Thế giới trong ngày 19-6-21

Các Đức Giám mục Mỹ nhóm họp tại đại hội đồng mùa thu ở Baltimore, Maryland, vào tháng 11/2019. Ảnh: Christine Rousselle / CNA

[Cập nhật] Hội đồng Giám mục Mỹ thông qua dự thảo về tài liệu giáo lý Bí tích Thánh Thể

HĐGM Mỹ tuần này đã bỏ phiếu để tiến tới giải quyết các hạng mục, trong đó có vấn đề soạn thảo tài liệu giảng dạy giáo lý về Bí tích Thánh Thể.

Sau nhiều tranh luận sôi nổi diễn ra vào 16/6 – 17/6 với một số ý kiến phản đối việc tiến hành soạn thảo tài liệu, cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành.

Dự thảo được thông qua với 168 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Ủy ban giáo lý sẽ chịu trách nhiệm chính cho việc soạn thảo với nguồn dữ liệu từ các ban khác. Văn kiện sẽ sẵn sàng để đưa ra thảo luận và sửa đổi tại cuộc họp vào tháng 11 tổ chức trực tiếp tại Baltimore, Maryland, Mỹ.

Kết quả bỏ phiếu của các vấn đề hành động khác đã được công bố chiều 18/6, ngày thứ ba và ngày cuối cùng của cuộc họp. Các Đức Giám mục cũng cho phép xây dựng tuyên bố về mục vụ của người Mỹ bản địa (223 phiếu thuận, 6 phiếu chống), phê chuẩn nhiều bản dịch phụng vụ, và phê duyệt hướng dẫn mục vụ hôn nhân và gia đình.

Các Đức cha cũng đã bỏ phiếu thúc đẩy cho hai án phong thánh của cha Joseph Verbis LaFleur và thầy Marinus (Leonard) LaRue. Một hạng mục hành động khác cho phép soạn thảo khung mục vụ quốc gia về thanh thiếu niên, đã được thông qua với số phiếu từ 222 phiếu thuận và 7 phiếu chống.

Một đề xuất vào ngày đầu tiên của cuộc họp nhằm cho phép đối thoại không giới hạn về dự thảo đã thành một cuộc tranh luận kéo dài hàng giờ đồng hồ. Đề xuất này đã bị bác bỏ với 59% các Đức Giám mục bỏ phiếu phản đối. (Theo CNA)

Hàng chục triệu người ở Bangladesh đối mặt với thất nghiệp và nghèo đói do Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng nghèo đói trên diện rộng ở Bangladesh. Ảnh: Stephan Uttom / UCA News

Theo dữ liệu Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 5,3% năm 2010 và 4,22% năm 2019. Cục Thống kê của Banglades báo cáo rằng tỷ lệ nghèo đói tăng từ 20% lên 29,5% trong năm 2019. Các nhà phân tích độc lập cho biết tỷ lệ nghèo đói gần đây lên đến 40%.

Theo một báo cáo năm 2020 của Viện Nghiên cứu Phát triển Bangladesh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Dhaka, trong số hơn 160 triệu người ở các quốc gia Nam Á, 13% người có việc làm trước đại dịch đã bị mất việc.

Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết cứ bốn người trẻ ở Bangladesh thì có một người thất nghiệp do cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong thời gian tới, sẽ có khoảng 10,5 triệu người đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Điều đó có nghĩa là ít nhất 50 triệu người (trung bình 4 người trong một gia đình) sẽ đối mặt với tình trạng bấp bênh.

Vào tháng 5, Caritas Rajshahi ở miền bắc Bangladesh đã khảo sát 600 hộ gia đình và phát hiện 67% đã bị mất việc làm và nguồn thu nhập.

Giám đốc Caritas – Rajshahi Sukleash George Costa – cho biết: “Rất nhiều người mất việc đã phải cắt giảm lương thực, trong khi số khác giảm chi tiêu y tế. Họ đang làm việc với mức lương thấp vì không có kiến thức về nông nghiệp”.

“Để giúp đỡ những người đang khó khăn, Caritas đã giải ngân tiền mặt, các khoản vay lãi suất thấp và cung cấp các sản phẩm miễn phí”, ông nói thêm. (Theo UCAnews)

Hàng nghìn người Ấn Độ vẫn đói khát và thiếu thốn trong vài tuần sau bão

Ảnh: Mattersindia

Sự hoành hành liên tiếp của làn sóng đại dịch Covid-19 và bão lũ khiến hàng nghìn người Ấn Độ lâm cảnh khó khăn.

