Thế giới trong ngày 17-6-2021

Ảnh: Agenzia Fides

Lời cầu nguyện của Giáo hội cho 500,000 người chết vì Covid-19 ở Brazil

Brazil đã chạm ngưỡng 500,000 người tử vong do Covid-19. Trong hoàn cảnh đau thương cần có sự an ủi và hy vọng này, Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB) đang cầu nguyện để động viên và tưởng nhớ đến những người đã ra đi vì dịch bệnh.

Thánh lễ sẽ được cử hành vào thứ Bảy ngày 19/6 tại Rio de Janeiro. Trong khi đó, tất cả các Giáo phận được mời gọi rung hồi chuông vào lúc 3 giờ chiều, giờ Lòng Chúa Thương Xót, để tưởng nhớ các nạn nhân.

Đức Cha Joel Portella Amado, Giám mục Phụ tá của Tổng giáo phận Rio de Janeiro, sẽ chủ tế Thánh lễ này. Ngài nói: “Đây là hành động của tình đoàn kết, của hy vọng và cam kết để cố gắng giúp Brazil tốt hơn một chút”.

Đức Cha chỉ rõ: “500,000 chỉ là một con số tượng trưng”. Tại Brazil, người biểu tình đã xuống đường yêu cầu luận tội Tổng thống Jair Bolsonaro, người chịu trách nhiệm cho việc quản lý đại dịch, khiến Brazil trở thành một trong những tâm chấn của Covid-19.

Cho đến nay, dịch bệnh thảm khốc này đã cướp đi sinh mạng của hơn 490,000 người và 17,5 triệu ca nhiễm. Trong khi đó, Tổng thống Brazil tuần trước đã cho biết số ca tử vong hiện tại có thể mới bằng một nửa con số thực tế.

Brazil trở thành trung tâm chú ý của giới truyền thông vì tình hình dịch bệnh và quản lý yếu kém. Giáo hội Công giáo đã nhiều lần lên tiếng trước tình hình này. Hội đồng Giám mục cho biết: “Các bài phát biểu và thái độ phủ nhận thực tế của đại dịch, phớt lờ các biện pháp y tế và đe dọa nền dân chủ pháp quyền là không thể chấp nhận được”. (Theo Agenzia Fides)

Cuộc họp Hội đồng Giám mục Mỹ hướng tới sự hiệp nhất trong Giáo hội và xã hội

Đức Tổng Giám mục Gomez phát biểu sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐGM Mỹ nhiệm kỳ 3 năm trong cuộc họp tại Baltimore ngày 11/11/2019. Ảnh: CNA

Bắt đầu từ ngày 16/6/2021, cuộc họp mùa xuân thường niên của Hội đồng Giám mục (HĐGM) Mỹ được tiến hành để tranh luận và bỏ phiếu về một số vấn đề hành động quan trọng. Cuộc họp được diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Trong bài diễn văn khai mạc cuộc họp HĐGM Mỹ, Đức Tổng Giám mục José Gomez của Tổng giáo phận Los Angeles – Chủ tịch HĐGM Mỹ – đã đưa ra lời kêu gọi nhiệt thành cho sự hiệp nhất.

Đức cha nói rằng con người đang trải qua một thời kỳ biến động khi chứng kiến đại dịch bùng phát, những cuộc bạo động, chia rẽ xã hội và gia tăng tình trạng bất ổn. “Chỉ có một Giáo hội hiệp nhất mới có thể hàn gắn những đổ vỡ và thách thức những bất công mà chúng ta nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết”, ngài nói.

Đức Tổng Giám mục Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, phát biểu trước HĐGM Mỹ rằng Giáo hội cần đối thoại với mục đích hiệp nhất và nhấn mạnh tầm quan trọng của Chúa Kitô.

Đức cha nêu ra những ví dụ của sự hiệp nhất khi đối mặt với những thử thách. Sự hiệp nhất đem lại sự quan tâm và ủi an cho nạn nhân của khủng hoảng lạm dụng, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người nhập cư, xây dựng tình đoàn kết trên khắp thế giới, giải cứu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lên tiếng bảo vệ phẩm giá con người và chống lại nạn bất bình đẳng chủng tộc.

Ngài nói, các Giám mục có một vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo hiệp nhất và Giáo hội sau đại dịch cần tập trung cho những nỗ lực truyền giáo trong công cuộc cứu độ của Chúa Kitô.

Trong thời gian diễn ra cuộc họp từ 16/6 đến 18/6, các Giám mục sẽ cân nhắc và bỏ phiếu một số vấn đề bao gồm 5 mục quan trọng: kế hoạch Phục Hưng Thánh Thể, soạn thảo giáo lý về Bí tích Thánh Thể, bỏ phiếu về hai trường hợp phong thánh, bỏ phiếu về nỗ lực rao giảng Tin Mừng cho các nhóm người khác nhau và cập nhật sự đa dạng văn hóa đồng thời phê chuẩn các Bản văn Phụng vụ mới. (Theo CNA)

Hàng nghìn người phải nương náu trong nhà thờ khi giao tranh tiếp diễn ở Myanmar

Ảnh: The Catholic Sun

Các nhà thờ Công giáo đã trở thành nơi trú ẩn chính của hàng nghìn người đề tránh các cuộc xung đột ở bang Kayah, Chin, Kachin và Shan của Myanmar.

Các nhà thờ và tu viện đã mở cửa cho người tị nạn, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh và người tàn tật, không phân biệt tôn giáo và chủng tộc.

