Đức Thánh Cha nói nhiều về cầu nguyện.
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp chung trực tuyến sáng thứ Tư 11/11, Đức Thánh Cha đã suy tư về mẫu gương cầu nguyện không ngừng và kiên trì của Chúa Giê-su. Ngài giải thích về 3 dụ ngôn trong Tin Mừng thánh Luca: người đàn ông đến nhà bạn vào lúc nửa đêm để xin bánh; người đàn bà góa cầu xin thẩm phán tìm lại công lý cho bà; và dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện.
Qua ba dụ ngôn trên, Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu phải phải kiên trì, kiên định và khiêm tốn khi cầu nguyện. Đây chính là những đặc tính nổi bật trong đời sống cầu nguyện của các thánh, trong những giây phút tăm tối của cuộc đời, khi Thiên Chúa dường như im lặng và vắng mặt. Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu tiếp tục kiên trì cầu nguyện với nhận thức rằng mình không cầu nguyện một mình, nhưng với Chúa Ki-tô và với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý: Chúa Giê-su đã nêu gương cầu nguyện không ngừng, được thực hành với sự kiên trì. Đối thoại liên tục với Chúa Cha, trong thinh lặng và suy tư, là điểm tựa của toàn bộ sứ mạng của Người. Các sách Tin Mừng cũng thuật lại với chúng ta những lời Chúa khuyên nhủ các môn đệ, để các ông cầu nguyện một cách kiên trì, không mệt mỏi.
Kiên trì
Sách Giáo lý nhắc lại ba dụ ngôn trong Phúc âm thánh Lu-ca, nhấn mạnh đặc điểm này của việc cầu nguyện (x. GLCG, 2613). Trước hết, cầu nguyện phải kiên trì, giống như nhân vật trong dụ ngôn thứ nhất, phải đón một vị khách đến bất ngờ, nửa đêm đến gõ cửa một người bạn và xin bánh. Người bạn trả lời “không!”, vì anh đã lên giường rồi, nhưng người bạn nài nỉ và nài nỉ mãi cho đến khi anh buộc phải thức dậy và cho người bạn bánh (x. Lc 11,5-8). Nhưng Thiên Chúa kiên nhẫn hơn chúng ta, và những ai tin tưởng và kiên trì gõ cửa trái tim của Người sẽ không bị thất vọng. Chúa Cha của chúng ta biết rõ chúng ta cần gì; sự kiên trì không phải để báo với Người hoặc thuyết phục Người, nhưng nó nuôi dưỡng mong muốn và kỳ vọng trong chúng ta.
Kiên định
Dụ ngôn thứ hai nói về người đàn bà góa tìm đến với quan tòa để ông giúp bà có được công lý. Vị thẩm phán này tham nhũng, là một người bất lương, nhưng cuối cùng, bị quấy rầy bởi sự kiên định, can đảm của bà góa, ông quyết định chiều lòng bà (x. Lc 18,1-8). Dụ ngôn này giúp chúng ta hiểu rằng đức tin không phải là động lực trong chốc lát, mà là sự can đảm cầu khẩn Thiên Chúa, thậm chí “tranh luận” với Người, không chịu đầu hàng trước sự dữ và bất công.
Khiêm tốn
Dụ ngôn thứ ba kể về một người Pharisêu và một người thu thuế đến Đền thờ để cầu nguyện. Người đầu tiên hướng về Thiên Chúa và khoe khoang công trạng của mình; còn người kia cảm thấy không xứng đáng ngay cả khi bước vào đền thờ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không lắng nghe lời cầu nguyện của người thứ nhất, nghĩa là của người kiêu ngạo, trong khi Người đáp lại lời của người khiêm tốn (x. Lc 18, 9-14). Lời cầu nguyện sẽ không chân thật nếu không có tinh thần khiêm tốn. Chính sự khiêm nhường khiến chúng ta cầu xin, cầu nguyện..
Phải luôn cầu nguyện
Đức Thánh Cha nhận định: Giáo huấn của Phúc Âm rất rõ ràng: chúng ta phải luôn cầu nguyện, ngay cả khi mọi sự dường như vô ích, khi Thiên Chúa dường như im lặng, không nghe, và chúng ta dường như lãng phí thời gian. Ngay cả khi bầu trời tối sầm, Ki-tô hữu vẫn không ngừng cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Ki-tô hữu đi đôi với đức tin. Và niềm tin, trong rất nhiều ngày của cuộc đời chúng ta, có thể giống như là một ảo tưởng, một nỗ lực không kết quả: có những khoảnh khắc tăm tối trong cuộc đời chúng ta. Và ở đó, đức tin như là một ảo tưởng. Nhưng thực hành cầu nguyện cũng có nghĩa là chấp nhận nỗ lực này.