Một tháng sau khi cơn bão Yaas càn quét, hàng nghìn người ở miền đông Ấn Độ vẫn đang phải trú trong những căn lều tạm bợ bằng bạt mà không có thức ăn.

Ít nhất 10 triệu người ở Tây Bengal và nửa triệu người ở bang Odisha đã phải di dời vì gió to kèm mưa lớn trút xuống khi bão Yaas đổ bộ vào miền đông Ấn Độ ngày 26/5.

Các giáo phận cho biết, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở Giáo phận Baruipur và một phần của Tổng giáo phận Kolkata ở Tây Bengal và Giáo phận Balasore ở Odisha.

Cha Parimal Kanji, người chỉ đạo công tác xã hội của Giáo phận Baruipur cho biết: “Hàng nghìn gia đình không có thức ăn, nước uống và quần áo mặc vì cơn bão đã cuốn trôi nhà cửa và lương thực dự trữ của họ”.

Cha cho biết các nhóm Công giáo đã hỗ trợ lương khô cho gần 2000 gia đình. Tổng Giáo phận Kolkata đã bắt đầu huy động các nguồn lực để cung cấp thực phẩm cho gần 12.000 gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa.

Tình hình tại Giáo phận Balasore của Odisha cũng tương tự. Cha Lijo George tại đây cho biết: “Người dân ở đây lâm vào cảnh túng quẫn khi cơn bão tàn phá mùa màng và nhà cửa. Chúng tôi đang đấu tranh để hỗ trợ những người cần”. (Theo UCAnews)

Thách thức và hoa trái của việc truyền giáo tại khu vực rừng Amazon

Ảnh: Agenzia Fides

Đức cha David Martinez de Aguirre, Giám mục Đại diện Tông tòa của Puerto Maldonado đã nói về những ưu tiên và thách thức của truyền giáo trong khu vực rừng nhiệt đới của Peru.

Theo Đức Giám mục dòng Đa Minh, là một nhà truyền giáo ở Peru từ năm 2000, những vấn đề ưu tiên của Giáo hội trong khu vực truyền giáo khó khăn đã được xác định qua 80.000 tiếng nói của người dân khu vực Amazon, nhằm chuẩn bị văn kiện cho Thượng hội đồng ở Amazon.

Những ưu tiên đó là phải đáp ứng được những thách thức cụ thể tại Giáo hội địa phương. Thách thức đầu tiên là để các dân tộc cảm thấy họ là một phần của Giáo hội và nhờ khám phá Tin Mừng họ sẽ trở thành tác nhân thực sự biến đổi thực tại.

Đức cha David khẳng định, để thành công thì Giáo hội cần đồng hành với các nền văn hóa thông qua việc thúc đẩy hình thành và phát triển văn hóa.

Đồng thời Đức cha cũng nhấn mạnh rằng hoạt động truyền giáo ở khu vực rừng nhiệt đới cần phải đi trên con đường giáo dục, từ việc dạy giáo lý trong các nhà thờ, nhà nguyện của những ngôi làng nhỏ, đến các trường học và giờ là ý tưởng thành lập Đại học Công giáo Pan-Amazonian.

Những hoạt động này đã trổ sinh nhiều hoa trái. Kitô hữu địa phương đã tiếp nối vị trí của các nhà truyền giáo để lại, từ đó họ được sinh ra với ơn gọi tu trì để tận tâm với các giáo xứ. Tuy nhiên, điều tương tự vẫn chưa xảy ra nơi các dân tộc bản địa Amazon. (Theo Agenzia Fides)

Đại diện các tôn giáo gặp mặt tại Roma để cầu nguyện cho Myanmar

Ảnh: Agenzia Fides

Vào ngày 18/6 vừa qua, các vị đại diện của Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và Bahàì giáo đã được mời đến cầu nguyện theo những cách thức riêng cho Myanmar.

Buổi cầu nguyện trực tuyến diễn ra lúc 15h và một cuộc gặp trực tiếp vào lúc 19h tối để cầu nguyện và suy niệm trong thinh lặng tại Vương cung thánh đường Santa Cecilia ở Trastevere.

Sáng kiến này được đưa ra bởi tổ chức Tôn giáo vì hòa bình Ý, Hiệp hội Hữu nghị Ý – Miến Điện và cộng đồng Myanmar tại Ý.

Có 4 ý chỉ cầu nguyện được gợi ý, bao gồm: cầu nguyện cho sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người; cho việc thiết lập lại sự chung sống hòa bình; cho quyền tự do tư tưởng và ngôn luận và tự do khỏi sự sợ hãi. (Theo Agenzia Fides)

Khánh Ly