Tết tết đến rồi! – Suy niệm ba ngày Tết

Sau vụ Việt Á với test kit, trên mạng xã hội tràn lan bài nhạc chế “test test test, test nữa rồi” vui nhộn mà đắng chát. Nếu bạn vào google gõ từ “Việt Á”, sẽ ra cả đống thông tin, đọc mỏi cả mắt và đau cả đầu.

Những ngày gần Tết nghe nhạc xuân vui vẻ hơn. Ở nhà hay ra đường, đâu cũng nghe nhạc Tết, nhộn nhịp hơn cả là “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi; Tết đến trong tim mọi người”. Tết là những ngày hân hoan khởi đầu năm mới, cho cây nảy lộc, cho lá nhú mầm xanh, cho cành đơm hoa và cho cảnh vật khoác vào bộ áo mới trong ánh nắng tươi xinh. Tự xưa nay, là người Việt Nam, dẫu ở bất cứ nơi đâu vẫn xem trọng ngày Tết Nguyên Đán. Một năm làm lụng vất vả mưu toan cho cuộc sống; một năm xa gia đình bôn ba mọi nơi, ba ngày Tết Nhứt vui vẻ, đoàn tụ, mọi chuyện buồn phiền lo toan đời thường tạm gác sang một bên để mọi người cùng hưởng niềm vui đón xuân về, tết đến.Người Việt vui hưởng Tết và luôn nhớ về Tổ tiên ông bà cha mẹ, nhưng không quên nghĩ đến người nghèo, thương đến những người đã khuất núi.

Đối với người Kitô hữu, 3 ngày Tết là những ngày linh thiêng thể hiện lòng đạo sốt sắng trước Thiên Chúa toàn năng, trước các đấng bậc sinh thành, và không quên gói ghém mọi ước vọng chính đáng để chân thành dâng tiến như lễ vật đầu xuân. Tết không chỉ đến nơi cảnh vật, Tết còn đến trong tim mọi người.

1. Mồng Một đón nhận phúc lành của Chúa

Sáng Mồng Một, thánh lễ Minh niên, đến nhà thờ gặp nhau ai cũng rôm rã lời chúc mừng năm mới. Cha xứ chúc cộng đoàn, mọi người chúc mừng nhau những lời tốt đẹp. Những ngày tết đến thăm nhau, gia chủ mời ly trà ly rượu thân tình và cầu chúc những lời hay nhất: ơn thánh dồi dào, sức khỏe bình an, hạnh phúc thành đạt, làm ăn tấn tới. Hàng xóm thân quen, người này đến thăm người kia, rộn ràng vui vẻ, nén nhang thắp trên bàn thờ gia tiên, ly rượu đầu xuân mời nhau thân thiết, nói chuyện đầu năm nụ cười tươi nở. Đơn sơ mà ấm áp, thăm nhau chúc nhau mấy ngày xuân được xem như nghĩa cử ở đời thật đáng quý đáng trân trọng.

Tiếng Việt vốn phong phú nên lời chúc Tết cũng muôn hình vạn trạng, không cứng nhắc và không sáo ngữ. Ai cũng chọn lọc câu chữ tinh tế để người nghe cảm thấy vui lòng tin tưởng. Lời chúc làm cho tâm hồn cảm thấy thăng hoa hạnh phúc, niềm vui dâng tràn. Gặp nhau đầu năm mới, lời chúc Tết bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Ngày thường giận nhau ghét nhau thế nào đi nữa, nhưng Tết đến Xuân về mọi lời chúc đều trở nên chan hòa trân trọng tràn ngập yêu thương gắn bó mọi người, mọi gia đình trong giáo xứ. Lời chúc đầu năm trở thành văn hóa thẩm mỹ mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Đối với người Kitô hữu, Lễ Minh Niên là thời gian bừng lên cuộc gặp gỡ giữa nỗ lực và cậy trông, giữa quyết tâm dốc sức của con người và lòng cậy trông gắn bó với Thiên Chúa. Nếu ước vọng lớn nhất của con người là được hạnh phúc và nỗ lực dài lâu nhất là làm sao để đạt được hạnh phúc ấy, thì lựa chọn vững chắc nhất ngay từ phút đầu năm là hãy xin sự trợ giúp và phúc lành của Chúa. Vì thế, đứng trước một thời điểm đặc biệt như minh niên, với niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa là Chủ tể thời gian, Giáo Hội xin Chúa chúc lành cho các con cái của mình bằng những lời lẽ cảm động trong sách Dân Số: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và rủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,24-26).

