Thế giới trong ngày 24-7-2021: ĐTC Phanxicô không chủ tế Thánh lễ ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi

Ngày cao tuổi thế giới
Đức TGM Rino Fisichella sẽ chủ tế Thánh lễ ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần đầu tiên

ĐTC Phanxicô không chủ tế Thánh lễ ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi; Giáo hội Hàn Quốc khánh thành khu phức hợp nghệ thuật tôn vinh linh mục thánh bản xứ đầu tiên; Giờ “Kinh Mân Côi cho Li Băng”; Các tôn giáo ở Myanmar đoàn kết chống lại Covid-19 và Các Đức Giám mục Ethiopia cầu nguyện chấm dứt bạo lực ở Tigray là những thông tin đáng chú ý.

ĐTC Phanxicô không chủ tế Thánh lễ ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi

Văn phòng Báo chí Tòa thánh Vatican cho biết ĐTC Phanxicô sẽ không chủ sự Thánh lễ ngày 25/7, ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần đầu tiên.

Giám đốc văn phòng Báo chí Matteo Bruni trả lời phóng viên hôm 23/7 rằng nếu ĐTC tham dự Thánh lễ, đồng nghĩa với việc ngài phải mặc áo lễ nặng, đi lại, đứng ngồi trong suốt hai tiếng đồng hồ. Trong khi đây là thời gian dưỡng bệnh của ĐTC sau cuộc phẫu thuật đại tràng hôm 4/7.

Theo CNS, Thánh lễ sẽ được Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc Âm hóa, chủ tế.

Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống hiện đang là cơ quan chuẩn bị cho ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi.

Bộ đã cung cấp một đoạn ghi hình tập hợp tất cả lời cầu nguyện của những người cao niên trên khắp thế giới. Trong số đó có lời cầu nguyện Đức Giám mục người Canada Laurent Noël, là Đức Giám mục cao tuổi nhất thế giới (101 tuổi).

Độc giả có thể xem video tại đây: bit.ly/elderly2021

Đọc thêm:

Kinh nguyện chính thức của Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất

Tuổi già đáng kính trọng – Một hồng ân và một mắt xích – Ngày thế giới ông bà và người cao tuổi

Giáo hội Hàn Quốc khánh thành khu phức hợp nghệ thuật tôn vinh linh mục thánh bản xứ đầu tiên

Thánh Andrew Kim Tae-gon (1821-1846), Thánh tử đạo và là linh mục bản xứ đầu tiên của Hàn Quốc. Ảnh: Fides

Giáo phận Daejeon của Hàn Quốc đã khánh thành một khu phức hợp nghệ thuật đặc biệt tại quê hương của Thánh Andrew Kim Tae-gon, vị linh mục bản xứ đầu tiên của Hàn Quốc và là Thánh bảo trợ hàng giáo sĩ trong nước.

Khu phức hợp nghệ thuật Công giáo mang tên Ký ức và Hy vọng đã được khánh thành hôm 20/7 tại Thánh địa Solmoe ở Chungnam, Giáo phận Daejeon.

Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi các chương trình và hoạt động của Giáo hội Hàn Quốc nhằm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh tử đạo Andrew Kim.

Thánh địa Solmoe, quê hương của Thánh Andrew Kim, là một địa điểm hành hương nổi tiếng. Theo tờ Catholic Times, khu phức hợp được xây dựng trên khu đất rộng 22.365 m2 với chi phí khoảng 1,12 triệu USD.

Khu phức hợp bao gồm một nhà thờ ở trung tâm với sức chứa 400 chỗ ngồi, một phòng biểu diễn nghệ thuật và hai phòng triển lãm. Phần mái tuyệt đẹp của công trình được kết hình 13 cánh hoa hồng lớn nhỏ biểu tượng cho máu đào của các Thánh tử đạo đã đổ xuống làm trổ sinh hoa đức tin.

Cha Lee Yong-ho, linh mục phụ trách Thánh địa Solmoe cho rằng việc kết hợp văn hóa với đức tin là điều cần thiết cho việc truyền giáo trong thời đại ngày nay.

Xem thêm: Cuộc đời Thánh Andrew Kim Tae-gon

Giờ “Kinh Mân Côi cho Li Băng” tại Trung tâm Quốc tế về Linh hoạt Truyền giáo

Ảnh: Agenzia Fides

Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo và Trung tâm Quốc tế về Linh hoạt Truyền giáo (CIAM) tổ chức giờ “Kinh Mân Côi cho Li Băng” vào ngày 24/7, ngày kính thánh Charbel là một vị thánh Li Băng.