Cha Phanxicô Soe Naing, Chưởng ấn Giáo phận Loikaw ở Kayah, cho biết những người tị nạn coi nhà thờ là nơi an toàn. Tuy nhiên, một số người đã phải chạy trốn vào rừng rậm khi ba nhà thờ bị quân đội bắn phá. Một trại tị nạn đang được xây dựng trong chủng viện ở Loikaw để làm nơi trú ẩn.

Tại Giáo phận Pekhon, khoảng 10,000 người đang nương náu tại 5 nhà thờ khác nhau. Các Giám mục gần đây đã kêu gọi không tấn công vào các nơi thờ tự để bảo vệ những người tìm kiếm nơi ẩn náu.

Các Đức cha nhấn mạnh: “Vui lòng tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về nơi tôn nghiêm trong thời chiến. Nhà thờ, đền chùa, tu viện, nhà thờ Hồi giáo, trường học và bệnh viện được công nhận là nơi ẩn náu trung lập trong thời kỳ xung đột”.

Cha Se Thang, chính xứ nhà thờ Thánh Tâm ở Mindat, kêu gọi các chỉ huy quân sự địa phương dỡ bỏ tình trạng tắc nghẽn để viện trợ nhân đạo có thể tiếp cận hàng nghìn người đang phải đối mặt với tình trạng hết lương thực.

Người theo đạo Công giáo là thiểu số ở Myanmar, chiếm 6,2% trong tổng số 54 triệu dân của quốc gia này. Người dân ở các khu vực bị chiếm đóng bởi Kachin, Chin, Karen và Kayah, phần lớn là người theo đạo Thiên Chúa. (Theo CNS, UCAnews, The Catholic Sun)

Truyền chức Phó tế tại dòng Camillô, ở Flores, Indonesia

Ảnh: Agenzia Fides

Đại dịch Covid-19 hoành hành đã cản trở lòng nhiệt thành với ơn gọi của nhiều người trẻ đang có ý hướng dấn thân loan báo Tin Mừng trong nước và trên khắp thế giới.

Cha Luigi Galvani cho biết, 30 thầy đã được truyền chức Phó tế ở Flores trong những tuần gần đây. Trong đó có 15 vị thuộc Dòng Thừa sai Verbite và 17 vị còn lại thuộc Chủng viện Liên Giáo phận Ritapiret. Sự kiện này khuyến khích duy trì cam kết truyền giáo và nhìn về tương lai với sự thanh thản và bình an.

Trong thời gian nghỉ hè, các tân phó tế và hầu hết các thầy thuộc các học viện khác nhau sẽ thực tập sứ vụ mục vụ của mình tại giáo xứ bản hương và ở những xứ khác mà họ được gửi tới”.

Nhân dịp lễ mừng kính Thánh Camillô sắp tới vào ngày 14/7/2021, các tu sĩ Camillô sẽ kỷ niệm dấu mốc quan trọng khác. Vào ngày đó, 5 vị tập sinh sẽ tuyên khấn lần đầu, cùng với 13 ứng sinh mới, bao gồm 2 vị trẻ người Pakistan, sẽ bắt đầu năm tập sinh theo luật dòng. Ngoài ra, 17 vị đã vĩnh khấn sẽ lặp lại lời khấn hứa của họ và một vị sẽ tuyên khấn trọn đời.

Với sự gia tăng số lượng ứng sinh, nhà tập mới ở Kupang, trên đảo Timor, đang được xây dựng. Hiện tại, các ứng sinh của các Học viện Camillô tại Flores đã hoàn thành kỳ thi và đang trong kỳ nghỉ. (Theo Agenzia Fides)

Hiệp hội Giáo Hoàng Truyền giáo kêu gọi trách nhiệm truyền rao tinh thần truyền giáo

Ảnh: Agenzia Fides

Hội nghị Quốc gia lần thứ 80 của Hiệp hội Giáo Hoàng Truyền giáo vùng Duyên hải đã khai mạc hôm 15/6, xoay quanh chủ đề của Tháng Truyền giáo – Tháng 10/2021 của Bờ Biển Ngà.

Hội nghị có sự hiện diện của Đức cha Raymond Ahoua – Giám mục Giáo phận Grand-Bassam và Đức cha Marcelin Yao Kouadio – Giám mục Giáo phận Daloa, chủ tịch Ủy ban Giám mục về Truyền giáo của Hội đồng Giám mục (HĐGM) Bờ Biển Ngà.

Đại diện Giáo phận chủ nhà Đức cha Sylvain Boko nhấn mạnh: “Sau 125 năm rao giảng Tin Mừng, chủ đề của Hội nghị Quốc gia gợi mở và thử thách tất cả chúng ta về cách thức rao giảng về Chúa Kitô ngày nay không chỉ bằng lời nói mà trên hết là việc làm. Chúng ta không thể tiếp tục giữ im lặng về những điều mắt thấy tai nghe. Chúng ta được mời gọi để cảm nhận một phần tích cực của sứ mệnh này”.

Đức cha Kouadio trong bài phát biểu của mình đã nhắc lại sứ mệnh của Hiệp hội Giáo Hoàng Truyền giáo bằng cách khuyến khích rao truyền tinh thần truyền giáo cho các tín hữu. Đức cha đã chia chủ đề thành 3 giai đoạn: tông truyền, nhà truyền giáo trong quá khứ và trong hiện tại. (Theo Agenzia Fides)

Khánh Ly