2. Mồng Hai thể hiện lòng hiếu thảo

Tết là lễ hội của gia đình. Nhà cha mẹ trở nên ấm cúng thân thương. Con cháu quy tụ về vui mừng nói cười rộn rã. Con cháu thắp nén hương trước bàn thờ tiên tổ với tâm tình thành kính tri ân rồi thì thầm với các ngài những điều nguyện ước. Quây quần quanh ông bà cha mẹ để chúc thọ tỏ lòng thảo kính và đón nhận lời giáo huấn đầu năm.Tết còn liên kết người sống với người chết, hiệp thông con cháu với tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời. Nhiều người có thói quen đi tảo mộ những ngày trước Tết. Nhiều giáo xứ tổ chức Thánh lễ tại nghĩa trang để cầu nguyện cho những người thân yêu đã an nghĩ. Người ta tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu. Niềm tin đó có tác dụng tích cực giúp người sống luôn nhớ tới cội nguồn, sống hiếu thảo, ăn ở xứng đáng với dòng tộc của mình. Đạo lý ngày Tết tuyệt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn”, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Người Việt rất trọng lễ giáo, coi trọng sự bền vững gia đình với những tôn ti trật tự.Trong lễ giáo thì ân nghĩa là đầu tiên. Tôn kính tổ tiên là cách tỏ ân nghĩa đối với các vị tiên nhân,ông bà cha mẹ. Lúc các ngài còn sống,con cháu phải kính mến phụng dưỡng,vâng lời chiều ăn ở sao cho các ngài hài lòng. Khi các ngài qua đời, lo an táng tử tế, con cháu thờ kính, giỗ chạp hàng năm.Việc thờ cúng tổ tiên là mạch nước ngầm trong mát vẫn mãi nuôi sống và nối kết những tâm hồn Việt giàu tình trọng nghĩa.

Khi cha mẹ còn sinh thời, lòng hiếu thảo thường xuyên được diễn tả qua sự tôn kính mến yêu chăm sóc phụng dưỡng, và đặc biệt trong dịp đầu xuân qua việc chúc tuổi và đón nghe những lời giáo huấn nhủ khuyên. Nếu cha mẹ đã quá vãng, lòng hiếu thảo được thực hiện ở trong tim qua dòng chảy chung của việc kính nhớ tổ tiên hay qua tâm tình riêng của mỗi gia đình. Người chết chỉ thực sự qua đi khi người sống không còn nhớ đến họ, vì thế nhớ đến cha mẹ trong dịp Tết cũng chính là cách cầu nguyện cho các ngài và cũng là cách để mời các ngài hiện diện trong bầu khí sum họp gia đình. Ngoài ra, ta cũng có thể nói đến lòng hiếu thảo đối với các bậc tiền bối trong đức tin, như các nhà truyền giáo đã truyền đạt cho ta đức tin công giáo, như các vị chủ chăn đã để lại dấu ấn mục vụ trong lịch sử giáo xứ, giáo phận. Nhớ đến công ơn của các ngài là một tình cảm tốt lành, mong ước và nguyện cầu cho giáo xứ, giáo phận được vững bước đi lên.

Hiếu thảo chính là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình. Hiếu thảo làm nên bản sắc văn hoá người Việt. Như thế, tâm thức dân Việt rất gần với Tin mừng Đạo Chúa.

Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa đủ nói lên tính cách quan trọng của lòng hiếu thảo. Thánh Phaolô khẳng định, hiếu thảo là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Col 3,20).

Chính Chúa Giêsu là mẫu mực hiếu thảo với Cha, yêu mến Cha, vâng ý Cha, luôn làm đẹp lòng Cha. Là Ngôi Hai Thiên Chúa và với thân phận con người, trong vai trò làm con, Ngài đã thực hành đạo hiếu qua đời sống vâng phục cha mẹ của mình. Thánh Kinh ghi lại rằng sau khi hoàn tất công việc của Thiên Chúa tại đền thờ Giêrusalem: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Lc 2,51).  

