Thế giới trong ngày 06-8-2021: Cuộc hành hương của cộng đoàn Philippines kỷ niệm 500 năm đón nhận đức tin

Người hành hương Philippines tại Roma.
Người hành hương Philippines tại Roma. Ảnh: Agenzia Fides

Cuộc hành hương của cộng đoàn Philippines kỷ niệm 500 năm đón nhận đức tin; Thánh lễ phát trực tuyến trở thành chương trình lâu năm nhất của truyền hình Úc; Chương trình hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 di động của Giáo hội Indonesia và Nhà âm nhạc học hy vọng tái tạo cây đàn organ cổ độc nhất vô nhị ở Bethlehem là những thông tin đáng chú ý.

Cuộc hành hương của cộng đoàn Philippines kỷ niệm 500 năm đón nhận đức tin

Nhân kỷ niệm 500 năm (1521-2021) Philippines đón nhận đức tin, hơn 250 người Philippines từ khắp Châu Âu đã hành hương và gặp nhau tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở Roma vào cuối tháng 7.

Vào ngày 14/3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ trọng thể kỷ niệm sự kiện này. Người Philippines trên khắp Châu Âu cũng không muốn bỏ lỡ kỷ niệm trọng đại này, nên họ đã có cuộc hành hương từ Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Áo, Đức, Pháp và một số nước khác, quy tụ về Roma.

Sau khi đọc kinh Mân Côi, các bài suy niệm, và hát thánh ca, cha Andrew Recepciòn đã có một bài phát biểu ngắn trước những người hành hương. Ngài nhấn mạnh rằng những người Philippines xa quê là những “nhà truyền giáo mới” thông qua tình yêu với gia đình, với tôn giáo và là chứng nhân đức tin tại nơi làm việc của mình.

Theo Fides, cuộc hành hương diễn ra hai năm một lần. Hành trình tiếp theo sẽ được tổ chức tại Milan năm 2023.

Thánh lễ phát trực tuyến trở thành chương trình lâu năm nhất trên truyền hình Úc

Nhà thờ Thánh Phanxicô Xavie ở Wollongong, Úc
Nhà thờ Thánh Phanxicô Xavie ở Wollongong, New South Wales, Úc.
Ảnh: Wikipedia

“Thánh lễ tại gia” vừa kỷ niệm 50 năm phát sóng vào đầu tháng 8. Ban đầu, mục đích phát Thánh lễ để những người bệnh tật, ốm yếu và tù nhân có thể tham dự Thánh lễ.

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến các nhà thờ phải đóng cửa, các Thánh lễ trực tuyến đã có thêm lượng lớn người tham dự.

Với tình trạng khẩn cấp được ban bố, chương trình trở nên phổ biến và phù hợp hơn bao giờ hết. Ngoài ra, không chỉ có người Công giáo tham dự các Thánh lễ, nhà sản xuất chương trình nhận được ngày càng nhiều yêu cầu tìm hiểu thêm về đạo của những người không theo Công giáo sau khi tham dự một Thánh lễ.

UCA News cung cấp, Thánh lễ được phát từ nhà thờ chính tòa Thánh Gioan Vianney của Fairy Meadow ở Giáo phận Wollongong, phía nam Sydney, Úc. Việc phát Thánh lễ đã trải qua một chặng đường dài kể từ Thánh lễ đầu tiên vào năm 1971.

Đức Giám mục Brian Mascord của Giáo phận Wollongong nói rằng mặc dù đã có nhiều thay đổi trong 50 năm, nhưng Thánh lễ vẫn có tầm quan trọng đặc biệt. Thánh lễ đã mang lại nguồn nuôi dưỡng đức tin cho các gia đình cho đến ngày nay.

Chương trình hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 di động của Giáo hội Indonesia

Đức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo của Jakarta làm phép những chiếc xe phục vụ cho chương trình tiêm chủng di động
Đức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo của Jakarta làm phép những chiếc xe phục vụ cho chương trình tiêm chủng di động ngày 3/8. Ảnh: UCA News.

Một trung tâm Công giáo ở Jakarta đã khởi động chương trình tiêm chủng di động giúp đẩy nhanh phân phối vắc xin, đặc biệt là cho những người nghèo.

Chương trình tiêm chủng được phát động vào ngày 3/8. Trung tâm được thành lập bởi 3 trường Công giáo do các nữ tu Ursuline điều hành đã cung cấp 8 xe lưu động hỗ trợ tiêm chủng cho học sinh từ 12-18 tuổi và người nghèo.

Ðức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giám mục Jakarta kiêm chủ tịch HĐGM Indonesia, đã làm phép cho 7 xe ô tô và 1 xe cứu thương. Ngài khen ngợi sự sáng tạo của chiến dịch và coi đây là “thể hiện của lòng nhân ái” đối với anh chị em còn khó khăn.

Điều phối viên của chiến dịch cho biết trung tâm đã làm việc với Cơ quan Y tế Jakarta và các trung tâm y tế cộng đồng để phục vụ người dân. Bà cho biết đã có hơn 350 người được tiêm chủng trong ngày đầu của chiến dịch.

UCA News cung cấp thêm, Indonesia hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm Covid-19 với trung bình 50.000 ca dương tính mới và hơn 1.400 ca tử vong mỗi ngày.

Nhà âm nhạc học hy vọng tái tạo cây đàn organ cổ độc nhất vô nhị ở Bethlehem

Nhà âm nhạc và sử học David Catalunya
Nhà âm nhạc và sử học David Catalunya của đại học Oxford chụp ảnh cùng những ống đàn organ từ thế kỷ 12. Ảnh: CNS

Dường như bị đóng băng theo thời gian, 221 ống đàn organ nguyên bản còn lại từ Nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Bethlehem có thể lấp đầy lỗ hổng kiến thức của hơn 300 năm về lịch sử đàn organ cũng như bối cảnh văn hóa nhà thờ thời trung cổ, âm nhạc và kỹ thuật.

Nhà nghiên cứu âm nhạc và sử học David Catalunya tại Đại học Oxford cho biết: “Cây đàn organ này có từ thế kỷ 12 và là một mẫu vật độc nhất vô nhị trên thế giới”.

Anh đã dành thời gian ở Jerusalem vào mùa hè này để nghiên cứu sơ bộ về các đường ống đàn. Giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện phân tích kim loại, quét 3D, chụp CT. Mục đích dự án là để tái tạo các đường ống và các bộ phận bị thiếu để cây đàn có thể phát ra âm thanh một lần nữa sau 800 năm.

Theo CNS, các ống đàn, cùng với chuông và một số vật dụng lễ nghi khác đã được phát hiện trong một cuộc khai quật khảo cổ tại tu viện Phanxicô của Nhà thờ Chúa Giáng Sinh vào năm 1906. Những cổ vật này được đưa đến bảo quản và trưng bày tại Jerusalem.

Nhà nghiên cứu Catalunya cho biết, các ống đàn organ ở Bethlehem là cơ hội duy nhất để tìm hiểu về giai đoạn phát triển ban đầu của đàn organ trong văn hóa Kitô giáo, nhất là khi các bộ phận được biến đổi để thích nghi với kiến trúc và các nghi lễ trong nhà thờ.

Khánh Ly – WTGPHN