Thế giới trong ngày 19-7-2021: Các Đức Giám mục Pháp lên tiếng sau khi Tự sắc “Traditionis custodes” được ĐTC Phanxicô ban hành

Cha Canon Dominique Aubert
Cha Canon Dominique Aubert, chính xứ nhà thờ Chính tòa Chartres, Pháp, cử hành Thánh lễ theo Nghi thức Roma.
Ảnh: CNA/Wikimedia

Các Đức Giám mục Pháp lên tiếng sau khi Tự sắc “Traditionis custodes” được ĐTC Phanxicô ban hành; Các Đức Giám mục Canada ủng hộ cam kết hàn gắn và hòa giải với người bản địa; Chương trình cầu nguyện một phút mỗi ngày ở Indonesia; Chiến dịch khuyến khích giáo dân trở lại với Thánh lễ của TGP New York; và Các linh mục tham gia ứng phó với thảm họa lũ lụt ở Đức là những thông tin đáng chú ý.

Các Đức Giám mục Pháp lên tiếng sau khi Tự sắc “Traditionis custodes” được ĐTC Phanxicô ban hành

Theo thông tin từ Vatican News, ngày 16/7/2021, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã công bố Tự sắc “Traditionis custodes” (Tạm dịch: Người giữ gìn truyền thống) về việc sử dụng Sách lễ Roma năm 1962 – trước Công đồng Vatican II.

Theo đó, hôm 17/7, các Đức Giám mục của Giáo hội Công giáo Pháp đã bày tỏ sự quý trọng đối với các linh mục và giáo dân thuộc cộng đoàn Thánh lễ Latinh Truyền thống sau khi ĐTC Phanxicô quyết định sửa đổi quy định về sử dụng sách lễ Roma tiền Công đồng do Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI ban hành.

Tự sắc mới được ban hành có hiệu lực ngay lập tức đã quy định chỉ các Giám mục mới có thẩm quyền cho phép sử dụng Sách lễ Roma năm 1962 trong giáo phận theo hướng dẫn của Tòa Thánh.

Trong tuyên bố của mình, các Đức Giám mục Pháp bày tỏ sự quý trọng với các linh mục và tín hữu thường cử hành Thánh lễ theo Sách lễ Roma 1962, về lòng nhiệt thành thiêng liêng và quyết tâm cùng nhau thực hiện sứ mệnh trong sự hiệp thông của Giáo hội theo những quy tắc có hiệu lực.

Theo CNA, Giáo hội Pháp gần đây đã chứng kiến những căng thẳng giữa những người ủng hộ Thánh lễ Latinh Truyền thống và Đức Tổng Giám mục địa phương. Huynh đoàn linh mục Thánh Phê-rô (FSSP), một hội đoàn giáo sĩ được Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II xây dựng và sử dụng Sách lễ Roma tiền Công đồng, đã bày tỏ lo lắng và thất vọng về Tự sắc mới sẽ tạo ra những hạn chế.

Song các Đức Giám mục Pháp cho rằng: “Hiện tại, còn quá sớm để nói đến những tác động sẽ xảy ra đối với FSSP” và đảm bảo rằng sẽ phục vụ các tín hữu tham dự sứ vụ tông đồ phù hợp với Hiến chế và đặc sủng mà các ngài được lãnh nhận.

Đọc thêm:

Tông thư: “Traditionis Custodes” về việc sử dụng Nghi Thức Thánh Lễ Rôma trước cuộc Cải tổ năm 1970

ĐTC ban hành Tự sắc “Traditionis custodes” về cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng

Các Đức Giám mục Canada ủng hộ cam kết hàn gắn và hòa giải với người bản địa

Một đài tưởng niệm trong khuôn viên của trường nội trú người bản địa cũ ở Kamloops, Canada.
Ảnh: Jennifer Gauthier/Vatican News

Ban thường trực Hội đồng Giám mục (HĐGM) Canada ủng hộ các Đức Giám mục Anh giáo Giáo phận Saskatchewan và lời kêu gọi Ủng hộ Chữa lành và Hòa giải trong tình đoàn kết với người bản địa.

Tuyên bố được đưa ra hôm 16/7 nhấn mạnh sự ủng hộ của HĐGM Canada đối với các Đức Giám mục Anh giáo về Kêu gọi Ủng hộ Chữa lành và Hòa giải với người bản địa Canada.

Theo Vatican News, chương trình này nhằm gây quỹ để thúc đẩy hàn gắn và hòa giải đồng thời hỗ trợ giáo dục văn hóa. Mục tiêu là để giúp đỡ những người còn sống sót, tham gia sâu hơn và cam kết phản ứng liên tục với tiến trình Sự thật và Hòa giải.

Trong tuyên bố, các Đức Giám mục Canada một lần nữa bày tỏ sự đau buồn khi phát hiện những khu mộ tập thể ở các trường dân lập cũ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa giải với người bản địa và bày tỏ sẵn sàng tham gia các hoạt động gây quỹ địa phương và khu vực.

Kết thúc tuyên bố, các ngài viết: “Chúng tôi dâng lời cầu xin lên Chúa ban ơn nâng đỡ và chữa lành cho những người sống sót tại trường nội trú, cộng đồng của họ và những vết thương thế hệ còn hiện hữu”.