Có người nói: “Thưa cha, con đi cầu nguyện mà con không có cảm giác gì… Con cảm thấy như thế này, trái tim khô cằn, trái tim khô héo, con không biết…”. Ngài nói: Nhưng chúng ta phải tiếp tục, với sự mệt mỏi của những khoảnh khắc tồi tệ, những khoảnh khắc mà chúng ta không cảm thấy gì. Nhiều vị thánh nam nữ đã trải qua đêm tối của đức tin và sự im lặng của Thiên Chúa – khi chúng ta gõ, gõ và Chúa không trả lời – và những vị thánh này đã kiên trì.
Chúng ta không bao giờ đơn độc khi cầu nguyện
Trong những đêm tối đức tin này, người cầu nguyện không bao giờ đơn độc. Thực tế, Chúa Giê-su không chỉ là nhân chứng và thầy dạy cầu nguyện, nhưng còn hơn thế nữa. Người đón nhận chúng ta trong lời cầu nguyện của Người, để chúng ta có thể cầu nguyện trong Người và qua Người. Và đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Chính vì lý do đó Tin Mừng mời gọi chúng ta nhân danh Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha. Thánh Gioan thuật lại những lời Chúa dạy: “Bất cứ ai cầu xin nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi Chúa Con” (14,13) . Và Sách Giáo Lý giải thích rằng “sự tin tưởng chắc chắn rằng những lời khẩn cầu của chúng ta được Chúa nghe thấy dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giê-su” (n. 2614). Nó mang lại đôi cánh mà lời cầu nguyện của con người luôn muốn có được.
Chúa Giê-su nhận lấy mọi lời cầu nguyện của chúng ta
Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha nhắc lại những lời trong Thánh Vịnh 91, đầy tin tưởng, phát xuất từ một trái tim hy vọng hoàn toàn vào Thiên Chúa: “Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa”(cc. 4-6).
Ngài giải thích: Lời cầu nguyện tuyệt vời này được hoàn thành nơi chính Chúa Ki-tô; chính trong Người mà nó hoàn toàn trở thành sự thật. Nếu không có Chúa Giê-su, những lời cầu nguyện của chúng ta có nguy cơ bị thu hẹp thành nỗ lực của con người, hầu hết đều có kết cục thất bại. Nhưng Chúa đã tự mang lấy trên mình mọi tiếng kêu than, mọi tiếng rên rỉ, mọi hân hoan, mọi khẩn cầu … mọi lời cầu nguyện của con người.
Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến gặp Chúa Cha và Chúa Con
Và Đức Thánh Cha nhắc nhở: Chúng ta đừng quên Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Đó là Đấng dẫn chúng ta đến cầu nguyện, dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu: đó là Quà tặng. Đó là món quà mà Chúa Cha và Chúa Con đã ban cho chúng ta để tiến tới cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Và Chúa Thánh Thần, khi chúng ta cầu nguyện, là Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong lòng chúng ta.
Ki-tô hữu không sợ hãi khi cầu nguyện
Khẳng định rằng Chúa Ki-tô là tất cả đối với chúng ta, ngay cả trong đời sống cầu nguyện của chúng ta, Đức Thánh Cha nhắc lại lời thánh Augustinô đã nói về điều này bằng một cách diễn đạt soi sáng mà chúng ta cũng tìm thấy trong Sách Giáo Lý: Chúa Giêsu “cầu nguyện cho chúng ta với tư cách là tư tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta với tư cách là Thủ lãnh của chúng ta; Người được chúng ta kêu cầu với tư cách là Thiên Chúa. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng của chúng ta trong Người, và tiếng của Người ở trong chúng ta” (n. 2616).
Đức Thánh Cha kết luận: Và chính đó là lý do mà người Kitô hữu khi cầu nguyện không sợ hãi điều gì. Chúng ta phó thác chính mình cho Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta như một món quà, Đấng cầu nguyện trong chúng ta và dẫn chúng ta đến sự cầu nguyện. Xin chính Chúa Thánh Thần, Thầy dạy cầu nguyện, dạy chúng ta cách cầu nguyện.
Hồng Thủy – Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va
TIN LIÊN QUAN: