Thế giới trong ngày 20-7-2021: Phản ứng của các Giáo phận Mỹ với Tự sắc “Traditionis custodes”

Giáo dân tham dự Thánh lễ Latinh truyền thống ngày 18/7/2021 tại nhà thờ Thánh Josaphat thuộc Giáo phận Brooklyn.
Ảnh: CNS

Phản ứng của các Giáo phận Mỹ với Tự sắc “Traditionis custodes”; Covid-19 cướp đi sinh mạng của hơn 500 bác sĩ Indonesia; Đức Hồng Y Bo kêu gọi xây dựng một Myanmar hợp nhất; Các Đức Giám mục Papua New Guinea kêu gọi Australia xem xét lại chính sách người tị nạn là những thông tin đáng chú ý.

Phản ứng của các Giáo phận Mỹ với Tự sắc “Traditionis custodes”

Đức Tổng Giám mục (TGM) Bernard A. Hebda của Tổng Giáo phận (TGP) Saint Paul và Minneapolis hôm 17/6 đã nói rằng các giáo xứ cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống nên theo sát Tự sắc mới ban hành này.

Đức cha còn lập một nhóm đặc biệt với người đứng đầu là Đức Giám mục phụ tá Andrew H. Cozzens để xem xét những quy định mới mà Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành.

Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 16/7, chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ, Đức TGM José H. Gomez của TGP Los Angeles, đã khuyến khích các Đức Giám mục khác “làm việc với sự cẩn trọng, kiên nhẫn, công bằng và bác ái”.

Theo CNS, một số Đức TGM khác đã truyền đạt lại với linh mục trong TGP mình về việc tiếp tục cử hành Thánh lễ theo Sách lễ Roma năm 1962 trong khi các ngài nghiên cứu sâu hơn về Tông thư mới. Các Đức cha cũng cho biết sẽ nghiên cứu kỹ Tự sắc mới trước khi đưa ra bất kỳ quyết định dứt khoát nào.

Đức Giám mục Anthony B. Taylor của Giáo phận Little Rock, bang Arkansas tuyên bố hôm 16/7 rằng hai giáo xứ trong Giáo phận của ngài sẽ tiếp tục cử hành Thánh lễ Latinh mà không có sự thay đổi nào.

Tại bang San Francisco, Đức TGM Salvatore J. Cordileone đã trả lời phỏng vấn của CNS hôm 16/7 rằng: “Thánh lễ là một mầu nhiệm dưới mọi hình thức: Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta bằng xương bằng thịt dưới hình bánh rượu. Sự hiệp nhất trong Chúa Kitô là điều quan trọng”. Đức cha cho biết thêm là Thánh lễ Latinh truyền thống sẽ tiếp tục được cử hành để đáp ứng nhu cầu chính đáng của giáo dân.

Covid-19 cướp đi sinh mạng của hơn 500 bác sĩ Indonesia

Một bác sĩ được xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện Siloam, Kebun Jeruk, Jakarta, Indonesia.
Ảnh: UCA News/AFP

Theo thông tin từ người phát ngôn của hiệp hội các bác sĩ Indonesia, tính đến ngày 17/7, đã có ít nhất 545 bác sĩ đã trở thành nạn nhân của Covid-19 kể từ đầu dịch, trong đó có 292 bác sĩ đa khoa và 241 bác sĩ chuyên khoa. Hầu hết các bác sĩ ở độ tuổi từ 30 đến 50.

Số ca bác sĩ và y tá tử vong cao đã ảnh hưởng đến việc điều trị và chăm sóc các bệnh nhân. Đồng thời cũng cho thấy cần phải hành động nhiều hơn để bảo vệ các bác sĩ và nhân viên y tế trong cuộc chiến chống đại dịch.

Theo UCA News, nguyên nhân chính là do thiếu đồ bảo hộ, không được phát hiện sớm, không có biện pháp kiểm dịch chặt chẽ cũng như khối lượng công việc quá tải đã làm suy giảm khả năng miễn dịch của một số bác sĩ và nhân viên y tế.

Indonesia gần đây đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt với ​​hơn 50.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Tính đến ngày 18/7, Indonesia đã ghi nhận 2.877.476 trường hợp dương tính Covid-19 và 73.582 trường hợp tử vong. Trong khi cả nước chỉ có khoảng 168.000 bác sĩ, một con số tương đối nhỏ so với số dân khoảng 270 triệu người.

Người phát ngôn kêu gọi người dân Indonesia tuân thủ nghiêm các quy định sức khỏe để giảm bớt gánh nặng cho những người chống dịch ở tuyến đầu.

Đọc thêm: Các thánh đường Công giáo Philippines đánh chuông liên đới với Myanmar

Đức Hồng Y Bo kêu gọi xây dựng một Myanmar hợp nhất

Người dân xếp hàng vào Lăng Liệt sĩ ngày 19/7/2020.
Ảnh: UCA News/AFP

Trong Ngày Thương binh- Liệt sĩ, Đức Hồng Y (ĐHY) Bo của Tổng Giáo phận Yangon đã kêu gọi sự hợp nhất nên một để xây dựng nền hòa bình và hòa giải cho Myanmar.

Trong một lá thư kêu gọi ngày 19/7, Đức cha khẳng định rằng cách duy nhất để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các liệt sĩ là xây dựng Myanmar thành một quốc gia đoàn kết để chống lại đại dịch Covid-19 đang tràn lan. Ngài cũng kêu gọi chấm dứt xung đột vốn đã gây ra quá nhiều đau thương tại quốc gia Đông Nam Á này.

Năm nay, Myanmar kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 đang ngày càng tồi tệ. Ngày này tưởng nhớ 9 vị anh hùng đã bị sát hại vào 19/7/1974, một năm trước khi Miến Điện giành được độc lập từ Anh. Trong số đó có 1 vị theo Ki-tô giáo, 5 vị theo đạo Phật, 2 vị theo đạo Hồi và 1 vị khác theo đạo Hindu.

ĐHY cũng ca ngợi sự đoàn kết và tinh thần anh dũng của các trung tâm chăm sóc, các bác sĩ tuyến đầu và sự tương trợ của người dân với những người nghèo khó khi trải qua hai đợt dịch đầu tiên. Ngài khẳng định đã đến lúc để người dân Myanmar một lần nữa thể hiện sự đoàn kết trước những khó khăn, thách thức.

Các Đức Giám mục Papua New Guinea kêu gọi Australia xem xét lại chính sách người tị nạn

Trung tâm giam giữ người tị nạn trên đảo Manus ở Papua New Guinea.
Điều kiện tù túng tại một trung tâm giam giữ người tị nạn trên đảo Manus ở Papua New Guinea.
Ảnh: UCA News/YouTube

Các Đức Giám mục ở quốc đảo Papua New Guinea cho rằng việc giam giữ những người tị nạn là “hoàn toàn không chính đáng và không chấp nhận được”. Các ngài đã kêu gọi chính phủ Australia cung cấp chỗ ở cho những người xin tị nạn bị giam giữ ở Papua New Guinea và quần đảo Solomon.

UCA News đưa tin, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Papua New Guinea và Quần đảo Solomon – cha Giorgio Licini đã gửi một bức thư ngỏ đến chủ tịch Thượng viện Australia và người phát ngôn của Hạ viên lưu ý về luật giam giữ bắt buộc ở nước ngoài đối với những người xin tị nạn và cấm định cư ở Australia.

Bức thư thừa nhận việc những người tị nạn bị giam giữ ở Papua New Guinea được hưởng quyền tự do đi lại tốt hơn những người chuyển đến những nơi giam giữ ở Australia và những nơi thay thế khác.

Tuy nhiên các Đức cha nhấn mạnh việc này không thể diễn ra mãi. Bởi vì tuy họ không có quyền định cư ở Australia không có nghĩa là họ phải sống ở Papua New Guinea. Các Đức cha kêu gọi hãy để những người đang phải chịu đựng những đau khổ được tiếp cận với tự do và mức phẩm giá có thể chấp nhận được ở Australia.

Khánh Ly – WTGPHN