Thế giới trong ngày 2-7-2021: Chuỗi Mân Côi an ủi người dân Mỹ trong vụ sập nhà thương tâm

Người dân cầu nguyện hôm 30/6/2021 tại Nhà thờ Công giáo Thánh Giuse ở Surfside, gần nơi xảy ra vụ sập tòa nhà, trong khi các đội cấp cứu tiếp tục các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ những người sống sót. Ảnh CNS / Marco Bello, RT

Người Công giáo Florida tìm thấy niềm an ủi nhờ Chuỗi Mân Côi; Covid-19 tăng đột biến buộc Indonesia phong tỏa khẩn cấp; Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh kêu gọi sự hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ trong chuyến thăm Đức; và Hội nghị chuyên đề về tác động của phương tiện truyền thông xã hội, công nghệ kỹ thuật số đến đời sống Giáo hội là những thông tin chính đáng chú ý.

Người Công giáo Florida tìm thấy niềm an ủi nhờ Chuỗi Mân Côi

Sau sự việc tòa nhà 12 tầng đổ sập bất ngờ với nhiều nạn nhân bị mắc kẹt bên trong, nhiều người Công giáo quanh khu vực Nam Florida đã chạy đến nơi nương náu chung đó là sự hiện diện an ủi của Đức Mẹ Maria.

Khi chứng kiến sự việc thương tâm, một số trường học trong Tổng Giáo phận Miami đã thực hiện lần Hạt Mân Côi. Suy ngẫm về những mầu nhiệm vui, thương, mừng và sáng, người dân đã kêu cầu lên Mẹ Thiên Chúa xin Mẹ trợ giúp và ủi an.

Wency Ortega, người đã giúp tổ chức một buổi lần hạt trực tuyến vào ngày 27/6 cho học sinh, giáo viên, gia đình và cựu học sinh của trường trung học Christopher Columbus cho biết: “Tôi nghĩ mọi người đều hiểu rằng trong lúc đau đớn, chúng ta hướng về mẹ của mình. Và khi hướng về Đức Mẹ của chúng ta là chúng ta hướng về Chúa Giêsu.”

Khoảng 2.000 người đã tham dự buổi lần Hạt Mân Côi trực tuyến thông qua YouTube, LinkedIn và Facebook Live… Các cá nhân cũng gửi ý nguyện riêng của họ trong hộp trò chuyện. Họ tiếp tục cầu nguyện cho các nạn nhân còn đang mất tích.

Tính đến ngày 01/7, ít nhất 18 người được xác nhận tử vong và nhà chức trách đưa ra con số nạn nhân mất tích là 145 người.

Một số trường học khác cũng tổ chức những buổi đọc kinh, lần Chuỗi Mân Côi và cầu nguyện trực tuyến. Tất cả mọi người thay vì bất lực ngồi đọc tin tức thì đều chạy đến với Đức Mẹ để xin được an ủi và cầu cho các nạn nhân và gia đình họ. (Theo CNS)

Covid-19 tăng đột biến buộc Indonesia phong tỏa khẩn cấp

Tổng thống Joko Widodo thông báo về các biện pháp hạn chế khẩn cấp. Ảnh: Youtube/ UCAnews

Tổng thống Indonesia đã công bố một loạt các hạn chế sau khi biến thể Delta lây lan nhanh gây ra hơn 20,000 ca nhiễm một ngày.

Ngày 01/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng hai đảo Java và Bali sẽ thắt chặt các hạn chế hơn bắt đầu từ ngày 03/7 – 20/7.

Indonesia đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc Covid-19, với 20.000 ca mắc mỗi ngày trong hai tuần qua. Từ ngày 23/6 -29/6, nước này ghi nhận 138.352 trường hợp dương tính mới và 2.748 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế cũng báo cáo tỷ lệ lấp đầy giường bệnh đã vượt qua 90% ở ba tỉnh Java – Jakarta, Banten và Tây Java.

Trước tình hình này, chính phủ Indonesia đã phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng Covid-19.