Dưới ánh sáng đức tin, Đạo Hiếu thảo không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội mà còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Người Công Giáo thảo hiếu, kính trọng cha mẹ không chỉ theo ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, tâm lý, mà còn đặt trên niềm tin tôn giáo. Thảo kính cha mẹ là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.

3. Mồng Ba xin ơn thánh hoá công ăn việc làm

Trong những ngày đầu năm mới, ai cũng mong những điều may lành đến với bản thân và gia đình mình. Những điều may lành không chỉ là của cải vật chất hay sự bình an hạnh phúc, mà còn là những giá trị sống tốt đẹp nhằm hoàn thiện con người và nâng cao phẩm giá của họ. Trong số đó, lao động đã và đang góp phần tích cực vào việc kiến tạo đời sống. Kinh thánh kể lại, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa trao cho họ quyền cai quản vũ trụ. Ngài muốn con người cộng tác để làm cho thế giới ngày càng tươi đẹp hơn. Như thế, con người được vinh phúc thông dự vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Vinh phúc thì có những trách nhiệm cũng thật cao cả, mà sức lực con người thì yếu đuối nên con người rất cần được Thiên chúa đỡ nâng va chúc lành.

Mồng Ba Tết là ngày được dành riêng để cầu xin cho mùa màng hoa lợi trong năm gặp được mưa thuận gió hòa, cho công việc được thuận buồm xuôi gió. Theo truyền thống dân tộc, mồng ba Tết đã được khai triển rộng rãi hơn, vượt quá khuôn khổ của một lễ Cầu Mùa, để trở thành lễ xin Chúa thánh hóa và chúc lành công ăn việc làm trong năm mới.

Dù là công việc hay con người đảm trách công việc, tất cả đều cần đến ơn thánh hóa mong truyền đạt tình thương của Chúa đến với mọi người, như lời tổng nguyện của ngày lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần Kitô giáo, để công ăn việc làm trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa”.

Tóm lại, ba ngày thiêng liêng đầu năm mới, đối với người Kitô hữu, mồng một Tết gắn liền với giới răn thứ nhất “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”, mồng hai Tết mở sang giới răn thứ bốn “Thảo kính cha mẹ”, và mồng ba Tết xin ơn thánh hoá công việc. Sau khi đã diễn bày tâm tình phải có đối với Cha trên trời, chúng ta được mời gọi để đảm lĩnh những phận vụ đối đấng bậc cha mẹ trên trần gian. Cây có cội, nước có nguồn. Cội nguồn sự sống đời đời là Thiên Chúa, còn cội nguồn sự sống đời này là cha mẹ của mỗi người. Vì thế, lòng tin chẳng những không miễn chuẩn cho tín hữu khỏi những trách vụ nhân sinh, mà trái lại còn củng cố và gia tăng ý nghĩa, khiến những trách vụ kia được chu toàn về mặt tự nhiên, cũng được thánh hóa và nâng cao như là thực hiện cho chính Thiên Chúa vậy. Ngày Tết là dịp gia đình quây quần, con cái bên mẹ cha, cháu chắt bên ông bà, với những lời cầu chúc và với mâm cỗ đậm đà, nhưng chính yếu vẫn là thể hiện lòng hiếu thảo.

Tết đến với mọi Kitô hữu qua những ý nguyện cầu bình an cho người còn sống hay kẻ đã ra đi, mong tất cả đều hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

Tết Nhâm Dần đang về trên muôn lối. Cọp sẽ được Trâu bàn giao công việc dân gian trong 12 tháng sắp tới. Mặc dù không thuộc nhóm Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phụng), nhưng Cọp có dáng vẻ oai dũng và sức mạnh vô song, từng được tôn vinh là “chúa tể sơn lâm”. Cọp biểu tượng sức mạnh, dũng cảm, oai vệ như một chiến binh của rừng xanh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn trong 12 con giáp. Bên cạnh đó, Cọp còn thể hiện sự linh hoạt, uyển chuyển trong dáng đi, cách đứng, tướng nằm với một bộ mặt nhìn có vẻ bí hiểm và oai linh.

Cầu chúc mọi người khoẻ mạnh và bình an trong năm mới. “Ân Lộc Chúa tràn đầy Năm Mới – Hạnh phúc người trao khắp Tân Xuân”.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org