Đọc thêm: Con đường hòa giải với thổ dân bản xứ Canada

Chương trình cầu nguyện một phút mỗi ngày ở Indonesia

Ảnh: Agenzia Fides

Cha Heri Wibowo, thư ký điều hành của Ủy ban Liên tôn thuộc Hội đồng Giám mục Indonesia, khi phát biểu về sáng kiến cầu nguyện quốc gia được phát động bởi các hội đoàn, đã xác tín mạnh mẽ sự quan phòng của Thiên Chúa.

Fides dẫn lời cha Heri Wibowo: “Chúng tôi cư xử theo cách tốt nhất có thể, tôn trọng các quy định, còn lại chúng tôi trao phó tất cả cho Thiên Chúa, Đấng luôn có những kế hoạch mà con người không thể hiểu thấu. Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện”.

Sáng kiến về chiến dịch cầu nguyện mỗi ngày trên toàn quốc xin Chúa chấm dứt đại dịch Covid-19 đã được Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác ở Indonesia hoan nghênh.

Bộ Tôn giáo Indonesia đã mời gọi tất cả công dân thực hiện một phút cầu nguyện ngắn mỗi ngày và tin rằng cầu nguyện là cách tốt nhất để cầu xin Chúa và khôi phục niềm lạc quan hy vọng cho tất cả mọi người.

Chiến dịch cầu nguyện mỗi ngày được phát động ngày 11/7. Cả nước đã dành 1 phút thinh lặng và hàng nghìn người tham gia thông qua Youtube. Các tín hữu Công giáo cũng hoan nghênh chiến dịch này bằng cách lan truyền nó trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong một phút thinh lặng ấy, người dân Indonesia cầu nguyện cho các bệnh nhân, bác sĩ, nhân viên y tế đã qua đời, cầu nguyện cho mọi người được khỏi bệnh và đại dịch sớm chấm dứt.

Đức Hồng Y Ignazio Suharyo, Tổng Giám mục của Tổng giáo phận Jarkarta, đã cầ nguyện: “Cầu xin Chúa cho tinh thần hiệp nhất trong cộng đồng, ý thức về tình huynh đệ và lòng bác ái với người khác được nở rộ nơi mỗi người Indonesi trong thời điểm khó khăn này”.

Chiến dịch khuyến khích giáo dân trở lại với Thánh lễ của TGP New York

Hình ảnh chiến dịch “Come Home to Mass”. Ảnh: CNY

Tổng Giáo phận (TGP) New York đã phát động chiến dịch “Come Home to Mass” để khuyến khích các tín hữu trở lại tham dự Thánh lễ cuối tuần tại các nhà thờ giáo xứ khi cuộc khủng hoảng bởi Covid-19 ở Mỹ đã lắng xuống.

Chiến dịch này được quảng bá trên trang web của TGP New York và các trang mạng xã hội của TGP trên Facebook, Twitter và Instagram.

Theo người đứng đầu phụ trách quảng bá chiến dịch Rachel Sheehan của TGP trả lời CNY rằng chiến dịch đang có những khởi đầu tốt và hy vọng sẽ tiếp tục được phát triển. Cô nói: “Mục tiêu chung là để mọi người quay trở lại với môi trường giáo xứ”.

Trưởng ban truyền thông TGP New York Joseph Zwilling cho biết Đức Hồng Y Dolan và TGP đã ưu tiên để mọi người trở lại với Thánh lễ hàng tuần tại nhà thờ giáo xứ của họ.

Trang web chính thức của chiến dịch bao gồm các liên kết bổ sung tìm kiếm các giáo xứ và loạt bài viết “Tại sao tôi trở lại với Thánh lễ” giúp mọi người tiếp cận với các cha xứ, các cá nhân tham dự vào các công việc mục vụ của TGP.

Các linh mục tham gia ứng phó với thảm họa lũ lụt ở Đức

Nước lũ dâng ở Erftstadt, Đức ngày 16/7/2021. Ảnh: CNS/RT

Các nỗ lực cứu trợ và ứng phó khẩn cấp đang diễn ra hiệu quả sau khi lũ lụt nghiêm trọng ở miền tây và tây nam nước Đức, quét đổ nhà cửa, cuốn trôi xe cộ và khiến ít nhất 100 người thiệt mạng.

Theo Catholic Sun, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi đợt lũ lụt diện rộng là một thảm họa. Các Đức Giám mục đã bày tỏ sự lo lắng khi các cha tham gia nỗ lực viện trợ. Lũ lụt cũng ảnh hưởng đến các khu vực của Bỉ và Hà Lan. Các quan chức cho biết hơn 1.000 người đã mất tích.

Cha Joerg Meyrer ở Bad Neuenahr-Ahrweiler, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, đã giúp đỡ trong việc ứng phó khẩn cấp. Trả lời hãng tin Công giáo Đức KNA, cha cho biết khu vực này hoàn toàn không có nước ngọt và điện. Cha cho biết thêm khoảng 1000 gia đình không còn nơi ở và ba ngôi nhà thờ trong khu vực không còn sử dụng được nữa.

Cha Meyrer cũng khen ngợi các tình nguyện viên đã làm việc suốt ngày đêm và khẳng định mọi thứ sẽ được hồi phục trong tình liên đới giữa mọi người.

Các Giám mục Đức cũng bày tỏ sự lo lắng và cầu nguyện cho các nạn nhân với mong muốn mọi người có thể vượt qua được thảm họa tàn khốc này.

Khánh Ly – WTGPHN

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]