Các vị lãnh đạo tôn giáo hoan nghênh các biện pháp phòng chống Covid-19 hiện tại và kêu gọi mọi người tuân theo. Cha Antonius Benny Susetyo, một vị linh mục hoạt động xã hội, nói rằng đó là một bước đi đúng đắn. (Theo UCAnews)

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh kêu gọi sự hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ trong chuyến thăm Đức

Đức Hồng Y Parolin (bên trái) và Đức Tổng Giám mục Nikola Eterović – Sứ thần Tòa thánh tại Đức, tại cổng Brandenburg ở Berlin, Đức. Ảnh: CNA

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh đã tham gia một hội nghị chuyên đề có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas vào ngày 30/6 tại Tòa khâm sứ ở Berlin. Chuyến thăm của ngài nhân kỷ niệm 100 năm quan hệ ngoại giao giữa Đức và Tòa thánh.

Trong Thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phê-rô và Phao-lô tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Baotixita ở Berlin, Đức Hồng Y Parolin đã nhắc đến bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho người Công giáo Đức năm 2019.

Đức Hồng Y nói: “Sự hiệp thông phải được ưu tiên hơn tất cả các tầm nhìn và nhu cầu cá nhân”.

Phát biểu trước các Đức Giám mục đứng đầu Giáo hội Đức gồm: Đức Hồng y Reinhard Marx, Đức Hồng y Rainer Maria Woelki và Đức Giám mục Georg Bätzing, Đức Quốc vụ khanh Tòa Thánh Parolin nhấn mạnh rằng, thánh Phê-rô và Phao-lô có những tính cách trái ngược nhau dẫn đến “những cuộc tranh luận sôi nổi”.

Nhưng các vị tông đồ đã để cho những “khác biệt nổi bật” này xây dựng một sự hiệp nhất thậm chí sâu sắc hơn trong Giáo hội sơ khai.

Đức Hồng Y Parolin cũng kêu gọi các nhà chức trách Đức thúc đẩy công ích và bảo vệ phẩm giá con người. Ngài nói rằng đây là cách duy nhất để đảm bảo hòa bình.

Đức Hồng Y Parolin cũng ca ngợi “những nỗ lực tuyệt vời của chính phủ trong việc chào đón và hòa nhập người di cư” khi ngài đề cập đến quyết định của đất nước về việc tiếp nhận hơn 1,7 triệu người tị nạn từ năm 2015. (Theo CNA)

Hội nghị chuyên đề về tác động của phương tiện truyền thông xã hội, công nghệ kỹ thuật số đến đời sống Giáo hội

Ảnh: CNS/ The Catholic Sun

Chương trình Sinh thái Truyền thông Giáo hội của Viện McGrath về Đời sống Giáo hội gần đây đã chào đón nhóm đầu tiên đến Đại học Notre Dame trong Hội nghị chuyên đề Truyền giáo và Truyền thông đại chúng nhằm giải quyết tác động của truyền thông xã hội và công nghệ kỹ thuật số đối với đời sống Giáo hội Công giáo.

Sự kiện này đã quy tụ các Đức Giám mục từ 9 Giáo phận của Mỹ cùng với hơn 20 sinh viên đã tốt nghiệp tham gia khóa “Truyền giáo và Truyền thông đại chúng” tại Notre Dame.

Khóa học và chương trình được dẫn dắt bởi Brett Robinson, giám đốc nghiên cứu truyền thông Công giáo tại Viện McGrath. Những người tham gia chương trình đã thảo luận về các chiến lược đối phó với sự thay đổi công nghệ và văn hóa bằng cách hỗ trợ tinh thần của cộng đoàn tín hữu.

Từ các thực hành cá nhân như “giữ chay” không sử dụng công nghệ vào ngày thứ Sáu đến các sáng kiến ​​cấp giáo xứ tập trung vào việc tận dụng lợi ích của công nghệ để tăng cường mạng lưới hỗ trợ địa phương, một loạt các đề xuất lặp lại lời dạy của Đức Giáo hoàng Phanxicô và của Giáo hội về sự cân bằng cần có để sử dụng công nghệ một cách đúng đắn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên lưu ý rằng những kết nối ở thế giới ảo khiến con người có nguy cơ mất đi khả năng tham gia vào những cuộc gặp gỡ đích thực với người khác.

Chương trình Hệ sinh thái Truyền thông Giáo hội (CCEP) là một chương trình đào tạo giáo dục kéo dài sáu tháng nhằm nghiên cứu những cách mà phương tiện truyền thông kỹ thuật số đang thay đổi đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo và những thay đổi đó có ý nghĩa như thế nào để xây dựng các cộng đồng giáo xứ thịnh vượng. (Theo Catholic Sun)

Khánh Ly

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]