Thế giới trong ngày 10-6-2021

Ảnh: Agenzia Fides

Các nhà thờ tại Myanmar liên tục bị tấn công

Giữa tình hình xung đột tại Myanmar, người dân buộc phải sơ tán đến các nhà thờ để lánh nạn, nhưng chính các nhà thờ lại nằm trong tầm ngắm của các cuộc tấn công.

Vụ tấn công mới nhất xảy ra vào ngày 6/6 tại làng Doungankha, thị trấn Demoso, bang Kayah – nơi có tỷ lệ Ki-tô hữu cao nhất của Myanmar. Pháo kích quân đội đã nhắm vào nhà thờ Đức Mẹ, Nữ vương Hòa Bình thuộc giáo phận Loikaw.

Cha Celso Ba Shwe, Tổng Đại diện Giáo phận Loikaw cho biết, Giáo hội Công giáo địa phương đang nỗ lực làm mọi cách để giúp đỡ người dân di tản, nhưng các nhà thờ đang nằm trong tầm ngắm của quân đội.

Theo hãng tin Fides, cho đến nay có ít nhất 6 nhà thờ đã bị tấn công hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Đặc biệt, Nhà thờ Thánh Tâm tại làng Kantharyar gần Loikaw đã bị trúng đạn pháo khiến 4 người Công giáo thiệt mạng và ít nhất 8 người khác bị thương.

Các linh mục và tu sĩ đang huy động tất cả nguồn lực vật chất và tinh thần để hỗ trợ người dân trong giai đoạn xung đột giao tranh. Tại khu vực phía tây Myanmar, các giáo xứ đã sử dụng cơ sở làm nơi trú ẩn cho người già, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em. Nhờ sự giúp đỡ của các cha và các nữ tu họ được cung cấp thức ăn và được chăm sóc.

Giáo hội địa phương đã đưa ra lời kêu gọi chấm dứt giao tranh, đồng thời lưu ý rằng tình trạng khẩn cấp nhân đạo đang được tiến hành và đã thúc giục Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ thiết lập các trại tị nạn để có thể cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân. (Agenzia Fides)

Nhà thờ Công giáo tham gia cứu trợ nạn nhân lũ lụt tại Sri Lanka
Cha Jayantha Nimal hỗ trợ phân phát thực phẩm cho các nạn nhân lũ lụt. Ảnh: Facebook

Ít nhất 16 người chết và 3 người mất tích sau trận mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất ở 10 quận của Sri Lanka hôm 6/6. Hàng trăm người đã được sơ tán đến 104 điểm trú ẩn an toàn.

Các nhà thờ trong khu vực này đang hỗ trợ công tác cứu hộ cho hàng trăm người bị ảnh hưởng do lũ lụt và sạt lở đất.

Các cha đã chuẩn bị thực phẩm cho các nạn nhân lũ lụt, đồng thời vẫn tuân thủ các quy định phòng chống Covid-19. Cha Jayantha Nimal, giáo xứ Thánh Nicholas ở Bopitiya, đã đến gia đình các nạn nhân giữa mưa lớn và nguy cơ lũ lụt.

Cha xứ đi từ nhà này đến nhà khác cùng các tình nguyện viên để phân phát hơn 2000 suất ăn mỗi ngày. Nhiều người dân đã được phát các gói thực phẩm và khẩu phần lương khô trong 5 ngày.

Cha Nimal đã mở cửa nhà thờ cho những người dân cần di dời khỏi nhà cửa đã bị ngập trong nước lũ. Hiện tại, người dân đã quá bất lực khi vừa phải đương đầu với Covid-19, vừa phải hứng chịu lũ lụt.

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý thiên tai, thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến 270.021 người và hơn 800 ngôi nhà ở Sri Lanka bị hư hại. Các cha, các sơ và giáo dân của các giáo xứ cùng nhau hỗ trợ người dân bằng việc phân phát thực phẩm. (UCANNews 7/6/2021)

Các giáo xứ tại Mỹ cử hành cuộc rước Thánh Thể chung như “dấu hiệu của hiệp nhất và chữa lành”
Ảnh: CNS /Dave Hrbacek, The Catholic Spirit

Chúa Nhật lễ Mình và Máu Thánh Chúa ngày 6/6, hai giáo xứ Thánh Thomas More và Thánh Peter Claver ở thành phố Minneapolis, Mỹ đã cùng tham dự Thánh lễ và cử hành cuộc rước Thánh Thể.

Đoàn rước dừng lại trên cầu vượt, nơi có thể nhìn rõ đường cao tốc liên bang phía dưới. Con đường từng bị nhiều cộng đồng phản đối vì chia cắt cộng đồng người Mỹ gốc Phi đông đúc vào 50 năm trước. Những bức xúc còn tồn tại cho đến ngày nay. Đó là lý do mà cuộc rước của hai giáo xứ lại dừng chân trên cây cầu để giáo dân cầu xin bình an và ơn chữa lành.

Cha Erich Rutten, cha xứ giáo xứ Thánh Peter Claver, là người đã đưa ra ý tưởng này. Cha Rutten cho biết, hai giáo xứ đã làm việc với nhau trong nhiều năm về vấn đề hòa giải chủng tộc.

Hàng chục giáo dân của hai giáo xứ, từ em nhỏ đến cụ già đã tham dự đoàn rước. Ông Teklay Hashel, giáo dân giáo xứ Thánh Peter Claver, cho biết: “Tôi thực sự rất hạnh phúc khi tham dự Thánh lễ và rước Thánh Thể. Tôi cảm thấy như Chúa Giê-su đang ở cùng chúng tôi. Thật tốt khi được thấy hai giáo xứ hợp nhất và cử hành cuộc rước vì một mục đích duy nhất: Chúa Giê-su”.

Hai tháng trước, hai giáo xứ này cũng đã tổ chức một buổi cầu nguyện khi diễn ra phiên tòa xét xử cựu cảnh sát Derek Chauvin – người bị kết tội vì đã giết người đàn ông da đen George Floyd vào ngày 25/5/2020. Hai giáo xứ cũng đã có nhiều cuộc trao đổi, thảo luận về vấn đề phân biệt chủng tộc.

Đối với cha Fichtinger, việc các giáo xứ cùng tham dự Thánh lễ và tham dự cuộc rước là một điều tuyệt vời, cho thấy sự hiệp nhất trong Chúa Ki-tô đồng thời cũng minh chứng cho những truyền thống chung có thể gắn kết họ cho dù có những khác biệt về văn hóa. (CNS 9/6/2021)

Khánh Ly