Theo Fides, giờ cầu nguyện diễn ra vào 18 giờ 30 tại nhà nguyện của CIAM nằm trên sườn đồi Janiculum, khu vực ngoại vi của Vatican. Mọi người trên khắp thế giới có thể tham dự trực tuyến qua Youtube.

Cha Tôma Nguyễn Ðình Anh Nhuệ, Tổng thư Ký Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo cho biết, sau cuộc gặp của ĐTC với người đứng đầu các cộng đoàn Kitô giáo ở Li Băng ngày 1/7, phong trào cầu nguyện quốc tế đã được phát động.

Phong trào mời gọi người Li Băng và bạn bè quốc tế lần Chuỗi Mân Côi trong 33 ngày vào lúc 7 giờ 30 (giờ Roma) cho đến ngày 4/8, để tưởng niệm vụ nổ tại cảng Beirut. Mỗi ngày sẽ có một ý tưởng cụ thể được đưa ra. Đã có khoảng hơn 281.449 Chuỗi Mân Côi được dành để cầu nguyện cho Li Băng.

Các tôn giáo Myanmar đoàn kết chống lại Covid-19

Các tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ cầu nguyện trước thi thể của những bệnh nhân Covid-19 trong lễ tang tại một nghĩa trang ở Mandalay, Myanmar vào ngày 14/ 7. Ảnh: UCA News/AFP

Các tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ cầu nguyện trước thi thể của những bệnh nhân Covid-19 trong lễ tang tại một nghĩa trang ở Mandalay, Myanmar vào ngày 14/ 7. Ảnh: UCA News/AFP

Các tín hữu Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo đã tăng cường hỗ trợ khi Myanmar xảy ra bất ổn chính trị và làn sóng Covid-19 lần ba tấn công nước này.

UCA News đưa tin, các tu viện Phật giáo trở thành những trung tâm chăm sóc hàng đầu và bố trí bình oxy cho những người nguy cấp. Các nhóm từ thiện do các nhà sư dẫn đầu còn thực hiện chuyển bệnh nhân đến bệnh viện và sắp xếp chôn cấp người qua đời tại nghĩa trang.

Trong khi đó, các nhà thờ Hồi giáo hàng ngày cũng cung cấp oxy cho người dân. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo cũng đang có kế hoạch xây dựng nhà máy oxy với sự đóng góp của các doanh nhân.

Giáo hội Công giáo cũng chung tay thực hiện nâng cao nhận thức phòng chống Covid-19 cho người dân và cung cấp oxy cho người có nhu cầu. Một số tòa nhà mục vụ của các giáo xứ được chuyển thành nơi cách ly và chăm sóc bệnh nhân Covid-19, bất kể chủng tộc hay tôn giáo.

Đức Hồng y Charles Bo của Tổng Giáo phận Yangon, Myanmar kêu gọi: “Trái tim chúng ta trở nên bàn thờ nơi những tấm bánh nhân ái được sẻ chia với anh chị em xung quanh. Những ai có khả năng, hãy chia sẻ thực phẩm và thuốc men. Những ai không có điều kiện, ít nhất cũng hãy cầu nguyện cho người khác và liên đới với nhau trong tình hiệp thông”.

Các Đức Giám mục Ethiopia cầu nguyện chấm dứt bạo lực ở Tigray

Người dân di tản do giao tranh ở vùng Tigray của Ethiopia xếp hàng chờ nhận lương thực tại một nơi trú ẩn tạm thời ở thị trấn Shire ngày 15/3/2021. Ảnh CNS/RT

Hội đồng Giám mục Ethiopia đã bày tỏ tình nhân ái và đoàn kết với những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở vùng Tigray của Ethiopia. Các Đức cha khẳng định rằng vẫn chưa quá muộn để chấm dứt bạo lực, đang cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và hàng triệu người khác phải tị nạn.

Theo CNS, các Đức Giám mục cho biết các ngài luôn cầu nguyện cho hòa bình và tất cả mọi người được bảo vệ trước hậu quả của bạo lực là cuộc khủng hoảng nhân đạo đang đeo bám vùng Tigray.

Trong tháng 6, các quan chức Liên Hợp Quốc đã thông báo rằng vùng Tigray đang phải đối mặt với nạn đói với hơn 400.000 người phải vật lộn kiếm thức ăn và có tới 33.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

HĐGM đã kêu gọi các nhà chức trách khu vực cho phép người dân tiếp cận cứu trợ nhân đạo mà nhiều cơ quan cứu trợ khác nhau đang nỗ lực tiếp tế.

Khánh Ly – WTGPHN